Phỏng vấn Cha Trưởng ban Mục vụ Di Dân

Phỏng vấn Cha Trưởng ban Mục vụ Di Dân

WGPSG -- Vào ngày bế mạc Tuần lễ Di Dân 13-1-2013, Cha Trưởng ban Mục vụ Di Dân đã dành cho Trang web TGP.TPHCM một cuộc phỏng vấn ngay tại nơi tổ chức Lễ Bế mạc là Trung tâm mục vụ TGP.TPHCM với những câu hỏi và trả lời như sau:

Di dân là 1 trong 15 thách đố lớn được Đại hội toàn thể FABC lần thứ 10 đưa ra thảo luận một cách đặc biệt vào cuối năm 2012 tại Toà Giám mục Giáo phận Xuân Lộc. Cha đã đồng hành với di dân trong suôt 10 năm qua. Vậy theo kinh nghiệm của cha, điều gì đã khiến vấn đề di dân trở thành thách đố lớn như thế?

Như Đức Giáo Hoàng đã nói, có một sự di chuyển của một số rất đông con người. Sự di chuyển đó sinh ra nhiều hệ luỵ ảnh hưởng đến những người di dân, những người ở lại và những người đón tiếp.

Ví dụ như tại TP.HCM, có 2.2 triệu người di cư vào trong thành phố để tìm công ăn việc làm hoặc học hành. Sự di chuyển đó ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, đời sống tinh thần và cả tình cảm của người di dân cũng như những người tiếp nhận và gia đình của họ.

Theo cha, những khó khăn nào của di dân cần được quan tâm, và Giáo Hội đã làm được gì để giúp họ vượt qua những khó khăn này?

Di dân có những khó khăn đặc biệt về kinh tế, tình cảm và đời sống tâm linh. Họ cần được đón tiếp để có thể sống thích nghi với nơi họ đến, đồng thời giữ được lòng đạo đức cố hữu cũng như tăng trưởng thêm đời sống đức tin trong cuộc sống mới. Giáo Hội tại TP.HCM đã đồng hành với di dân, nỗ lực giúp họ họ giữ vững niềm tin, phát triển niềm tin và trở thành người mang niềm tin đến cho những người họ gặp gỡ.

Di dân cũng đóng góp rất nhiếu cho những nơi họ đến sinh sống và hoạt động. Theo cha, những đóng góp đó là gì? Xã hội cũng như Giáo Hội cần phải có thái độ nào đối với những đóng góp của họ?

Di dân đóng góp rất nhiều cho những nơi họ đến. Thí dụ, họ có vai trò quan trọng trong việc sản xuất những mặt hàng xuất khẩu của thành phố (35%).

Đối với Giáo Hội, những anh chị em di dân cũng đang đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trong những ngày tết, khi các anh chị em di dân về quê, nhiều nhà thờ trống rỗng và nhiều ca đoàn hay đoàn thể gần như ngưng trệ, không hoạt động được. Các em di dân đóng vai trò quan trọng trong nhiều ca đoàn, nhiều đội Legio Mariæ, nhiều công tác ở các giáo xứ. Các em di dân rất tích cực giúp đỡ cho những sinh hoạt các giáo xứ được phát triển, nên tôi nghĩ xã hội và giáo hội cũng cần ghi nhận những công lao của anh chị em di dân và biết ơn họ.

Tuần lễ học hỏi từ ngày 6 đến ngày 12 tháng 1 năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 10 năm đồng hành cùng với di dân, sẽ mang lại những lợi ích nào?

Theo chúng tôi thì trong tuần lễ di dân lần này, Giáo Hội muốn nói với anh chị em di dân là Giáo hội yêu thương, quan tâm và muốn phục vụ anh chị em di dân. Giáo hội muốn nói: Giáo hội luôn đồng hành với anh chị em di dân, nhất là trong đời sống nội tâm, đời sống thiêng liêng.

Thí dụ, những anh chị em mới đến, còn lạ nước lạ cái, chưa biết xí nghiệp, chưa biết nơi tạm trú, nơi thuê mướn, thì Ban Di Dân có thể giúp đỡ họ qua việc giới thiệu những nhà trọ hợp tác, giá rẻ, ổn định. Và những chủ nhà trọ đó có thể cho các em tự do đi sinh hoạt.

Chúng tôi cố gắng giúp các em thích nghi với những sinh hoạt đạo đức trong hoàn cảnh mới, hội nhập được vào những sinh hoạt trong Giáo hội địa phương mà các em đến.

Rồi chúng tôi giúp các em hoà nhập được với nhau. Đây là một chuyện khó. Các em ở nhiều miền đất nước với những phong tục tập quán khác nhau, sống hoà hợp được với nhau là rất khó. Ban mục vụ Di Dân nối kết các em lại để các em có thể đồng cảm với nhau, hiểu nhau và cùng nhau phát triển trong đời sống đức tin và luân lý. Nếu sống riêng lẻ, các em dễ bị nhiều cám dỗ; nhưng sống tập thể có sự nâng đỡ, những nguy cơ tệ nạn sẽ bớt đi rất nhiều.

Giáo phận thành phố muốn các em có thể hội nhập được với Giáo hội địa phương, với giáo xứ, với những cộng đoàn các em đang sinh sống. Nếu các em có điều kiện ở lại, các em sẽ trở thành những thành viên mới của các cộng đoàn giáo xứ này. Nếu trở về quê, các em sẽ là người mang về những điều học hỏi được ở thành phố của chúng ta, giúp cho đời sống đức tin được phát triển tại quê nhà của họ.

Điều mong ước lớn nhất của những người di dân ở thành phố Hồ Chí Minh là gì? Và Giáo hội đáp ứng lại điều đó như thế nào?

Tôi nghĩ, di dân mong ước ổn định được về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần và đạo đức. Các em muốn có một nếp sống bảo vệ được đức tin của mình. Các em cũng muốn có những người đồng hành với mình trong đời sống đức tin. Các em muốn đời sống đức tin của mình ngày càng trưởng thành hơn.

Giáo Hội đáp ứng những ước muốn này qua những sinh hoạt mục vụ di dân, mà tôi đã lược qua trên đây. Nhờ những chăm lo đó, các em nhận ra được là Giáo Hội quan tâm đến các em, Giáo Hội yêu thương các em, Giáo Hội muốn phục vụ các em và Giáo Hội muốn các em trở nên tốt hơn.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top