Phóng sự: Hiệp hành trong Gia đình
Ngày nay, thế giới đang đối diện với khủng hoảng gia đình. Việc bảo vệ hạnh phúc gia đình đang là thách thức lớn của thời đại. Tìm đâu ra những giải pháp cho những thử thách ấy?
Chúng tôi, những thành viên của nhóm Tổng Quan Phú-Gò-Mới 2022, đã trải nghiệm, đã chứng kiến những biến cố xảy ra cho một số gia đình, đã ghi lại và cùng chiêm nghiệm với nhau, mong tìm ra những phương thức nào đó khả dĩ giúp vượt qua những thách đố của đời sống gia đình…
TGPSG -- Gia đình có thể là Hội thánh hiệp hành tại gia?
Hiệp hành trong gia đình (1)
Vào năm 1990, anh Thông và chị Xoan, vốn người cùng xóm đạo ở Kiên Giang, sau một thời gian tìm hiểu đã tiến tới hôn nhân. Gia đình họ đã có 5 năm đầu thật hạnh phúc với sự chào đời của 2 cô con gái xinh đẹp.
Thế rồi mọi chuyện bắt đầu xấu đi khi anh Thông vướng vào con đường say sưa chè chén. Không những tối ngày bỏ bê gia đình và công việc, say xỉn với bạn bè, anh còn thường xuyên đánh đập vợ con trong mỗi cơn say. Chị Xoan không chịu nổi cảnh đó nên đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ; hai đứa con thì gửi cho ông bà nội chăm sóc. Hai bên gia đình đã cố gắng thuyết phục hai vợ chồng sửa đổi tính nết và hàn gắn, cuối cùng thì chị Xoan cũng chịu trở về với chồng con và gia đình được đoàn tụ.
Đến năm 1997, anh Thông và chị Xoan có thêm đứa thứ ba, một bé trai kháu khỉnh. Tưởng rằng sau một lần suýt đổ vỡ và đã có 3 đứa con thì gia đình anh Thông và chị Xoan sẽ bền vững, không ngờ anh Thông chứng nào tật ấy, lại lao vào con đường bia rượu và đánh đập vợ con. Anh như bị ma men làm cho mất trí, không kiểm soát được những hành vi của mình.
Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, năm 2002, chị Xoan không thể chịu đựng thêm được nữa; chị đã dắt theo 3 đứa con lên Sài Gòn để chạy trốn khỏi người chồng say sưa và vũ phu. Gia đình bên ngoại thương tình đã góp tiền cho chị vay để mua một căn nhà nhỏ ở Hóc Môn, giúp chị Xoan tần tảo kiếm sống bằng nghề buôn bán rau để nuôi 3 đứa con.
Hai bên gia đình anh Thông chị Xoan vẫn kiên trì không hề bỏ cuộc trong việc hàn gắn lại cho gia đình anh chị. Sau những nỗ lực không mệt mỏi và đầy nước mắt của hai bên nội ngoại, vào năm 2005, anh Thông đã chuyển từ Kiên Giang lên Sài Gòn để đoàn tụ với gia đình.
Từ đó trở đi, anh Thông đã thay đổi, không còn say sưa rượu chè nữa mà chí thú làm ăn. Anh đi làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi gia đình. Gia đình hạnh phúc trở lại và 3 đứa con từ từ khôn lớn trưởng thành.
Đầu năm 2008, cổ anh Thông phát ra một cái nhọt lớn, đi bệnh viện khám thì bác sĩ nói anh bị ung thư giai đoạn cuối và 3 tháng sau thì anh mất.
Có thể thấy chuyện gia đình vợ chồng anh Thông và chị Xoan đã kết thúc có hậu. Đó là nhờ sự hiệp hành, chung tay nâng đỡ của cả gia đình nội ngoại hai bên, kiên trì cố gắng giúp đỡ cho anh Thông và chị Xoan.
Ngoài việc hiệp hành của cả đại gia đình, phải chăng việc ứng xử của chính những người trong cuộc cũng rất quan trọng, như trong những biến cố của lứa đôi dưới đây?
Thẳng thắn trao đổi (2)
Trúc kết hôn vào năm 2016 khi cô 25 tuổi và ly hôn chỉ 1 tháng sau đó vì không ý hợp tâm đầu với chồng.
Sau khi ly hôn, Trúc vào Sài Gòn làm trong một ngân hàng nước ngoài. Tại đây, Trúc quen Phong - làm chung công ty. Phong là con trai duy nhất trong một gia đình Công giáo gốc, còn Trúc thì ngoại đạo.
Phong hay dẫn Trúc đi lễ và thường xuyên đưa Trúc về thăm gia đình mình. Ba mẹ Phong không phản đối việc Trúc và Phong quen nhau. Sau 5 năm yêu nhau, Trúc bắt đầu hối thúc Phong tổ chức đám cưới, tuy nhiên Phong vẫn chần chừ. Sau nhiều lần Trúc thúc giục, Phong nói ra nguyên nhân chần chừ là do gia đình anh không đồng ý, vì Trúc là người ngoại đạo.
Biết được nguyên nhân, Trúc rất buồn, không biết làm thế nào, chỉ âm thầm chờ mong gia đình Phong đổi ý. Một lần tâm sự với người bạn tên Loan cùng công ty, Loan khuyên Trúc nên gặp ba mẹ Phong trao đổi trực tiếp để tìm hướng giải quyết hoặc chấm dứt quan hệ tình cảm với Phong để mỗi người tìm cơ hội khác cho mình.
Nghe lời Loan, Trúc đã gặp và thẳng thắn chia sẻ với gia đình Phong về nguyên nhân vì sao cuộc hôn nhân trước của Trúc đổ vỡ, đồng thời cho biết, sau 5 năm quen Phong, Trúc đã yêu mến đạo Công giáo. Cô đã bắt đầu có niềm tin vào Thiên Chúa và mong gia nhập đạo. Thật bất ngờ, với sự chủ động này của Trúc, gia đình Phong đã tin tưởng và đồng ý cho Phong và Trúc tiến tới hôn nhân.
Đầu năm 2022, Trúc đã tham gia lớp Tân Tòng và Giáo Lý Hôn nhân. Vào tháng 8/2022, Phong và Trúc đã nắm tay nhau tiến vào Thánh đường, cùng nhau trao lời nguyện ước hôn phối, sau khi đã giải quyết những khúc mắc hôn nhân theo giáo luật.
Như thế, để có thể có sự hiệp hành trong gia đình, người trong cuộc cần phải thẳng thắn trao đổi với nhau.
Nhưng như vậy đã đủ chưa? Những trải nghiệm tiếp theo đây khiến chúng tôi phải suy nghĩ về một khía cạnh khác trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Tình Chúa bao la (3)
Anh Liên và chị Dậu thuộc giáo xứ Thạch Đà, đã sống hạnh phúc với nhau hơn 10 năm và có 3 đứa con trai ngoan ngoãn khỏe mạnh.
Bỗng chị Dậu tự nhiên phát bệnh, cứ như người mất hồn, không làm chủ được bản thân. Mặc dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh tình của chị Dậu vẫn không thuyên giảm. Mọi người trong gia đình nghi rằng chị bị quỷ ám. Có người trong xứ khuyên gia đình hãy cầu nguyện với Mẹ Maria. Anh chị nghe theo, siêng năng dự lễ, lần hạt Mân côi, sớm tối cầu nguyện. Phép lạ đã xảy ra, sau một thời gian, chị Dậu đã trở về trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, thử thách vẫn chưa chấm dứt. Hai năm sau đó, anh Liên lại bị cuốn vào đam mê cá độ đá banh và thua rất nhiều tiền nên lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Anh rất sợ chị biết chuyện và anh cũng không biết phải giải quyết nợ nần thế nào. Đường cùng, anh đành phải đi thú nhận với bà Yên, mẹ chị Dậu để nhờ tư vấn.
Nhân dịp giáo xứ tổ chức đi hành hương Israel, bà Yên bảo chị Dậu đi cùng. Trong chuyến đi, bà Yên đã nhẹ nhàng tâm sự với con gái về chuyện của anh Liên và đưa ra những lời khuyên cho chị. Tưởng rằng chị Dậu sẽ nổi trận lôi đình và gia đình anh chị sẽ trải qua một cuộc bể dâu, nhưng không ngờ, sau khi biết chuyện, chị lại nhẹ nhàng khuyên nhủ anh Liên, và hai vợ chồng cùng nhau tìm cách giải quyết nợ nần.
Cũng thật may mắn, sau khi chuyện này lộ ra, họ hàng, bạn bè thân quen cũng không chê trách quay lưng với anh. Mọi người tìm cách giúp vợ chồng anh trả nợ. Kể từ đó, anh Liên từ bỏ hẳn máu mê cá độ và chí thú làm ăn. Đến nay, gia đình anh chị đã trả hết nợ và vợ chồng con cái sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau.
Như thế, để có thể có sự hiệp hành trong gia đình, ngoài việc thẳng thắn trao đổi với nhau, người ta cần phải cầu nguyện nhiều với Chúa và Mẹ Maria.
Nhưng liệu chỉ có cầu nguyện mà không đi kèm với hành động thiết thực, thì đã đủ chưa? Có thể tìm được câu trả lời nơi trường hợp dưới đây không?
Tin Cậy Mến (4)
Anh Tiếp trong nhóm chúng tôi có kể chuyện về bà ngoại của anh:
Bà ngoại và ông ngoại của tôi cưới nhau khi còn rất trẻ và mới cưới được chưa đầy 1 năm thì ông ngoại đăng ký đi phu bên Pháp. Ông đi biền biệt hơn 10 năm không thư từ gì, để lại người vợ trẻ ở nhà với mẹ già. Ở nhà, bà ngoại một tay chăm lo cho mẹ già cho đến khi cụ mất.
Sau 10 năm nuôi mẹ chờ chồng mà tin tức của chồng vẫn bặt vô âm tín, ai trong làng cũng đều cho rằng ông ngoại tôi đã mất ở Pháp và khuyên bà tôi nên đi bước nữa vì mẹ chồng cũng đã mất rồi. Vì chưa thấy giấy báo tử gửi về, bà ngoại tôi vẫn một mực ở vậy chờ chồng. Ngày đêm ngoại cầu xin Ơn Trên cho chồng mình được bình an và mau chóng trở về.
Một ngày nọ, phép lạ đã xảy ra. Trong khi cầu nguyện, ngoại tôi có cảm giác như trông thấy Thánh cả Giuse nói với ngoại rằng ông ngoại vẫn còn sống và sẽ sớm trở về. Từ đó ngoại càng vững tin vào việc chồng mình sẽ sớm trở lại nhà và càng ngày ngoại càng thêm phần sốt sắng cầu nguyện đồng thời sống tốt lành hơn.
Nhưng thử thách và éo le lại còn tăng thêm cho bà ngoại tôi. Quê tôi ở Thái Bình, nơi là tâm điểm của nạn đói năm 1945. Ông ngoại tôi ở bên Pháp nghe tin rằng, hầu hết dân Thái Bình đều chết đói vào năm đó, nên ông cũng nghĩ rằng gia đình mình ở quê cũng chung số phận như vậy rồi. Chính vì vậy mà năm 1954, ông ngoại tôi về nước, nhưng không về quê nữa, mà ở lại Hà Nội làm việc và lập gia đình mới.
Chúa cho thử thách thì Ngài cũng ban ơn lành trợ giúp. Một người quen đã nhận ra ông tôi ở Hà Nội nên báo với ông và bà tôi biết. Khi nhận được tin chồng vẫn còn sống và đang có gia đình khác trên Hà Nội, ngoại rất buồn, nhưng không chịu bỏ cuộc. Ngoại hằng ngày liên lỉ cầu nguyện xin Ơn Trên hoán cải ông để ông biết quay về với gia đình. Đây là hoàn cảnh cực kì khó khăn vì ông tôi sống ở Hà Nội, có công việc lương cao, có vợ là gái thủ đô, lại cũng đã có 2 đứa con. Sẽ là chuyện không tưởng khi một người có thể từ bỏ cuộc sống như vậy ở thủ đô để trở về với một người vợ quê kệch ở một làng quê nghèo.
Nhưng một lần nữa phép lạ lại xảy ra. Sau một thời gian, ông tôi cũng quyết tâm từ bỏ tất cả để trở về với người vợ ở quê. Ông tôi đã coi người vợ ở Hà Nội như người bạn tri kỷ, và bà ngoại tôi cũng liên lạc với người ở Hà Nội như hai chị em thân thiết.
Ông bà ngoại tôi đã sống hạnh phúc với 2 người con gái cho đến khi cả hai qua đời vì tuổi già. Thánh tử đạo Đa Minh Nguyễn Văn Xuyên đã từng nói: “Ai ơi giữ lấy túi khôn / Đầy lòng tin cậy, đầy lòng mến yêu”. Câu này thật đúng với ông bà ngoại tôi.
Kết luận
Những trải nghiệm của các gia đình trên đây cho thấy rằng, để bảo vệ được hạnh phúc lứa đôi, cần phải có quyết tâm cố gắng, hy sinh, hầu đạt được sự chung tay hiệp hành của mọi người trong đại gia đình.
Tuy nhiên sức lực con người có giới hạn, không dễ mang lại kết quả như niềm mong ước. Vì thế, sau khi đã cố gắng hết sức, cần phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, Đức Mẹ và các Thánh, qua việc liên lỉ cầu nguyện, sống hy sinh hãm mình đạo đức. Khi đó, Chúa sẽ sắp xếp để giúp cho lứa đôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hầu bảo vệ được hạnh phúc của gia đình - là nền tảng của Giáo hội, cũng là Hội thánh tại gia.
NB:
(1) Câu chuyện 1 do Hoàng Trọng Thống ghi lại.
(2) Câu chuyện 2 do Nguyễn Văn Thiện ghi lại.
(3) Câu chuyện 3 do Hoàng Anh ghi lại.
(4) Câu chuyện 4 do Duy Tiếp ghi lại.
(5) Tên của các nhân vật có thật đã được thay đổi vì lý do tế nhị.
Nhóm Tổng Quan Phú-Gò-Mới 2022 (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo xứ Chợ Quán
-
Tôi đi học truyền thông tổng quan -
Tên giáo xứ Nhân Hoà -
Ấm áp mùa Chay cùng Bữa cơm nhân ái 0 đồng -
Phóng sự “Lối mở của Tình yêu” -
Hành trình tìm lại đức tin của một tín hữu “đạo gốc cây” -
Phóng sự ‘Tình yêu và Nước lũ’ -
Vòng tay ôm ấp -
Nét đẹp và sức sống của một xứ đạo miền xa -
Xưa nay thử hỏi ai không chết?
bài liên quan đọc nhiều
- Bữa cơm gia đình
-
Đây có thể là một trong những diễn văn công giáo tuyệt vời nhất của thế kỷ 21 -
Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo xứ Chợ Quán -
Tổng giáo phận Sài Gòn: “Tấm vé nghĩa tình” - Siêu Thị Mini 0 đồng -
Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? -
Hồi ký: Phục vụ tại khu cách ly -
Chiến thắng Covid: Hít vào 'Giêsu', thở ra 'cứu con' -
Ngẫm về đời phục vụ khi tiễn chân một cố linh mục -
Những chiến sĩ thầm lặng -
Ấm áp mùa Chay cùng Bữa cơm nhân ái 0 đồng