Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp hành - Ngoại giao và Truyền giáo

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp hành - Ngoại giao và Truyền giáo

HIỆP HÀNH
NGOẠI GIAO &TRUYỀN GIÁO

Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

Dẫn nhập

Ngành ngoại giao không thấy có trong tôn giáo. Nhưng Vatican là một quốc gia, nên có ngoại giao. Giáo hội công giáo có Bộ ngoại giao. Gần đây, điều làm tôi rất đỗi ngạc nhiên! Các sứ thần tòa thánh, đi giúp xứ một năm, trước khi được cử làm đại sứ. Ngày cuối cùng, thứ Tư 27/4/2022 Hội đồng Hồng y cố vấn đã suy tư về chủ đề Hoạt động Ngoại giao của Toà Thánh, vai trò và các hoạt động của các Sứ thần Toà Thánh. Như thế, nhà ngoại giao có liên quan tới ơn gọi và sứ vụ không? Tôi xin chia sẻ ít điều về: “Hiệp hành, ngoại giao và truyền giáo”, theo tinh thần của Tông hiến: “Anh em hãy rao giảng Tin mừng”.

Nhận thức

Trước hết, ngọai giao là gì? Ngoại là bên ngoài; giao là giao hảo. Ngoại giao là giao hảo với bên ngoài; là thực hiện các mối quan hệ hòa bình thịnh vượng giữa các quốc gia, khu vực và quốc tế. Nhà ngoại giao là đại diện và có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích cho đất nước, dân tộc, đôi bên. Nó là một khoa học, nghệ thuật mang  tính tổng hợp. Là nghệ thuật, đòi hỏi nhà ngoại giao phải là người đáng tin, có thiện cảm và đem lại hy vọng cho dân tộc mà mình đến làm ngoại giao. Là khoa học, đòi hỏi kiến thức tổng quát và chuyên môn.

Thứ đến, mục vụ ngoại giao là gì? Là việc chăm sóc ngoại giao. Người làm mục vụ ngoại giao cần biết điều chính yếu của hai bên. Biết khả năng, hoàn cảnh và quyền hạn của mình và của phía ngoại giao. Điều gì có thể dung hòa, điều gì không thể dung hòa. Với lòng tự trọng Dân tộc, tuyệt đối tôn trọng chủ quyền của mỗi bên. Trân trọng con người và quyền lợi vật chất, tinh thần, tâm linh. Phân biệt đâu là điều chính, đâu là điều phụ. Đừng vì những điều phụ mà làm hỏng việc lớn. Tuy nhiên, trong Ngoại Giao: Đôi khi điều phụ, lại trở thành điều chính. Và ngược lại, điều chính lại có thể trở thành điều phụ, vì nó tùy thuộc mỗi nền văn hóa. Làm ngoại giao, nếu không để ý tới yếu tố văn hóa, rất trở ngại và có khi dẫn tới thất bại.

Tiếp theo, ngoại giao là một sứ vụ. Vụ là việc. Sứ là sai đi - việc sai đi, gởi đi; công tác mục vụ, Phúc âm hóa, việc truyền giáo. Truyền giáo theo Phúc âm là yêu thương con người, đất nước dân tộc, qua con đường đối thoại. Tuyệt đối tôn trọng chủ quyền, độc lập Dân tộc. Tôn trọng mọi thể chế chính trị. Giáo hội chỉ xin được phép góp phần phục vụ con người toàn diện, cả hồn cả xác; nâng cao phẩm giá, nhân vị con người và toàn thể dân tộc. Tạo uy tín cho Dân tộc trên trường quốc tế, đem lại lợi ích văn hóa, kinh tế, chính trị.

Tóm lại, nhà ngoại giao của giáo hội, tất cả chỉ vì hạnh phúc thực sự của con người. Và vì nền hòa bình, thịnh vượng, độc lập, chủ quyền của Dân tộc mà giáo hội được hân hạnh đến làm ngoại giao.

Áp dụng

Làm ngoại giao với Việt Nam. Trước hết, để ý đến chủ quyền, độc lập Quốc gia và Dân tộc: “Nhà có Chủ”. Người Việt có thể thương lượng, đồng ý, thỏa thuận bất cứ điều gì. Nhưng nếu phạm đến chủ quyền hoặc quyền lợi Quốc gia và danh dự Dân tộc, thì dứt khoát không bàn: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.  Hơn nữa, theo bang giao quốc tế, người ta rất tôn trọng chủ quyền.

Thứ đến, làm ngoại giao với Việt Nam, không chỉ căn cứ vào pháp lý, mà cũng rất trọng tình: “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Thể hiện tình bằng nhiều cách. Người Việt rất quí quà. Đi thăm nhau hoặc đi đâu xa về, thường có tí gì để làm quà. Ví dụ: Khi ở Nước Ngoài về thăm bà con, Quê hương, người ta thường có chút bánh kẹo, một chai dầu xanh, hoặc chút xâm để làm quà, tùy theo đối tượng và mối tương quan tình cảm xa gần. Tiếp đến, người phụ nữ Việt Nam rất nhạy cảm và trực giác về  quyền lợi, chủ quyền và sự an toàn của gia đình và đất nước. Nên khi làm cho người người phụ nữ an tâm, thì việc ngoại giao cũng khá thuận lợi. Sau nữa, khi làm ngoại giao với Việt Nam, nên chú  ý tới những Nước cận lân. Nhất là với những Nước lớn. Hầu tránh gây khó xử choViệt Nam. Sau cùng, làm ngoại giao với Việt Nam, nên quan tâm tới các vị Cố vấn, những viên chức cựu, những người cao niên có uy tín và khôn ngoan, cũng rất thuận lợi.

Sau cùng, ngày nay cả Nước làm ngoại giao, vì tính cộng đồng là bản sắc, nên có nền: “Ngoại giao nhân dân”. Hơn nữa, Việt Nam, điểm hội tụ nền văn minh: “Đông-Tây” hài hòa. Do đó, toàn thể Dân tộc Việt Nam có dịp xây dựng nền văn hóa và văn minh “Tâm linh-Khoa học”. Đây là Thiên mệnh. Việt Nam có ơn gọi và sứ vụ giúp thế giới đa dạng đi về một mối. Đó còn là mệnh lệnh “Hòa bình, Hạnh phúc và thịnh vượng” cho nhân loại ngàn năm thứ Ba, theo sự tác động của Chúa Thánh Thần. Dân tộc Việt Nam là chứng nhân cho những giá trị đạo đức truyền thống: “Lòng Nhân ái và đạo đức”.  Nêu cao những giá trị: “Lý tưởng, nhân văn, chính nghĩa”. Và nhất là các tôn giáo có dịp làm rạng sáng những giá trị cốt lõi của đạo, như tình thương, từ bi…

Đào luyện

“Đối thoại ” là con đường ngoại giao thời nay. Đó là những cuộc trao đổi tư tưởng, cảm nghĩ, quan điểm hay thông tin bằng lời nói, chữ viết, dấu hiệu, hay cử chỉ. Trong đó, mỗi người phải cảm thấy sứ điệp của họ được tiếp nhận một cách rõ ràng và chính xác. Mỗi bên phải cảm thấy họ có quyền bình đẳng trong đối thoại. Lắng nghe người khác nói và nói cho người khác nghe. Làm ngoại giao, sự lắng nghe cho phép các bên đối thoại cảm thấy họ được nghe. Chúng ta khuyến khích trao đổi: “Lắng nghe tích cực”. Khi chúng ta nói qúa nhiều mà nghe qúa ít, chúng nghĩ rằng ý tưởng của chúng ta quan trọng nhiều hơn là chính họ. Tránh trở thành quan tòa. Người làm ngoại giao không có quyền tức giận với bất cứ người nào. Khi tức giận đừng làm gì cho ai cả. Hỏi những câu hỏi thích hợp, xác đáng là một kỹ năng ngoại giao xuất sắc. Câu hỏi là “cửa sổ khai thông vào tâm linh”. Có rất nhiều loại câu hỏi để lấy thông tin, phát hiện nhu cầu, mục đích. Và câu hỏi mục đích của mục đích: “Mục đích, mục đích, mục đích...”. Người ngoại giao thành thạo, luôn chú ý theo dõi “quá trình tâm lý” của hai bên để kịp thời đặt câu hỏi khám phá ra sự thật. Hầu dẫn hai bên đến kết luận mà hai bên mong chờ. Trong ngoại giao, người ta chú trọng tới công thức:“Biết người biết ta”. Sự kỳ diệu của ngoại giao là ở chỗ biết nhu cầu con người và của Dân tộc. Tất cả là vì nhu cầu. Bản chất của ngoại giao là thông qua sự trao đổi những lợi ích khác nhau để thoả mãn nhu cầu của mình. Nhu cầu của mỗi bên rất khác nhau. Trong những thời kỳ khác nhau lại có những nhu cầu khác nhau. Người làm ngoại giao cần chú ý tới khả năng hiện thực. Thu thập thông tin kinh kế, đánh giá tình hình và dự phóng các vấn đề phát sinh. Liên lạc, thương lượng, gây ảnh hưởng, điều chỉnh những khác biệt. Bảo vệ chủ quyền cho đôi bên, phù hợp với luật pháp quốc tế, giúp điều hòa các lợi ích quốc gia, trong việc giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch. Cho nên sách lược ngoại giao là ở chỗ làm rõ nhu cầu của hai bên, rồi lấy đó làm nền tảng tìm kiếm giải pháp lợi ích tối đa. Trong nền ngoại giao, người ta suy nghĩ, phát hiện lợi ích chung, nhu cầu chung, biến lợi ích khác nhau thành lợi ích chung. Lợi ích chung là động cơ nhất trí của cả hai bên. Kinh nghiệm của những nhà ngoại giao bậc thầy là “Đáp án vừa lòng”, mỗi bên đều thắng, không ai thua. Đôi khi, từng nơi, từng khu vực có xung đột, cần đàm phán, hòa giải, tạo nên hòa bình, mang tính khu vực và quốc tế. Thời nay, không thể che dấu bất cứ điều gì, như ván bài lật ngửa, đôi bên đều hiểu biết và chứng minh cho thấy cả hai đều có lợi. Tương lai gần, ngoại giao trực tuyến, trên mạng, rất ít khi gặp trực tiếp.

Kết luận

Mục vụ ngoại giao là ơn gọi và sứ vụ thiêng liêng, thực hiện: “Phúc cho người xây dựng Hòa bình vì họ sẽ được gọi là con của Thượng Đế”[1]. Khôn ngoan-Ngoại giao là phương thế Truyền giáo mới. Người làm mục vụ  ngoại giao, có Thần linh của Thượng Đế hướng dẫn. Ngài ban những ơn cần thiết: “Ơn khôn ngoan, can đảm và tầm nhìn”, vào đúng thời điểm. Hầu giúp cả hai bên đạt chân lý. Như thế, “Mục vụ ngoại giao cũng là mục vụ Truyền Giáo”. Sứ vụ ngoại giao với Việt Nam cần nắm rõ: “Độc lập chủ quyền Dân tộc” là thiêng liêng, căn bản; “Đoàn kết” là cốt lõi; thời Đông Tây hòa hợp, cả Nước làm ngoại giao, xây dựng nền văn hóa và văn minh “Tâm linh-Khoa học” là trọng tâm. Nên chăng, trong mỗi Giáo hội, cộng đoàn, từng địa phương, nhất là trong công trình  hiệp hành hiện nay, có ban “Mục vụ ngoại giao”. Hầu góp phần đem lại bình an, hạnh phúc, thịnh vượng cho cả đạo cả đời thời hòa bình và phát triển toàn cầu hiện nay./.

Truyền thông, TGP/SG, tháng Tư, 2022
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top