Ngẫm về đời phục vụ khi tiễn chân một cố linh mục

Ngẫm về đời phục vụ khi tiễn chân một cố linh mục

Ngẫm về đời phục vụ khi tiễn chân một cố linh mục

TGPSG -- Một học giả uyên thâm nhưng khiêm tốn và linh hoạt, sẽ làm việc hữu hiệu, vượt qua mọi thăng trầm thế sự…

Vào tuần trước, khi được tin cố linh mục - nhà ngôn ngữ học Phêrô Phạm Hữu Lai SJ vừa được Chúa gọi về , tôi ngờ ngợ mất một lúc mới nhớ ra. Hành trình cuộc đời của cha, tôi không được vinh dự tận mắt chứng kiến. Vậy tôi xin có mặt ở lễ an táng để tiễn những bước cuối của cha trên hành trình ấy, và bày tỏ phần nào tấm lòng mến mộ của mình với một bậc thầy bác học, uyên thâm.

Vừa đến nơi, tôi giật mình với biển người đưa tiễn: linh mục, tu sĩ, gia quyến, giáo dân… có cả những người anh em dân tộc thiểu số với sắc phục thổ cẩm đặc trưng. Tôi cảm động. Tôi tin rằng thuở sinh thời hẳn là cha Phêrô rất dễ mến và được nhiều người yêu quý. Và thật sự như thế, qua bài giảng trong thánh lễ an táng, tôi được biết thêm về vị học giả mà tôi chưa có dịp gặp mặt, nhưng lại khiến tôi nghiêm túc suy ngẫm về hành trình tham gia sinh hoạt truyền thông của mình.

Từ vị học giả lừng danh…

Thoạt nghe có vẻ như ngôn ngữ và truyền thông không liên quan nhiều lắm với nhau, nhưng nếu xét ngôn ngữ và truyền thông ở khía cạnh con chữ, ta dễ dàng thấy được nhiều sự tương đồng. Tôi tự hỏi, liệu rằng có thể nào xưa giờ tôi cũng ứng dụng nhiều thành quả nghiên cứu về ngôn ngữ học của cha vào công việc phục vụ của mình mà bản thân chẳng hề hay biết?

Tôi lần tìm thông tin về cha và được biết rằng, ngài là một trong ba học trò người Việt của nhà ngôn ngữ học lừng danh André Martinet. Ngài tốt nghiệp bậc tiến sĩ ngôn ngữ Tổng quát năm 1973 tại Đại học Sorbonne ở Pháp, được mời về giảng dạy tại Giáo Hoàng Học Viện và Đại học Văn Khoa Sài Gòn trong nhiều năm. Bên cạnh đó, công trình Ferdinand de Saussure và ngữ học cơ cấu xuất bản năm 1974 của ngài, khi chưa chịu chức linh mục, đã ảnh hưởng rất lớn trong việc giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ học tại Việt Nam.

Tôi tin rằng cha có thừa lý do để tự hào. Nhưng rất ngạc nhiên, trọng tâm những giai thoại tôi nghe kể về cha xuyên suốt bài giảng lại là sự khiêm tốn của một bậc trí thức Công giáo. Sự khiêm tốn mà lắm khi tôi cố gắng mãi vẫn không thể làm tốt được. Khi làm truyền thông, người ta dễ trở nên ngạo mạn và hư hỏng, đổi trắng thay đen... Những câu chuyện về cha nghiêm khắc răn dạy tôi trong lặng thinh. Tôi cúi đầu cảm phục cha và thầm căn dặn chính mình...

Đến những thăng trầm của “thế thời - thời thế”

Càng nghe kể nhiều giai thoại về cha, tôi càng tin rằng Thánh giá Chúa ban cho cha thật sự… khổng lồ. Cả đời gắn bó và đắm mình trong ngôn ngữ, có lẽ nỗi đau lớn nhất của một nhà ngôn ngữ học là bị buộc phải rời xa những con chữ thân thương ngay đương lúc thành công rực rỡ nhất. Nếu bản thân mình phải vác một cây Thánh giá khổng lồ như vậy, hẳn là tôi sẽ không thể chịu đựng nổi. Nhưng những gì tôi nghe thấy nơi cha là sự khiêm tốn, sẵn sàng rời xa nơi ghi dấu những thành tựu rực rỡ, để trở thành vị chủ chăn hiền hòa của những anh chị em tín hữu thuộc tầng lớp bình dân nhất - những người mà có khi cả đời cũng chẳng thẩm thấu nổi một phần sự bác học của cha.

Nhưng mà có hề chi!

Bậc tri thức lỗi lạc luôn có những sáng kiến riêng để thực hiện mục tiêu của mình. Trong suốt hành trình mục vụ sau đó, cha đã hết lòng phục vụ những người được trao phó cho cha, gặp gỡ chăm sóc họ và mở rất nhiều khóa Tác viên Tin Mừng, các lớp đọc Kinh Thánh dành cho quý tu sĩ lẫn anh chị em giáo dân. Bên cạnh việc giảng dạy, cha còn xuất bản nhiều đầu sách Công giáo về chia sẻ Lời Chúa và cầu nguyện như “Phương pháp Suy Chiêm”, “Cầu nguyện bằng Lời Chúa”, “Cầu nguyện với Kinh Lạy Cha”, “Còn con, con bảo Thầy là ai?”, v.v.. Một học giả uyên thâm nhưng khiêm tốn và linh hoạt, sẽ làm việc hữu hiệu, vượt qua mọi thăng trầm thế sự. Lại thêm lần nữa, tôi cúi đầu trước tấm gương của cha và thầm răn dạy chính bản thân mình.

Vang mãi bài ca phục vụ

Nghe kể về Thánh giá đời cha, tôi lại thầm nghĩ đến Thánh giá đời mình. Đời phục vụ nào mà chẳng có Thánh giá! Phục vụ trong lãnh vực truyền thông cũng có thật nhiều nước mắt, khuất sau màn hình máy vi tính hoặc lặn lội gặp gỡ tìm sự thật, đối diện với những hiểu lầm hoặc những bàng quan, hời hợt, có khi như rơi vào vực thẳm... Tôi lại cúi đầu, nhận ra bản thân mình cần phải khiêm tốn tìm gặp sự an ủi, cậy trông nơi Thiên Chúa - Đấng là mẫu mực Truyền Thông và xin cha Phêrô cầu bầu cho mình trong hành trình phục vụ sắp tới.

“Bác Tám ơi (con xin phép được bắt chước các tu sĩ dòng Tên gọi cha như thế nhé), bác Tám và con cùng quê Nam Định, cùng niềm tin vào Thiên Chúa Hằng Hữu, cùng gắn liền đời mình với những con chữ thân yêu. Xin bác thương cầu bầu nhiều cho con khi tham gia sinh hoạt mục vụ truyền thông, và vững lòng trông cậy trước những Thánh giá mà Thầy Chí Ái sẽ gửi đến cho con. Con cảm ơn bác Tám rất nhiều. Hẹn gặp bác vào một ngày đẹp trời trên thiên quốc, nơi con được vinh dự đến gặp bác, khoanh tay cúi đầu: “Con chào bác Tám!”

Giêsu, Maria, Giuse - con mến yêu, xin cứu rỗi linh hồn cố linh mục, nhà ngôn ngữ học Phêrô Phạm Hữu Lai...

Thúy Diễm (TGPSG)

Top