Phục Sinh - Ý nghĩa của những tấm vải liệm
TGPSG/fr.aleteia.org ----Từ những dấu chỉ nhỏ nơi ngôi mộ trống đến ánh sáng lớn của đức tin Phục Sinh
Có lẽ bạn đã để ý: các tác giả Tin Mừng đặc biệt chú trọng đến những tấm vải liệm khi kể lại việc Đức Giêsu sống lại. Sự chú ý này không phải là ngẫu nhiên, mà là một chi tiết có ý nghĩa sâu xa, giúp chúng ta khám phá một số khía cạnh quan trọng của Mầu nhiệm Phục Sinh. Dưới đây là một vài ánh sáng để suy niệm.
Phải chăng để hiểu được Mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta cần phải “hiểu” ý nghĩa của những tấm vải liệm? Quả thật, trong các trình thuật về sự phục sinh của Đức Giêsu, các tác giả Tin Mừng không thể không nhắc đến hình ảnh của những tấm vải liệm.
Ba Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi lại sự hiện diện đặc biệt của những vải vóc quần áo: với Matthêu, đó là một thiên thần “y phục trắng như tuyết” (Mt 28,3); với Máccô, đó là “một người thanh niên mặc áo trắng” (Mc 16,5); và với Luca, đó là “hai người… y phục sáng chói” (Lc 24,4). Những chi tiết này không chỉ đơn thuần là mô tả, mà còn gợi lại biến cố Hiển Dung, khi Đức Giêsu tỏa sáng trong vinh quang trên núi, một dấu chỉ về sự vinh hiển của Người trong cái chết và phục sinh. Và chính màu trắng ấy, tinh khiết và rực rỡ, là dấu chỉ của sự sống - sự sống vượt thắng bóng tối của tử thần.
Tuy nhiên, ngoài những hình ảnh y phục vài vóc này, một chi tiết quan trọng không thể bỏ qua là những tấm vải liệm. Chính Luca cũng thêm vào một chi tiết đặc biệt ở phần cuối trình thuật: “Ông Phêrô liền đứng dậy, chạy đến mộ. Ông cúi xuống nhìn, chỉ thấy những băng vải. Ông ra về, lòng đầy ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra” (Lc 24,12). Theo các nhà chú giải, câu này là một tóm tắt của trình thuật sáng Phục Sinh mà thánh Gioan kể lại một cách chi tiết hơn. Tác giả Tin Mừng thứ tư quả thật có một cái nhìn rất tỉ mỉ về các băng vải dùng trong tục lệ mai táng của người Do Thái.
(Theo truyền thống Do Thái, người chết được quấn bằng băng vải, thường kèm theo các loại hương liệu, và khăn che đầu là một phần riêng biệt - xem Ga 19,40.)
Có phải xác Đức Giêsu đã bị lấy đi?
Chi tiết này được thánh Gioan đề cập trước tiên trong trình thuật về sự phục sinh của Ladarô: “Đức Giêsu lớn tiếng gọi: ‘Anh Ladarô, hãy ra ngoài!’ Người chết bước ra, chân tay còn quấn băng vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: ‘Cởi khăn và băng vải ra, để anh ấy đi’” (Ga 11,43-44). Rồi khi kể lại việc an táng Đức Giêsu, Gioan viết: “Họ lãnh lấy thi hài Đức Giêsu và lấy băng vải mà liệm, cùng với trầm hương, theo tục lệ mai táng của người Do Thái” (Ga 19,40).
Và đặc biệt, chi tiết ấy trở thành trung tâm trong trình thuật Phục Sinh: Gioan, người đến mộ trước tiên, “cúi xuống, nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào”; sau đó, ông Phêrô đến, “vào trong mộ, thấy những băng vải còn ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu, không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi”; cuối cùng, Gioan bước vào, “ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,5-8).
Trong trình thuật này - vốn được đọc mỗi năm vào Chúa Nhật Phục Sinh - những băng vải gần như đóng vai trò trung tâm. Không phải vì chính chúng quan trọng, nhưng vì những gì chúng phản ánh về sự kiện phục sinh. Dù có nhiều tranh luận về bản văn gốc, nhưng điều quan trọng là sự so sánh giữa hai nhân vật: Ladarô, người được trả lại sự sống tạm thời nhưng vẫn bị trói buộc trong băng vải, và Đức Giêsu, Đấng đã được liệm nhưng thân xác Người nay đã biến mất, chỉ còn lại những băng vải được đặt trong một trật tự kỳ lạ. Nếu xác Đức Giêsu bị lấy đi, thì hẳn người ta cũng mang đi luôn cả băng vải.
Thiên Chúa đã tháo gỡ con người mãi mãi
Đây là một bài học lớn về đức tin. Gioan nhìn thấy và tin. Dựa trên một dấu chỉ hợp lý - sự sắp xếp bất thường của băng vải - ông chọn tin vào Thiên Chúa và vào những lời Đức Kitô đã loan báo. Một hành động hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ trái tim yêu thương vô biên. Dù ông Phêrô cũng thấy cùng một điều, nhưng ông vẫn chưa tin - ít nhất là chưa phải ngay lúc đó.
Một ánh sáng khác đến từ sự đối chiếu giữa Ladarô và Đức Giêsu. Sự khác biệt giữa “sự sống” mà người bạn của Đức Giêsu được trao lại và “sự sống đời đời” mà Đức Giêsu bước vào là gì? Trong trường hợp của Ladarô, con người vẫn còn bị trói buộc bởi tội lỗi và cái chết. Còn đối với Đức Giêsu, Thiên Chúa đã hoàn toàn giải thoát dân Người khỏi tội lỗi và sự chết. Người đã tháo gỡ - đã cởi trói - con người khỏi xiềng xích tội lỗi. Vĩnh viễn, vì tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa.
Một mầu nhiệm huy hoàng nhưng khôn dò: Mầu nhiệm Phục Sinh
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cũng bắt gặp những “băng vải” - những dấu chỉ tưởng chừng tầm thường nhưng có thể mở ra ánh sáng đức tin. Điều quan trọng là biết dừng lại, chiêm ngắm và tin tưởng. Như Gioan, chúng ta được mời gọi nhìn - và tin.
Tác giả: Valdemar de Vaux
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ fr.aleteia.org
bài liên quan mới nhất

- Đức Thánh Cha Phanxicô mang thông điệp thương xót đến cho Châu Phi
-
Đức Thánh Cha Phanxicô là vị mục tử mang “mùi chiên” -
Những phụ nữ đem dầu thơm: Những chứng nhân đầu tiên của Chúa Phục Sinh -
Chúa nhật Phục Sinh: Chứng nhân của ngôi mộ trống -
Tại sao Thánh lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh được cử hành vào buổi tối? -
Các thánh đều từng là tội nhân và mọi tội nhân đều được mời gọi nên thánh -
Chẳng lẽ chính con sao? -
Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh -
Những người giữ bình an nơi cổng nhà thờ -
Bài giảng Chúa nhật Lễ Lá 2025 của Đức Thánh Cha
bài liên quan đọc nhiều

- An tử và Trợ tử trong Giáo lý Công Giáo
-
Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh -
Tại sao người Công giáo lại che các thánh giá và ảnh tượng trong Mùa Chay? -
Phẩm giá của mỗi nhân vị và các quyền con người -
Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay -
Chọn ngôn sứ Giêrêmia đồng hành với bạn trong mùa Chay -
Ba mầu nhiệm làm nên phẩm giá con người -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa -
Về Tuyên ngôn “Dignitas infinita” -
Những người giữ bình an nơi cổng nhà thờ