Nhà nguyện Đắc lộ: Tĩnh tâm Mùa Vọng: Tin Mừng Nhập thể (Bài 1)

Nhà nguyện Đắc lộ: Tĩnh tâm Mùa Vọng: Tin Mừng Nhập thể (Bài 1)

WGPSG -- “Được thấu hiểu Đức Giêsu, đã làm người vì tôi, để mến yêu Ngài tha thiết hơn và bước theo trung thành hơn” (Linh Thao 104).

Sáng Chúa nhật 6/12/2015, lúc 9 giờ, tại Nhà nguyện Đắc Lộ, Cha Elijalde Phạm công Thành đã giảng tĩnh tâm buổi đầu cho khoảng 80 người hiện diện.

Chương trình buổi tĩnh tâm như sau:

9g00: Khai mạc, gợi ý cầu nguyện. (xin xem nội dung bên dưới và nghe audio đính kèm)

9g45: Cầu nguyện riêng

10g45: Chia sẻ nhóm và chia sẻ chung

11g30: Kết thúc

Phần 1:  Gợi ý cầu nguyện: Thiên thần truyền tin cho Đức Maria (Lc 1, 26-38)

Giới thiệu

Thánh Phaolô nói với chúng ta một lời đầy ý nghĩa: “Thiên Chúa mời gọi chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8,29). Đức Giêsu không chỉ mời gọi chúng ta bước theo Ngài, hoạt động cho Ngài, mà Ngài mời chúng ta làm y như Ngài đã làm; Ngài mời chúng ta đồng hình đồng dạng với Ngài!

Để đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu – ai nhìn vào mình, sẽ nhìn thấy Ngài - … chúng ta cần đến gần và chiêm ngắm Ngài: khuôn mặt của Ngài, cách sống của Ngài, lý do tại sao Ngài sống như thế… Đó là các “mầu nhiệm” đời sống Đức Giêsu được ghi lại trong bốn Phúc Âm.

Đến gần Ngài với đôi mắt chiêm ngắm nghĩa là bạn cố gắng tưởng tượng – hình dung bối cảnh – nhập vào với cả con người của bạn: đôi mắt, khả năng lắng nghe… và nhất là trái tim của bạn. Làm như vậy, bạn sẽ được thấm nhuần bởi những gì bạn nhìn thấy, nghe và cảm thấy. Bạn sẽ được “thấu hiểu” Đức Giêsu là nguồn tình thương và ơn gọi của bạn.

Chiêm ngắm

Ơn xin: “Được thấu hiểu Đức Giêsu, đã làm người vì tôi, để mến yêu Ngài tha thiết hơn và bước theo trung thành hơn” (Lt 104).

- Hãy hình dung Chúa Ba Ngôi (Chúa Cha – Chúa Con – Chúa Thánh Thần) đang nhìn ngắm thế gian, với một “cái nhìn tổng quát”: từ muôn thuở; sâu thẳm nhất (đến những nơi chốn xa xôi nhất của trái tim con người); và phổ quát: bao gồm tất cả đàn ông, phụ nữ của lịch sử, trong muôn ngàn văn hóa và hoàn cảnh vui - buồn, hòa bình - chiến tranh, sống - chết…

- Hãy chiêm ngắm Chúa Ba Ngôi đang nhìn thế gian này và chú ý đến những nét đặc sắc của cái nhìn đó:

* Một cái nhìn trìu mến “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình …” (Ga 3,16) và do đó, Ngài tận tâm chú ý đến từng hoàn cảnh và số phận của những đứa con của Ngài và của cả vũ trụ.

* Một cái nhìn cảm thông – như một người cha chạnh lòng thương khi nhìn thấy nỗi thống khổ, gian truân hoặc đau đớn của con mình. “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15).

* Một cái nhìn cam kết. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Tức là Ngài “bắt tay vào việc”… vào “việc của Thiên Chúa”: “Chúng ta hãy cứu chuộc nhân loại” (Tl 107).

* Một cái nhìn mạo hiểm. “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có…” (2 Cr 8,9). Tức là Ngài đã từ bỏ chính mình, trong một cuộc “xuất hành” luôn mãi, để trở thành một người giữa chúng ta…

* Một cái nhìn kêu mời, luôn mời gọi và lôi cuốn chúng ta để cộng tác trong công trình xây dựng Nước Trời (Lc 2, 1-7). Để xác định những ơn trên, bạn hãy chiêm ngắm chậm rãi bối cảnh Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ Maria: - Ai được kêu gọi,  - Kêu mời ra sao, - Để làm gì… Và câu đáp trả của Đức Mẹ luôn tin tưởng và trung thành. Vì lý do đó, bối cảnh này là mẫu gương của tất cả lời mời gọi, và của tất cả lời đáp trả của chúng ta – của lời mời gọi và đáp trả của bạn. Bạn hãy tạ ơn Thiên Chúa qua Đức Maria, và khấn xin cho biết – như Đức Mẹ - thưa hai tiếng “Xin Vâng” khi Thiên Chúa mời gọi bạn.

- Hãy để ý lòng của bạn được đánh động như thế nào và rút ích lợi.

- Kết thúc bằng lời tâm sự: “Nghĩ về những gì tôi sẽ nói với Ba Ngôi Thiên Chúa, với Ngôi Lời Nhập thể, hoặc với Đức Mẹ, và khấn xin theo những gì nổi lên trong trái tim mình, để bước theo và bắt chước Đức Giêsu đang nhập thể một lần nữa. Đọc Kinh Lạy Cha” (LT 109).

Phần 2: Sau khi cha Thành gợi ý xong, một số các anh chị đi tìm những bóng mát chung quanh Nhà nguyện để cầu nguyện riêng. Đa số ngồi ở lại trong Nhà nguyện vì mát mẻ hơn.

Phần 3: Khoảng 10g 45, các anh chị chia sẻ nhóm và sau đó tất cả vào Nhà nguyện để chia sẻ chung. Có 6 bạn đã chia sẻ những đánh động, những cảm xúc, những niềm vui có được sau 1 giờ cầu nguyện riêng với Chúa. Có bạn không cầu nguyện được vì có nhiều thắc mắc về cuộc sống. Để trả lời cho những vấn nạn xảy ra trong cuộc sống, cha Thành đã kể lại câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trên biển và thánh Phêrô đã xin được bước đi trên nước để đến với Chúa. Chúa nói hãy đến và thánh Phêrô can đảm xuống thuyền đến với Chúa. Những bước đầu, Phêrô bước đi ngon lành trong niềm tin yêu nhưng khi thấy gió to sóng lớn, lòng tin vào Chúa bắt đầu lung lay và ngay lúc ấy ông đã bị chìm. Cha Thành kết luận: Dù cuộc đời có bao sóng gió, sự dữ hoành hành, hãy cứ tin vào Chúa, tin rằng Chúa thương yêu mình, thương yêu mỗi người.

Trở lại chủ đề tĩnh tâm, cha nhắc mỗi người hãy đón nhận Tin Mừng Nhập Thể bằng cách dọn máng cỏ tâm hồn của mình cho tinh sạch. Hãy cầu nguyện với Đức Mẹ để hỏi xem từ lúc Mẹ nói Xin Vâng, Mẹ đã chuẩn bị đón Chúa đến nơi cung lòng của mình thế nào. Nhờ đó mình cũng sẽ biết và bắt chước Đức Mẹ chuẩn bị như vậy để tâm hồn của mỗi người trong Mùa Vọng này được sẵn sàng đón nhận Chúa ngự đến.

Buổi tĩnh tâm kết thúc trong niềm vui siêu thoát. Mọi người đều hẹn nhau sẽ gặp lại trong 2 buổi tĩnh tâm trong 2 Chúa nhật kế tiếp với đề tài:

- Chúa nhật 13/12/2015: Loan Tin Mừng cho người khác (Elijalde cha Phạm Công Thành)

- Chúa nhật 20/12/2015: Đức Maria sinh Chúa Giêsu tại Bêlem (cha Antôn Nguyễn Cao Siêu).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top