Phóng sự ‘Tình yêu và Nước lũ’

Phóng sự ‘Tình yêu và Nước lũ’

Phóng sự ‘Tình yêu và Nước lũ’

TGPSG -- Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, Sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp… (Dc 8,7)

CHUYỆN KHỦNG KHIẾP

Vào khoảng 10 giờ đêm sau lễ Giáng Sinh năm 2007, tại huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng, anh Minh - chị Phượng cùng 3 đứa con và một số bạn bè đang ăn mừng Giáng Sinh vui vẻ. Bỗng có tiếng gọi từ ngoài cổng vọng vào: “Minh ơi, Minh!”. Minh đứng dậy, ra mở cửa. Cửa vừa hé mở, một nhóm người xông vào, lôi Minh ra sân và dùng dao đâm chém Minh liên hồi. Anh ngã xấp xuống đất, dàn dụa máu, la hét dữ dội rồi bất tỉnh.

Chị Phượng và 3 đứa con trong nhà vội chạy ra thì nhóm côn đồ đã thoát chạy. Bạn bè cùng một số anh chị em vội đưa Minh đi bệnh viện Đức Trọng. Nhưng anh đã tắt thở sau khi đến bệnh viện chưa đầy một tiếng đồng hồ.

Khi anh Minh được an táng xong, cảnh sát mới phát hiện    ra một sự thật khủng khiếp: Lên kế hoạch giết anh Minh lại chính là vợ anh cùng với sự cộng tác của bố vợ và 3 em gái! Họ đã cấu kết với nhau thuê một nhóm côn đồ ra tay giết Minh với giá 50 triệu đồng.

Vụ việc xảy ra đã đưa gia đình Phượng đến chỗ tan nát. Chồng chết, Phượng bị tù 20 năm, bố Phượng và các em tù 10 năm. Đứa con gái lớn 12 tuổi được đưa vào Viện Trẻ Em tỉnh Lâm Đồng. Đứa con trai 2 tuổi được bà nội đưa về Đà Nẵng nuôi. Còn bé Út Liên 3 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh và bệnh đao không tìm được nơi trợ giúp, cuối cùng được Mái Ấm Mồ Côi Hoa Hồng Củ Chi do các nữ tu Đaminh Gò Vấp nuôi dưỡng.

Trước đây, nhìn bên ngoài, gia đình anh Minh - chị Phượng rất êm đẹp nên ít có ai nghĩ trong nhà lại có “sóng thần”. Có đôi lần tôi nghe anh Minh tâm sự: “Dạo này thấy Phượng có nhiều biểu hiện khác thường, hay gắt gỏng, la lối, giận hờn và nhiều lúc buồn chán mà không biết phải làm gì nên uống rượu để giải khuây!” Còn chị Phượng thỉnh thoảng cũng nói với tôi: “Anh Minh kỳ này cứ im im, ít nói và uống rượu nhiều. Thỉnh thoảng anh quát tháo chị, do vậy, có lúc buồn buồn, mình bỏ nhà đến ở với Ngoại mấy ngày mới về…”

Giữa hai người đã có sự rạn nứt mỗi ngày một lớn hơn, nhưng họ không ngồi lại để cùng nhau giãi bày nỗi niềm. Họ đã không tìm cách hàn gắn lại sự hiệp nhất yêu thương cần có trong gia đình.

Ban  đầu  mọi sự đã thật tốt. Chị Phượng là một người đạo gốc có truyền thống đạo hạnh, còn anh Minh là người đạo Phật. Anh theo đạo của chị vì yêu Phượng mặc dù gia đình không đồng ý, chống đối mạnh mẽ. Thế mà không ngờ sau này, chị Phượng, vì giận chồng lâu ngày hay vì một lý do nào đó, đã quên luật Chúa, mất cả tình yêu, rồi hẳn là đã bị ma quỷ xúi giục đến mù cả lý trí, nên đã thực hiện kế hoạch giết chồng cho khuất mắt! Khủng khiếp hơn nữa, Phượng còn thuyết phục được cả bố và 3 em gái tham gia vào tội ác với mình, để rồi cùng bị tù tội với nhau.

Quả là “nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp…”, nhưng khi không biết nuôi dưỡng tình yêu, để cho tình yêu phai tàn dần, và để cho những bất bình lâu dài biến thành những căm ghét, căm hận, thì mọi điều rùng rợn nhất đều có thể xảy ra.

Vụ việc này đã làm cho gia tộc anh Minh không còn một chút thiện cảm nào với những người đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, hình ảnh các nữ tu tận tụy chăm sóc các cháu bé bị bỏ rơi cũng phần nào tạo nên ấn tượng khó quên trong lòng người mẹ của Minh mỗi khi bà đến thăm bé Liên, cháu nội của bà, tại Mái Ấm Hoa Hồng Củ Chi. 

CHUYỆN “TÌNH XÓM ĐẠO”

Có một mối tình ‘dị giáo’ khác, tươi sáng hơn: chuyện anh Thiên và chị Thy. Thiên quen Thy trong một lần tình cờ cùng đi thăm các trẻ mồ côi. Sau đó, qua những lần tiếp xúc, anh biết chị đã có một con nhỏ nhưng chưa lập gia đình. Không biết có phải “gái một con trông mòn con mắt” hay không, nhưng từ lúc gặp Thy, anh không thể quên được chị. Những cuộc điện thoại hỏi thăm ngày một tăng lên, anh nhận ra mình không thể thiếu chị trong cuộc đời.

Thy là người Công giáo còn Thiên không theo đạo nào, nhưng những lần đến nhà thăm Thy, Thiên rất thích những buổi lễ trong xóm đạo của chị. Anh thấy mọi người trong xóm chị rất hài hòa, quý mến nhau chân thành. Tình làng xóm của những người nơi đây đã tạo nên nhiều thiện cảm trong anh. Sau 2 năm tìm hiểu, bất chấp tình cảnh ‘mẹ đơn thân’ của chị, anh muốn được học giáo lý Công giáo để được chính thức gia nhập đạo giống chị. Anh muốn được đến với chị trong nghi thức linh thánh, và được sự chúc phúc của Đấng mà anh tin là đã thu xếp cho anh gặp chị. Họ đã sống với nhau thật hạnh phúc.

Quả đúng là đâu đó trong cuộc sống, ta vẫn thấy những tình yêu thật đẹp nơi những người được Thiên Chúa thúc đẩy đi đến với nhau. Tuy không cùng tín ngưỡng, nhưng những người tìm đến với nhau bằng tình yêu chân thành và thường xuyên nuôi dưỡng tình yêu của mình, họ sẽ có được hạnh phúc thật viên mãn dài lâu bên nhau, vì “nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp…”

CHUYỆN “TÌNH KẺ NGOẠI ĐẠO”

Bà Thư - Ông Phong là đôi vợ chồng từ miền quê sông nước xa xôi lên vùng Gia Kiệm - Đồng Nai lập nghiệp.

Trước đó, dù hai ông bà ngày đêm lam lũ, mò cua, bắt ốc, lặn lội tối ngày trong dòng sông lạnh lẽo nhưng vẫn không đủ nuôi gia đình nhỏ của mình gồm hai vợ chồng và 3 đứa con.

Khi lên Gia Kiệm làm vườn làm rẫy thì may mắn hơn, tuy cũng vất vả, nhưng đời sống của gia đình họ đã không đến nỗi quá “chật vật” như trước.

Điều đặc biệt là, cứ mỗi sáng khi mặt trời chưa ló dạng, vùng nương rẫy này lại vang lên những tiếng chuông linh thiêng từ mái gác cao cao giữa xóm; âm thanh đẹp như những lời mời gọi ngọt ngào, khiến bà Thư lấy làm lạ lắm. Ngày xưa ở vùng sông nước xa xôi mịt mờ, bà chưa từng được nghe những tiếng chuông như thế.

Tiếng chuông không leng keng, nhưng ngân vang trong bầu khí êm đềm của mỗi đầu ngày, âm vọng mãi trong tim bà.

Rồi một ngày không thể kềm được trí tò mò, khi đang làm việc ngoài rẫy, bà gác công việc lại, mon men đi tới nơi từng vẳng ra tiếng chuông tại mái gác cao cao. Bà đến và trông thấy gác chuông của một ngôi thánh đường. Hỏi những người gần đó, bà mới biết rằng mỗi sáng có tiếng chuông là để báo hiệu cho những người theo đạo Công giáo đi đến thánh đường tham dự thánh lễ.

Chưa hiểu thánh lễ là gì, nhưng trên đường về nhà, bà luôn nhẩm đi nhẩm lại những lời người giáo dân kia kể cho mình: đến tham dự thánh lễ, có cha làm lễ, có các nghi thức, cha sẽ bẻ bánh và chúc bình an cho mọi người, mọi người được đón nhận Chúa qua tấm bánh... Bà muốn mình cũng được như những người giáo dân kia. Bà muốn được ăn bánh có Chúa. 

Bà giấu chồng, mỗi ngày thay vì đi làm về lúc tối mịt, thì nay mỗi chiều bà về sớm hơn, đến ngôi thánh đường bà tìm gặp một người gọi là “cha xứ”. Bà xin cha xứ dạy cho bà biết đọc kinh giống những người giáo dân của cha. Bà xin cha cho bà học giáo lý để bà được biết Chúa. Một thời gian học hỏi với vị linh mục, bà xin cha cho bà gia nhập làm con cái Chúa. Giờ đây bà hiểu được Chúa quan trọng thế nào trong cuộc đời bà. Bà cần Chúa mỗi ngày; mỗi sáng bà đến gặp Chúa và rước Chúa trong thánh đường trước khi đi làm việc.

Biết mình có Chúa, bà hạnh phúc lắm, nhưng lại lo cho chồng con của mình chưa biết Chúa là ai. Bà xin cha xứ chỉ cách để bà giúp chồng con có được đức tin như mình. Với sự chỉ dẫn tận tình của cha, mỗi ngày bà tìm mọi cách để cho chồng con cảm nhận được một Đấng Rất Thánh đang hiện diện trong tổ ấm của họ. Bà lần hạt Mân Côi mỗi ngày. Những lời cầu xin của bà đã làm đẹp lòng Thiên Chúa. Gia đình bà đã theo đạo và trở thành những người Công giáo tốt lành.

Đứa con gái của bà theo học cao đẳng sư phạm ở Sài Gòn. Trong một lần về thăm gia đình, con bà xin bà cho phép đi tìm hiểu Ơn gọi vì em muốn giống các chị đang học cùng khóa với em. Em muốn tìm hiểu nếp sống của các chị, vì cách sống của các chị ở nơi trường lớp đã cho em ấn tượng rất đẹp. Bà Thư vui lắm vì nhận ra đây là hồng ân mà Chúa dành tặng cho gia đình bà. Con gái bà đã gia nhập vào Dòng Đa Minh. Hằng ngày, bà và chồng vẫn siêng năng tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho con gái theo Chúa trọn đời.

Sau 5 năm theo đuổi Ơn gọi, con bà bây giờ đã được mặc áo dòng, được tham gia các hoạt động của nhà dòng. Với sự dấn thân và vâng phục, con bà đang đi học nơi xa để mong với kiến thức nhận được sẽ giúp ích cho sứ vụ sau này.

Tình yêu Thiên Chúa thật lạ lùng nơi gia đình bà Thư - ông Phong, đã khởi đi chỉ với tiếng chuông nhà thờ mà mời gọi họ đến được với Ngài. Và cho dù khó khăn của đời họ có dữ dội như nước lũ hay sóng cồn đi nữa, thì “nước lũ vẫn không dập tắt nổi tình yêu, và sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp…”

Lớp Phóng Sự MVTT 2019 (TGPSG)

 

Top