Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?

Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?

Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?

TGPSG -- Hôm nay Chúa nhật, tôi có dịp đi thăm một số nơi phát quà từ thiện cho người nghèo.

Lướt qua các con phố của Sài Gòn trong thời Covid, chưa bao giờ đi đường mà lòng tôi thấy nặng nề như vậy. Đường phố thì vắng vẻ, đìu hiu, hàng quán đa số đóng cửa, thỉnh thoảng mới có người đi lại, vì đa số mọi người hạn chế ra ngoài để phòng tránh dịch bệnh. Nhưng những người nghèo, những người bán vé số, lượm ve chai… thì lại phải chạy miếng ăn từng bữa. Họ vẫn phải ra đường mưu sinh kiếm sống qua ngày.

Tôi tới điểm phát đồ ăn cho người nghèo ở số 91-93 Lê Quốc Hưng, P.12, Q.4, TP. HCM - là địa chỉ của công ty du lịch Viettourist. Mấy hôm nay công ty đã dành tặng cho người nghèo những phần quà cụ thể, những nhu yếu phẩm như bánh mì, trứng, cá hộp, khoai… Thời gian từ thứ Hai đến thứ Sáu, bắt đầu từ 9g tới 16g, công ty tiếp tục phát quà cho đến hết thời gian giãn cách xã hội. Tôi cảm động trước tấm lòng của những nhân viên nơi đây. Bằng thái độ ân cần vui vẻ, thể hiện sự quan tâm khi trao quà cho những người tới nhận, cách cho của họ đã khiến người nhận cảm thấy mình được tôn trọng.

Thỉnh thoảng đi đường tôi cũng bắt gặp những cách cho thiếu tôn trọng ở một vài nơi. Một vài người trao tặng cách vội vã vô tình, thiếu tế nhị, làm người nhận phải tủi thân; bất đắc dĩ họ phải nhận mà lòng không vui… Người xưa vẫn từng nói “của cho không bằng cách cho”; câu nói ấy nhắc chúng ta khi biếu tặng ai vật gì, thì đừng quá chú trọng đến giá trị của quà tặng, nhưng trước hết là tấm lòng. Có thể món quà không đáng giá bao nhiêu nhưng đi kèm là tấm lòng chân thành thì nó trở nên vô giá, làm vui lòng người đón nhận.

Sau khi chào mấy anh chị tặng quà cho người nghèo, tôi đi sang một địa điểm khác tại số 96 Nguyễn Chí Thanh, P.12, Q.10, TP.HCM. Đây cũng là điểm phát cơm từ thiện vào mỗi buổi trưa khoảng 10g30. Đúng giờ, mọi người xếp hàng để nhận cơm đã được chia sẵn từng phần. Vì ai cũng mong nhận được phần cơm, nên tuy dù vẫn đeo khẩu trang, họ rất thường quên mất luật giãn cách - đứng cách xa nhau 2m (xem hình đại diện của bài viết này). Vì số người đông nên thời gian phát khoảng 30 phút là hết. Một số người tới sau chỉ còn lại phần trái chuối chín. Mấy bạn trẻ phát quà vui vẻ cáo lỗi, mong mọi người thông cảm “nhận giúp mấy trái chuối”. Ước gì mỗi con đường, mỗi khu phố đều có những điểm phát cơm, phát quà cách tình nghĩa như vậy để người nghèo vợi bớt nỗi lo toan trong giai đoạn này.

Còn một vài nơi trong thành phố phát cơm và nhu yếu phẩm cho người nghèo  mà tôi không có thời gian đi thăm hết. Qua đó, tôi thấy nhu cầu của người nghèo thì rất lớn, một vài cá nhân hay tổ chức không thể đáp ứng hết được, cần có sự cộng tác của mọi người. Trong thời buổi này ai cũng khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh - người làm lớn thì khó khăn lớn, làm nhỏ thì khó khăn nhỏ - nếu như chúng ta chờ hết khó khăn mới chia sẻ cho người khác, chắc lúc đó sợ chúng ta không còn cơ hội nữa, vì trong cuộc sống này có bao giờ mà không có khó khăn.

Bản thân mình cũng thế, vẫn còn đó những khó khăn thử thách của cuộc sống, nhưng với tinh thần chia sẻ theo Lời Chúa dạy, tôi cộng tác một chút để có thể mang đến cho người nghèo niềm vui nho nhỏ, vì họ biết rằng mình được quan tâm. Khi chia sẻ như vậy tôi nhận lại niềm vui trên khuôn mặt họ, niềm vui của họ cũng là niềm vui của tôi.

Khi đứng trước những khó khăn của bản thân, gia đình và xã hội, chúng ta mới thấy mình nhỏ bé và giới hạn, mình muốn làm nhiều điều, nhưng đôi khi lại không làm được. Chính vì thế đôi khi chúng ta dễ nản lòng buông xuôi với ý nghĩ: “Ôi, một chút thì thấm vào đâu…”. Khi xưa Chúa Giêsu thấy đông đảo dân chúng đến với mình, Ngài cũng đã từng hỏi ông Philiphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga: 6,5). Ngài biết rõ nhu cầu của đám đông và những giới hạn của các môn đệ, nhưng với sự cộng tác, quảng đại chia sẻ của một em nhỏ có năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài đã làm phép lạ nuôi năm ngàn người ăn no, còn dư lại mười hai thúng (Ga: 6,5-13).

Cơn dịch bệnh là dịp để chúng ta nhìn nhận sự mỏng giòn của thân phận con người. Thay vì chán nản thất vọng, chúng ta cùng chạy đến với Thiên Chúa trong cầu nguyện với niềm cậy trông, chắc chắn Ngài không bỏ rơi chúng ta. Và đây cũng là dịp để chúng ta đáp lại tình thương của Ngài bằng cách chia sẻ với những anh chị em khó khăn [1]. Với sự cộng tác, cho dù nhỏ bé của chúng ta, chính Chúa sẽ làm phép lạ để chúng ta đều được hưởng no nê tình thương và lòng thương xót của Ngài [2].

Têrêsa Phạm Thủy (TGPSG)

------------

[1] Giới Doanh nhân Công giáo TGP Sài Gòn cũng tổ chức tài trợ phần gạo cho những người nghèo tại các Giáo xứ  trong TGP Sài Gòn như sau:

  • Mỗi người thuộc diện nghèo sẽ được tài trợ 5kg gạo cho 01 tuần
  • Tùy theo tình hình dịch bệnh, có thể tài trợ trong 05 tuần liên tiếp
  • Gạo sẽ được đóng gói 5kg và chuyển đến địa chỉ Cha chính xứ chọn...

[2] Ban Caritas và nhiều giáo xứ trước đây cũng từng tổ chức các bữa ăn cho người nghèo. Vì luật giãn cách trong đại dịch, việc tổ chức các bữa ăn như thế khó thực hiện được, nên đã chuyển đổi thành những hình thức khác để hỗ trợ người nghèo, tùy theo từng hoàn cảnh...

Top