Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ văn hóa Đông tây

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ văn hóa Đông tây

MỤC VỤ
VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

Dẫn nhập

Văn hóa là trở thành “Con người”. Con người chỉ thực sự đạt tới nhân tính đích thực nhờ văn hóa. Văn hóa chiếm một một địa vị cao cả trong ơn gọi toàn diện của con người[1]. Thực tế, với nền văn hóa giao lưu toàn cầu hiện nay, ngày càng tiến bộ. Vì thế, đòi hỏi con người phải canh tân kiến thức Đông Tây của mình. Hơn nữa, nhờ tiến bộ khoa học khiến con người dễ dàng tham dự vào các di sản văn hóa. Tuy nhiên, những nguy hiểm hiện nay là nền văn hóa có thể đưa đến một nền nhân bản hoàn toàn trần tục. Các yếu tố cấu thành văn hóa gia tăng nhưng nền văn hóa toàn diện, khả năng tổng hợp bị suy giảm và hình ảnh con người phổ quát mờ dần. Do đó, con người phải tìm hiểu ý nghĩa chính xác và sâu rộng của văn hóa và khoa học đối với chính mình[2]. Sau cùng, Giáo hội và văn hóa làm phong phú lẫn nhau[3]. Sau đây, tôi xin chia sẻ it điều: mục vụ văn hóa Đông-Tây.

Nhận thức

Có rất nhiều định nghĩa về văn hóa. Sau đây tôi xin mạn phép, tóm lược ý nghĩa dễ hiểu nhất về Văn hóa. Văn là người. Văn là vẻ đẹp. Vẻ đẹp nhất là tình yêu. Hóa là trở thành. Văn hóa là trở thành “Con người yêu thương” trong môi trường tự nhiên, xã hội và sáng tạo của một nền văn hóa, văn minh tâm linh-khoa học của mình[1].

Đặc biệt, Giáo dân phải diễn tả một đời sống luôn luôn mới mẻ trong môi trường xã hội và văn hóa của quê hương mình và phải hiểu biết thanh luyện và phát triển nền văn hóa ấy[4]. Giáo dân còn phải làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa[5]. Bằng cách, tìm hiểu lối suy tư và cảm nghĩ của người khác được diễn tả trong nền văn hóa của họ[6]. Không được coi thường việc giáo dục văn hóa tổng quát, cũng như đào tạo về kỹ thuật và thực hành trong việc tông đồ giáo dân[7].

Thực tiễn, kinh nghiệm nhiều chương trình phát triển, Liên hiệp Quốc đã đúc kết: “Các kế hoạch phát triển, không chú ý tới yếu tố văn hóa, sớm muộn đều dẫn tới thất bại”. Vì thế, các bản sắc văn hóa Dân tộc được khẳng định và đề cao; đồng thời khuyến khích các tài năng sáng tạo và cuộc sống có văn hóa; cùng đẩy mạnh giao lưu và hợp tác Quốc tế trên lãnh vực văn hóa[2].

Vậy văn hóa có cấu trúc như thế nào? Vì Văn là người, nên hệ thống quan hệ giữa các yếu tố của văn hóa cũng giống như của con người. Theo khoa học, con người được phân chia: Đầu, mình và tứ chi. Đầu thường hiểu là để nhận thức; mình được coi là một bộ phận, tổ chức, nối kết năm bộ phận: Phổi, tim, gan, thận, dạ dày; tứ chi là chân tay. Người ta gọi là phương tiện ứng xử. Hai tay được so sánh như phương tiện: tiếp thu; hai chân được ví như hai phương tiện để loại trừ. Nhà chuyên môn, gọi là văn hóa: Nhận thức, tổ chức, ứng xử[3].

Thế tại sao người ta gọi là văn hóa phương đông và phương tây? Căn cứ vào: Địa lý, kinh tế, khí hậu và lối sống, người ta phân chia thế giới thành hai loại hình văn hóa: Văn hóa Đông phương và Tây phương. Sau đây là đặc điểm cơ bản, phổ quát, bao trùm của hai nền văn hóa.

Phương Đông: Đồng bằng, ẩm, thấp, mưa nhiều, nhiều sông nước, trồng trọt, định cư.

Phương Tây: Đồng cỏ, khô, cao, ít mưa, nhiều đồi núi, chăn nuôi, du cư.

Thế còn qui luật phát triển văn hóa? Có ba qui luật. Trước hết là qui luật phát triển theo hình SIN. Theo qui luật hình Sin này, với dự đoán tất yếu rằng: Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của Phương Đông, Châu Á Thái Bình Dương. Nền văn minh sẽ được xây dựng trên biển, giữa biển và dưới biển. Vì thế, những nước ở gần biển rất thuận lợi. Sinh viên nên chọn những khoa có liên quan tới hàng hải là hợp thời. Theo dự đoán, Việt nam sẽ là điểm dừng của thế giới trong ngàn năm thứ Ba này. Thứ đến là qui luật đan cài: Do giao lưu, không có nền văn hóa độc lập, thuần Đông hay thuần Tây. Và sau cùng là qui luật Âm Dương: Chiến tranh thường đi từ vùng du mục hơn (Dương) đến vùng nông nghiệp hơn (Âm). Văn hóa đi từ vùng nông nghiệp hơn đến vùng du mục hơn. Cụ thể chiến tranh thường đi từ Tây Bắc xuống Đông Nam; văn hóa thường đi từ Đông Nam lên Tây Bắc. Qui luật này cũng thấy nơi nông nghiệp trồng cây. Phía Đông Nam, ánh mặt trời, thường nhiều lá xanh tốt; phía Tây Bắc thường nhiều quả chín vàng.

Mục vụ

Con người Phương Đông

Thiên về tổng hợp và quan hệ. Nên người phương đông thường hay diễn tả tính tổng hợp qua công thức kết luận: “Nói chung là”. Và coi trọng quan hệ: “Thứ nhất cận lân thứ nhì cận thân”. Trọng tình: “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Và “Đem nhau đến trước cửa quan, bên ngoài là lý, bên trong là tình”. Trọng đức: “Có đức mặc sức mà ăn”. Và “Đức thắng số”; “Đức trọng quỉ thần kinh”. Trọng văn: “Quan văn hơn quan võ”. Ba trọng: “Trọng nhà, trọng bếp, trọng phụ nữ”. Nhất là trọng Phụ nữ: “Đạo Mẫu”. “Phúc đức tại mẫu”. Trọng tập thể, dân chủ nhưng linh hoạt: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Và “Tùy cơ ứng biến”. Tôn trọng và sống hòa hợp thiên nhiên: “Thuận thiên giả tồn nghịch thiên giả vong”. Tiếp nhận bao dung: Việt Nam chấp nhận mọi tôn giáo. Đạo Cao Đài được đánh giá là một tôn giáo Dân tộc bao dung nhất thế giới. Đối ngoại mềm giẻo, hiếu hòa: “Dĩ hòa vi quí, hòa khí sinh tài”. Người Phương đông thích trang trí nhà cửa bằng những thứ cứng, như đồ Inox. Con gái thích giả con trai. Lối sống định cư, rất ngại rời bỏ xóm làng.

Con người Phương Tây

Thiên về phân tích, trọng yếu tố, thực nghiệm. Phân tích, phân chia, thí nghiệm: “Cụ thể là” và “Nói có sách mách có chứng”. Rồi mới tổng hợp, kết luận. Mọi thứ phải được trải nghiệm. Chứng minh, minh bạch rõ ràng. Ngay cả trong lãnh vực tôn giáo hiện nay. Trọng lý, trọng tài: “Cứ có  lý, có tài là được”. Trọng sức mạnh, trọng nam. Trọng cá nhân, nguyên tắc. Coi thường thiên nhiên, tham vọng chế ngự thiên nhiên, nên nhà thờ biểu hiện ngôi tháp cao; thích ở trên núi; dễ có hành động phá hủy môi trường, làm biến đổi khí hậu. Chiếm đoạt, độc tôn, cứng rắn, hiếu thắng. Ví dụ, trong chiến tranh Tây phương, đánh tới cùng. Địch thua, bên thắng vẫn thả thêm mấy quả boom nguyên tử diệt tận gốc. Tây phương thích trang trí bằng những thứ mềm, như lụa, đồ gỗ, nước khoáng sạch, có độ kiềm cao. Tương lai Tây phương sẽ nhập của Đông phương đồ gỗ và lụa. Lối sống di cư. Lập mghiệp ở nước ngoài. Xí nghiệp đang muốn đặt tại Việt Nam, điểm hội tụ, tỏa đi.

Chìa khóa tích hợp

Triết lý giáo dục: “Tâm linh-Khoa học”. Tâm linh cần khoa học để phát triển toàn diện và toàn thể; khoa học cần tâm linh minh triết và khôn ngoan: Sáng tạo để làm gì, mục đích, mục đích của mục đích?

Với phương thức khoa học: Cách mạng khoa học kỹ thuật chuyển đổi số, kết nối mạng toàn cầu trong thời đại, 4.0.

Áp dụng

Phương tây, du nhập văn hóa đông phương, giá trị tâm linh, nền minh triết với phong cách sống điềm nhiên, tĩnh tại, chậm lại. Chấm dứt chiến tranh cục bộ. Sám hối, tôn trọng, khắc phục ngay “Hủy hoại môi trường”. Vì rất ảnh hưởng tới sự cân bằng cuộc sống. Khiến “Đạo đức” suy thoái. Đề cao nhân sinh quan Á Đông: “Thiên-địa-nhân” là một thể thống nhất. Chú ý tới khoa học địa sinh thái. Đặc biệt củng cố vai trò lãnh đạo và đức tin. Kinh nghiệm lịch sử: “Khủng hoảng đức tin là do suy thoái lãnh đạo”. Và “Khủng hỏang lãnh đạo là do suy sụp môi trường”.

Phương đông, du nhập văn minh Tây phương, khoa học kỹ thuật, nâng cao và làm trong sáng nếp sống tâm linh. Phát huy nền Đông y ngang tầm Tây y, xen giữa là Tâm y. Kinh nghiệm khoa học: 10 % chữ bệnh là Đông và Tây kết hợp, 90 % là do nguyên nhân khác, trong đó không loại trừ tâm lý và nhất là tâm linh. Con người là “cả thể chất, cả tinh thần, cả tâm linh” thống nhất. Nhiều nhà tu đức nhận định rằng: “Nhiều thứ bệnh dịch hiện nay không thể chữa bằng thuốc khoa học mà phải dùng tới thuốc tâm linh”.

Chìa khóa hóa giải, phân cách Đông-Tây. Điều mà địa lý phân cách, nay, nền văn minh Biển, ngàn năm thứ Ba, sẽ nối kết lại. Điều mà Đông-Tây phân cách, Việt Nam, nền văn minh Biển, sẽ tụ lại.

Kết luận

Tôi xác tín: Chúa Thánh Thần có mặt trong Văn hóa. Người điều khiển lịch sử nhân loại qua ngả “văn hóa-con người”. Như thế, tầm nhìn đã rõ. Chúng ta cũng đã nhắc lại mô hình Biển: “Tứ hải giai huynh đệ”.  Bốn Biển là anh em một nhà. Còn lại là: “Hiệp hành, hiệp thông, tham gia, sứ vụ” loan báo Tin mừng. Cổ nhân dạy: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Phải biết về “Đông Tây” mới đem lại thành quả, thành công. Việc làm của truyền thông và giáo dục hôm nay, là “Tích hợp đa văn hóa Đông Tây”, cho một chiến lược xây dựng một thế giới là một ngôi nhà và trong đó mọi người là anh em. “Thiên địa nhân”, là một thể thống nhất, nay trở thành qui luật chung của toàn thể nhân loại. Con người là một tiểu vũ trụ. Thế giới là đại vũ trụ. Nên phải biết vũ trụ, mới biết con người và biết con người mới biết Thiên Chúa.

Tích hợp Đông Tây, nhưng vẫn giữa hai gốc. Gốc “Văn hóa tâm linh” và gốc “Văn minh khoa học”. Minh triết và sáng tạo. Khôn ngoan và tiến bộ. Hòa nhưng không tan. Hiệp nhất trong di biệt, trong đa dạng. Thống nhất trong điều chính, tương nhượng trong những gì không quan trọng, nhưng cần đối thoại và hòa giải trong mục vụ. Không có vấn đề gì mà không có giải pháp. Mục vụ là cùng với Chúa Thánh Thần, với tinh thần Phúc âm và ánh sáng Công đồng Vat. II, cùng văn hóa, chìa khóa hóa giải thời đại. Hầu đem lại sức sống, niềm tin, tình yêu, nguồn hy vọng mới, cho con người và cho thế giới thời nay./.

Tổng giáo phận Sài Gòn, tháng Mười Một 2022
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)



[1] Lm. Nguyển Văn Hinh, mục vụ văn hóa Đông-Tây.

[2] Unesco, 12/86, Phát động thập kỷ văn hóa thế giới 88-97

[3] GS. Trần Ngọc Thêm



[1]MV 53-62

[2]MV62

[3]MV 58

[4]TG 21

[5]  GH 36

[6]MV 62

[7]TĐ 29

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top