Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Vọng - Năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Vọng - Năm C

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG - NĂM C
Mk 5,1-4a; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45

Chủ đề:
MONG CHỜ
ĐẤNG ĐEM LẠI NIỀM VUI CỨU ĐỘ

Vì này đây,
tai tôi vừa nghe tiếng em chào,
thì đứa con trong bụng
đã nhảy lên vui sướng

(Lc 1,45)

Chỉ còn không đầy năm ngày nữa, các tín hữu Công Giáo sẽ long trọng mừng Đại Lễ Con Thiên Chúa Giáng Trần. Trong bầu khí rộn ràng chờ mong thời khắc đặc biệt này của Năm Phụng Vụ, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại những đoạn Kinh Thánh đậm màu hy vọng và chứa chan niềm vui. Cả ba bài đọc Phụng Vụ Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm C đều qui hướng về Ngôi Hai Nhập Thể, trình bày ba nét chính sau đây liên quan đến Người:

1/ Về nguồn gốc của Người: có từ thời trước, từ thuở xa xưa (Mk 5,1).

2/ Trong tương quan với Thiên Chúa: Thiên Chúa cho xuất hiện Đấng thống lãnh Israel (Mk 5,1); Người dùng quyền năng và uy danh của Thiên Chúa mà chăn dắt đàn chiên của Người (Mk 5,3); Người đến trần gian để thực thi thánh ý Thiên Chúa (Dt 10,7).

3/ Trong tương quan với dân Israel và muôn dân: Người là vị thống lãnh Israel (Mk 5,1); Người là vị Mục Tử đích thực, là chính nguồn bình an cho muôn dân (Mk 5,3-4a); Người là Đấng mang lại niềm vui cho những ai mở lòng ra đón nhận Người (Lc 1,43-44); Người đã hiến thân mình làm lễ tế, mang lại ơn cứu độ cho muôn người (Dt 10,10).

Ngoài ba nét chính mang tính tổng hợp trên đây, chúng ta hãy cũng tìm hiểu thêm một số điểm cụ thể trong từng bài đọc Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm C, để từ đó chúng ta hi vọng có thể rút ra một số điểm áp dụng vào cuộc sống trong Mùa Vọng này.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1: Mk 5,1-4a

Ngôn sứ Mikha tiên báo về một Vị Lãnh Đạo dân Chúa xuất thân từ Bêlem, một thành thật nhỏ bé trong đất Giuđa. Lời tiên báo về Vị Lãnh Đạo có xuất thân “khiêm tốn” không phải là điều chi quá lạ lẫm đối với những ai đang chờ mong sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa. Thật vậy, trong thánh ý quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa, nhiều người, vốn dĩ có thân thế rất bình thường dưới con mắt người thế, đã nổi lên như những vị lãnh đạo tài ba, xuất chúng trong dân Israel.

Chúng ta lại chẳng nhớ thủ lãnh Giđêôn đã từng thưa gì với Chúa sao? Khi được trao sứ mạng cứu dân Israel khỏi tay quân Mađian, ông đã từng thưa với Chúa: “Ôi thưa Ngài, con lấy gì mà cứu Israel? Này dòng họ con thấp kém nhất trong chi tộc Manasseh, mà con lại nhỏ nhất trong nhà cha con” (Tl 6,15). Nhưng thân thế của Giđêôn đâu phải là trường hợp ngoại lệ. Vua Đavit nổi danh sau này cũng từng chẳng phải là một đứa trẻ chăn chiên trước khi được ngôn sứ Samuel xức dầu phong vương đó sao (1Sm 16,11-13)?

Ở đây cũng vậy, Đấng thống lãnh Israel và là Mục Tử đích thực của muôn dân, mà theo đức tin Công Giáo của chúng ta, không ai khác hơn là Đức Giêsu Kitô, qua lời tiên báo của ngôn sứ Mikha, cũng có xuất xứ rất khiêm tốn. Tân Ước còn cho chúng ta biết, sau này, cái chết của Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể trên thập giá cũng đầy nhục nhã, ê chề trước mặt người đời. Nhưng đấy lại là cách thức lạ lùng Thiên Chúa dùng cứu độ con người: Người bày tỏ quyền năng tuyệt đối của mình nơi những gì tưởng chừng như nhỏ bé trước mắt người phàm. Nhưng đối với những ai có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Trần, thì đằng sau nét nhân thân khiêm tốn kia, là nguồn gốc thần linh của Người: Người có “từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5,1). Người là Vị Thống Lãnh Israel, là Vị Mục Tử đích thực chăn dắt đàn chiên bằng quyền năng của Đức Chúa, bằng uy danh của Đức Chúa, Thiên Chúa của Người.

Trong Cựu Ước, vua Đavit là người mục tử theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: ông là người chăn giữ đàn chiên của cha mình, nhưng ông cũng là vua của Israel, là “mục tử” chăn dắt Israel. Tư cách mục tử của vua Đavit phản ánh phần nào hình ảnh của Thiên Chúa YHWH, là Vị Mục Tử đích thực và tối cao của Israel (x. Mk 2,12; 4,6-8; Tv 23; Ezek 34). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu xác nhận Người là vị “Mục Tử Nhân Lành”. “Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên” (x. Ga 10,1-18). Nói theo lời ngôn sứ của Mikha, thì nhờ Người, “đàn chiên” của Người, hay muôn dân sẽ được an cư lạc nghiệp, vì chính Người là chính nguồn bình an (x. Mk 5,3-4a).

2. Bài đọc 2: Dt 10,5-10

Thư gửi tín hữu Do-thái nhìn cả cuộc đời của Đức Giêsu Kitô như tiếng xin vâng tuyệt vời trước thánh ý cứu độ của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Theo tinh thần của đoạn Kinh Thánh này, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, luôn sẵn lòng thực thi thánh ý Thiên Chúa. Cả cuộc đời Người là lời khiêm tốn thân thưa với Chúa Cha: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con (c7). Người đã hiến thân mình làm lễ tế mang lại ơn cứu độ cho muôn dân. Hiến tế ấy chỉ một lần là đủ để cứu độ nhân loại (c10).

Chúa Giêsu Kitô đã từng dạy chúng ta biết thân thưa với Chúa Cha qua lời kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời ...” (Mt 6,9-10). Nhưng Người dạy chúng ta không chỉ mong ước “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, mà còn phải nỗ lực thi hành thánh ý ấy. Kẻ biết thi hành thánh ý Thiên Chúa được kể là người thân của Chúa Giêsu, vì chính Người từng minh định “phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50). Người thi hành thánh ý của Thiên Chúa mới đáng hưởng Nước Trời: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể không chỉ dạy chúng ta biết thi hành thánh ý của Thiên Chúa, hơn ai hết, chính Người là tấm gương tuyệt vời cho những ai đang nỗ lực thi hành thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Thi hành thánh ý Thiên Chúa chính là của ăn nuôi sống Người: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34; x. Ga 5,30; 6,38). Việc này diễn ra không phải chỉ vào những lúc cuộc đời có vẻ “lặng gió”, nhưng còn xảy ra vào thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong Vườn Cây Dầu, Người đã thân thưa với Chúa Cha một cách quả cảm: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26,42). Có thể nói được, đối với Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, việc thi hành thánh ý Chúa Cha chính là nguyên lý hướng dẫn cuộc đời và sứ mạng của Người.

3. Bài Tin Mừng: Lc 1,39-45

Được đặt trong khung cảnh chuẩn bị mừng Đại Lễ Giáng Sinh, bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta nghiệm thấy một điểm quan trọng về Con Thiên Chúa Làm Người: Người xuất hiện, đem lại niềm vui cứu độ trào dâng cho những ai mở lòng ra đón nhận Người và sống cho Người.

Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết, không chỉ bà Elizabeth vui sướng khi được Thân Mẫu Ngôi Hai Thiên Chúa đến thăm, mà cả đứa con trong lòng bà cũng “nhảy lên vì vui sướng” (cc.41.44). Một điều khá thú vị là Tân Ước chỉ ghi nhận 3 trường hợp xuất hiện của động từ skirtao [nhảy lên (vì vui sướng)]. Cả ba trường hợp chỉ xuất hiện trong Tin Mừng Luca mà thôi. Hai trường hợp đầu được dùng để nói về niềm vui đặc biệt của Gioan Tẩy Giả khi được nghe lời chào của Đức Trinh Nữ Maria, lúc này Gioan vẫn còn là thai nhi trong lòng mẹ (x. Lc 1,41.44). Trường hợp cuối cùng xuất hiện ngay sau mối phúc dành cho những ai “vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa” (Lc 6,22). Thật vậy, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6,23).

Nói tóm lại, ngay lúc khởi đầu của mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Trần đã mang lại niềm vui lớn lao cho Gioan và mẹ ngài. Có thể nói được đó chính là niềm vui cứu độ dành cho Gioan và mẹ ngài. Gioan đã diễn tả niềm vui lạ thường ấy bằng hành vi “nhảy lên trong lòng mẹ” – một hành vi độc nhất vô nhị trong toàn bộ Kinh Thánh. Nhưng Gioan sẽ không phải là người duy nhất đón nhận được niềm vui cứu độ do Ngôi Lời Nhập Thể đem đến. Niềm vui này sẽ lan tỏa đến nhiều người. Bất cứ ai vì Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, mà bị người đời oán ghét, khai trừ, sỉ vả, và bị loại sổ, đều xứng đáng “nhảy lên [vì vui sướng]” vì phần thưởng Đấng Cứu Độ dành cho họ trên thiên quốc.

II. GỢI Ý SUY TƯ PHẢN TỈNH

1/ Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người có ý nghĩa gì đối với tôi? Mầu nhiệm này có thiết thân đối với cuộc sống của tôi không? Thiết thân đến mức độ nào?

2/ Qua lời tiên báo của ngôn sứ Mikha, Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ sinh ra tại Bêlem, một thành nhỏ bé thuộc chi tộc Giuđa. Trong cuộc sống của mình, tôi có nghiệm thấy rõ nét về cách thức lạ lùng Thiên Chúa đang thực hiện trong thế giới này: Người biểu lộ quyền năng mạnh mẽ của Người qua những gì có thể bị xem là nhỏ bé, bình thường dưới mắt nhiều người. Tôi có thể nêu ra được những thí dụ cụ thể không?

3/ Ngôi Hai Thiên Chúa làm người mang lại niềm vui cho những ai mở lòng ra đón nhận Người và sẵn lòng sống cho chính Người, theo những giá trị Tin Mừng mà Người loan báo. Ngoài những phân tích trong bài gợi ý, tôi còn nghiệm thấy hài nhi Gioan còn nhảy lên vui sướng vì những lý do gì khác? Những yếu tố nào trong Mùa Giáng Sinh năm nay khiến tôi cũng cần phải “nhảy lên vì vui sướng”?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta để loan báo mùa hồng ân cứu độ. Với tâm tình biết ơn và cảm mến, chúng ta cùng khẩn khoản cầu xin:

1. Chúa trao cho Hội Thánh sứ mạng đem tin mừng cứu độ đến cho gia đình nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho Hội Thánh là hiền thê của Chúa Kitô luôn là dấu chỉ ơn cứu độ của Thiên Chúa giữa thế giới.

2. Trên thế giới vẫn còn nhiều người đói khổ và không được sống đúng với phẩm giá của mình. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo các quốc gia luôn khích lệ và thể hiện tinh thần chia sẻ và phục vụ.

3. Thiên Chúa mời gọi mọi người cộng tác vào công trình cứu độ của Người. Chúng ta cùng cầu xin cho các kitô hữu luôn nhiệt tâm trong sứ vụ cao cả ấy bằng lời cầu nguyện, gương lành và việc bác ái.

4. Ðức Maria là tấm gương đón nhận, cưu mang và trao tặng Ngôi Lời. Chúng ta cùng cầu xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết noi gương Mẹ chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh trong tinh thần dấn thân khiêm tốn.

Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn mạch niềm vui cứu độ, xin nhận lời chúng con tha thiết cầu nguyện, và hướng dẫn chúng con luôn biết sống trọn niềm tin - cậy - mến trong khi hân hoan đón mừng ngày Con Chúa ngự đến. Người là Thiên Chúa hằng sống hằng trị muôn đời.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top