Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ đức tin thời hiện đại

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ đức tin thời hiện đại

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ đức tin thời hiện đại

ĐỨC TIN THỜI ĐẠI MỚI

Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)

Dẫn nhập

Bản chất Đức tin thì không bao giờ thay đổi. Nhưng đức tin tùy thuộc vào văn hóa, như hồn  lệ thuộc xác. Ngày nay, văn hóa thay đổi nhanh chóng đến kinh ngạc! Nên khi văn hóa thay đổi, thì cách đào luyện và diễn tả đức tin có đổi mới. Đổi mới theo Công đồng Vat. II: “Có nghĩa là trở về nguồn”. Nguồn nguyên thủy, bao giờ cũng: “Đơn giản, tổng hợp và hiệu suất”. Sau đây, tôi xin chia sẻ mục vụ về Đức tin thời đại mới.

Thời đại mới

Chúng ta đang sống trong thời đại mới. Biết được thời đại mới, chúng ta sẽ làm chủ được vận mệnh tương lai của mình. Tôi xin nêu lên một lãnh vực mới, có liên quan tới đức tin: Văn hóa.

Trước hết Văn hóa là con người. Ước nguyện cơ bản của con người là về thể chất. Như sức khỏe, tiền tài; tiến tới là ước nguyện tinh thần. Như danh dự, quyền lực, địa vị xã hội; sau cùng là chất lượng cuộc sống và giá trị văn hóa, ước nguyện hạnh phúc, bình an. Sức khỏe, tiền bạc, quyền lực sẽ dần mất đi. Theo quy luật cuộc sống và là chân lý của mọi thời: “Chẳng ai giàu ba họ, khó ba đời”; “Hoa không bao giờ đỏ tới 10 ngày”. Có nghĩa là không bao giờ vĩnh hằng. Có thể nói: “Quyền, tiền là bề mặt của hạnh phúc, thì văn hóa, đạo đức là bản chất của hạnh phúc”. Ba giai đoạn ước muốn của con người cũng phù hợp với sự phát triển của loài người. Cụ thể, như trong một cộng đồng, một gia đình  hay như một xí nghiệp. Lúc đầu vô tình chỉ lo kiếm tiền, chưa nghĩ tới tiêu chuẩn cơ bản và ưu tú: “Văn hóa, đạo đức”. Xét cho cùng, xây dựng một gia đình, một xí nghiệp đạo đức, còn hơn lo đến sự phát triển kỹ thuật và cải thiện thể chế. Trường hợp nguyên tổ: “Eva thỏa mãn vật chất, ăn quả Chúa cấm ở giữa vườn, rồi đưa cho chồng cùng ăn. Và  tiến tới khát vọng tinh thần vô biên, muốn lên bằng Thiên Chúa. Nhưng không để ý tới yếu tố “Tâm linh” - lời dặn của Chúa. Không có sự cân bằng về thể chất, tinh thần và tâm linh, nên bất hạnh xảy ra. Phương thức: “Hiện đại hóa theo Tây Phương” do nền văn hóa gốc du mục, trọng khoa học, thiếu cơ sở của đạo đức tâm linh.  Hiện nay, không còn là điều mà thế giới học theo, vì nó không đem lại hạnh phúc thực sự cho con người. Chính họ, vào những thập kỷ 80, đã có chương trình đạo đức thương nghiệp, mở các lớp huấn luyện về “Văn hóa-Đạo đức”. Ngoài ra còn có ngành tư vấn thiết kế, cạnh tranh về hình tượng lực đạo đức. Ví dụ, một hãng hàng không Anh tới Tokyo. Trễ 20 phút. Không làm cho 200 hành khách lỡ chuyến bay. Hãng đã thu xếp một chiếc máy bay khác, chở 200 hành khách đi đúng giờ. Chỉ còn một bà cụ già người Nhật, ở lại chờ chuyến bay đến chậm kia. Để bảo vệ hình tượng lực đạo đức phục vụ, hãng dành riêng một chiếc phi cơ đến chậm đó, trở thành “chuyên cơ” phục vụ riêng cho một mình cụ. Mặc dầu là máy bay Boeing 747, với phi hành đoàn và chiêu đãi viên, 21 người. Hành trình bay là 13.000 km và phí tổn $100 ngàn USD. Phát triển bền vững cuộc sống không chỉ là dừng lại ở khoa học nhưng còn tiến tới văn hóa, đạo đức. Phạm trù đúc luyện con người hiện nay, chi phối cả thế giới, theo luật cân bằng và do Chúa Thánh Thần điều khiển. Đó là con đường: “Ân sủng và thực tại”; Hay là “Đức tin và khoa học”. Công thức mới nhất: “Tích hợp văn hóa, văn minh Đông-Tây”, xây dựng: “Tâm linh-Khoa học”.

Đức tin. Theo Phúc âm: “Các ngươi hãy ăn năn và tin vào Phúc âm”[1]. Tin vào Phúc âm là tin vào Chúa Giêsu và Lời của Ngài. Vậy, nhân đức tin có nghĩa là tin vào chính Chúa Giêsu và điều Chúa nói, chấp nhận lời tuyên bố của Ngài là đúng sự thật.

Theo Đức tin Kitô giáo: “Tin có Thiên Chúa hằng sống. Qua Chúa Giêsu, là hiện thân của Thiên Chúa tình yêu. Ngài đã nhập thế và nhập thể. Tên của Ngài là: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Ngài đã tình nguyện chết vì yêu thương và đã sống lại. Và Ngài đang sống thực sự trong bí tích Thánh Thể. Ngài trở nên Đấng cứu thế duy nhất của nhân loại. Ngài muốn mọi người thương yêu nhau. Ngài dọn chỗ và đón chúng ta. Và Ngài hứa: “Sẽ ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế”.

Theo Công đồng Vat. II: “Đức tin là một ân huệ nhưng không. Con người nhận lãnh từ Thiên Chúa”[2]. Tin là gắn bó với Chúa Giêsu. Con Thiên Chúa, Đấng cứu tinh nhân loại. Và Tin còn là công trình của Chúa Thánh Thần”[3]. Ngài mở lòng cho những người ngoài Kitô giáo tin vào sứ điệp Phúc âm. Ngài qui hướng tâm hồn mọi người tín hữu về cùng Thiên Chúa[4]”.

Theo giáo lý, “Đức tin là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa ban. Tin là gắn bó, phó thác và chấp nhận chân lý do Ngài mạc khải, vì chính Ngài là chân lý”[5]. Đức tin làm cho chúng ta tới gần, và mới có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa[6], và đem lại cho chúng ta sự sống đời đời[7].

Đức tin thời hiện đại: Đơn giản, tổng hợp, hiệu xuất.

Là “Đức Tin-Cá vị” gắn liền với “Đức ái-Samari”. Có nghĩa: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”[8]. Như Chúa Giê-su dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa ! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”[9]. Y muốn của Cha Thầy: “Làm cho một trong các anh em bé mọn nhất là làm cho chính Chúa; hay ngược lại”[10]. Chúa đồng hóa mình với con người bé mọn, nghèo khổ nhất. Như thế, Đức tin được phiên dịch qua đức ái. Thực thi “Đức ái-Samari”, sống liên đới trách nhiệm và yêu thương phục vụ, nhưng không, vô vị lợi. Vì thế, khi làm việc bác ái, giả thiết đã phải có đức tin, luôn nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô nơi mọi người. Đó mới là nhân đức tin thời hiện đại. Nếu không có đức tin, thì việc bác ái chỉ là việc từ thiện xã hội. Một đức tính nhân bản.

Đức tin-Cá vị, đức ái-Samari lại gắn liền với “Đức cậy-Quan phòng”. Như, “chim sẻ, sợi tóc”[11]. “Mạng sống, chim trời, hoa huệ ngoài đồng”[12]. Tất cả không ngẫu nhiên, Thiên Chúa can thiệp vào khắp nọi nơi. Trong ba nhân đức đối Thần, đức tin đứng đầu. Tất cả việc làm, giả thiết có đức tin, mới có giá trị. Các việc khác đều phát xuất từ đức tin, diễn tả và bổ sung cho đức tin sáng hơn và nên mạnh tin hơn. Tóm lại, đức tin thời đại mới, là một sự tổng hợp cả ba nhân đức. “Đức tin-Cá vị”, bản thân, sống động và xác tín vào Chúa Giêsu Thánh Thể. Gắn bó mật thiết với Ngài và được Ngài biến đổi nên giống Ngài: “Hiền lành và Khiêm nhường”; “Đức ái-Samari”, cùng với Ngài và Giáo hội của Ngài, loan báo Tin mừng, qua con đường truyền giáo mới là “Đối thoại và Hòa giải”, với phương tiện tin học thời nay, trong “Đức cậy-Quan phòng”. Cùng với sự ý thức trở ngại, theo lịch sử Dân Chúa[13]. Thứ nhất là cuộc sống vật chất thoải mái, no đủ làm người ta quên Thiên Chúa; thứ hai là đời trước không kể lại cho đời sau, cha mẹ không kể lại cho con cái về hành trình đức tin của mình, đánh mất ký ức; thứ ba là sự cuốn hút của nếp sống văn hóa, xã hội, tôn giáo chung quanh; thứ tư là sự hấp dẫn của các ngẫu tượng và tính huyền bí của các truyện về thần linh của Ai-cập. Bốn yếu tố này sẽ thay hình đổi dạng theo thời gian và nơi chốn, tiếp tục tác động như những thách đố cho đời sống đức tin của Dân Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước xuyên dòng lịch sử cho đến thời chúng ta và sẽ tiếp tục cho tới ngày Chúa đến trong vinh quang, kết thúc lịch sử.

Vì Đức tin là một ân huệ. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Hỡi các bạn trẻ thân mến, hãy học “nhìn thấy”, “gặp gỡ” Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, tại đó Ngài hiện diện và gần gũi đến độ trở nên lương thực cho hành trình của chúng ta”. Để có “Đức tin-Cá vị”, sau đây, chúng tôi, xin đề nghị một phương thức đào luyện với phương pháp: “Cầu nguyện-Cảm nghiệm”. Đặc điểm: đơn giản và tập trung; tổng hợp và khoa học. Phù hợp với con người thời đại mới. Vừa thực dụng và vừa có hiệu xuất đức tin trong mọi hoàn cảnh.

Đào luyện

Phương thức: “Cầu nguyện-Cảm nghiệm”, là phương pháp đào luyện tâm linh mang chiều kích khoa học. Tổng hợp toàn diện con người, “Thân-Tâm” hài hòa và huy động toàn diện con người: “Tâm, trí và ý chí” và bao gồm cả “Thể chất, tinh thần và tâm linh”. Tích hợp văn hóa Đông-Tây. Đông: Tĩnh và Tình. Tây: Động và lý. Vừa cầu nguyện thành tiếng, vừa im lặng cảm nghiệm trong nội tâm. “Cầu nguyện” nhắm tới lý trí và động; “Cảm nghiệm” dựa trên tâm tình và tĩnh. Theo tâm lý, khi lý trí và tâm tình quyện lại, sẽ trở thành ý chí. Ý chí là hành động quyết tâm đi theo. Có phương pháp sư phạm: “Tiệm tiến”. Và được trang bị những phương tiện khoa học, như ánh sáng huyền linh, máy lạnh, nhạc không lời để hài hòa thân tâm và đánh động cảm xúc, thúc đẩy ý chí, nâng cao tâm hồn, vươn tới Thiên Chúa. Và từ đó: “Được Chúa biến đổi”. Ví dụ: Hai người yêu nhau, hiểu nhau, tiến tới hôn nhân gia đình, sẽ dần dần thay đổi nên một. Mục tiêu: trở nên giống “Chúa Giêsu Kitô”, như kinh nghiệm cảm nghiệm của Thánh Phaolô: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi”[14]. Đặc biệt, hướng đi hiện nay, có mục đích: “Cùng với Chúa Thánh Thần, chuyển đổi Đức tin cộng đồng, truyền thống trở thành đức tin-cá vị, bản thân, sống động và xác tín”.

Được thực hiện trong một căn phòng đào luyện tâm linh. Phòng này là tái hiện phòng tiệc ly, nơi Đức Mẹ và các Tông đồ hiệp thông, cầu nguyện. Trong tinh thần “Khôn ngoan, khiêm tốn, kín đáo”. Chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống, gọi là ngày: “Lễ Ngũ tuần”. Phòng này, được thiết kế bao gồm: Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Có Abba, Chim câu cách tân, ngậm cành Oliu, báo hiệu mùa xuân mới, tượng trưng Chúa Thánh Thần với 7 ngọn lửa. Có Tượng Thánh giá phía trên Nhà Tạm. Nhà tạm, có hình trái tim, tượng trưng cho tình yêu: “Mến Chúa-Yêu người”. Bên cạnh, tay trái, có Đức Mẹ đang chầu Thánh Thể. Tượng trưng cho người phụ nữ đầu tiên chầu Thánh Thể. Bên phải, có Thánh Kinh. Có ánh sáng huyền linh. Đèn chiếu tập trung vào Nhà Tạm. Có nhạc không lời, đánh động tâm hồn. Có sách kinh “Cầu nguyện-Cảm nghiệm”.

Phương thức “Cầu nguyện-Cảm nghiệm”, 3 phút.

Mở nhạc không lời, để giúp tác động tới tâm. Để chế độ: Ánh sáng mờ ảo huyền linh.

Ý lực

+ “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”[15]

+”Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện”[16]

Hướng dẫn chung: Thân-tâm thanh thản, hài hòa. Hai đầu ngón tay cái bấm vào hai đầu ngón trỏ, để tập trung dây thần kinh về bộ óc; mắt mở ¼ nhìn xuống đầu mũi; Tôi biết tôi hít vô - sâu, phình bụng – nín – tôi biết tôi thở ra - dài, thóp bụng. Xác tín “Chúa đang hiện diện”. (3 lần).

Cầu nguyện:(thành tiếng) “Xin Chúa thêm đức tin cho con; và xin cho con được gặp Chúa”. (3.L).

Cảm nghiệm:(Nói thầm) “Chúa đang nhìn con, vì con là hình ảnh của Ngài, nên con rất đẹp. (3 lần). “Chúa đang yêu con, vì Chúa là tình yêu, con là con của Ngài”. (3 lần). Cầu nguyện là trí; cảm nghiệm là tâm. Tâm trí quyện lại sẽ trở thành ý chí, muốn vươn lên với chúa, thuận theo, để Chúa biến đổi. Với điều kiện: Nhận chìm cái “Tôi” kiêu căng, tự phụ trong ánh nhìn dịu hiền và trong tình thương bao dung của Chúa. Dần dần cái “Tôi” nhỏ lại, trở thành cát bụi, trở thành đất. Khi không còn là gì, Chúa Giêsu nhẹ nhẹ đi vào tâm hồn. Ngài sẽ làm cho con lớn lên và dần dần trở nên: “Đồng hình đồng dạng với Ngài”, một cách nhẹ nhàng mà mãnh liệt; bất ngờ và lạ lùng. Cụ thể, trở nên người “Hiền lành và Khiêm nhường”; biết sống: “Liên đới trách nhiệm và Yêu thương phục vụ”, qua “Đối thoại và Hòa giải” (3 lần).

Xin sai Thánh Thần (đứng, giơ cao 2 tay)“Xin Chúa Giêsu sai Thánh Thần đến với con, cùng với Mẹ Maria, con đón nhận Thánh Thần. Xin thánh Thần ban ơn khôn ngoan, sức mạnh và tầm nhìn cho con. Cho con ơn không ngoan để phục vụ Dân Chúa; cho con ơn sức mạnh để loan báo tin vui và cho con tầm nhìn cùng mọi người vươn tới tương lai. Xin Chúa Giêsu sai Thánh Thần đến với con, cùng với Mẹ Maria, con đón nhận Thánh Thần, xin Thánh Thần ban ơn không ngoan và sức mạnh và tầm nhìn cho con”. Amen./.

Xác tín.Chúa Thánh Thần đang ở với con. Đồng hành với con. Là Thầy dạy duy nhất và là Đấng nhắc nhở con những gì mà Chúa Giêsu đã dạy.

Tôi biết tôi hít vô, hít sâu (phình bụng) – nín – Tôi biết tôi thở ra, thở dài (thóp bụng), bằng mũi, (3 lần). Mở mắt.

Cầu phúc lành: “Xin Thiên Chúa toàn năng, là Cha và Con và Thánh Thần, xuống phúc lành cho con và cho toàn thế giới hôm nay”. Amen./.

+ Làm việc Bác Ái: “Nhìn thấy Chúa Giêsu Thánh Thể nơi mọi người”.

NB. 1. Thực hiện trong vòng 3 phút. Ngày ba lần: Sáng, chiều, tối. 2. Khi quen rồi, không còn lệ thuộc phương thức và nơi chốn nữa. 3. Hệ quả: Chúa Giêsu tỏa sáng và trở thành “Đức tin-cá vị”.

Phương thức “Cầu nguyện-Cảm nghiệm”, 1 phút.

Cảm nghiệm:“Chúa đang nhìn con, vì con là hình ảnh của Ngài, nên con rất đẹp. Và “Chúa đang yêu con, vì Chúa là tình yêu, con là con của Ngài”. Ngài biến con trở nên: “Đồng hình đồng dạng với Ngài”: “Hiền lành và Khiêm nhường”; sống: “Liên đới trách nhiệm và Yêu thương phục vụ”, qua “Đối thoại và Hòa giải”.

Xin sai Thánh Thần“Xin Chúa Giêsu sai Thánh Thần đến với con, cùng với Mẹ Maria, con đón nhận Thánh Thần. Xin thánh Thần ban ơn khôn ngoan, sức mạnh và tầm nhìn cho con. Amen./.

NB. Thực hiện trong vòng 1 phút. Khi quen rồi, như hơi thở, không còn lệ thuộc phương thức và nơi chốn nữa. Hệ quả: Biến Đức tin-truyền thống, trở thành “Đức tin-cá vị”.

+ Làm việc Bác Ái: “Nhìn thấy Chúa Giêsu Thánh Thể nơi mọi người”.

Kết luận

Chính các Tông Đồ đã xin Chúa Giê-su : “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con[17]. Thánh nữ Mô-ni-ca, với nước mắt, ngài đã tha thiết cầu xin nhiều năm, cho người con trai là Augustinô, say mê triết học, mất đức tin, để Chúa ban đức tin cho con mình. Cả hai mẹ con cùng làm thánh. Quả thực, “Người khôn ngoan biết chọn lựa điều để tin, kẻ khờ dại thấy gì cũng tin, hoặc không tin gì”. Dù không tin, theo kinh nghiệm của Đức Thánh cha Phanxico: “Cứ  kiên nhẫn ngồi trước Thánh Thể. Rồi Chúa sẽ cho con cảm nghiệm: Chúa yêu con đường nào”! Tình yêu-Samari biến đổi tất cả. Và “Đức tin-Cá vị” làm nên tất cả./.

Truyền thông Tgp.Sg, tháng Bảy,  2021
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)

 

[1] Mc 1: 15

[2] GD 2; GH 11

[3] GH 9; 15. TG 15

[4] TG 13; MK 5

[5] Giáo lý Công giáo

[6] Dt. 11: 6

[7] Trong nghi thức rửa tội: “Đức tin đem lại cho con sự sống đời đời”.

[8] Gc 2: 17

[9]  Mt 7,21-23

[10] Mt 25, 31-45

[11] Lc 12, 1-7

[12] Mt 6, 2534

[13] Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan, Những thách đố của đời sống đức tin, WHĐ 20.04.2021

 

[14] Gl 2, 20

[15] Lc. 21,36

[16] Ampère

 

[17] Lc 17,5

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top