Nhóm “Bốn Phương”: Thăm Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần Trọng Đức

Nhóm “Bốn Phương”: Thăm Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần Trọng Đức

WGPSG -- Vào lúc 05g00 sáng thứ Bảy ngày 05/3/2011, từ Hạt Xóm Mới, nhóm “Bốn Phương” đã khởi hành đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần Trọng Đức, thuộc Khu 11, Thanh Bình 1, Đức Trọng - Lâm Đồng. Đây là hoạt động định kỳ trong năm của nhóm vào đầu Mùa Chay. Năm nay, trên đường về TP.HCM, nhóm còn ghé thăm Mái ấm Phan Sinh tại Trị An, Đồng Nai, là nơi chuyên chăm sóc các em bị bại não.

Sau quãng đường dài gần 300km, đoàn đã đến Trung tâm lúc 14g00. Khi đoàn vừa đến, các em đã hò reo và hát những bài sinh hoạt thật vui nhộn. Những em đã được bình phục giúp đoàn chuyển 2 tạ gạo, 150 lít nước rửa sàn nhà, 50 lít nước xà bông đậm đặc, 10 bao quần áo và các thùng kẹo bánh vào văn phòng. Mọi người trong đoàn chia nhau đến phân phát quà cho các em tại trại nam và trại nữ (cách nhau gần 100m). Những em tương đối bình phục ở chung với những em bệnh nhẹ; riêng những em bị bệnh nặng, hay quậy phá, la lối… được ở trong các phòng riêng.

Ngoài các em bị bệnh từ lúc sơ sinh ra, còn lại đa số các bệnh nhân đều bị bệnh khi đã trưởng thành, họ bị bệnh với nhiều nguyên do khác nhau như thất tình, ức chế tâm lý do bị hàm oan, phân biệt đối xử trong gia đình, kinh tế gia đình rơi vào hoàn cảnh túng quẫn, hoặc do các mối quan hệ giữa bản thân các em với gia đình và xã hội có những uẩn khúc… khiến tâm lý các em không ổn định, dẫn đến tình trạng bị bệnh tâm thần! Từ đó gây ra hiện tượng la hét, quậy phá, đốt nhà… khiến gia đình phải nhốt riêng hoặc xích lại.

Anh Ya Hon (Dân tộc Chu-ru) là một bệnh nhân đã khỏi bệnh, tâm sự: Trước đây, em rất chịu khó làm ăn, nhưng sau khi bị bệnh kinh phong, tự nhiên tính tình thay đổi và hay nổi nóng, em đã đánh mẹ cha, đốt nhà và bị gia đình nhốt riêng ở một chòi cuối vườn hơn 8 năm. Khi được Trung tâm đưa về, em không đi được vì chân tay bị tê liệt.

Để bổ sung ý kiến, anh Ya Nghị (Dân tộc Chu-ru, SN 1981) cho biết: Trước khi bị bệnh, em rất chịu khó làm lụng, nhưng tới bây giờ em vẫn chưa hiểu vì sao em lại đánh mẹ, phá làng phá xóm… và bị gia đình trói vào cây mít suốt 18 năm. Quãng thời gian này, có lúc em biết, có lúc không. Nhưng từ khi về sống chung ở đây, em được mọi người thương mến, em không về nhà đâu! Vì đây cũng là nhà của em, em sẽ ở đây mãi mãi để giúp ba má (họ gọi vợ chồng anh Thu là ba má) chăm sóc các bạn.

Đôi nét về Trung tâm Trọng Đức

Trung tâm Trọng Đức được vợ chồng anh Bùi Văn Thu, cùng với chị vợ là chị Trần Thị Hằng và em trai là anh Hổ thành lập từ năm 2006 để đón nhận và chăm sóc những người bị bệnh tâm thần.

Khi được hỏi về động lực gia đình thành lập Trung tâm, vợ anh Thu cho biết: Do gia đình sống gần người Dân tộc Chu-ru, vì thế chị em thường rủ nhau đi giúp đỡ và ủy lạo họ. Khi đến thăm các buôn làng, gia đình phát hiện những người bị tâm thần thường bị đánh đập, bị nhốt riêng trong một cái chòi ở cuối vườn, chân tay bị trói hoặc xích, ăn uống và vệ sinh tại chỗ, nhiều em không có quần áo để mặc… thấy rất tội nghiệp! Từ đó, chị em bảo nhau tìm cách mang họ về nuôi nấng, dần dần được xã hội chấp nhận, các thầy dòng Thừa sai Bác Ái Vinh Sơn đến giúp đỡ, nhất là, được sự quan tâm của các nhà hảo tâm từ nhiều nơi, trong cũng như ngoài nước, nên Trung tâm có điều kiện chăm sóc trên 300 bệnh nhân như hiện nay.

Trước đây, Trung tâm chỉ có 1 trại, gồm 2 khu vực dành cho nam và nữ. Nhưng đến nay, Trung tâm đã xây dựng được 2 trại riêng biệt. Trại nam hiện có trên 187, trại nữ đang nuôi 168 em.

Nhằm giúp các em mau bình phục, Trung tâm luôn chú trọng tạo điều kiện để các em ổn định vế mặt tâm lý, tạo niềm tin cho các em qua việc đọc kinh, cầu nguyện thường xuyên (4 lần mỗi ngày). Chính nhờ sự cầu nguyện hằng ngày của các em và các đoàn thể từ khắp nơi, đến nay đã có trên 20% các em được khỏi bệnh trở về gia đình, hoặc tự nguyện ở lại giúp Trung tâm.

Xem bài trên trang web tgpsaigon.net: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110227/9082

Đôi nét về nhóm “Bốn Phương”

Chị Anna Cao Thị Oanh cho biết: Nhóm hiện nay có 16 anh chị em và nhiều cộng tác viên khác từ các quận huyện tại TP.HCM quy tụ lại để thực thi các công việc bác ái, xã hội. Một năm 4 lần vào Mùa Chay, tết Trung Thu, Mùa Giáng sinh và tết Dương lịch, nhóm luôn tổ chức đi đến những nơi nghèo khổ nhất, đặc biệt những người bị khiếm thị, bị tâm thần, bại não, trẻ em bị nhiễm HIV… để giúp đỡ. Ngoài ra, khi có bão lụt, thiên tai, nhóm cũng vận động, quyên góp để đến trao quà và giúp đỡ họ.

Khi nói về nguyên do thành lập nhóm “Bốn Phương”, chị Oanh tâm sự với nhiều cảm xúc: Bản thân chị đã từng bị rơi xuống tận cùng xã hội, những nỗi thất vọng ê chề đã tràn ngập con người chị… và được người khác giúp đỡ, đưa tay kéo chị lên! Từ đó, chị có quyết tâm sẽ giúp đỡ người khác khi có điều kiện. Đồng thời, nguyên tắc cơ bản nhất để nhóm được tồn tại, vận động được nhiều nguồn kinh phí để thực thi bác ái là: Trung thực – Minh bạch – Yêu thương. Trung thực trong việc làm, lời nói; minh bạch về tiền bạc, kinh phí; yêu thương hết mọi người, nhất là những kẻ bất hạnh.

Khi đoàn chuẩn bị ra về, một nhóm khác từ Đà Lạt xuống đã đem theo bánh mì và nước uống phân phát cho các em. Anh trưởng nhóm (xin dấu tên) cho biết: Mỗi tháng 2 lần, chúng tôi xuống đây phân phát bánh mì, cháo, nước uống cho các em, nhằm góp phần giúp Trung tâm chăm sóc các em.

Vâng, còn rất nhiều những tấm lòng nhân ái luôn biết sẻ chia với những người bất hạnh, hầu giúp những người cùng khổ nhất tìm được niềm vui trong cuộc sống, tìm được tình người trong lúc thất vọng nhất trong cuộc đời.

Đức Kitô dạy chúng ta rằng, nếu chúng ta tuân theo giới răn trọng nhất là yêu thương, chúng ta sẽ được sống. Ngày nay, người láng giềng của chúng ta không giới hạn trong số những người chia sẻ cùng một nhóm với chúng ta, cùng một giai cấp xã hội với ta hay cùng một chủng tộc với ta. Nó bao gồm tất cả những ai cần đến tình yêu, lòng thương xót và những quan tâm cụ thể của chúng ta. Thánh Phaolô nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Cho thì có phúc ơn là nhận” (Cv 20,35).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top