Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp Hành - Đào luyện Nữ Thánh Thể
HIỆP HÀNH
ĐÀO LUYỆN NỮ THÁNH THỂ
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
Dẫn nhập
Mẹ Maria, người phụ nữ đầu tiên chầu và kiệu Thánh Thể loan báo Tin mừng. Theo gương Mẹ, chúng ta nên nghĩ tới việc đào luyện tâm linh “Đức tin Thánh Thể” cho người phụ nữ, người mẹ. Tại sao lại là nữ, là mẹ ưu tiên mà không phải là ai khác? Sau đây, tôi xin chia sẻ ít điều về mục vụ “Hiệp hành Đào luyện Nữ Thánh Thể”.
Nội dung
Trước hết, bắt nguồn từ Phúc âm. Mẹ cưu mang Chúa Giêsu cứu thế. Tiếp đến, là Maria Madalena và một số bà đạo đức đã được Chúa Giêsu, trao phó sứ mệnh loan báo Tin mừng phục sinh cho các tông đồ. Tiếp đến, kinh nghiệm lịch sử Giáo hội, người góp phần đầu tiên đổi mới Giáo hội là phụ nữ. Gần đây, có Thánh Maria Faustina, phổ biến “Lòng thương xót Chúa”. Thánh Têrêsa Calcutta, sáng lập dòng thừa sai bác ái, “Chầu Thánh Thể và chăm sóc người bị bỏ rơi”. Tôi xin chia sẻ về hai vị thánh này.
1. Thánh Maria Faustina, sinh 1905, tên là Helen. Ngay từ lúc lên 7, Helen đã muốn sống
cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa như một nữ tu. Lúc 25 tuổi, khi vào tu chị đổi tên là Maria Faustina. Công việc của Maria Faustina thật giản dị: nấu ăn, làm vườn và giữ cửa cho tu viện. Chị tốt bụng, trầm lặng và hồi tâm là đáng lưu ý. Và ít có người biết được chiều sâu đích thực về đời sống tâm linh của Faustina. Thiên Chúa đã chúc lành cho Faustina Maria bằng nhiều ân sủng đặc biệt, kể cả ơn thị kiến, ơn tiên tri và ơn được nhận năm Dấu Thánh cách vô hình. Trong một thị kiến mà Maria Faustina nhận được, Chúa Giêsu đã hiện ra trong y phục màu trắng. Người giơ cao một tay để chúc lành và tay kia thì chạm vào Thánh Tâm Người. Có hai tia sáng phát ra từ Thánh Tâm Chúa, một màu đỏ và một màu nhạt. Tia sáng đỏ tượng trưng cho Máu cứu chuộc của Chúa Kitô, còn tia xanh nhạt biểu trưng nước thanh tẩy trong bí tích Rửa tội. Chúa nói: “Con hãy cho vẽ lại bức ảnh như con xem thấy Cha, kèm theo dòng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa”! Chúa đã nói với Maria Faustina: “Chúa nhật sau lễ Chúa Phục Sinh, sẽ được gọi là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót. Maria Faustina đã viết nhật ký, chép lại mọi điều Chúa muốn cho thế giới biết về Lòng Thương Xót của Người. Trong đó, Maria Faustina đã viết những lời cầu nguyện thật dễ thương, biểu lộ mối tương quan rất mực thân thiết đối với Chúa. Và Chúa nói: “Faustina là thư ký nhỏ của Người”. Trong cuộc đời ngắn ngủi tại thế, Maria Faustina đã thực hiện một sứ vụ quan trọng là cho thế giới biết về Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu. Chính công việc đặc biệt của thánh Faustina đã khích lệ nhiều người tin tưởng vào Lòng Thương Xót vô hạn lượng của Thiên Chúa. Chúa hứa ban ơn tha thứ và ân sủng dư tràn cho bất cứ ai tôn sùng lễ kính Lòng Thương Xót. Và tận hiến cho Lòng Thương Xót: bao gồm tin tưởng vào lòng nhân hậu Chúa, yêu thương tha nhân, năng lãnh nhận bí tích Hòa giải để luôn ở trong tình trạng có ân sủng và rước lễ ngày Chúa nhật kính Lòng Thương Xót. Chỉ sau 13 năm sống trong bậc tu trì, Maria Faustina về trời, ngày 5 tháng Mười năm 1938 vì bệnh lao phổi, vừa tròn 33 tuổi.
2. Thánh Têrêsa Calcutta, sinh 1910 tại Nam Tư. Ðủ 18 tuổi, Têrêsa gia nhập Dòng Nữ Vương Ðức Bà Loreto ở Ái Nhỉ Lan. Năm 1946, sau khi đã chứng kiến những nạn nhân khốn khổ đầy thương tích và chết chóc, các trẻ em bơ vơ trên đường phố, kết quả của những biến cố nổi loạn giữa Hồi Giáo và Ấn Giáo, ngày 10/9/1946, trên một chuyến xe lửa đi về Darjeeling để điều trị bệnh lao mới phát, Têrêsa nhận ra được tiếng mời gọi của Chúa thúc dục mình phục vụ cho những người nghèo đói khốn khổ. Mẹ Têresa kể lại: "Tôi bắt đầu nhận ra tiếng gọi của Chúa kêu mời tôi săn sóc cho những người bệnh tật và nghèo đói, những kẻ rách rưới và lang thang - thúc dục tôi ban phát tình yêu của Chúa cho các người khốn khổ và bơ vơ. Sự kiện nầy đã mở cửa cho bước đầu phục vụ Bác Ái của đời tôi". Mẹ Têrêsa không chần chờ, đắn đo, và bắt đầu xin phép rời Hội Dòng Loreto để thiết lập một nhà Dòng mới, được Ðức Giáo Hoàng Piô XII cho phép. Và năm 1948, Mẹ Têrêsa, với chiếc áo dòng cũ kỹ và một vài đồng lẻ trong túi đã đến sống giữa những người Ấn Ðộ như một người Ấn Ðộ. Ðương nhiên Mẹ Têrêsa cũng chọn màu áo xanh xám có những viền xanh (biểu hiệu cho Thánh Ý của Thiên Chúa) giống như áo Hội Dòng của Mẹ. Năm 1952 Mẹ Têrêsa cùng với Hội Dòng Nữ Tu Bác Ái của Mẹ đã bắt tay vào việc. Hội Dòng của Mẹ đã được bản quyền Calcutta cho phép xử dụng ngôi đền Kali đã bị bỏ hoang của Ấn Giáo. Mẹ Têrêsa đã biến nó trở thành Hội Quán Kalighat cho những người nghèo đói đau khổ. Mẹ đã cùng với các cộng tác viên tìm kiếm những người bệnh tật, hấp hối thất thểu ngoài đường phố, đem về săn sóc cho đến ngày họ qua đời. Ðối với những người bệnh tật, Mẹ đã tìm kiếm thuốc thang săn sóc cho họ, đối với những người khổ đau, Mẹ là một nguồn ủi an đem bình an và tình yêu của Chúa đến với họ. Năm 1962, Mẹ được giải thưởng đầu tiên về công việc Nhân Ðạo của Mẹ. Năm 1979, được giải thưởng Nobel Hòa Bình. Năm 1985, được trao Huy Chương Tự Do, huy chương dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ. Mẹ đã dùng tất cả những số tiền giải thưởng này để thiết lập thêm nhiều trung tâm khác. Ngày 5/9/1997, Mẹ Têrêsa đã được Chúa gọi về, hưởng thọ 87 tuổi. Suốt một cuộc đời hy sinh phục vụ cho những người nghèo đói khổ cực, Mẹ Têrêsa, một tôi tớ trung thành của Ðức Kitô, luôn được người người trên thế giới chúc tụng, kính phục và biết ơn vì những tấm lòng hy sinh tràn đầy yêu thương phục vụ. Tinh thần của Mẹ Têrêsa đã in sâu mãi trong lòng mỗi người dân trên thế giới, rất xứng đáng cho giáo dân Việt Nam chúng ta noi gương.
Đặc điểm chung: Cả hai Đấng đều có lòng sùng Mộ Chúa Giêsu Thánh Thể.
Công đồng Vat. II, 1962-1965 là công đồng đổi mới, với chiều kích đại kết và mục vụ. Hướng đi đổi mới của Công đồng: Không lên án, nhưng thương xót và chứng tá. Thánh Maria Faustina 1905-1938, trước Công đồng 24 năm, truyền tỏa Lòng thương xót. Thánh Têrêsa Calcutta 1910 -1997, sau Công đồng 35 năm, xót thương cứu vớt người bị bỏ rơi. Mặc dù còn nhiều Đấng thanh ảnh hưởng khác, nhưng trong phạm vi bài hôm này, tôi xin đưa ra hai thánh nữ, đều sát gần Công đồng, như thế, cả hai: Một Đấng ảnh hưởng tới loan truyền tín lý Thần học: “Thiên Chúa là Tình yêu giàu lòng thương xót, là thương xót; một Đấng ảnh hưởng tới đường hướng thần học mục vụ của Công đồng. Quả thực, hướng đi đổi mới của Giáo hội Chúa Kitô, bao gồm cả Thần học cả Mục vụ: “Thần học chân lý thẳm cao, mục vụ trao ban tròn đầy”.
Kết kuận
Ướ mơ người Phụ nữ, Người Mẹ, trên thế giới và nhất là Việt Nam, tùy theo Đức tin Dân tộc, tôn giáo của mình, chọn lựa phương thức đào luyện tâm linh, như: “Thiền định, cầu nguyện thinh lặng”. Riêng người tín hữu phụ nữ Kitô, nên bắt đầu từ Thánh Thể, nguồn tâm linh. Mỗi tuần một giờ ngồi thinh lặng trước Biểu tượng Thánh Thể thiêng liêng (Logo Thượng hội đồng Giám mục thế giới 2023) treo trong phòng đào luyện “Đức tin Thánh Thể” của gia đình. Hầu người phụ nữ Kitô giáo, đạt “Đức tin-cá vị”; còn những người phụ nữ khác, định tâm: đạt “Định an, định huệ”. Có như vậy, người phụ nữ mới hy vọng góp phần giúp bản thân, gia đình, dòng Họ, Giáo hội, Dân tộc, nhân loại BÌNH AN, vượt qua sóng gió của ngàn năm thứ Ba, nền văn minh Biển.
Dân tộc Việt Nam tự hào: Có Mẹ Âu Cơ. Có Trưng Trắc, Trưng Nhị. Có Mẹ Anh hùng. Tuy nhiên, kinh nghiệm Kinh thánh: nữ Eva, nguyên tổ, vì thiếu đào luyện tâm linh, nên đã dẫn tới tham lam quá mức: “Muốn lên bằng Đức Chúa Trời”. Và vì thế, cũng thiếu khôn ngoan sáng suốt, không nhận ra mối giây: “Liên đới- trách nhiệm” với Chúa và với nhau. Hậu quả: bất hạnh! Đó là kinh nghiệm của tội “Nguyên tổ”, vết xe đổ!
Truyền thông TGP/SG, tháng Tám 2022
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
bài liên quan mới nhất
- Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp Hành hoàn vũ - Nền văn minh biển & phụ nữ
-
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp Hành toàn châu lục: Văn hóa - Khoa học -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Đào luyện tín hữu giáo dân trong thời hoàn vũ -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Tín hữu Giáo dân thời hoàn vũ -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Người lãnh đạo tài khủng hoảng -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ Đức tin tròn đầy và trong sáng -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ cử hành Phụng vụ thánh -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ nên Thánh -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Giáo dân Chầu Thánh Thể -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Thời ngôn sứ - Tiên tri Giáo dân xuất hiện
bài liên quan đọc nhiều
- Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Gia đình Hiệp Hành
-
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Thời ngôn sứ - Tiên tri Giáo dân xuất hiện -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Lắng nghe người nghèo, bệnh tật, đau khổ -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Giáo dân Hiệp Hành -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Giáo hội hiệp thông và tăng trưởng -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Một thoáng bên thềm Thượng Hội đồng 2023 -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp Hành 2023 - Như không có hồi kết -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp Hành - Văn hóa 'nói dối đạo đức' -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ con người Việt Nam -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Tiến trình tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới, 2023