Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ Đức tin tròn đầy và trong sáng

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ Đức tin tròn đầy và trong sáng

MỤC VỤ
ĐỨC TIN TRÒN ĐẦY VÀ TRONG SÁNG

Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

Dẫn nhập

Đức HY Ratzinger, năm 1969 đã tiên báo: “Giáo hội sẽ mất mát rất nhiều và sẽ khởi lại bằng con số Zero. Tương lai Gíáo hội sẽ là những con người, với Đức Tin tròn đầy và trong sáng”. Đức tin tròn đầy và trong sáng là thế nào? Và ân huệ đức tin là gì? Đào luyện ra sao? Sau đây tôi xin chia sẻ ít điều: “Mục vụ Đức tin tròn đầy và trong sáng”.

Đức tin tròn đầy

Là cả Cựu ước cả Tân ước.

Đức tin Cựu ước. Tiêu biểu là đức tin của Abraham và Môisê.

Abraham. Dù có lời hứa về dòng dõi như sao trên trời như cát dưới biển. Nhưng ông vẫn tuân theo ý định của Thiên Chúa muốn thử thách, đem người con duy nhất là Isaac lên núi sát tế, làm của lễ. Nhưng vào phút cuối, Chúa đã can thiệp. Ông đã trở thành cha của những kẻ tin.

Môisê. Gặp Chúa, và nói chuyện với Chúa, lĩnh giới răn, truyền đạt cho Dân và trình lên Chúa nguyện vọng của Dân Người.

Đức tin Tân ước. Tiêu biểu là đức tin của Đức Mẹ và Thánh Giuse. Mẹ Maria, với đức tin đối thoại và hòa giải với Thiên Chúa qua sứ thần. Rồi “xin vâng” thánh ý cứu độ của Người. Đón nhận, cưu mang Đấng Cứu Thế, sống với Người và cùng người loan báo Tin vui. Thánh Giuse, với đức tin tuân phục vô điều kiện Thánh ý Chúa. Lắng nghe sự hướng dẫn của Người. Bảo vệ, Mẹ và Đấng cứu độ trần gian.

Là cả đức tin cả đức cậy cả đức mến. Cả ba là một thể thống nhất. Tin, phải được thanh luyện, trải qua thử thách. Tuyệt vọng nhưng vẫn cậy trông, theo gương “Đức cậy- Gióp” và đức tin được phiên dịch qua gương “Đức ái-Samari”. Đức tin là một điều rất cụ thể, xác định lối sống của ta. Chúng ta cần đến một Thiên Chúa hằng sống, Đấng yêu chúng ta đến mức chết cho ta. Và như thế, tình yêu thành mối quan tâm dành cho người khác, sẵn sàng hi sinh cho người lân cận khi đi theo Đức Kitô, cống hiến bác ái mà các Kitô hữu dành cho người nghèo và người đau khổ, khởi đi từ Đức Kitô mở ra nơi sự hi sinh Ngài dành cho con người. Bản chất của Tình yêu được diễn tả trong Kinh thánh, như một cộng đoàn của Giáo hội. Tổ chức bác ái là thành phần cốt yếu của Giáo hội. Thông truyền cho tha nhân chính tình yêu của Thiên Chúa, mà chính mình đã lãnh nhận được. Một cách nào đó, nó làm cho Thiên Chúa hằng sống trở nên hữu hình. Trong tổ chức bác ái, ta không được phép để cho những từ “Thiên Chúa” và “Đức Kitô” trở nên xa lạ. Thực ra, những từ này cho thấy cội nguồn bác ái của Giáo hội. Sức mạnh bác ái tùy thuộc vào sức mạnh đức tin của tất cả các thành viên và cộng tác viên. Nhưng sự dấn thân hoạt động bác ái có ý nghĩa vượt bên trên lòng nhân từ ấy. Chính Thiên Chúa là Đấng vận hành từ bên trong chúng ta, thúc đẩy ta xoa dịu nỗi khốn khổ của họ. Và rồi, cuối cùng chính Ngài là Đấng mà ta mang đến cho thế giới khổ đau. Càng ý thức rõ rằng chúng ta đang mang chính Chúa đến như một quà tặng, ta càng làm cho tình yêu của mình mang lại nhiều hiệu quả biến đổi thế giới và tái tạo niềm hy vọng: một niềm hy vọng vượt bên trên sự chết. Chỉ như thế ta mới mang được niềm hy vọng đích thực đến cho con người[1].

cả đức tin cả khoa học

Đức tin và khoa học có đối tượng và phương pháp khác nhau nhưng cả hai bổ túc cho nhau, phục vụ con người trọn vẹn. Khoa học đi tìm đức tin khẳng định, không có đối nghịch. Đức tin cần khoa học để thấu hiểu và diễn tả điều mình tin hơn. Khoa học cần đức tin để mở rộng chân trời, mở rộng tầm nhìn và nhận ra ý nghĩa của mọi sự vật. Khoa học có vai trò thanh luyện đức tin, làm cho đức tin ngày một bền vững sáng tỏ hơn. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Khoa học thanh tẩy tôn giáo khỏi mê tín; tôn giáo tẩy sạch khoa học khỏi ngẫu tượng, sai lạc. Cái này kéo cái kia vào một thế giới rộng hơn, một thế giới mà trong đó cả hai đều được nuôi dưỡng”.

Đức tin trong sáng

Đức tin trong sáng là tin theo ý Chúa: “Xin theo ý Cha hoàn toàn”; và ngay cả trong thử thách, vẫn tin: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con”? Tin tuyệt đối vì Người là Đấng đáng tin, không lừa dối ai bao giờ. Đức tin như thấy Đấng vô hình. Ngài đang sống. Người thấy hết mọi sự. Người ở nơi bí nhiệm và thấu suốt những gì kín đáo, cả những lúc ta cầu nguyện trong phòng, đóng kín cửa; khi ăn chay sức thuốc thơm; lúc làm phúc thầm kín… Người sẽ trả lại cho chúng ta[2]. Người biết và trả công, nhưng ta không bao giờ kể công, đòi công, không vụ lợi. Chúa biết hết mọi sự, chúng ta chỉ biết yêu mến Người hết lòng, hết trí và hết sức mà thôi: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Người”[3].

Và ân huệ đức tin là gì? Đức tin là một ân huệ. Nếu muốn có, ta phải cầu xin: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”[4]. “Ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”[5]. Ân huệ đức tin cao cả nhất, chính là Thánh Thần: “Phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao”[6]? Tông Đồ Công Vụ, 53 lần: “Thánh Thần là quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta”. Thánh Augustinô: “Lương thực cần hằng ngày chính là Quà Tặng Thánh Thần”. Ngài gọi Chúa Thánh Thần là “Quà Tặng toàn thể, hay Quà Tặng cánh chung”. Thánh Thần là Quà Tặng được Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta trở thành con cái đích thực Thiên Chúa và thưa lên rằng: Abba – Cha ơi[7]! Thánh Thần là Quà Tặng của Đấng Phục Sinh ban cho chúng ta như là Đấng Bảo Trợ, để đồng hành và hướng dẫn chúng ta tới “chân lý toàn vẹn”[8]; tới sự sống và sự thánh thiện của Thiên Chúa. “Chúa Thánh Thần chính là “ý muốn bản thể của Thiên Chúa,” và khi Người ngự trong tâm hồn, “Người bày tỏ như là chính Thánh Ý của Thiên Chúa… cho những ai mà Người cư ngụ”[9]. Thánh Basiliô: “Con đường để hiểu biết Thiên Chúa của chúng ta đi lên từ Ngôi Thánh Thần qua Ngôi Con tới Ngôi Cha. Ngược lại, sự tốt lành, sự thánh thiện và sự cao cả thần linh đến từ Chúa Cha, qua Con Một yêu dấu tới Chúa Thánh Thần để đến với chúng ta”. Vì những lý do trên, mỗi ngày, chúng ta được khuyến khích liên lỉ cầu xin Thiên Chúa nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, người luôn đầy Thánh Thần, ban cho mỗi người chúng ta thứ Quà Tặng cao quý này.

Đào luyện ra sao?

“Anh em hãy nhận Chúa Thánh Thần”[10]. “Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dậy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại những điều Thầy đã nói với anh em[11]. Và trong ngày lễ Ngũ Tuần: “Ai nấy đều được ơn Thánh Thần”[12]. Và ai không có Thần Khí của Đức Kitô thì không thuộc về Đức Kitô”[13]. Và “Tôi sống nhưng không còn là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi”[14]. Công đồng cho biết: Giáo hội Tây phương đã một thời gian, quên lãng vai trò Chúa Thánh Thần, nhờ Giáo hội Đông phương mà hôm nay, Giáo hội trở về với giáo hội sơ khai. Và tin rằng: Chúa Thánh Thần hiện diện trong Công đồng từ khởi sự cho đến hoàn thành, nhất là trong các nghị quyết đều do Chúa Thánh Thần. Như ở Công đồng Giêrusalem, với công thức mục vụ: “Chúa Thánh Thần và chúng tôi quyết định…”[15].

Kết luận

“Xin Chúa Giêsu sai Thánh Thần đến với con. Cùng với Mẹ Maria con đón nhận Thánh Thần. Xin Thánh Thần ban ơn: Đức tin tròn đầy và trong sáng cho con và cho Hội Thánh hôm nay và tương lai”. Chúng con tin Chúa Thánh Thần đang ở và đồng hành với Giáo hội. Ngài là Thầy dạy duy nhất. Đấng nhắc nhở những điều Chúa Giêsu đã dạy, thúc đẩy Giáo hội nên Thánh và ban những ơn cần thiết, nhất là ơn đúng lúc cho Hội thánh Chúa Kitô./.

Truyền thông TGP/SG, tháng Hai 2023
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)

 

[1] Vi Hữu , TGPSG,  "Jesus Christ according to Pope Benedict 16", p. 23-26,

[2] Mt 6, 1-6. 16-18

[3] Đức Thánh Cha Benedicto XVI, trước giây phút qua đời.

[4] Lc 17: 5-10

[5] Lc 11,5-13

[6] Lc 11,5-13

[7] Gl 4,6

[8] Ga 16,12-13

[9] William Saint Thierry

[10] Ga 20, 19-23

[11] Ga 14, 26

[12] Cv 2, 4

[13] Rom. 8, 9

[14] Gl 2, 20

[15] Cv 15, 28-29

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top