Nét đẹp và sức sống của một xứ đạo miền xa

Nét đẹp và sức sống của một xứ đạo miền xa

Nét đẹp và sức sống của một xứ đạo miền xa

TGPSG -- Kết thúc chương trình thần học ở Sài Thành, tôi được Hội Dòng sai về thực tập mục vụ (giúp xứ) tại một xứ đạo ngoài miền Trung, thuộc Giáo phận Hà Tĩnh trong bối cảnh đại dịch Covid 19 vừa tạm lắng.

Đây là một xứ đạo được tách từ xứ mẹ Quý Hòa, tiền thân là giáo họ Đồng Nại được Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp thành lập vào ngày 3-4-2019 với tên gọi là giáo xứ Đồng Hòa, dưới sự coi sóc của cha sở tiên khởi Giuse Trần Sỹ Chung, Dòng Thánh Tâm Huế.

Giáo xứ có tổng số giáo dân hiện 917 người, nằm ở vùng ven biển, cách quốc lộ 1A khoảng 5 km về hướng Đông Bắc, thuộc thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù gần biển nhưng người dân ở đây làm nghề xây dựng, một số đi lao động nước ngoài và làm nghề sản xuất muối vào mùa nắng (làm nại).

Sau những ngày cách ly y tế vì sợ mang “cô 19” từ Sài Gòn ra, tôi được cha quản xứ giới thiệu trước cộng đoàn giáo xứ trong nhà thờ. Sau đó, Hội đồng Mục vụ (HĐMV), các Hội đoàn, đại diện 16 tổ đọc kinh liên gia, giới Hiền mẫu, ban Giới trẻ và các em Thiếu nhi đến chào thăm.

Tôi bắt đầu làm quen với môi trường mới, các sinh hoạt và các chương trình mục vụ ở nơi đây. Tuy có những điều còn khá mới lạ chẳng hạn như ngôn ngữ địa phương: mô tê răng rứa chộ mô mồ, cái gầu thì bảo cái đài, ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi… Mới đầu hơi khó hiểu nhưng càng nghe càng thấy hay, nghe quen rồi đi cũng thấy hấn nhớ có lẹ…  Dù thế nào đi nữa thì tôi cũng đã kịp thích nghi và làm quen, bởi người dân nơi đây rất chất phác, hiền lành và rất nhiệt tâm với công việc nhà Chúa.

Năm thực tập mục vụ (giúp xứ) quả là thời gian quý báu đối với các ứng sinh linh mục. Tuy có vất vả đôi chút nhưng đây là thời gian cần thiết để quan sát và trải nghiệm thực tế, làm hành trang cho sứ vụ mai ngày, vì từ lý thuyết đến thực hành, từ nguyên tắc đến thực tế, đôi khi còn có một khoảng cách rất lớn. Vì thế tôi muốn ghi lại ở đây một vài cảm nhận của bản thân tại xứ đạo mà tôi được sai đến để thực tập mục vụ.

Tham dự Thánh lễ hằng ngày

Điều đầu tiên tôi cảm thấy rất ấn tượng đó là lòng đạo sốt sắng của người dân nơi đây thể hiện nơi việc tham dự Thánh lễ hàng ngày. Thật vậy, cứ mỗi sáng vào lúc 4g, tiếng chuông nhà thờ thánh thót ngân vang cả một khung trời, mời gọi mọi người nhanh chân đến nhà để hiệp dâng Thánh lễ. Sau khoảng 15 đến 20 phút, mọi người từ già tới trẻ lần lượt đến nhà thờ đông đủ, trang nghiêm và sốt sắng đọc kinh hằng ngày.

Đặc biệt là các em nhỏ khoảng độ 5 tuổi trở lên, với quần áo chỉnh tề, được các anh chị huynh trưởng và các giáo lý viên hướng dẫn vào nhà thờ đọc kinh và tham dự thánh lễ rất nghiêm trang. Đôi khi thấy các em còn buồn ngủ hay ngủ gật vì phải dậy sớm, nhìn khuôn mặt các em thấy tội nhưng rất dễ thương và chắc chắn Chúa cũng vui lòng vì các em được “ngủ trong Chúa”.

Thánh lễ sáng tuy dù là của những ngày thường, nhưng về mặt tổ chức và phụng vụ vẫn được chuẩn bị rất cẩn thận chu đáo, từ giờ giấc, người xướng kinh, phòng thánh, lễ sinh, ca đoàn, người đọc Lời Chúa, người đọc lời nguyện chung, thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa… Chưa hết, sau Thánh lễ, mọi người đều ở lại để đọc 10 kinh Mân Côi rồi mới về.

Bản thân tôi được cha quản xứ giao phụ trách một số công việc, cụ thể như sau…

Ca đoàn giáo xứ

Ca đoàn giáo xứ với khoảng 50 ca viên, gồm cả người lớn và trẻ em. Bình thường mỗi tuần sẽ tập 2 hoặc 3 buổi tối, nhưng nếu trong tuần có lễ kính hoặc lễ trọng thì sẽ tập nhiều hơn.

Đặc biệt, vào các dịp lễ lớn như Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán, Phục Sinh, Tuần Chầu Đền Tạ… thì phải  tập ít là một tháng, mỗi tối ít nhất một tiếng rưỡi, từ 19g30 đến 21g00.

Tốn nhiều thời gian như thế, nhưng nhờ sự cộng tác nhiệt tình của các anh chị phụ trách cùng với lòng yêu mến và sự nhiệt tâm phục vụ của tất cả các ca viên, mọi người đều sẵn lòng dành thời gian đi đến tập hát. Có những anh chị đi làm về chưa kịp ăn tối nhưng vẫn đến tập hát.

Điều đáng ghi nhận nữa là vào những dịp đại lễ, có những người dù đang đi làm hay học tập ở xa, vẫn cố gắng sắp xếp công việc để về tập hát và phục vụ Thánh lễ.

Hơn nữa, mặc dù có những buổi tối tập hát về rất muộn, nhưng sáng hôm sau họ vẫn dậy sớm đi lễ và phục vụ trong ca đoàn…

Về việc học giáo lý

Ở đây có hơn 200 em học sinh giáo lý, được chia làm 10 lớp (2 lớp Sơ Cấp, 3 lớp Căn Bản, 3 lớp Kinh Thánh và 2 lớp Vào Đời), mỗi lớp sẽ có 2 giáo lý viên và một phụ huynh phụ trách, mỗi tuần học 2 buổi.

Thời gian khai giảng và kết thúc năm học cũng tương đương với chương trình văn hóa ở nhà trường. Sau mỗi học kỳ đều tổ chức thi khảo, cuối học kỳ II nếu không đủ điểm trung bình sẽ phải học lại.

Nhìn chung, việc dạy và học giáo lý ở đây được thực hiện một cách nghiêm túc, nhờ các thầy cô giáo lý viên là những người nhiệt tình và có nhiều kinh nghiệm lâu năm trong việc giảng dạy.

Nếu có dịp đến thăm, bạn có thể cầm quyển sách của các em và đặt những câu hỏi, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên vì độ thuộc kinh bổn của các em nơi đây…

Kết quả là trong kỳ thi Giáo lý cấp Giáo hạt Kỳ Anh Hè 2022, giáo xứ xếp thứ nhất trong 11 giáo xứ của toàn giáo hạt.

Tổ chức điều hành

Một điều rất đáng học hỏi ở cha xứ là cách tổ chức, điều hành và các sinh hoạt trong giáo xứ rất ổn định.

Các buổi sáng trong tuần đều có Thánh lễ lúc 4g30. Buổi tối sẽ có chầu Thánh Thể vào thứ Năm, Sáu và Chúa Nhật. Riêng tối thứ Ba, thay vì đọc kinh nhà thờ, các tổ liên gia quy tụ lại với nhau ở một nhà để đọc kinh chung và chia sẻ Lời Chúa, điều này tạo nên sự gắn kết hiệp nhất giữa các gia đình trong chòm xóm cũng như các thành viên trong gia đình.

Ngoài các chương trình cố định về giờ kinh, Thánh lễ, Chầu Thánh Thể… thỉnh thoảng cha quản xứ mời các cha dòng Don Bosco (Kỳ Anh) về để giảng tĩnh tâm theo từng giới và ban bí tích hòa giải, nhất là dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, tạo điều kiện cho hết thảy mọi người (kể cả những anh chị em ở các giáo xứ lân cận: Quý Hòa, Yên Hòa, Kỳ Anh) có được cơ hội thuận tiện nhất để đến với Chúa.

Các công việc chung trong giáo xứ

Là giáo xứ mới thành lập nên cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Hiện tại giáo xứ chưa có các phòng giáo lý cho hơn 200 em học sinh giáo lý.

Trước hình hình đó, giáo xứ đã dựng tạm 3 phòng học bằng tôn làm nơi học tạm thời cho các em; còn lại thì mượn một số nhà dân để học.

Kế hoạch lâu dài là phải xây dựng ngôi trường mới, không chỉ để dạy giáo lý, nhưng theo cha xứ, còn là nơi để các tổ chức các lớp văn hóa cho các em học sinh vào mỗi dịp Hè.

Trước nhu cầu khẩn thiết đó, cha sở và HĐMV đã làm đơn và được chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cấp cho cho giáo xứ một mảnh đất rộng hơn 2.000 m2 tại sân bóng thuộc thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh (cách nhà thờ khoảng 200m) để xây dựng một ngôi trường giáo lý mới. Sau thời gian khẩn trương làm thủ tục giấy tờ, giáo xứ bắt tay vào việc xây dựng.

Tất cả mọi người, kẻ đi xa cũng như người ở nhà, đều chung tay góp sức và tích cực cộng tác… Giáo xứ chỉ đóng góp kinh phí theo tinh thần ủng hộ để mua vật liệu, còn về phần lao công thì hoàn toàn do bà con nơi đây tự làm theo sự phân chia của HĐMV.

Có một lợi thế trong việc xây dựng là trong giáo xứ có nhiều người làm thợ xây, nên những công việc liên quan đến xây dựng thì hiếm có nơi nào làm nhanh như ở đây.

Trong công trình xây dựng nhà giáo lý cũng vậy. Có những ngày cần nhiều lao động như: đan sắt, đổ sàn, xây tường…, sau khi cha sở và HĐMV kêu gọi, đã có ngay khoảng 40 thợ chính và 100 thợ phụ đến làm cùng một lúc…

Ngày đầu, thấy bà con đến làm một lần đông như vậy, tôi đã thực sự bất ngờ. Có những ngày trời nắng gay gắt, vậy mà công việc vẫn diễn ra đều đặn như thường, đúng là chỉ có ơn Chúa và sự hy sinh thật sự mới làm được như vậy.

Có những ngày đổ móng, đổ sàn, công việc kéo dài đến 21 giờ đêm mới xong. Dù khá mệt và cũng đói vì làm quá giờ, nhưng ai cũng hồ hởi và vui vẻ nói cười. Đúng là chỉ có làm công trình nhà Chúa mới có như vậy.

Điều rất thú vị nữa là trong khi mọi người đang miệt mài làm việc ở công trình, các chị em Hiền mẫu đã chuẩn bị một số đồ ăn nhanh như xôi, mì gói hoặc phở, để khi làm xong, mọi người ngồi lại ăn chung và trò chuyện rất vui…

Tạm kết

Trên đây là một vài cảm nhận trong vô số điều thú vị mà tôi được trải nghiệm trong năm giúp xứ: một giáo xứ tuy nhỏ và mới được thành lập - cơ sở vật chất còn thiếu, đời sống kinh tế người dân còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của cha sở, sự nhiệt huyết của HĐMV và lòng quảng đại của tất cả bà con, nơi đây đã thành một xứ đạo rất sinh động và giàu sức sống…

Nếu một lần bạn ghé thăm nơi đây, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy sự ấm áp của tình làng nghĩa xóm, sự hiền lành chất phác, chịu thương chịu khó, nhất là lòng đạo đức và sự nhiệt tâm trong công việc nhà Chúa của bà con nơi đây… và qua đó, chắc bạn cũng thấy hạnh phúc hơn vì được làm con cái Chúa trong Giáo Hội.

Mặc đù đã trở lại Sài Gòn để tiếp học tu học, nhưng tôi luôn biết ơn cha sở và cộng đoàn giáo xứ Đồng Hòa vì nhờ đó mà tôi được trưởng thành hơn trong ơn gọi và vững vàng hơn trong tương quan với Chúa.

Ước mong giáo xứ cũng như tất cả bà con luôn bình an và mãi giữ được ngọn lửa của lòng yêu mến như vậy… Ước mong mọi chương trình và dự tính của Giáo xứ sớm được thành công tốt đẹp theo thánh ý Chúa.

Paul Nguyễn, CSC. (TGPSG)

Top