Nhân ngày Quốc tế Bệnh Nhân, viết về những kỉ niệm…
TGPSG -- Tôi sẽ cho các bệnh nhân ung thư này mượn tay mình để họ nắm lấy mỗi khi họ xúc động, khi họ cần sự quan tâm ủi an…
Mùa Hè năm ấy, chúng tôi - gồm 17 bệnh nhân, 5 cộng tác viên, 1 vị đại diện nhà Dòng và 1 vị ân nhân - đã có một chuyến tham quan Vũng Tàu thật thú vị.
Đây là một chuyến đi bất ngờ vì không có kế hoạch trước đó, nên Cha phụ trách khuyến cáo các bệnh nhân cân nhắc, lo liệu sức khoẻ của mình khi đi chơi.
Đây thật sự là chuyến tham quan đặc biệt với mỗi người chúng tôi. Với bệnh nhân, nhiều người chưa bao giờ biết đến biển vì vậy có người đã nôn nao, phấn khích đến độ cả đêm trước đó không chợp mắt. Với chúng tôi, những thành viên của mái ấm, thì đây là lần đầu tiên tổ chức đưa những bệnh nhân đi chơi xa nên vừa mừng lại vừa lo.
Những bệnh nhân tôi vừa nhắc đến đã từng lưu trú tại Mái ấm Gary - một trong những cơ sở của Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân – Camillo Vietnam, thường được gọi ngắn gọn là Dòng Camillo. Các bệnh nhân này, đa phần có gia cảnh khó khăn, từ các miền quê xa xôi về Sài Gòn trị bệnh. Họ được các Thầy đón về mái ấm từ một số bệnh viện trong thành phố, trong đó có bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM. Những bệnh nhân này, người thì bị ung thư vú, người thì bị ung thư dạ dày, vòm họng, xương, tử cung,… Trong số này, đặc biệt có một bệnh nhân phải ăn qua đường ống và bác sĩ ‘cho về quê’, và một bệnh nhân có hậu môn bị khâu lại từ nhiều năm qua.
Điểm đến đầu tiên của chuyến tham quan Vũng Tàu là Núi Đức Mẹ. Dù các bệnh nhân sức khoẻ hạn chế và thuộc các tôn giáo bạn nhưng họ vẫn dắt díu nhau từng bước leo lên tới chân đài Đức Mẹ để tham quan, cầu nguyện và xin ơn lành.
Tại chân tượng đài, chúng tôi háo hức lưu lại những tấm hình kỉ niệm. Lúc đầu, một chị còn ngại ngùng nên đội bộ tóc giả chụp hình, che cái đầu không có tóc, nhưng các chị bệnh nhân khác - cũng đầu không tóc như chị - trêu ghẹo: “tóc gió thổi bay”, nên chị quyết định cho tóc giả vô túi xách để mặc vẻ ngoài trông thế nào. Thế đấy, mọi người được một phen cười ngất ngây vì sự “liều lĩnh” của chị. Đặc điểm đặc biệt của các bệnh nhân này là ‘đầu không tóc’ và ‘một mất một còn’ - chi tiết này do các bệnh nhân tự đặt và vui cười trên nỗi đau của chính mình.
Sau đó, khi ra tới bãi biển, các bệnh nhân vô tư chạy ào xuống nước mà không cần thay đồ. Mọi người tạm bỏ tất cả ưu phiền để vui đùa thật thoải mái. Một chị bệnh nhân dân tộc vùng núi tếu táo: “Ôi, sao nước biển mặn như muối!”
Chú bệnh nhân ăn qua đường ống cũng quyết định ra bãi biển. Chú nhờ thợ chụp cảnh chú đứng trước biển “khoe” mình trần và dây ống ăn còn loằng ngoằng trên người. Chú cho biết đây là kỉ niệm vui vẻ mà chú muốn để lại cho các con.
Một số bệnh nhân yếu hơn, hoặc vì các vết thương đặc biệt, chỉ có thể ngồi hóng gió biển và chia sẻ bệnh tình với nhau, nhưng miệng vẫn luôn nở nụ cười tươi vui.
Khi các bệnh nhân lên tắm nước ngọt để chuẩn bị về, tôi phát cho mỗi người hai bịch dầu gội và dầu xả. Lát sau, các bệnh nhân quay trở lại và nói nhỏ: “Cô ơi, tụi tui có tóc đâu mà cần mềm suôn mượt”. Tôi ngớ người và nhận ra sai lầm, tất cả những thứ tôi đưa họ đều là dầu xả. Thật ngượng!
Chuyến đi kết thúc trong niềm hạnh phúc, là một kỉ niệm ngọt ngào mà tôi may mắn trải nghiệm với các bệnh nhân.
Sau chuyến đi ấy, cho đến nay, tôi chỉ còn gặp lại một hai người trong số họ; số còn lại đa phần không bao giờ trở lại nữa.
Trong thời gian làm việc tại mái ấm, tôi đã nghe kể và chứng kiến nhiều hoàn cảnh bệnh nhân đáng thương, đáng xót và tất cả đều có chung đoạn kết đầy đau thương.
Nhân ngày Quốc tế Bệnh nhân, tôi tự hỏi liệu mình có làm được gì cho họ không khi mà ngay cả lời ai ủi nghe sao cho hợp cảnh cũng không biết nói. Biết tâm tư của tôi và để khuyến khích tinh thần cho tôi, một người thân quen đã gởi Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Ngày Thế giới Bệnh nhân: “Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ (Lc 6, 36); Đứng bên người đau khổ trên nẻo đường đức ái”. Tôi nghiền ngẫm Sứ điệp của Đức Thánh Cha xem tôi cần phải làm gì cho các bệnh nhân. Tôi bỗng nảy sinh ý nghĩ: “Người bệnh luôn quan trọng hơn bệnh của họ” và tôi sẽ khởi sự từ những việc giản đơn nhất.
Tôi làm việc ở nhà bếp, chăm lo bữa ăn cho các thành viên tại mái ấm. Nơi này bệnh nhân cũ hay mới cũng đều xuống chơi. Tôi sẽ lắng nghe mọi người trải lòng, kể về chuyện bệnh tình và đoạn đường chông chênh đã qua, nỗi lo lắng về tài chánh gia đình và những chính sách hỗ trợ…
Và tôi sẽ cho họ mượn tay mình để họ nắm lấy mỗi khi họ xúc động, khi họ cần sự quan tâm ủi an. Tôi mong mình sẽ là “khí cụ bình an của Chúa” nơi mái ấm này và với những bệnh nhân nơi đây. Tôi sẽ đăng những câu chuyện thật lên trang của mình cùng những hình ảnh kỉ niệm mà tôi tự hào khi nghĩ về họ cũng như thời gian đẹp chúng tôi từng có với nhau.
Maria Quỳnh Linh (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo xứ Chợ Quán
-
Tôi đi học truyền thông tổng quan -
Phóng sự: Hiệp hành trong Gia đình -
Tên giáo xứ Nhân Hoà -
Ấm áp mùa Chay cùng Bữa cơm nhân ái 0 đồng -
Phóng sự “Lối mở của Tình yêu” -
Hành trình tìm lại đức tin của một tín hữu “đạo gốc cây” -
Phóng sự ‘Tình yêu và Nước lũ’ -
Vòng tay ôm ấp -
Nét đẹp và sức sống của một xứ đạo miền xa
bài liên quan đọc nhiều
- Bữa cơm gia đình
-
Đây có thể là một trong những diễn văn công giáo tuyệt vời nhất của thế kỷ 21 -
Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo xứ Chợ Quán -
Tổng giáo phận Sài Gòn: “Tấm vé nghĩa tình” - Siêu Thị Mini 0 đồng -
Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? -
Hồi ký: Phục vụ tại khu cách ly -
Chiến thắng Covid: Hít vào 'Giêsu', thở ra 'cứu con' -
Ngẫm về đời phục vụ khi tiễn chân một cố linh mục -
Những chiến sĩ thầm lặng -
Hành trình tìm lại đức tin của một tín hữu “đạo gốc cây”