Phóng sự “Lối mở của Tình yêu”

Phóng sự “Lối mở của Tình yêu”

Phóng sự “Lối mở của Tình yêu”

Con người không thể tồn tại nếu thiếu tình yêu và gia đình. Nhưng ngày nay gia đình bị khủng hoảng hơn bao giờ hết, tỷ lệ ly dị trên thế giới lên đến 25%, nghĩa là cứ 4 cặp thì có 1 cặp ly hôn. Vì sao? Làm sao cho gia đình và tình yêu được bền vững? Lối đi của tình yêu cần phải được mở ra như thế nào? Chúng tôi, nhóm Tổng Quan Sài-An-Chiếu 2022, đã tích cực gặp gỡ một số nhân vật và ngắm nhìn những cuộc tình của họ để mong nghiệm ra những yếu  tố cần có cho những lối mở tốt đẹp của tình yêu.

TGPSG -- "Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy", Thánh Gioan Tông đồ đã xác định như thế trong thư thứ nhất của ngài (1Ga 4,16). Còn Thánh Tôma Aquinô trong tác phẩm “Tổng luận thần học” đã định nghĩa: “Tình yêu là một chuyển động khiến ta hướng về người khác, bằng cách xem người ấy như là một với chính mình.” Chúng tôi có thấy được điều đó khi chứng kiến những chuyện tình dưới đây?

NGƯỜI YÊU: GẶP GỠ

Vào năm 2015, tình yêu của Nhã và Tiên bắt đầu từ một phần mềm hẹn hò trên điện thoại. Không biết sấm sét ở đâu đánh trúng mà Tiên phải lòng Nhã, đẹp trai, tốt bụng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vậy là Tiên chủ động bắt chuyện, may sao Nhã cũng vui vẻ đáp lời. Vài ngày sau đó, họ gặp nhau diện đối diện ở một quán café tại Sài Gòn. Cả hai huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, thân thiết lúc nào chẳng hay, và tiếp tục giữ liên lạc với nhau, rồi yêu nhau sau một tháng tìm hiểu.

Nhưng niềm vui nho nhỏ đó kéo dài chẳng được bao lâu, vì chỉ một năm sau đó, Nhã và Tiên phải đối mặt một thử thách lớn mà ít cặp đôi nào vượt qua được, đó chính là “yêu xa” - yêu nhau với khoảng cách địa lý xa vời vợi. Phải lựa chọn, hoặc là đi du học Đức do kế hoạch đã lên từ rất lâu trước đây, hoặc là ở lại để giữ gìn tình yêu “sét đánh” vừa mới có được vài tháng. Việc suy nghĩ lựa chọn này khiến Nhã phải trăn trở rất nhiều. Tuy nhiên, chính Tiên là người đã ủng hộ anh lựa chọn du học để hoàn thành con đường học tập và những định hướng mà anh và gia đình anh đã ấp ủ.

(Hình minh họa)

Thế là Nhã và Tiên bắt đầu hành trình “yêu xa” với vô vàn những thử thách phía trước. Thời gian đầu, cả hai chật vật vượt qua nỗi nhớ dành cho nhau khi ở hai phương trời cách biệt. Những cuộc gọi video kéo dài nhiều giờ đồng hồ, những giọt nước mắt đong đầy nỗi nhớ. Sau đó khoảng 3 tháng, khi cả hai đã dần thích nghi với việc mỗi người một nơi, thì họ lại phải đối mặt với những giận hờn vì bất đồng quan điểm khi cách nhau hàng ngàn cây số.

Trong thời gian này, Tiên bắt đầu mất ngủ nhiều do chờ tin nhắn của Nhã; tham dự Thánh lễ Chúa nhật thì thiếu sốt sắng, thường hay lo ra,... Còn Nhã thì phải chật vật thu xếp hồ sơ nhập học, đăng ký vào kí túc xá, lo chi phí ăn ở… Thay vì trao đổi online để cùng nhau tâm sự, giải quyết những khó khăn mâu thuẫn, Nhã và Tiên bắt đầu những lần giận hờn kiểu im lặng kéo dài. Vì “yêu xa” với những thử thách như thế, hormone tình yêu trong mối quan hệ của Nhã và Tiên giảm đi rất nhiều, ngay cả những người bạn xung quanh họ cũng nhận ra điều này.

Sau cùng, cả hai bắt đầu nhận ra mối quan hệ này đang trở nên rất tệ nhưng chẳng ai chịu giảm bớt cái tôi cá nhân mà chấp nhận nhau, nên Nhã và Tiên quyết định chia tay nhau sau 2 năm quen nhau. 

"Thiên Chúa là tình yêu…”, “Tình yêu là một chuyển động khiến ta hướng về người khác, bằng cách xem người ấy như là một với chính mình”; nếu biết cư xử với nhau theo nguyên tắc này, thì ngay cả “yêu xa”, người ta vẫn có thể vượt qua được những thử thách. Rất tiếc là Nhã và Tiên đã không làm được như thế (có thể là do họ không có "duyên nợ" với nhau chăng?)

Khi “xem người ấy như là một với chính mình”, phải chăng ta cần phải đặt mình trong tâm trạng người ấy, để kiên nhẫn với họ - ngay cả khi “yêu xa” cũng như khi rơi vào hoàn cảnh mà chúng tôi đã được trông thấy dưới đây?

VỢ CHỒNG: KIÊN NHẪN

Sau 3 năm yêu nhau và tìm hiểu nhau, anh An và chị Diệu đã quyết định đi đến hôn nhân với nhau vào năm 2006. Chị là người Công giáo còn anh thì ngoại đạo, nhưng vì thương chị, anh chấp nhận học đạo và theo đạo.

Họ cưới nhau theo nghi thức Công giáo tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vào cùng năm đó và đã có 2 con với nhau. Tuy nhiên, sau 5 năm chung sống, mối tương quan của họ lạnh nhạt dần do ông chồng rơi vào đam mê cờ bạc, ngày càng không quan tâm tới gia đình. Chị Diệu suy nghĩ rất nhiều, và cuối cùng, khi chị chọn quyết định sẽ ly hôn, thì anh lại không đồng ý. Chị vẫn kiên quyết ly hôn và cuối cùng toà phán quyết là ly thân 1 năm.

Khi họ ly thân được ít lâu thì ba anh An bị đột quỵ, phải nằm viện. Nhà anh thì ít người, chị Diệu suy nghĩ “dù hết tình nhưng vẫn còn nghĩa”, chị đã tận tình chăm sóc cho cha chồng của mình. Trong thời gian này, anh và chị coi nhau như hai người bạn. Hình như sau một khoảng thời gian cho nhau khoảng lặng, họ cảm thấy như vết thương xưa đã lành nhiều, nhưng chưa khỏi hẳn. Khi người cha khỏi bệnh, họ vẫn trở lại với cuộc sống ly thân.

Vài tháng sau, anh lại gặp tai nạn giao thông. Nghe tin, chị đã đến chăm sóc cho anh, đồng thời cũng cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ hướng dẫn cho cả hai có một hướng đi đúng đắn.

Cuối cùng nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, hai anh chị đã ngồi nói chuyện với nhau, trải hết lòng mình ra để bạn mình hiểu về những khó khăn, khó chịu, những chuyện bấy lâu nay trong lòng không nói ra được. Cuối cùng hai người đã hiểu nhau, anh An quyết tâm không cờ bạc nữa và hai người đã quay trở lại với nhau.

Nếu biết rằng Thiên Chúa là tình yêu” và yêu nhau là “xem người kia như là một với chính mình” thì khi trải qua những đổ vỡ trong tình yêu kèm theo những thất vọng đau đớn, người ta vẫn biết dâng tất cả lên cho Chúa, cầu xin Chúa ban ơn và hướng dẫn cho họ lại gặp được nhau và yêu nhau cho trọn vẹn hơn. Anh An và chị Diệu đã làm như thế, đã xin ơn Chúa, đã gặp gỡ trao đổi được với nhau trong những biến cố khác nhau. Họ cũng đã sửa đổi được chính bản thân mình và vì thế, họ đã xây dựng lại được cuộc hôn nhân tốt đẹp và trọn vẹn hơn trước.

Tuy nhiên, yêu cho trọn vẹn, cũng có nghĩa là chúng ta không được phép chỉ nghĩ đến mối liên hệ giữa vợ với chồng mà thôi, như trường hợp của chàng trai mà chúng tôi đã gặp gỡ tại một xứ đạo ở Quận 1.

GIA ĐÌNH: GẮN BÓ

Trung và em trai được sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là công nhân ở Sài Gòn. Năm 2000, em trai của Trung bị ung thư máu. Mẹ Trung phải nghỉ việc để chăm sóc con trai út tại Bệnh viện ung bướu tại Nơ Trang Long. Bố anh tranh thủ làm công nhân buổi sáng và làm bảo vệ buổi tối để có tiền chạy chữa cho con. Bố mẹ phải gửi Trung cho gia đình bác gái (chị ruột của bố). Bác gái rất thương Trung nhưng bác trai thì không. Trung luôn bị những trận đòn vô cớ với những câu nói khó nghe từ bác trai. Trung có cảm giác bị bỏ rơi và trở nên bất cần đời.

Năm 2002, em trai Trung qua đời. Bố mẹ anh đều tiều tụy, túng thiếu. Trung phải ở nhà bác thêm nửa năm, trở nên ngỗ nghịch, quậy phá, đánh nhau, đua xe, thờ ơ với bố mẹ…

Đến năm 2010, Trung được học lớp giáo lý Bao Đồng do cha phó xứ Nguyễn Đức Dũng giảng dạy, được vào Ban Lễ Sinh, được sự quan tâm và yêu thương từ dì Matta - phụ trách Ban Lễ Sinh. Trung đã dần dần biết nghe lời, siêng dự lễ và chăm chỉ học hành nhiều hơn, trở thành học sinh giỏi rồi đỗ đại học ngành Quản trị Kinh Doanh trường đại học Nguyễn Tất Thành, Quận 4. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa anh và bố mẹ vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Sau một năm ra trường, vì thiếu điều kiện nên công việc làm ăn của anh rất bấp bênh. Bố nhiều lần phải âm thầm xin việc giúp Trung. Vô tình, Trung biết được chuyện bố đã giúp mình. Hai bố con đã nói chuyện với nhau sau mười mấy năm lạnh lùng xa cách. Được sự khích lệ và hiểu được tình thương đặc biệt của bố, anh quyết định học tiếp một ngành mới - ngành Hướng dẫn viên du lịch. Sau 5 năm cố gắng, Trung được bổ nhiệm vào vị trí Phó Giám Đốc công ty vào năm 2023. Trung cũng tiếp tục phục vụ giáo xứ với tư cách là Huynh trưởng xứ đoàn Gioan Bosco Chợ Quán và là thành viên Ban Truyền Thông giáo xứ Chợ Quán.

“Thiên Chúa là tình yêu” và tình yêu không chỉ là mối quan hệ giữa vợ với chồng mà thôi. Tình yêu sinh hoa kết trái là những đứa con, cùng với những nét đẹp thiêng liêng là tình phụ tử, tình mẫu tử và lòng hiếu thảo. Trung đã nhận ra tình phụ tử, tình mẫu tử từ cha mẹ và thể hiện được lòng hiếu thảo trong gia đình. Anh còn cảm nhận được giáo xứ chính là gia đình mở rộng để phục vụ mà làm cho cuộc đời mình trở nên phong phú hơn nhờ những mối tương quan nồng ấm thân thương.

(Hình minh họa)

Và “Thiên Chúa là tình yêu” cũng có nghĩa là tình yêu phải mở rộng ra hơn nữa đến vô biên, phải trải rộng ra trên toàn thể xã hội bên ngoài, như chúng tôi đã từng được chứng kiến khi gặp gỡ Tiến và Mai.

XÃ HỘI: PHỤC VỤ

Tiến và Mai biết nhau từ năm 2010 khi học lớp Mười Một tại trường THPT Hùng Vương ở Quận 5 Sài Gòn. Từ bạn bè rồi trở nên thân thiết, mối tình thời học trò của họ diễn ra thật đẹp.

Tiến thì có gia đình khá giả, còn Mai thuộc gia đình lao động. Cha của Mai đã bỏ hai mẹ con từ lúc Mai chỉ mới 2 tuổi. Tiến và Mai yêu nhau nhưng không dám công khai cho gia đình biết.

Mối tình kéo dài được 2 năm thì nhà Tiến quyết định cho anh đi du học bên Anh. Tiến nói cho Mai biết về quyết định của gia đình và dự định tương lai của mình. Nghe xong, Mai cảm thấy khá tự ti. Sau một thời gian suy nghĩ dằn vặt, muốn cho Tiến có tương lai tốt hơn, Mai quyết định chia tay. Tiến rất thương Mai nhưng không làm gì được. Ngày Tiến ra sân bay đi du học, có thân nhân và bạn bè tiễn đưa, trong đó có cả Mai nữa. Tiến và Mai đã từng yêu nhau thắm thiết, thế mà lúc ấy lại nhìn nhau rất ngại ngần. Họ xa nhau vời vợi từ đó.

5 năm sau, hoàn thành chuyến du học, Tiến đã trở về quê nhà. Ngay sau đó, khi đi du lịch cùng bạn bè ở Đà Lạt, vô tình Tiến gặp lại Mai trong niềm vui khó tả. Hình như sau 5 năm xa cách, tình yêu giữa họ vẫn còn y nguyên như thuở nào.

Rồi những buổi gặp gỡ của hai người cùng với bạn bè đã diễn ra liên tục như đang xây dựng mối quan hệ bền vững cho cả hai. Trong một buổi tiệc sinh nhật, khi cả hai đều có men say, Mai tự mình nói ra hết nỗi lòng của mình, vẫn luôn thầm yêu Tiến, và Tiến cũng thế. Từ đêm đó, hai người đã quyết định chọn là một nửa đời của nhau.

Nửa năm sau, khi Tiến dẫn Mai ra mắt gia đình thì mẹ Tiến không đồng ý bởi vì không môn đăng hộ đối. Cả hai rất buồn. Mai muốn buông bỏ nhưng Tiến đã phản đối; anh nghĩ mình không thể để mất Mai lần nữa. Tiến tìm cách thuyết phục mẹ cho đến khi bà chấp nhận.

Hai người rất vui, đi chọn đồ cưới, chuẩn bị đủ thứ cho lễ kết hôn đã định cử hành sau Tết, thì bỗng dịch bệnh Covid diễn ra. Mọi tính toán phải hoãn lại.

Trong khoảng thời gian cách ly do dịch bệnh, Tiến xung phong đi vô các trại cách ly để phụ giúp các bác sĩ và các nhân viên y tế.

(Hình minh họa)

Mẹ Mai không may nhiễm Covid rồi qua đời. Mai cực kỳ tuyệt vọng vì vừa phải xa người yêu vửa mất đi người thân duy nhất của mình.

Tiến biết tin, nhưng không thể về được, nên đã nhờ ba mẹ an ủi Mai. Lúc này mẹ của Tiến đã thấy thương Mai nhiều hơn. Tiến thuộc gia đình Công giáo, còn Mai thì ngoại đạo. Mẹ Tiến muốn Mai vơi đi nỗi buồn nên thường hay tâm sự với Mai, thường rủ Mai đi lên nhà thờ phụ giúp phát đồ ăn, lương thực cho mọi người và cùng nhau cầu nguyện.

(Hình minh họa)

Khi dịch Covid dần dần giảm bớt thì cả nhà lại nhận được tin Tiến bị dính Covid và qua đời. Tin này như sét đánh vào cuộc đời Mai và gia đình Tiến. Họ guc ngã hoàn toàn khi nhận được hũ tro của Tiến với lá thư Tiến viết lúc bị nhiễm bệnh và hình như biết mình không qua khỏi: “Ba mẹ ơi, con yêu ba mẹ. Con xin lỗi. Mai ơi, anh yêu em!”. Mai cảm thấy như cô mất hết tất cả và mẹ Tiến cũng thế. 

(Hình minh họa)

Thời gian dần qua. Nỗi đau còn đó, nhưng hai người nữ này vẫn phải tiếp tục sống. Mẹ Tiến đã nhận Mai làm con ruột của mình. Từ ngày Tiến mất, Mai và người mẹ ấy đi nhà thờ cầu nguyện rất nhiều, lúc nào cũng bên nhau, an ủi nhau để xoa dịu nỗi đau cho nhau. 

Mẹ Tiến đã lo cho Mai từng chút một. Bà còn hối thúc cô đi tìm tình yêu mới bởi vì cô còn trẻ, còn tương lai. Bà đã đứng ra thay mặt mẹ Mai và Tiến để lo cho cô khi cô lập gia đình vào năm 2023 tại Đà Nẵng.

Tình yêu của Tiến và Mai đã trải rộng ra để phục vụ cho xã hội. Để rồi ngay cả khi mẹ của cô và Tiến đã qua đời, Mai vẫn được ấp ủ trong tình yêu trải rộng ấy để vẫn tìm được hạnh phúc lứa đôi ngay khi tưởng chừng là đã mất tất cả. Vâng, vì Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu vừa rất thắm thiết, vừa mênh mông, bao la.

KẾT LUẬN 

Qua các nhân vật mà chúng tôi đã từng gặp gỡ và từng được chứng kiến tình yêu của họ, chúng tôi đã thấy được lối mở cần có của tình yêu, đó là: tìm nhiều cơ hội gặp gỡ người yêu, kiên nhẫn với bạn đời, gắn bó trong đại gia đình và tận tình phục vụ ngoài xã hội.

1. Tìm gặp gỡ người yêu

Không một tình yêu nào có thể triển nở mạnh mẽ nếu cả hai không dành thời gian để gặp gỡ nhau. Gặp gỡ không phải chỉ để thấy mặt nhau cho vui, mà để có thời gian trò chuyện, thấu hiếu nhau, thể hiện yêu thương, xem xét chính mình, chia sẻ những khó khăn, những mong muốn của mình và lắng nghe người yêu của mình hầu cùng nhau xây dựng một tình yêu có Chúa hiện diện.

2.  Kiên nhẫn với bạn đời

Kiên nhẫn là phương thế hữu hiệu giúp tình yêu triển nở, giúp nhau thay đổi bản thân theo hướng tích cực.

Kiên nhẫn với người khác và kiên nhẫn với chính bản thân mình nữa: không thất vọng hay nổi nóng với bản thân để bình tĩnh kiên trì đổi mới bản thân từng ngày một.

3.  Gắn bó trong đại gia đình

Tình yêu sinh hoa kết trái là những đứa con, cùng với những nét đẹp thiêng liêng là tình phụ tử, tình mẫu tử và lòng hiếu thảo. Trân trọng những mối tương quan vô cùng thiêng liêng này, cùng với những mối tương quan mở rộng trong đại gia đình nội ngoại hai bên, và cả gia đình giáo xứ nữa, là điều hết sức cần thiết cho tình yêu được vững bền và quân bình,

4. Tận tình phục vụ ngoài xã hội

Tình yêu cần phải trải rộng ra hơn nữa, trong những sinh hoạt ngoài xã hội - với hàng xóm, láng giềng, quê hương và cả quốc tế nữa. Cần phải thành công trong những mối tương quan ngoài xã hội như thế thì tình yêu nam nữ mới vững bền và phong phú được.

Vâng, "Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy". Khi có Chúa thì tình yêu sẽ là một chuyển động tốt đẹp, “khiến ta hướng về người khác, xem người ấy như là một với chính mình.” Một tình yêu như thế sẽ giúp ta nên giống Thiên Chúa và mang lại hạnh phúc cho người ta yêu thương, mang lại hoa trái tốt đẹp cho cuộc đời.

Nhóm Tổng Quan Sài-An-Chiếu 2022 (TGPSG)

NB: Những nhân vật có thật trong phóng sự trên đây được đổi tên khác đi vì lý do tế nhị...

Top