Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Giáo dân Chầu Thánh Thể

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Giáo dân Chầu Thánh Thể

GIÁO DÂN
CHẦU THÁNH THỂ

Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

(Thẻ: GIÁO DÂN CHẦU THÁNH THỂ)

Nhận thức

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Vào năm 1991, Ngài bắt đầu chầu Thánh Thể thường xuyên tại Vương Cung Thánh Đường Phêrô ở Rôma. Cũng năm đó, ngài đã thiết lập Hội Giáo Dân Chầu Thánh Thể, nhằm thăng tiến việc chầu Thánh Thể tại các Giáo xứ trên toàn thế giới. Ngài nói: “Hội Thánh và thế giới có một nhu cầu phụng thờ Thánh Thể rất lớn”. Và Ngài cầu nguyện cho việc đặt Mình Thánh Chầu, được thiết lập trong mọi Nhà thờ công giáo, khắp thế giới.

ThánhTêrêsa Calcutta

Dòng Thừa Sai Bác Ái, qui định một giờ chầu mỗi ngày. Mẹ nói: “Khi nhìn lên thánh giá, chúng ta biết Chúa Giêsu đã yêu chúng ta dường bao. Khi nhìn lên nhà tạm, chúng ta biết Người đang yêu chúng ta dường nào”. Bạn nên xin Cha Sở của bạn mở phong trào Chầu Thánh Thể Liên Tục trong Giáo xứ của bạn, ít nhất là một giờ chầu mỗi tuần. Tôi nài xin Mẹ Chí Thánh khơi động tâm hồn các Cha Sở để các ngài tổ chức giờ chầu Thánh Thể liên tục trong xứ, và quảng bá việc tôn sùng này trên khắp thế giới. Mỗi ngày, trước khi ra ngoài đi tìm những bệnh nhân và những người sắp chết, các Nữ tu của Mẹ đã dành 2-3 giờ để cầu nguyện trong Thánh Lễ và trong giờ chầu. Mẹ nói:“Nếu các chị em của tôi không dành thật nhiều thời gian để cầu nguyện, họ không thể phục vụ người nghèo và bệnh nhân chút nào”. Một lần kia, khi Mẹ Têrêsa Calcutta viếng thăm Mỹ quốc, một nhóm phụ nữ Mỹ đến hỏi Mẹ là họ có thể làm gì để giúp đỡ công việc của Mẹ. Mẹ đã đáp lại: “Sự giúp đỡ lớn lao nhất các bạn có thể dành cho tôi là dành một giờ mỗi tuần thinh lặng thờ lạy trước bí tích Thánh Thể”.

Tổ chức Chầu

Chầu Thánh Thể là tôn thờ và tôn vinh Chúa Kitô Thánh Thể đang hiện diện. Chầu Thánh Thể là chiêm ngắm Mầu Nhiệm Chúa Kitô hiện diện thực sự trước chúng ta. Chúng ta “thinh lặng” trước sự hiện diện của Người và mở lòng ra đón nhận ân sủng Người ban tuôn chảy từ Thánh Thể. Nhờ phụng thờ Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta sẽ được biến đổi nên người Chúa muốn! Như thanh nam châm, Chúa sẽ hút chúng ta vào với Người và nhẹ nhàng biến cải chúng ta. Chầu Thánh Thể còn có nghĩa là “Thiên Chúa và con người vươn đến nhau cùng một lúc!” Đỉnh cao nhất của sự kết hiệp này là khi chúng ta hiệp lễ: Chầu thinh lặng[1]. Mỗi cộng đoàn nên tổ chức phòng cầu nguyện, có nhà tạm với Mình Thánh Chúa, có sẵn sách Kinh Thánh, và cổ vũ cho nhiều người đến cầu nguyện với Lời Chúa trong thinh lặng[2].

Phương thức “Tâm linh-Khoa học”

Cầu nguyện - Cảm nghiệm

-“Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”[3]; và ”Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi”[4]. Mục đích: Biến đổi Đức Tin truyền thống, cộng đồng trở thành Đức Tin-cá vị, xác tín bản thân, sống động.

Bật ánh sáng huyền linh và ánh sáng tập trung vào Thánh Thể, với biểu tượng thiêng liêng, nếu nơi đó không có thể đặt Mình Thánh. Mở máy lạnh, tác động “Thân-Tâm” hài hòa; mở nhạc không lời, để giúp tác động tới tâm. Tâm trí quyện lại, sẽ trở thành ý chí. Ý chí là muốn đi theo Chúa.

1. Định tâm

Ngồi thanh thản, hai mắt nhắm lại hoặc mở ¼, nhìn xuống đầu mũi. Hai đầu ngón tay cái và ngón trỏ bấm vào nhau, để kéo giây thần kinh óc tụ lại. Hít sâu (phình bụng) - nín - thở dài (thóp bụng), ý thức: “Tôi biết tôi hít vô, tôi biết tôi nín, tôi biết tôi thở ra”, để tập trung tư tưởng và khiến “Thân-tâm” hài hòa. Rồi, xác tín Chúa đang hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Cầu xin: “Xin Chúa Thêm đức tin cho con (3lần); “Xin cho con được gặp Chúa (3 lần). Sau cùng: “Giục lòng yêu mến, nâng tâm trí lên gặp và sống với Ngài”. Hầu được Ngài biến đổi. (Im lặng)

2. Dẫn nhập: (đọc nhẹ nhàng, thong thả, vừa đủ nghe)

- “Con nhìn Chúa, Chúa nhìn con, con yêu mến Chúa. Xin Chúa biến đổi con nên giống Chúa: “Hiền lành và khiêm nhường”. Xin Chúa thực hiện Thánh Ý Chúa nơi con: “Sống liên đới trách nhiệm và yêu thương phục vụ”, qua con đường “Đối thoại và hoà giải”. (Im lặng)

3. Lời Nguyện: (đọc to tiếng, để tác động tới trí.)

- “Thầy là cây nho, các con là cành, cành nào kết hợp cùng cây, sẽ trổ sinh hoa trái, cành nào lìa cây, sẽ khô héo liền, các con hãy ở trong tình yêu của Thầy”.

- “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy, kẻ ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy các con không làm gì được” (Im lặng)

4. Cảm nghiệm nội tâm:(nói trong tâm hồn, đọc thầm, chậm rãi, mỗi hình ảnh ngưng lại để cảm nghiệm, hầu tác động tới tâm.)

- “Con sống trong Chúa như cá trong biển”. (Tưởng tượng con là cá, Chúa là biển.)

- “Chúa sống trong con như kho tàng trong nhà” (Tưởng tượng con là ngôi nhà, Chúa là kho tàng.)

- “Con và Chúa nên một như bột dậy men, như cục than đen, như thanh sắt han gỉ, được đặt trong lò lửa yêu mến, sẽ được Chúa biến đổi một cách nhẹ nhàng mà mãnh liệt, bất ngờ và lạ lùng”.

5. Lời nguyện tự phát: (Kết quả của tâm và trí quyện lại với nhau, trở thành ý chí.)

- “Lạy Chúa Giêsu, con đang sống với Chúa. Con yêu mến Chúa. Con cảm tạ, chúc tụng, ngợi khen và tôn vinh Chúa. Khi về với cuộc sống đời thường, con quyết tâm sống “Hiền lành và khiêm nhường”. Xin Chúa trợ giúp con sống bền vững điều con quyết tâm”.

6. Xin Thánh Thần (đứng giơ cao 2 tay)

“Xin Chúa Giêsu sai Thánh Thần đến với con. Cùng với Mẹ Maria con đón nhận Thánh Thần. Xin Thánh Thần ban ơn: Khôn Ngoan, Sức Mạnh và Tầm Nhìn cho con”.

Hít sâu (phình bụng) - nín - thở dài (thóp bụng), ý thức: “Tôi biết tôi hít vô, tôi biết tôi nín, tôi biết tôi thở ra”. Mở mắt.

7. Kết thúc: Phép lành

- Linh mục: Ban phép lành

- Hàng Giáo dân. Cầu phúc lành: Xin Chúa xuống phúc lành cho chúng con và toàn thể thế giới.

Kết luận

Mặc dầu Chúa Giêsu và Lời của ngài là một. Người ta thường nhấn tới Lời hơn Mình. Nhưng, Công đồng tập trung vào Chúa Kitô và vào Lời của người. Giáo dân Hoa Kỳ, khoảng 70% không tin Bí Tích Thánh Thể. Do đó, gần đây có Tông huấn “Chúa Kitô đang sống”[5], nhắc nhở Dân Chúa chú ý tới Chúa Giêsu đang sống: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế”. Hệ qủa: “Ta sống trong Chúa và Chúa sống trong ta, như hạt sương tan biến trong biển cả, như chim bay trong bầu trời, như cá bơi lặn trong đại dương. Chúa trở nên một với linh hồn. Một lối sống được thay đổi sâu xa. Hạnh phúc cho linh hồn có Chúa ở trong họ, linh hồn sống với Chúa, sống cho Chúa và được chuyển biến bởi Chúa”. Đúng như kinh nghiệm tâm linh thánh Phaolô: “Bây giờ không phải tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi”. Mục đích sau cùng của việc chầu Thánh Thể: “Gắn bó với Chúa, được Chúa chạm vào và được biến đổi: Nên những vị Thánh”. Đây là phương thức “ắt có và đủ” để đào luyện Đức tin-Cá vị, tròn đầy, trong sáng và “xác tín-mãnh lực-đạt đích”, đáp ứng thiên niên kỷ mới./.

Truyền thông TGP/SG tháng Mười Hai 2022
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

 

 

[1] Lm. Giuse Phạm Đình Ái, Học Viện Thánh Thể, chuyển ngữ, 30-12-2010

[2] Dc. Giuse Trần Xuân Tiếu, thư mục vụ, tháng 7 năm 2011

[3] Lc. 21,36

[4] Ampère

 

[5] Phanxico, Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, 1.5.2019

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top