Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp Hành với các tôn giáo bạn

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp Hành với các tôn giáo bạn

HIỆP HÀNH
VỚI CÁC TÔN GIÁO BẠN

Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

Dẫn nhập

Hội nghị Quốc tế về Tự do Tôn giáo, tín ngưỡng (FoRB), do chính phủ Anh tổ chức tại Anh,  nhằm thúc giục tăng cường hoạt động toàn cầu để quyền cơ bản này của con người được công nhận và thực hiện trên toàn thế giới[1]. Tự do tôn giáo đặc biệt quan trọng trong thế giới hôm nay, vì các tôn giáo đóng góp đáng kể vào việc xây dựng tình huynh đệ, bảo vệ công lý và hòa bình[2]. Qủa thực, mỗi người có quyền, bổn phận và được thúc đẩy đi tìm kiếm chân lý trong các tôn giáo[3]. Không có mâu thuẫn giữa độc lập đúng mức của thực tại trần thế và tôn giáo. Hay nghĩ rằng có thể dấn thân hoàn toàn vào các công việc trần thế như thể các công việc ấy hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo[4]. Nhiều người đương thời, dường như quá lo sợ về mối liên hệ chặt chẽ giữa hoạt động con người và tôn giáo[5]. Thực sai lầm khi nghĩ rằng con người có thể sử dụng tạo vật mà không cần qui hướng về Đấng Tạo Hóa[6]. Không đối nghịch cách giả tạo những sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội với đời sống tôn giáo[7]. Mọi tín hữu dù thuộc tôn giáo nào đi nữa, cũng luôn nghe tiếng Thượng Đế, và thấy Ngài hiển hiện qua tiếng nói của những thụ tạo[8]. Sau đây, tôi xin chia sẻ ít điều mục vụ về “Hiệp hành với các tôn giáo bạn”.

Nhận thức

Tôn giáo là gì? Theo nguyên ngữ: Tôn giáo là sự gắn bó mật thiết với Đấng Siêu Nhiên bằng Đức tin, phượng tự và thực thi giáo lý. Tôn giáo là sự quan hệ giữa người và Thần Thánh hay Thượng Đế. Theo Đại Tự Điển Tiếng Việt: Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội, hình thành nhờ vào lòng tin và sùng bái Thần Linh, Thượng Đế. Con người mong đợi nơi các tôn giáo lời giải đáp về nhũng bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận, ý nghĩa về con người về đời sống, về tội, về đau khổ về hạnh phúc về cái chết về sự phán xét, về huyền nhiệm tối hậu khôn tả vẫn bao trùm cuộc sống[9].  Cũng thế, các tôn giáo khác trên toàn cầu đều cố gắng làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn bằng nhiều phương thế khác nhau, bằng cách vạch đường chỉ lối, tức đề xướng những giáo thuyết và luật sống cũng như những lễ nghi phụng tự. Vì thế, Giáo hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý, và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy, mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô Giáo[10]. Nhận biết các ưu điểm của các tôn giáo, để trân trọng, quí mến, yêu thương và phát huy các điểm tốt của họ. Theo Thánh Têrêsa Calcutta: “Giúp họ sống tốt tôn giáo của họ”. Nếu Chúa muốn, họ được ơn huệ đức tin, chúng ta sẽ giúp họ thực hiện Thánh Ý của Ngài.

Lập trường chung cuộc: Tôn trọng cốt lõi của các tôn giáo. Giúp nhau, thăng tiến phong cách thể hiện, đáp trả mưu cầu hạnh phúc thực và lâu bền của nhân loại.

Hiệp hành

Năm 2001: Liên Hiệp Quốc chọn “Năm Quốc tế đối thoại giữa các nền văn minh”. Nhằm cổ võ sự tôn trọng và quí mến những nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Khích lệ đối thoại để xây dựng một nền văn minh tình thương và hòa bình. Tiếp xúc, đối thoại, hợp tác với những người theo các tôn giáo khác, là một trách nhiệm mà Công Đồng Vat. II trao lại cho toàn thể Giáo hội như là một bổn phận và một thách đố[11]. “Đại kết và đối thoại đã trở thành điều thiết yếu để ta thực hiện bất cứ tác vụ nào”[12].  Quyền bính dân sự phải nhìn nhận và nâng đỡ đời sống tôn giáo. Mọi hình thức kỳ thị đụng chạm tới quyền lợi con người và tôn giao đều trái với ý định Thiên Chúa. Thiên Chúa không ở xa những kẻ tìm kiếm Người. Trong các tôn giáo ngoài kitô giáo, vẫn có những tia sáng chân lý chiếu soi mọi người. Trong thời đại liên kết, Giáo hội đặc biệt chú tâm tới việc liên lạc với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Giáo hội không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó, và với lòng kính trọng, Giáo hội xét thấy giáo thuyết của họ tuy có những điểm khác với chủ trương của Giáo hội, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của chân lý, chiếu soi hết mọi người. Các Kitô hữu phải nhìn nhận, duy trì và cổ động những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác. Và qua việc đối thoại với họ, phải học biết những sản nghiệp phong phú đã được Thiên Chúa rộng ban cho các dân tộc cũng như phải đem ánh sáng Phúc âm chiếu soi và giải thoát những sản nghiệp đó. Phải khám phá ra những chân thật, tốt lành, nơi các tôn giáo đó. Các Kitô hữu phải làm quen với những truyền thống dân  tộc và tôn giáo của nhũng nhóm người mình chung sống. Giáo hội đối thoại với các tôn giáo và cộng tác với họ trong việc xây dựng thế giới trong hòa bình. Sau đây là một số cốt lõi của Ba Tôn giáo gần chúng ta.

Phật giáo

Nhân Quả. “Gieo giống nào gặp qủa ấy”. Không làm điều thiện, sự ác sẽ xâm nhập ngay. Khuyến khích người khác cùng làm. Kinh nghiệm thực tế: Quả báo đến ngay và nhanh, không nghi ngờ.

Vô Ngã. Kinh Vô Ngã: “Bản ngã phù du như khói sương, Thân tâm cát bụi ở ven đường, Một lòng theo Phật tìm vô ngã, Pháp giới chỉ là một khối thương.” Tôi chỉ là cát bụi, cỏ rác bên đường. Tu càng cao, càng trở thành Đất. Nghĩ tới và đáp ứng con người, từ trong gia đình: Tâm tư, hoàn cảnh, nhu cầu... phục vụ. Khiêm hạ: Tôn trọng mọi người, không chê trách. Cố tìm cái hay của người mà khen. Khen càng nhiều, Ngã càng nhỏ.

Bát Chánh Đạo. Tám con đường nên thánh. Từng bước thoát ly: Tham, Sân, Si; giải thoát và tri kiến giải thoát, đạt đỉnh điểm là Thành Đạo, Thành Phật, Đạt Niết Bàn (Giác Ngộ).

Từ Bi. Từ làThương. Bi là xót. Thương xót: “Thi ân bất cầu báo”. Đề phòng: “Ta chỉ yêu Ta.”

Thiền Định. Ngồi Thiền. Lắng tâm thanh tịnh. Đỉnh cao của Phật. Tập ngồi thiền giúp tâm thanh tịnh: “Định tâm: an-huệ”. Tâm bình an, trí sáng suốt. Tiến tới vô ngã, giải thoát.

Cao Đài

Thờ Mắt Trái: Trái là Dương, Dương là Trời. Mắt Trời. Đề cao “Tâm tại Nhãn”. Mọi người là Anh Em một Cha. Làm lành lánh dữ. Thiên Nhân hợp nhất: “Vạn vật nhất lý”. Ước vọng: “Nhân ái, Tình yêu, Lẽ phải”.

Hòa Hảo

Hiếu: “Thiên kinh vạn quyển, Hiếu nghĩa vi tiên”. Hiếu là việc phải làm đầu tiên. Tứ ân hiếu nghĩa, bốn ơn: “Cha Mẹ, Đất Nước, Tam Bảo, đồng Bào”. Hiếu với bản thân: Trau Tâm sửa Tánh. Ăn ngay ở Hiền. Hiếu tâm linh là Thờ cúng Tổ Tiên: “Uống nước nhớ nguồn.”

Kết luận

“Đại kết và đối thoại” là trách nhiệm, bổn phận và là thách đố mà Công Đồng Vat. II trao lại cho toàn thể Giáo hội”[13]. Trong các tôn giáo, vẫn có những tia sáng chân lý chiếu soi mọi người. Giáo hội không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện. Các Kitô hữu phải nhìn nhận, duy trì và cổ động những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác. Phải khám phá ra những chân thật, tốt lành, nơi các tôn giáo. Các Kitô hữu phải làm quen với những truyền thống dân  tộc và tôn giáo của nhũng nhóm người mình chung sống. Giáo hội đối thoại với các tôn giáo và cộng tác với họ trong việc xây dựng thế giới trong hòa bình.

Theo gương Mẹ Têrêsa Calcutta: “Hãy giúp nhau sống tốt tôn giáo của mình”. Các tôn giáo chân thành bổ trợ nhau sống tốt các ưu điểm của mỗi tôn giáo. Chia sẻ những giá trị thiêng liêng và phát huy những ưu điểm nơi các tôn giáo bạn; giúp các tôn giáo bạn lớn lên. Đại kết là một trong những con đường kiến tạo hòa bình hôm nay, vì góp phần quan trọng vào việc xây dựng tình huynh đệ và bảo vệ công lý trong xã hội. Thực vậy, hai tài liệu Laudato sí và Fratelli tutti cho chúng ta cơ sở vững chắc để coi nhân loại là một gia đình, và tất cả mọi người là anh chị em, tôn trọng sự khác biệt lẫn nhau và sự xác tín lương tâm”[14]. Nên đề cao cảnh giác chia rẽ tôn giáo. Ví dụ, khi chúng ta vô tình nói tới cốt lõi của các tôn giáo hay trình bày về một lãnh vực mà mình thiếu chuyên môn, hiểu biết về tôn giáo bạn, sẽ dễ gây mất thiện cảm và mặc cảm xa cách đáng tiếc ./.

Truyền thông TGP/SG, tháng Bảy, 2022
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

 

[1] Hội nghị về Tự do Tôn giáo ở Anh,, Chính phủ Anh tổ chức sự kiện dựa trên các hội nghị cấp Bộ trưởng trước đây do Hoa Kỳ tổ chức trong các năm 2018 và 2019, và Ba Lan vào năm 2020. Hội nghị cũng tập hợp các thành viên của Liên minh Quốc tế về Tín ngưỡng hoặc Tự do Tôn giáo (IRFBA), một liên minh gồm 36 quốc gia được thành lập vào năm 2020, cùng đưa ra các hành động phối hợp để bảo vệ những người trên thế giới bị đàn áp hoặc phân biệt đối xử vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

[2] Đức Hồng Y Miguel Ángel Ayuso Guixot, Chủ tịch Bộ Đối thoại Liên tôn nhấn mạnh rằng:Trong sứ điệp video gửi tới Hội nghị Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng (FoRB), diễn ra ở Anh trong hai ngày 05 và 06/7,

[3] TD 3;

[4]  MV 43

[5] MV 36.

[6] MV 36

[7] MV 43

[8] MV 36.

[9]  NK 1

[10] Tuyên ngôn: về liên lạc của G.H với các T.G ngoài Kitô Giáo, số 2.

[11] Tông Huấn: Giáo Hội Á Châu (EA) 31.

[12] Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC), tại Samphran, Thái Lan, 2000

[13] Tông Huấn: Giáo Hội Á Châu (EA) 31.

[14] Đức Thánh Cha Phanxicô, 2019 về Tình huynh đệ nhân loại vì Hòa bình Thế giới và sự Chung sống và Thông điệp Fratelli Tutti.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top