Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp Hành - Văn hóa 'nói dối đạo đức'

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp Hành - Văn hóa 'nói dối đạo đức'

HIỆP HÀNH
VĂN HÓA “NÓI DỐI ĐẠO ĐỨC”

Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

Dẫn nhập

Không bao giờ được nói dối: “Có nói có, không nói không, nói thêm thắt  là do sự dữ”[1]. “Sự thật sẽ giải phóng anh em”[2]. Không thể có công lý nếu không có sự thật[3]. Trong việc tìm kiếm một xã hội chân chính và công bằng cần xem xét cẩn thận những gì đang xảy ra. Cùng tham gia đối thoại, phân định và lắng nghe tiếng lương tâm[4]. Tuy nhiên, có những sự thật không buộc ta phải nói, không nên nói, vì có liên quan tới hạnh phúc của người khác. Nhưng, đã nói thì phải nói thực. Nhất là trong lãnh đạo trị quốc an dân: “Phải rất thật”. Vì “Dân tin, mới dựng xây cơ đồ”. Trong đời sống gia đình: “Biết sự thật, người ta sẽ dễ tha thứ tất cả”. Trong cộng đồng: “Một lần mất tín, vạn lần chẳng tin”. Đã nói dối là xấu, không thể là văn hóa. Vậy, tại sao, tôi lại muốn chia sẻ ít điều mang tính mục vụ, trong tiến trình “Hiệp hành” văn hóa “Nói dối đạo đức”[5]?

Nhận thức

Hiện thực Việt Nam: Có nói dối, nói dối thiện chí và nói lối[6]. Là cách nói, có mục đích bảo toàn danh dự và hạnh phúc cho tha nhân. Không có lợi cho mình và không vi phạm luật nghiêm trọng. Nhất là vì sự tồn vong của con người và cả một Dân tộc. Hơn nữa, văn hóa Việt Nam trọng tình: “Cả nể; sợ mất lòng”; “rút dây động rừng”. Tính hài hòa sông nước: “Dĩ hòa vi quí”. Tính nước đôi: “Ông Đồng Bà Cốt”; “Lưỡng long chầu nguyệt”. Thói trọng nông ức thương: “Đồ con buôn”; nảy sinh thói “Làm hàng dổm”; “ăn gian, nói dối, nói thách…”.

“Đặc biệt, đối với người Việt Nam, vì lý do: “Bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của gia đình, Dân tộc là hàng đầu”. Người Việt Nam, có thể phá vỡ hợp đồng, khi khám phá ra mình bị lừa, hoặc vi phạm chủ quyền Quốc gia hay quyền lợi, hạnh phúc gia đình. Đó là nguyên tắc biện phân mọi lời nói việc làm của Người Việt Nam: “Nói lối, nói dối thiện chí và nói dối đạo đức”. Ảnh hưởng và tồn tại nói dối trong các lãnh vực khác, như giáo dục, buôn bán, một phần do văn hóa biến động vì áp lực môi trường xã hội với tính nể trọng cận lân: “Sợ mất lòng” những nước lớn, thế lực mạnh. Ngày nay, khoa học sẽ giúp chúng ta sớm khắc phục thói giả dối, gian dối, nói dối, nói lối, nói dối thiện chí và nói dối đạo đức. Cùng với quyết tâm thực hiện công bằng hầu đạt tiêu chuẩn “uy tín” trên thương trường quốc tế, đem lại sự giàu có bền vững cho kinh tế Việt Nam.

Ứng dụng

Như chúng ta đã biết, tố chất con người bao gồm lý và tình. Lý là sự hiểu biết. Theo kinh nghiệm: “Hiểu biết làm kiêu căng, nhưng tình yêu cảm hóa”[7]. Hiểu biết mà không có tình yêu chỉ dẫn tới mánh khoé, độc tài, và tranh chấp. Tắt một lời, thiếu bác ái, tất cả đều làm lời nói của chúng ta trở nên không chân thật: “Bác ái trong lời nói” vì tình yêu là “Quyền lực cao cả nhất.” Tình yêu có thể phá vỡ ổ khóa tội lỗi, mạnh hơn sự chết có thể chiến thắng sự dữ. Tình yêu có nghĩa là làm lợi tối đa cho người khác. Nếu tôi yêu anh, tôi nói sự thật với anh, điều đó không có lợi cho tôi nhưng cho anh. Đặc trưng bác ái trong lời nói theo Thánh Phaolô: “Không dập tắt ý tưởng, lời nói, thái độ người khác; không làm bối rối nhưng tán dương, đồng thời cũng dám nhận lỗi lầm; tránh giận giữ và kiên nhẫn.” Ví dụ: “tôi đã làm điều gì tổn thương anh? Và có vấn đề gì không làm anh hài lòng và hạnh phúc?”

Đào luyện

Trong “Hiệp hành”, tin là tiền đề căn bản như trái đất có cây. Không có gì xấu xa hơn khi cùng đi với nhau mà phải đối mặt với một bức tường nghi ngờ. Không tin không thể hiểu biết, liên kết, gắn bó. Để tin nhau, sách gương phúc dạy: “Không nói hay về mình, biết kính trọng mọi người”. Khi trao đổi, chúng ta có thể nghe nhau, nghe trước khi xét đoán. Có hai loại nghe. Nghe thật và nghe giả. Nghe giả là nghe có ý thủ lợi. Nghe thật là muốn hiểu, vui, học hỏi và chia sẻ. Bốn bước nghe hữu hiệu: tích cực, thiện cảm, cởi mở, toàn diện. Mắt chăm chú về phía người nói, thỉnh thoảng củng cố, tán thành người nói bằng tỏ thái độ gật đầu hay xin giải thích, chú tâm tránh xao nhãng và tỏ ra tín nhiệm, ngay cả khi khó chịu bực tức, để hiểu đúng ý người nói. Kinh nghiệm, nghe mệt hơn nói: “Lắng nghe là biểu thị của thập gía”[8]. Quả thực, khi nghe đòi hỏi người nghe phải chú ý, linh hoạt, thiện cảm, tiên đoán, hồi tưởng và sáng tạo. Cao cả hơn thế, lắng nghe còn là dấu chỉ của người khôn ngoan. Vua Salômon, vị vua nổi tiếng khôn ngoan, chỉ xin Chúa một điều: “Xin cho con tâm hồn biết lắng nghe.”  Nghe nhiều, giúp chúng ta biện phân, phân biệt phải trái, đúng sai. Và ra quyết sách dễ dàng, nhanh lẹ. Hãy nói những gì mình muốn nói với tình yêu và trong tinh thần trách nhiệm. Như lời Thánh Phaolô: “Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người lân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau.” Tuy nhiên, “Sự thật thường hay mất lòng”. Nó dễ gây đau đớn, bất bình. Nhưng dẫu sao, “Thà mất lòng trước mà được lòng sau.” Có lúc: “Giận nhưng đừng phạm tội; hãy tha thứ cho nhau, vì Thiên Chúa trong Chúa Kitô đã tha cho bạn”[9]. Hơn nữa, “Người công chính bước đi trong sự thật, con cháu họ được chúc phúc”[10]. Và như thế chúng ta theo gương Chúa Kitô: “Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”[11]. Thực tế, chúng ta nên dùng câu nói “Tôi” mỗi khi có những vấn đề liên quan tới thất tình[12]. Ví dụ: “Tôi yêu bạn; tôi thực sự cảm kích điều mà bạn đã làm cho tôi.” Kinh nghiệm cho thấy, trong nhiều trường hợp, cha mẹ nói với con cái bằng ngôi thứ nhất, rất thành công. Ví dụ: “Mẹ rất buồn khi thấy con đối xử với Ba như thế; ba rất tự hào về con.” Khi tức giận, chúng ta càng nên dùng “Ngôi thứ nhất” mà không nên dùng “Ngôi thứ hai.” Ví dụ: “Tôi cảm thấy bất bình, thất vọng” thay vì: “Anh là đứa tồi, vô dụng”! Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Điều này nhắc nhở chúng ta cần cầu nguyện và suy nghĩ, cân nhắc để lời nói đầy ắp yêu thương, biết ơn chân thành mà lại rất chân thực: “Lấy tình yêu bao bọc sự thật”[13]. Kinh nghiệm cho thấy, “Đụng chạm tới lòng tự ái của người khác là điều tối kỵ”. Thế nhưng, không có va chạm, phê bình sẽ thiếu vắng tiến bộ. Vì thế, cần có phê và tự phê. Chúng ta nên giúp người khác tự phê bằng cách đặt câu hỏi và hỏi thêm, để vấn đề được sáng tỏ. Trong trường hợp phải phê bình, thì tỏ ra trân trọng, hiểu biết và chỉ nhắm mục đích duy nhất là đi tìm sự thật, và vì lợi ích chung, theo nguyên tắc khôn ngoan mục vụ của Giáo Hội: “Tôn trọng con người và tôn trọng sự thật”. Lời Chúa: “Cơn giận không thể hiện sự công chính của Thiên Chúa”[14]. Vì thế, trước hết phải biết cẩn trọng, tự chủ, trân kính con người, không bao giờ khởi sự khi nóng nảy. Tất cả chỉ nhắm mục đích có lợi: “Nếu có người trong anh em phạm tới anh, hãy đi và nói cho nó biết lỗi của nó, giữa anh và nó thôi. Nếu nó nghe anh, anh lợi được người anh em”[15].

Khi phải nói, nên nói vắn tắt, cô đọng, không nên tập trung vào điểm yếu của đối phương, nhưng nên tập trung vào cái mà bạn muốn và nghĩ. Hơn nữa, khi nghe cần chú ý để hiểu cảm nghĩ, ý kiến và nhu cầu; tránh làm phật ý; không nên tranh biện và đối lập hay sửa lời nói mà nên hỏi để làm rõ hơn.

Kết luận:

Không phải sự thật nào cũng nói. Đã nói thì xin nói sự thật. Nhất là trong lãnh vực mến Chúa: Hiền lành và khiêm nhường. Yêu người: “Liên đới trách nhiệm và yêu thương phục vụ”. Loan báo tin mừng, qua con đường: “Đối thoại và hòa giải”. Thời đại giao lưu văn hóa: khoa học. Máy ghi hình, gắn tại những nơi công cộng cần thiết, như trong siêu thị, giao thông… Máy đo sự thật, trong lãnh vực nghiệp vụ. Hy vọng sẽ giúp chúng ta minh bạch hơn.

Trong tiến trình hiệp hành. Đề phòng không giám nói sự thật. Nhất là văn hóa hiếu thảo, nể trọng bề trên. Hơn nữa, nên thay đổi cách nói có văn hóa, tích cực, lạc quan. Ví dụ: “Chúng con rất vui khi thấy Cha sở cởi mở, lắng nghe, đối thoại, hòa giải và hy sinh phục vụ”. Cộng đồng giáo xứ chúng ta giảm bớt nói hành nói xấu và tăng thêm niềm tin yêu trong cộng đồng, tạo nên khí thế chung sức chung lòng trong việc truyền giáo.  “Yêu ai cứ bảo rằng yêu, ghét ai cứ bảo rằng ghét. Dù ai ngon ngọt nuông chiều, cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu”[16].  Văn hóa nói dối “Chân thực”: “Nói vậy mà không phải vậy, còn hơn thế vậy, lại hay cười, có ý tứ, hàm ý, hiểu ngậm, nước đôi”. Ví như, “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo”. Bản chất Dân tộc Việt Nam, chỉ ước mong cho mọi người, mọi gia đình được hạnh phúc bình an, nên: “Dĩ hòa vi quí”; “Chín bỏ làm mười”. Khi chúng ta hiệp hành hữu hiệu, chúng ta dễ dàng giải quyết xung đột, đồng thời giữ được an vui sâu đậm trong mọi mối tương quan. Giống như người lái xe và bơi lội, hiệp hành là một kỹ năng xem ra đơn giản nhưng đòi hỏi sự đào luyện cùng với Ân sủng Thánh Thần, mới có thể đem lại hiệu quả. /.

Truyền thông, TGP/SG, tháng Ba, 2022
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)



[1] Mt 5, 35-37

[2] Ga 8, 32

[3] Đức cha Pablo Virgilio David, thư mục vụ, 25/02/22

[4] Hội đồng Giám mục, 25/2/22

[5]“Nói dối đạo đức”: Ngày nay người ta gọi là: “Nói dối thiện chí”. Đây là một lời bênh vục tôi trong hội đồng giáo sư chủng viện, của một giáo sư, phụ trách linh hướng, bây giờ Ngài còn sống, khi tôi còn là một chủng sinh tại một tiểu chủng viện.

[6] Nói lối: Nói theo cach hiểu riêng của mình

[7]1Cor. 8: 1.

[8]William Backus, Ph.D.  Nói với nhau sự thật.   USA, 1985, 139.

[9]Eph 4:25.

[10]Prov. 20: 7, RSV

[11]Mt 3: 16.

[12]Thất tình: “Hỷ, nộ, ai, cụ,ái, ố,  dục.”

[13]Ibid., 156-173.

[14]James 1: 20.

[15]Mt 18: 15.

[16] Phùng Quán

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top