Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY A
1 Sm 16,1b.6-7.10-13a; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41
ÁNH SÁNG ĐỨC KITÔ
“Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng;
mà ánh sáng đem lại tất cả những gì
là lương thiện, công chính và chân thật.”
(Ep 5,8b-9)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I
Sau khi vua Saun bị Thiên Chúa gạt bỏ, ngôn sứ Samuen tỏ ra buồn rầu, thương tiếc cho vị vua tiên khởi của Israen (1 Sm 16,1a). Thiên Chúa thể hiện sự quan tâm của Ngài đối với dân Israen bằng cách cẩn thận tuyển chọn và chuẩn bị cho dân một vị vua khác, một vị vua lẫy lừng trong lịch sử dân Chúa.
Câu chuyện tuyển chọn vua Đavít cho thấy tầm quan trọng của Samuen trong vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Samuen được Thiên Chúa sai đi để thực hiện điều Ngài muốn và Samuen đã vâng theo cách trung thành. Để có thể làm theo ý Thiên Chúa, chắc hẳn Samuen phải có khả năng nghe được “tiếng nói” của Ngài. Lắng nghe, hiểu và trung thành thực hiện điều Thiên Chúa muốn vì lợi ích của dân Chúa là những phẩm chất cần thiết của một vị trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ngài.
Qua câu chuyện Thiên Chúa tuyển chọn vua Đavít, chúng ta nhận thấy rằng cách nhìn nhận và đánh giá của Thiên Chúa không giống với con người vì “người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16,7). Những gì xem ra nổi bật, những gì có thể thấy được cách dễ dàng bên ngoài lại không phải là tiêu chuẩn chọn lựa của Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, những phẩm chất sâu kín bên trong tâm hồn đáng giá hơn gấp bội phần những gì hời hợt bên ngoài. Chắc hẳn việc Thiên Chúa chọn Đavít gây ngạc nhiên cho nhiều người, ngay cả những người thân cận nhất. Quả vậy, người được Thiên Chúa chọn lựa không nằm trong sự tính toán của con người.
2. Bài đọc II
Thánh Phaolô dùng hình ảnh bóng tối và ánh sáng để so sánh tình trạng giáo đoàn Êphêxô trước và sau khi tin vào Đức Kitô. Nhờ đức tin và phép rửa, Kitô hữu được thoát khỏi bóng tối tội lỗi và u mê để bước vào ánh sáng (x. 1 Tx 5,4-8; Rm 13,12-14). Trong Chúa Kitô, Kitô hữu trở nên ánh sáng, nghĩa là chiếu tỏa những gì là thánh thiện, công chính và chân thật (Ep 5,8-9); đồng thời Kitô hữu được mời gọi ăn ở như con cái của ánh sáng, là tìm kiếm những gì đẹp lòng Thiên Chúa (Ep 5,10).
Hơn nữa, một khi sống như con cái ánh sáng, Kitô hữu được mời gọi xa lánh bóng tối và một mặt, đừng cộng tác với những việc làm vô ích của con cái bóng tối, mặt khác, cần vạch trần những việc làm đen tối, lén lút ấy ra nữa (Ep 5,11). Để xua tan bóng tối, Kitô hữu cần phải chiếu tỏa ánh sáng như những ngọn đèn (x. Mt 5,14-16), như những nguồn sáng (Pl 2,15) ở giữa thế gian.
Chính Đức Kitô là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian để chiếu soi mọi người (Ga 1,9). Một khi có ánh sáng của Đức Kitô tỏ rạng thì bóng tối cũng vì đó mà dần bị đẩy lùi (1 Ga 2,8). Trong ánh sáng phép rửa của Đức Kitô, những người đang ngủ mê trong bóng tối được đánh thức, những người ở dưới sự kềm tỏa của tội lỗi và cái chết, được ánh sáng của Đức Kitô làm cho trỗi dậy (Ep 5,14).
3. Bài Phúc Âm
Bài Phúc Âm là một câu chuyện cảm động mà ngang qua đó tác giả Phúc Âm thứ tư chuyển tải những điểm thần học quan trọng.
Câu hỏi của các môn đệ, “thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù?” (Ga 9,2) đặt ra một vài vấn nạn. Phải chăng bệnh tật thể lý là hậu quả của tội lỗi? Phải chăng được tha tội có nghĩa là được chữa lành khỏi bệnh tật? Trong Phúc Âm Nhất Lãm, Chúa Giêsu đã từng chữa người bại liệt bằng cách tha tội cho anh ta (Mc 2,1-12; Mt 9,1-8; Lc 5,17-26). Tuy nhiên, ở đây Chúa Giêsu khẳng định rõ ràng, “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa nơi anh” (Ga 9,3). Công trình nào vậy?
Câu chuyện cho thấy sự bi đát của người phải sống trong tình trạng mù lòa. Trong suốt câu chuyện này, tác giả Phúc Âm thứ tư đã sử dụng đến mười ba lần tính từ dùng để chỉ tình trạng mù lòa của con người (tuflos/tufloi). Ở đây ta thấy có sự đối nghịch đến vô lý: “sự mù lòa” của người bị mù từ khi mới sinh và cả “sự mù lòa” của người sáng mắt. Nếu như anh chàng mù từ khi mới sinh khao khát được thấy ánh sáng, thì những người sáng mắt không cho là mình “bị mù” nên không khát khao ánh sáng, không khát khao được thấy; họ không những không muốn thấy mà còn dựa vào luật ngày Sabát để ngăn cản sự khát khao ánh sáng của người khác.
Đối nghịch với tình trạng “mù lòa” là tình trạng “thấy”. Thánh sử dùng hai động từ Hy Lạp để diễn tả tình trạng “thấy” hoặc “cho thấy”: blêpô (9 lần) và anablêpô (7 lần). Dù sự “mù lòa” là một thực tại không thể tránh, thì khát khao được “thấy” cách mãnh liệt của anh mù, dù phải vượt qua bao trở ngại, đã được Đức Giêsu “cho thấy”. Thì ra không phải cứ “muốn thấy” là có thể “thấy”, hoặc cứ sáng mắt là có thể “nhìn thấy” mà là được chính Đấng là ánh sáng (Ga 8,12; 9,15) “cho thấy” mới được.
Sự mù lòa không hẳn phát xuất từ nguyên nhân của tội, nhưng sống trong sự mù lòa là đang bị tội lỗi che lấp ánh sáng. Không phải tội lỗi của anh ta hay của ai khác làm cho anh ta bị mù, nhưng tình trạng “mù” của anh là vì anh đang sống trong sự kềm tỏa của tội; tình trạng “mù” như thế xảy ra ngay cả khi không có khiếm khuyết về thị giác, “mù” cả khi đang sáng mắt. Không phải vì tội dẫn đến tình trạng mù lòa về thể lý, nhưng kẻ tưởng mình sáng mắt, tưởng mình trong sạch mà không cần ánh sáng thì vẫn sống trong tình trạng đui mù, tình trạng tội lỗi.
Nhờ nước của Đấng được sai phái (Silôác) thanh tẩy mà anh mù từ khi mới sinh được nhìn thấy. Công trình của Thiên Chúa là cuộc chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối: cũng như ánh sáng xua tan bóng tối, nhờ quyền năng của Đức Giêsu mà bóng tối tội lỗi bị đẩy lùi.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1/ Thiên Chúa có thể nhìn thấu suốt tâm can con người và luôn đánh giá cao những phẩm chất của tâm hồn. Trong Mùa Chay, các Kitô hữu được mời gọi ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái theo tinh thần Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 6,1-18). Mùa Chay đã qua đi nửa chặng đường, phải chăng tôi đã quên lời mời gọi này? Hay tôi chỉ sống lời mời gọi này với những hời hợt bên ngoài để mưu cầu sự tán dương, khen ngợi của người đời, hơn là để Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ ân thưởng cho tôi?
2/ Thánh Phaolô mời gọi chúng ta sống như con cái của ánh sáng, là sống thánh thiện, công chính và chân thật. Tôi có đang sống trong bóng tối để lẩn tránh ánh sáng của Đức Kitô? Tôi có chọn sống như con cái ánh sáng? Tôi có để cho ánh sáng của Đức Kitô biến đổi con người tôi mỗi ngày để nên thánh thiện hơn, công chính hơn, chân thật hơn?
3/ Sự mù lòa về thể lý gây đau khổ cho con người có khiếm khuyết về thị giác, sự mù lòa về tinh thần làm cho con người không nhận ra ánh sáng của Đức Kitô. Phải chăng tôi bị “mù” dù vẫn sáng mắt? Tôi có để cho ánh sáng của Đức Kitô thanh tẩy tôi khỏi mọi vẩn đục trong tâm hồn, để tôi bước đi trong ánh sáng của Người?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nhờ bí tích Rửa tội trong Đức Kitô, tất cả chúng ta được đưa vào trong ánh sáng và trở nên con cái sự sáng, có bổn phận chiếu tỏa những gì là thánh thiện, công chính và chân thật cho thế gian. Với tâm tình tạ ơn và quyết tâm sống ơn gọi làm con cái Thiên Chúa, chúng ta cùng cùng hiệp ý cầu nguyện:
1. Đức Kitô là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian để chiếu soi mọi người. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hàng Giám mục, các Linh mục, cùng mọi thành phần trong Hội Thánh luôn tích cực loan báo Đức Kitô Ánh Sáng cho thế giới hôm nay qua các hoạt động của mình.
2. Anh mù thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Ngài, tôi tin” rồi sấp mình thờ lạy Người. Chúng ta cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết tôn trọng và yêu mến sự thật trong khi điều hành đất nước, để người dân có cơ hội đón nhận Tin Mừng cứu rỗi và tự do sống theo ơn gọi làm môn đệ của Đức Kitô.
3. Xã hội hiện đại đang bị che khuất bởi bóng tối của gian dối, bất công và bạo lực. Chúng ta cầu nguyện cho những ai đang sống trong bóng tối hoặc là nạn nhận của bóng tối biết nhận ra tình trạng của mình, luôn tích cực đẩy lui sự dữ bằng cách tránh xa và can đảm lên án những việc làm đen tối.
4. Kitô hữu được mời gọi sống như con cái ánh sáng ở giữa thế gian. Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình và mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết sống Phúc-Âm-hóa trong môi trường và hoàn cảnh của mình bằng đời sống tốt lành thánh thiện, luôn yêu chuông công bình và tích cực thực thi bác ái.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, xin thương nhận những nguyện ước chân thành của chúng con, và ban Thánh Thần giúp chúng con biết sống trọn ơn gọi làm con cái Chúa và là ánh sáng ở giữa thế gian. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Thiếu Nhi Thánh Thể hạt Bình An khai giảng khóa huấn luyện huynh trưởng cấp 1- 2025
-
Giáo hạt Gia Định hành hương Năm Thánh -
Thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2025 -
Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Lễ Đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn 24-12-2024 -
Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm -
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023