Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Tín hữu Giáo dân thời hoàn vũ

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Tín hữu Giáo dân thời hoàn vũ

TÍN HỮU GIÁO DÂN
THỜI HOÀN VŨ (1)

Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

Dẫn nhập

Người tín hữu Giáo dân thời hoàn vũ, không chỉ là người giáo dân trong Xứ, Họ của Giáo phận, trong Nước hay của Châu lục mà còn là người giáo dân có liên quan tới quốc tế, toàn cầu. Không gì ngăn cản người Giáo dân từ chỗ mình đang sống, cùng với đức tin và bản sắc văn hóa của Dân tộc, có thể phóng tầm nhìn xuyên lục địa. “Giáo dân là những người nam nữ “thuộc về Giáo hội giữa lòng thế giới, và những người nam nữ “của thế giới trong lòng Giáo hội[1]. Điều gì xảy ra ở Giáo triều Rôma, ở Giáo hội các Nước trên thế giới và tình hình quốc tế, trong tinh thần liên đới-trách nhiệm, người giáo dân nên biết đều có thể biết. Người giáo dân là Giáo hội và là công dân quốc tế. Danh từ chung nhất để gọi Dân Chúa trong Hội thánh Công giáo là Tín Hữu Kitô. “Không phải là tín hữu giáo sĩ hay không phải là tín hữu tu sĩ, nhưng phải được nhìn nhận như một thành viên của Dân thánh Thiên Chúa. Giáo dân và mục tử cùng nhau trong Giáo hội, trong thế giới và cùng nhau theo đuổi việc canh tân Giáo hội và sự hoán cải sứ mạng của Giáo hội[2].

Nhận thức

Tân Ước, không có từ “giáo dân”; nhưng chúng ta nghe nói đến “tín hữu”, “môn đệ”, “anh em” và “các thánh”, áp dụng cho tất cả tín hữu giáo dân và các thừa tác viên có chức thánh[3]. Chúa Giêsu đã sai nhóm Mười Hai đi loan báo Nước Thiên Chúa. Họ đi “từng hai người một[4]. Rồi, thánh Phaolô, người luôn rao giảng Tin Mừng với các cộng sự, kể cả giáo dân và các đôi vợ chồng. Một đoàn dân hiệp nhất trong sứ mạng truyền giáo, và cùng nhau tiến bước để loan báo Tin Mừng[5].Trong lịch sử truyền giáo của Giáo hội: Các mục tử và tín hữu cùng nhau hợp tác. Dân thánh trung thành của Thiên Chúa, không phải những cá nhân biệt lập, nhưng là một Dân loan báo Tin Mừng[6]. Và khi được Thiên Chúa ưu ái, giáo dân có Đức Kitô như một người Anh cả. Như vậy, họ cũng là anh chị em với những người đã lãnh nhận thừa tác vụ thánh, thi hành chức vụ mục tử trong gia đình Thiên Chúa”[7]. Anh chị em với Chúa Kitô, anh chị em với linh mục, anh chị em với mọi người. Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, yếu tố nền tảng là chúng ta thuộc về Chúa Kitô. Những vị tử đạo không nói: “Tôi là giám mục”, hay “Tôi là giáo dân”.  Không, họ chỉ nói: “Tôi là một Kitô hữu”. Trong một thế giới bị tục hóa, điều thực sự phân biệt chúng ta qua bí tích rửa tội, là đức tin vào Chúa Kitô, chứ không phải do bậc sống của chúng ta. Chúng ta là Kitô hữu; chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu. Linh mục cũng là thứ yếu. Giám mục cũng là thứ yếu. Hồng y cũng là thứ yếu thôi. Thiên Chúa mời gọi Giáo hội vượt lên trên những cách hành động riêng rẽ, vượt lên trên những đường song song không bao giờ gặp nhau. Đây là cám dỗ nghiêm trọng nhất hiện nay. Giáo Hội sống như một thân mình, như một Dân đích thực, được hiệp nhất bởi cùng một đức tin vào Chúa Kitô, Đấng Cứu độ, được linh hoạt bởi cùng một Thần Khí thánh hóa, và hướng về cùng một sứ mạng loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa, là Cha chúng ta. Giáo hội không theo chủ nghĩa dân túy hoặc chủ nghĩa tinh hoa[8], mà làDân thánh trung thành của Thiên Chúa[9]. Tính Hiệp hành: được sinh ra từ sứ mạng và được hướng tới sứ mạng. Quả thế, sứ mạng đưa các mục tử và giáo dân lại gần nhau, tạo nên một sự hiệp thông, bổ túc của các đặc sủng đa dạng và khơi dậy mọi người ước muốn bước đi cùng nhau[10]. Các mục tử và tín hữu giáo dân được kêu gọi cùng nhau tiến bước[11]. Giáo dân không phải là “khách mời” trong Giáo hội, họ đang ở nhà của mình, vì thế họ được mời gọi chăm sóc ngôi nhà chung của họ. Người giáo dân, và cách riêng phụ nữ, phải được đánh giá cao hơn về kỹ năng và năng khiếu của họ. Họ có thể mang lại sự loan báo Tin Mừng trong ngôn ngữ hằng ngày của họ, bằng cách dấn thân trong các hình thức rao giảng khác nhau. Họ có thể cộng tác với các linh mục để đào tạo trẻ em, giúp các cặp đính hôn trong việc chuẩn bị hôn nhân và đồng hành với họ trong đời sống hôn nhân và gia đình. Họ phải luôn được tham khảo khi chuẩn bị những sáng kiến mục vụ mới. Họ phải có tiếng nói trong các hội đồng mục vụ của các Giáo hội địa phương. Họ phải hiện diện trong các văn phòng của các giáo phận. Họ có thể giúp trong việc đồng hành thiêng liêng “đặc sủng giáo dân” với các giáo dân khác và đóng góp vào việc đào tạo các chủng sinh và tu sĩ[12].

Áp dụng

Cùng thuộc về Chúa Kitô làm cho tất cả chúng ta trở thành anh em, cách riêng giữa các linh mục và giáo dân[13]. Đó là “Khía cạnh quyết định”[14]. Chúng ta sống tình huynh đệ đích thực giữa mục tử và giáo dân, bằng cách làm việc cạnh nhau mỗi ngày, trong mọi lãnh vực mục vụ. Những mục tử, không phải là những ông chủ, nhưng là những tôi tớ. Tệ hơn cả: linh mục, giám mục rơi vào óc giáo sĩ trị; giáo dân giáo sĩ hóa, đó là bệnh dịch trong Giáo hội[15]. Với tư cách là dân Thiên Chúa, giáo dân là phần đầy đủ cùng với các thừa tác viên chức thánh. Sứ vụ tông đồ của giáo dân trước tiên là chứng tá trong các thực tại giữa đời. Họ cũng có những khả năng, những đặc sủng và những kỹ năng để đóng góp cho đời sống của Giáo hội: Trong phụng vụ, dạy giáo lý và đào tạo, các cơ cấu quản trị tài sản, việc lập kế hoạch và thực hiện các chương trình mục vụ[16].

Đào luyện

Để hoàn thành sứ mạng này, trong sự đồng trách nhiệm, điều cần thiết là phải được đào tạo. Việc đào tạo phải hướng đến sứ mạng, chứ không chỉ giới hạn vào các lý thuyết, vì, điều đó sẽ kết thúc bằng ý thức hệ, và ý thức hệ thì thật là kinh khủng, đó là một bệnh dịch. Chúng ta sống tình huynh đệ đích thực giữa mục tử và giáo dân, bằng cách làm việc cạnh nhau mỗi ngày, trong mọi lãnh vực mục vụ[17]. Vì lý do này, các mục tử phải được đào tạo, từ khi họ ở chủng viện, về sự cộng tác hằng ngày và thông thường với giáo dân, để sự hiệp thông sống động, đối với họ, trở thành một cách thức hành động tự nhiên, chứ không phải là một sự kiện bất thường và ngẫu nhiên, đồng thời tính đồng trách nhiệm này được sống giữa giáo dân và mục tử sẽ cho phép vượt qua sự chẻ đôi, sợ hãi và thiếu tin tưởng lẫn nhau[18]. Một trong những điều tồi tệ nhất xảy ra với một mục tử là quên đoàn chiên, mà vì họ mà mình được kêu gọi. Kinh thánh: “Hãy nhớ anh đã được phát xuất từ đâu, đàn chiên mà anh đã được dẫn đến để phục vụ, và hãy nhớ đến cội nguồn của mình”[19]. Bộ Giáo dân, gia đình và sự sống: “Thúc đẩy và đào tạo giáo dân. Những thực hành tốt" và Sáng kiến tốt nhất trong việc đào tạo giáo dân[20]. Thánh bộ giúp người tín hữu giáo dân nhận thức rõ hơn tinh thần đồng trách nhiệm của mình, do Bí tích Rửa tội, đối với đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh, theo những đặc sủng khác nhau được nhận lãnh để xây dựng Hội Thánh, đặc biệt chú ý đến sứ mệnh riêng của người giáo dân bằng cách làm sáng tỏ và hoàn thiện việc xếp đặt đúng trật tự những công việc trần thế[21]. Chúng tôi xin đề nghị: Mô hình, cơ chế và tâm linh theo tinh thần đào luyện đổi mới của Công đồng Vat. II. và văn hóa Việt Nam, đã thực hiện trong 12 năm (x. Bài 2).

Kết luận

Chúa Giêsu: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy[22]. Nhưng ngày nay, bi kịch của Giáo hội là Chúa Giêsu cứ gõ cửa, nhưng đứng từ bên trong gõ ra, để mong chúng ta cho Người được ra ngoài! Rất nhiều khi, chúng ta trở thành một Giáo hội “cầm tù”, không cho Chúa ra ngoài, giam giữ Người như “của riêng mình”, trong khi Chúa đến vì sứ mạng và muốn chúng ta trở thành những thừa sai[23].

Người giáo dân trước tiên được mời gọi sống sứ mạng của mình trong các thực tại giữa đời, họ dìm mình vào hằng ngày, nhưng họ cũng có những khả năng, những đặc sủng và những kỹ năng để đóng góp cho đời sống của Giáo hội[24]. Ngoài ra, trong nền văn minh Biển, cần coi trọng các “thiên tài” nữ giới, về căn tính và sứ mệnh của người phụ nữ trong Hội Thánh và trong xã hội, thúc đẩy sự tham gia của họ trên cả hai bình diện này[25]. "Văn phòng Phụ nữ" và văn phòng “Giáo hội và thể thao”, nhằm mục đích trở thành một “đài quan sát” của thế giới thể thao để khơi dậy trong các Giáo hội địa phương một sự nhạy cảm mới đối với việc chăm sóc mục vụ môi trường thể thao[26]. Hoạt động tông đồ giáo dân trước hết là một chứng tá về việc cầu nguyện, chứng tá về việc phục vụ, chứng tá về sự gần gũi với người nghèo, người cô đơn và chứng tá của các gia đình[27]. Lắng nghe, và được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và các Bí tích, giúp tăng trưởng sự phân định cá nhân và cộng đoàn.

Tắt một Lời: “Trời mới đất mới”[28] và Thánh Thần đổi mới mọi sự trong Chúa Giêsu. Giáo hội chỉ còn một con đường, không có lựa chọn là: “Canh tân, hoán cải, hiệp hành truyền giáo”[29]. Đúng với qui luật: “Một là đổi mới hay là chết”!

Truyền thông TGP/SG tháng Ba 2023
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

 

[1] Puebla, Đại Hội lần Thứ III của các Giám Mục Mỹ Latinh, Tài liệu cuối cùng,  1979, số 786.

[2] Adélaïde Patrignani, Vatican News

[3] Ibid.,

[4] Mc 6, 7-13

[5] Đức Thánh Cha, vai trò của giáo dân trong Giáo hội, 18/2/2023

[6] Phanxico, Hội nghị quốc tế về Giáo dân, (WHĐ 17.02.2023)

[7] Hiến chế, Lumen Gentium, 32

[8] Dân túy: thuần túy dân; tinh hoa: ưu tuyển, cấp cao, thành phần cao cấp.

[9] Lumen Gentium, số 8 và 12.

[10] Đức Thánh Cha, vai trò của giáo dân trong Giáo hội, 18/2/2023

[11] Phanxico, Hội nghị quốc tế về Giáo dânWHĐ (17.02.2023)Vatican.va, (18. 02. 2023). Chủ đề, Hội nghị Quốc tế các vị Chủ tịch và đại diện các Ủy ban Giám mục về giáo dân, do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, ngày 16 đến 18. 02. 2023. Hội nghị qui tụ khoảng 107 giáo dân, 36 linh mục và 67 giám mục, đến từ 74 Hội đồng Giám mục và các đại biểu của các phong trào Giáo hội đư ợc Bộ Giáo dân Gia đình và Sự sống công nhận.

[12] Ibid.,

[13] Phanxico, Hội nghị quốc tế về Giáo dânWHĐ (17.02.2023)Vatican.va, (18. 02. 2023)

[14] Hiến chế Lumen Gentium 8, 12

[15] Đức Hồng y Henri de Lubac trong Médiations sur l’Eglise.

[16] Phanxico, Hội nghị quốc tế về Giáo dânWHĐ (17.02.2023)Vatican.va, (18. 02. 2023)

[17] Adélaïde Patrignani, Vatican News

[18] Ibid.,

[19] 2 Tim, 1

[20] Trang web laityinvolved.org, Hoạt động của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đặc biệt chú ý đến việc đào tạo giáo dân ở mọi cấp độ, cho mọi thành phần, bao gồm những khía cạnh: đức tin, hoạt động tông đồ, chứng tá Kitô giáo trong xã hội, văn hóa và chính trị. trong đó các sáng kiến và "những thực hành tốt nhất" về truyền giáo, đào tạo và thăng tiến tín hữu được trình bày cho giáo dân đang hoạt động ở nhiều nơi khác trên thế giới, đã chứng tỏ hiệu quả ở một quốc gia cụ thể và có thể được đề xuất ở nhiều nơi khác.

[21] Ibid., Điều 6; LG, 31

[22] Kh 3, 20

[23] Phanxico, Hội nghị quốc tế về Giáo dânWHĐ (17.02.2023)Vatican.va, (18. 02. 2023)

[24] Adélaïde Patrignani, Vatican News

[25] Quy chế Thánh bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, 08.05.2018, Điều 9

[26] Ibid.,                                                                                 

[27] Phanxico, Hội nghị quốc tế về Giáo dânWHĐ (17.02.2023)Vatican.va, (18. 02. 2023)

[28] Kh 21: 1- 6

[29] Phanxico, Tông huấn Evangelii GaudiumTôi ước mơ một Giáo hội truyền giáo, 27; 32

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top