Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XI thường niên năm C

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XI thường niên năm C

CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN NĂM C
2Sm 12,7-10.13; Gl 2,16.19-21; Lc 7,36-8,3
SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC ƠN THA THỨ VÀ HOA TRÁI CỦA NÓ
“Tội bà rất nhiều nhưng đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47)

Con người yếu đuối nên dễ phạm tội, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa lại lớn lao hơn nên Người sẵn sàng thứ tha cho con người. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy để lãnh được ơn tha thứ của Thiên Chúa, con người cần biết ăn năn hối cải và sau đó cần phải có hành vi tương xứng đáp lại lòng thương xót của Thiên Chúa.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (2Sm 12,7-10.13)

Bối cảnh của bài đọc này là khi vua Đavít phạm tội ngoại tình với bà Bát Seva và còn lập mưu để giết chồng bà là Urigia, một tướng quân của nhà vua, để lấy bà làm vợ. Nhằm thực hiện âm mưu đó, vua viết lệnh sai tướng quân này vào vùng giao tranh ác liệt để mượn quân địch mà giết ông. Trong tình cảnh như thế, ngôn sứ Nathan đến lên án vua đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, và cho biết Đức Chúa sẽ trừng phạt vua. Được ngôn sứ Nathan cảnh tỉnh, vua đã nhận ra tội lỗi của mình đã xúc phạm đến Đức Chúa và tỏ lòng ăn năn sám hối khi thốt lên “Tôi đắc tội với Ðức Chúa” (x. 2Sm 12,13). Đức Chúa cũng chỉ cần có thế, vì vua Đavít tỏ lòng hoán cải nên Đức Chúa đã thứ tha tội lỗi cho vua: “Đức Chúa đã tha tội cho vua rồi, và vua sẽ không phải chết” (x. 2Sm 12,13).

Kinh nghiệm của vua Đavít cũng là kinh nghiệm của Dân Israel trong dòng lịch sử: đã bao lần Dân làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, phạm tội chống lại Người. Mỗi khi như thế, Đức Chúa đã sai các ngôn sứ hoặc gửi các hình phạt đến cảnh tỉnh Dân để họ biết ăn năn sám hối  mà quay trở về với Người. Thiên Chúa chỉ cần Dân sám hối ăn năn thì Người sẵn sàng thứ tha cho họ hết mọi tội khiên để cứu thoát họ. Chu trình tội-phạt-hối-cứu này đã được thần học trường phái Đệ nhị luật nhấn mạnh trong các bản văn Kinh Thánh Cựu Ước.

2. Bài đọc II (Gl 2,16.19-21)

Đoạn này đóng vai trò quan trọng trong thư Galát vì diễn tả nội dung chính của lá thư và hàm chứa một chủ đề thần học lớn của Thánh Phaolô: “chúng ta được nên công chính, nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm nhũng gì Luật dạy” (Gl 2,16). Trong bối cảnh Kitô hữu gốc Dothái nhấn mạnh đến việc tuân giữ Lề Luật, cụ thể là đòi buộc các Kitô hữu gốc Dân ngoại phải chịu cắt bì và tuân giữ Lề Luật, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh rằng những người Kitô hữu gốc ngoại này đã trực tiếp gặp gỡ Đức Kitô, đã được ơn cứu thoát, được nên công chính là nhờ tin, chứ không hệ tại vào các việc làm của Lề Luật Cựu Ước. Tuy  nhiên, một người đã được nên công chính nhờ tin, thì sẽ có lòng yêu mến, và vì yêu mến, người ấy sẽ tuân giữ Lề Luật, chứ  không phải việc giữ Lề Luật là điều kiện để được nên công chính như người Dothái vẫn nghĩ. Tư tưởng này được đề cập và đào sâu trong thư gửi tín hữu Rôma.

Khi lập luận như thế, Thánh Phaolô nhấn mạnh vào vai trò cứu độ của Đức Giêsu Kitô, qua cuộc khổ nạn, chết và phục sinh của Người. Phần con người, được cứu độ, được nên công chính là nhờ tin, chứ không phải nhờ làm các điều Lề Luật dạy. Dầu vậy, khi  đã được nên công  chính nhờ tin, thì sẽ nảy sinh ra lòng yêu mến, và vì yêu mến nên sẽ chu toàn Lề Luật, nhưng làm tất cả trong Đức Kitô, vì “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

3. Bài Tin Mừng (Lc 7,36-8,3)

Bài Tin Mừng này được đặt trong bối cảnh nói về thái độ con người tiếp đón Đức Giêsu. Cách người ta tiếp đón Đức Giêsu sẽ thể hiện mức độ họ tin Người là ai và hệ quả của lòng tin đó. Bài Tin Mừng này đề cao cách thể hiện lòng tin trong việc tiếp đón Đức Giêsu của người đàn bà tội lỗi đến rửa và xức dầu thơm vào chân Đức Giêsu trong bữa tiệc tại nhà ông Simon.

Ông Simon là một người Pharisêu, đã đón tiếp Đức Giêsu bằng cách mời Người vào nhà của mình để ăn tiệc. Hành động này cho thấy ông đã kính trọng Đức Giêsu, nhưng chỉ ở mức cho rằng Người có thể là một ngôn sứ (Lc 7,39). Tuy nhiên, ông Simon lại bỏ qua những nghi lễ truyền thống khi tiếp khách như không rửa chân cho vị khách, cũng không hôn chào khách (Lc 7,44-45). Niềm tin của ông vào Đức Giêsu chỉ có thế, nên ông cũng thể hiện được bấy nhiêu thôi trong việc tiếp đón.

Trong tình cảnh đó, có một người phụ nữ đi vào nhà ông, mà người phụ nữ này vốn là “một người tội lỗi trong thành” (Lc 7,37). Chị đã đến đứng phía chân Đức Giêsu mà khóc nức nở như một cử chỉ sám hối công khai. Sau đó chị đã bày tỏ niềm yêu mến và lòng biết ơn Đức Giêsu bằng cách: “lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người” rồi “lấy tóc mình mà lau” (Lc 7,38. 44), lại còn “hôn chân Người” và “lấy dầu thơm mà đổ lên chân” (Lc 7,38.45.46). Hành động táo bạo của chị làm cho những người chung quanh thắc mắc và có phần lên án vì chướng tai gai mắt. Tuy nhiên, trong tương quan với Đức Giêsu, chị đã vượt qua tất cả những rào cản mà hành động như thế để thể hiện lòng yêu mến Đức Giêsu. Hành động của chị có thể được hiểu theo hai cách dựa theo văn phạm:

- Hành động này là nguyên nhân để được tha tội: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, vì chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47). Như thế, hành động này là một cử chỉ sám hối, như trong trường hợp của Đavít trong bài đọc 1, để được tha thứ.

 - Hành động này là kết quả của việc được tha tội: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, nên chị đã yêu mến nhiều”. Như thế, hành động này là một hoa trái của hành vi sám hối. Chị đã tin vào Đức Giêsu và được Người tha tội, nên bây giờ chị tỏ lòng yêu mến qua một hành động xứng đáng với ân huệ tha tội mà chị đã nhận được. Cách hiểu này phù hợp với tinh thần của thánh Phaolô trong bài đọc 2.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Ăn năn hối cải để được thứ tha. Thân phận con người là mỏng dòn yếu đuối, dễ sa ngã và phạm tội, nhưng Thiên Chúa vẫn tìm cách gửi những sứ giả hay những biến cố nào đó đến để cảnh tỉnh con người ý thức về tình trạng tội lỗi của mình để con người biết sám hối ăn năn mà được thứ tha. Chúng ta có ý thức được rằng trong cuộc sống, có khi Thiên Chúa gửi đến chúng ta những lời khiển trách nghiêm khắc như trong trường hợp của vua Đavít, hay những đau khổ nào đó là giúp chúng ta ý thức tội lỗi của mình, biết ăn năn hối cải quay về mà được thứ tha hay không? Thánh Thomas Carlyle khẳng định rằng “không nhận ra lỗi lầm là lỗi lầm lớn nhất của mọi lỗi lầm”. Chúng ta có biết rằng Thiên Chúa không chấp vì chúng ta đã phạm tội, nhưng sẽ chấp vì chúng ta đã không biết hoán cải để được tha thứ hay không?

2. Được thứ tha là nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, nhưng được thứ tha nhiều nên phải yêu mến nhiều. Chúng ta được thứ tha, được nên công chính là nhờ lòng tin, chứ không phải do những việc làm. Có khi nào chúng ta quá chú trọng vào những hoạt động bề ngoài mà quên mất chiều sâu đức tin trong đời sống đạo hay không? Chúng ta có lưu ý rằng nếu một người có đức tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu Kitô và có lòng ăn năn hối cải, sẽ được thứ tha mọi tội lỗi; và vì được thứ tha nên sẽ dẫn tới yêu mến, vì yêu mến sẽ thúc đẩy mình hành động tương xứng với ân huệ thứ tha mà mình đã nhận được, như thánh Augustinô nói “ama et fac quod vis / cứ yêu mến rồi làm gì cũng được” hay không?

3. Lòng bao dung thương xót sẽ giúp người ta thay đổi cuộc đời. Đức Giêsu đến trần gian để thực hiện sứ mạng cứu độ con người, nhất là người tội lỗi. Tội lỗi của con người dù có nặng đến mấy đi nữa vẫn được thứ tha, vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Đức Giêsu nhấn mạnh đặc tính này qua các dụ ngôn được Tin Mừng theo thánh Luca thuật lại trong chương 15: con chiên lạc, đồng bạc bị mất và Người Cha nhân hậu; và chính Đức Giêsu đã thể hiện lòng thương xót này qua hành động khoan dung tha thứ cho người phụ nữ tội lỗi nặng nề trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Chúa không xét đoán bên ngoài theo dư luận của đám đông dân chúng đối với người phụ nữ mà thấy rõ tấm lòng hối cải của chị ở bên trong để thứ tha. Vì chính hành vi bao dung này đã làm cho người phụ nữ này thay đổi cuộc đời. Thiên Chúa đến tìm kiếm người tội lỗi để thứ tha, nhưng ngược lại, có khi nào chúng ta xét đoán người khác, đã cản trở hay thậm chí loại bỏ một số người nào đó ra khỏi chương trình cứu độ của Thiên Chúa hay không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót, Người luôn yêu thương và sẵn sàng tha thứ khi người tội lỗi lầm lạc biết sám hối quay về. Chúng ta hãy trông cậy vào lòng thương xót Chúa và tin tưởng dâng lời cầu xin.

1. Chúa Giêsu đã trao quyền tha tội và ban phát ân sủng cho Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn biết gắn bó và noi gương Thầy Chí Thánh, luôn mang dung mạo hiền lành nhân hậu của Người khi thực thi sứ vụ.

2. Hận thù và bạo lực đang là nguy cơ gây ra những bất ổn xã hội tại nhiều nơi. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới luôn ý thức và nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ công lý và gìn giữ hòa bình.

3. Chúa Giêsu nói với người phụ nữ “Tội con đã được tha rồi.” Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang sống trong tình trạng tội lỗi, được ơn Chúa thức tỉnh, biết hồi tâm quay về với Thiên Chúa để đón nhận ơn tha thứ và vui sống trong an bình.

4. “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn xác tín như thánh Phaolô, mỗi ngày trở nên giống Đức Kitô hơn trong lối sống yêu thương tha thứ.

Chủ tế: Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết can đảm tránh xa dịp tội và luôn sống theo thánh ý Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top