Phỏng vấn ĐHY Gioan Baotixita về mục vụ Di dân tại Tổng Giáo phận Sài Gòn

Phỏng vấn ĐHY Gioan Baotixita về mục vụ Di dân tại Tổng Giáo phận Sài Gòn


WGPSG -- THẦY PHÓ TẾ THUẦN (TỔNG GIÁO PHẬN OSAKA) PHỎNG VẤN ĐHY GB. PHẠM MINH MẪN VỀ MỤC VỤ DI DÂN TẠI TGP SÀI GÒN, 26.4.2012


1. Kính thưa ĐHY, với chức vụ là Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ Di Dân của HĐGMVN, xin ĐHY chia sẻ cho chúng con vài nét về hiện tình di dân trong TGP của ĐHY.

Trong TGP Sài Gòn, có 2 triệu di dân nội địa từ Bắc chí Nam. Trong số đó có đến 10% là Công giáo. Ngày 1.5.2012 sắp tới có 2 GM Phát Diệm và Thanh Hoá đến sinh hoạt với người di dân gốc Phát Diệm và Thanh Hoá đang học hành, lao động trong Thành phố này.

2. Với con số 2 triệu di dân hiện đang học tập hoặc đang lao động trong TGP, ĐHY đã có những cách thế nào để nâng đỡ, đồng hành và hướng dẫn họ trong sinh hoạt đời thường cũng như trong đời sống đức tin?

Về mặt đời, nhiều năm về trước, người di dân góp phần quan trọng làm ra nhiều sản phẩm, nhưng không có sổ hộ khẩu cư trú trong Thành phố, không hưởng những phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế như người có hộ khẩu trong TP. Tôi có lưu ý chính quyền về tình trạng bất công đó. Thời gian sau đó, với vài điều kiện cần thiết, như có việc làm, có nơi trọ, họ được cấp sổ hộ khẩu.

Về mặt đạo, định hướng của Giáo Hội về Mục vụ Di dân là cộng đoàn Công giáo trong TGP phải trở nên bước đầu là chiếc tàu ông Noe, chuyên chở người di dân đi đến một đời sống ổn định hơn, an toàn hơn, và bước kế tiếp là trở nên giếng nước đầu làng, giếng nước Giacóp đầu làng Samari, nơi đó người di dân tìm gặp nguồn nước hằng sống từ Đấng cứu độ, sau đó biết chia sẻ lại cho nhau và cho người khác.

Để có khả năng thực hiện định hướng đó, gia đình giáo dân là Giáo Hội tại gia, dòng tu và giáo xứ là GH tại cộng đoàn, các tổ chức mục vụ giáo phận là GH tại địa phương, tất cả cần theo chỉ dẫn của Đại hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010, nỗ lực chung sức xây đắp Giáo Hội tại Việt Nam:

- thành GH mầu nhiệm (sống trọn tình hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha trên trời),

- thành GH hiệp thông (sống vẹn nghĩa huynh đệ hiệp thông, liên kết và tương trợ lẫn nhau là con một Cha),

- thành GH sứ vụ (sống tình làng nghĩa xóm, bác ái huynh đệ, đồng cảm và chia sẻ với đồng bào và đồng loại là anh em một nhà, một ngôi nhà chung toàn cầu hoá hôm nay).

Để sống tình bác ái huynh đệ đó, cộng đoàn công giáo trong Thành phố, từ nhiều năm nay, có nhiều sáng kiến đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần, tâm linh của người di dân nhập cư trong Thành phố này... Tạo điều kiện cho họ có chỗ ăn ở lành mạnh, mở những trung tâm tư vấn, dạy nghề, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, cung cấp nước uống miễn phí, tổ chức những sinh hoạt chung, nhóm, hoặc cộng đồng, liên kết họ lại với nhau trong tinh thần tương thân tương trợ, vừa để giúp nhau thăng tiến, vừa để bảo vệ nhau khỏi vướng vào những tệ nạn xã hội...

3. Theo chúng con được biết, chuyến viếng thăm mục vụ lần này của ĐHY là để củng cố và thắt chặt sự hiệp thông và tình liên đới giữa hai Giáo Hội Nhật Bản và Việt Nam. Trong tương lai ĐHY sẽ có dự kiến nào cho anh chị em di dân Việt Nam tại Nhật Bản cũng như cho người Công giáo Nhật Bản trong TGP của ĐHY?

Muốn sinh sống, làm ăn, học tập tại một xã hội khác, người di dân cần phải hội nhập văn hoá vào xã hội tiếp nhận mình. Mục vụ di dân có nhiệm vụ giúp đỡ người di dân hội nhập lành mạnh và an toàn, không đánh mất truyền thống văn hoá lành mạnh của mình. Có những nét văn hoá của mình có thể góp phần làm phong phú nếp sống văn hoá của đất nước mình đang sinh sống.

Do đó người Công giáo Việt Nam tại Nhật Bản vừa cần sự chăm sóc của Giáo Hội tại Nhật Bản, vừa cần sự quan tâm giúp đỡ của linh mục Việt Nam tại Nhật Bản. Người Công giáo Nhật Bản tại Việt Nam cũng thế. Tôi có chia sẻ điều đó với Đức TGM Chủ tịch HĐGM Nhật Bản và Đức GM Chủ tịch Uỷ Ban MV Di dân của HĐGM Nhật Bản.

4. Sau ít ngày thăm viếng mục vụ, ĐHY đã gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi và cử hành Thánh lễ cho một số cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Nhật Bản, ĐHY có cảm nghiệm gì?

Tôi cảm thấy có nhu cầu mở rộng những nhịp cầu hiệp thông giữa 2 Giáo Hội Nhật Bản và Việt Nam, giữa các GM Nhật Bản và GM Việt Nam, giữa các dòng tu Nhật Bản và Việt Nam, nhằm chung lòng, chung ý, chung sức với nhau chu toàn sứ vụ Tân Phúc Âm hoá đất nước và thế giới hôm nay.

5. Sau cùng, xin ĐHY vui lòng cho anh chị em di dân hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản những lời chỉ dạy.

Tôi cầu mong mọi người Công giáo VN - giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ - quan tâm đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa là Cha trên trời, của Giáo Hội là Mẹ trong trần gian:

- Hãy không ngừng đổi mới con tim, cởi bỏ lối sống của con người cũ chỉ theo bản năng sinh tồn và lòng tham sân si, hãy để Chúa Thánh Thần soi đường dẫn lối cho mình bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Đấng Cứu Độ trần gian (x. Ez 36,26; Ep 4,15-24...).

- Hãy Phúc Âm hoá đời sống, đưa ánh sáng và sức sống của Lời Chúa, đưa những giá trị Tin Mừng, giá trị nhân bản, đạo đức vào trong đời sống gia đình, nghề nghiệp, văn hoá, xã hội, chính trị... (x. Thông điệp ngày Truyền Giáo, của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, tháng 1.2012). Đưa ánh sáng và những giá trị đó vào trong mọi việc làm cụ thể, như :

+ việc tu thân luyện đức, giáo hoá con người;

+ việc tề gia, chăm lo cho gia đình, cho cộng đoàn, các tổ chức đạo đời;

+ việc trị quốc, quản trị một tập thể, một tổ chức, một công ty, xí nghiệp;

+ việc bình thiên hạ, đem lại bình an thịnh vượng cho nhà nhà, cho gia đình nhân loại hôm nay.

Lời kết

ĐHY Glemp, Giáo chủ Ba Lan, cách đây hơn ba năm có đến thăm tôi tại Sài Gòn này. Ngài cùng Giáo Hội Ba Lan, đã trải qua 3 chế độ, trước cộng sản, cộng sản và sau cộng sản. Qua trao đổi với nhau suốt một buổi chiều và tối, tôi nhận ra Giáo Hội trong chế độ nào cũng gặp những khó khăn thử thách, đồng thời trong chế độ nào Thiên Chúa cũng yêu thương dân Người, biến những gian khổ thử thách thành cơ hội cho người trung thành tin Chúa và bước đi trong đường lối của Chúa, tiến đến nguồn sống mới, nguồn sống dồi dào trong yêu thương và bình an.

Kết thúc buổi gặp gỡ và chia sẻ với Ngài về tình hình xã hội và đời sống Giáo Hội, tôi xin Ngài một lời khuyên. Ngài chỉ vắn tắt lặp lại lời Thánh Phaolô nhắn nhủ giáo đoàn của mình là: "Hãy kiên trì và chuyên cần cầu nguyện". Tôi hiểu chuyên cần cầu nguyện ở đây có nghĩa là thường xuyên lắng nghe tiếng Chúa nói với ta qua mọi hoàn cảnh và biến cố, là thường xuyên mở rộng cả hai van tim của lòng đạo đón nhận và chia sẻ cho nhau các ân ban của Thánh Thần, ơn soi sáng, ơn hiểu biết, ơn khôn ngoan, ơn sức mạnh, ơn hiệp thông, ơn đổi mới... Mọi nơi mọi lúc, người người đều cần các ơn đó. Xin mọi người nhớ cầu cho nhau và cho tôi cũng được như vậy.

Phụ chú: Nhờ Cha Thân cùng Thầy Thuần dịch sang tiếng Nhật, và phổ biến cho các cộng đoàn công giáo Nhật Bản có người công giáo Việt Nam cùng sinh sống.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top