Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp hành Dân tộc - Văn hóa tự hào

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp hành Dân tộc - Văn hóa tự hào

HIỆP HÀNH DÂN TỘC
VĂN HOÁ TỰ HÀO

Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

Dẫn nhập

Khi tự hào Dân tộc với ý thức khiêm nhường, lời nói "xưng khiêm, hô tôn", hành vi cúi mình, tự hạ, thì đó là văn hóa tự hào đáng cổ võ. Nhưng khi tự hào mà để cho cái tôi phát triển với những cảm xúc ngớ ngẩn, thiếu lý trí, lúc đó trở thành tự đắc, kiêu mạn. Trong văn hóa Do thái, tự đắc là gốc rễ mọi điều ác. Theo Kitô giáo, tự đắc hay kiêu ngạo được coi là tội lớn nhất trong bảy mối tội đầu, cha đẻ của mọi tội lỗi. Tự đắc, theo thánh Augustinô, chính là “Yêu thích sự tài giỏi của mình”. Tôi xin chia sẻ một thoáng mục vụ về “Hiệp hành Dân tộc: văn hóa tự hào”.

Nội dung

Phúc âm đề cập tới một người Biệt Phái tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi, đâu có như các người khác, tham lam, bất công, ngoại tình, hay như tên thu thuế kia”[1]. Ranh giới của tự hào rất mong manh, rất dễ trở thành tự đắc, tự kiêu và ngạo mạn!

Công đồng Vatican II: “Nguyên nhân làm đảo lộn trật tự xã hội[2]; nguyên nhân gây nên sự bất hòa lớn giữa con người với nhau[3] và các sinh hoạt của con người hằng ngày đang lâm nguy vì kiêu căng và lòng ích kỷ thái quá”[4].

Dân tộc Việt Nam, tự hào về lịch sử con cháu “Rồng Tiên”; có cội nguồn tổ tiên mười tám đời vua Hùng. Rồi, phát xuất từ tính cộng đồng, luôn tự hào về tinh thần yêu nước, đoàn kết, trọng chính nghĩa, nghĩa tình: “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình; đem nhau đến trước cửa quan bên ngoài là lý, bên trong là tình”. Có trước có sau, cần cù, hiếu khách: “Khách đến nhà không gà thì gỏi”. Trọng văn, trọng nhân ái: “Lưỡng Long chầu nguyệt”. Nguyệt là mặt trăng biểu hiện của lòng nhân ái; nhân ái là gốc của đạo đức: “Đức trọng quỉ thần kinh”.

Nhưng tự hào dân tộc có thể trở thành tự đắc như mặt trái của tấm huy chương. Như tính hẹp hòi, đố kị cào bằng, bè phái, dựa dẫm, bệnh sĩ diện, háo danh: “Tốt danh hơn lành áo”. Thành tích, phong trào, nói xấu sau lưng, tật ham vui, thích bàn tán, suy diễn, bình luận, nổ, triệt tiêu cá nhân. Nặng nề hơn là tính bảo thủ, khép kín, lề mề, châm chạp, tủn mủn, thiếu tầm nhìn, bệnh đối phó, thiếu bản lĩnh, nhu nhược, yếu đuối, sính ngoại, bệnh hám lợi, tính đại khái, xuề xòa, nước đôi, dĩ hòa vi quí, thiếu quyết đoán, trung bình chủ nghĩa, hời hợt thiếu sâu sắc, chủ quan kiêu ngạo, sống bằng quan hệ, khôn vặt, láu lỉnh, cẩu thả, bệnh giả dối, nói không đi đôi với làm, ăn cắp vặt.

Đào luyện

Tương lai Việt Nam hội nhập quốc tế, hòa nhập khu vực cần sống triết lý: “Tâm linh và Khoa học”. Lẽ sống này bao trùm cả Đông cả Tây. Đông, gốc nông nghiệp, trồng cây, nóng ẩm, mưa nhiều, nên rất nhiều sông rạch, do đó, trọng nguồn gốc: "“Cây có cội, nước có nguồn”; trọng chữ hiếu: Hiếu đứng đầu trăm đức; trọng tâm linh: Tin Ông Trời và thần thánh. Tây gốc du mục, chăn nuôi, trọng khoa học, trọng lý, trọng sức mạnh, ưa minh bạch.

Thời nay, Việt Nam, cần bổ sung những đức tính trung thực, đào luyện giới trẻ khao khát chính trực. Đề cao óc sáng tạo, tổ chức cuộc sống tiện nghi, tiện lợi, hiện đại, thoải mái. Phát huy dân chủ, tinh thần hợp tác, hội nhập quốc tế. Phát huy lòng biết ơn trong ngành nghề và phát triển doanh nghiệp, vốn sẵn có truyền thống: “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”; “ai giúp mình một chút gì cũng phải nhớ ơn”. Tính chính trực, lòng trung thực, gần với thời đại khoa học với lòng biết ơn sẽ giúp con người Việt Nam tự hào đúng đắn mà không tự đắc, Hệ quả, tôn trọng nhân tài thực lực, không bè phái, gốc gác, vùng miền, giòng họ. Nhân tài lãnh đạo làm nên sự khác biệt Việt Nam.

Đặc biệt chú tâm giải mã nông nghiệp, đổi mới cơ chế nông thôn, đưa nông dân lên hàng đầu: “Chủ nhân nông nghiệp và nông thôn”. Những nhà trí thức nông thôn, tham gia quyết sách về đời sống nông dân: từ giá cả máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu, giá thành sản phẩm; thời kỳ nông nhàn, tổ chức tham quan du lịch, nâng cao nhận thức cuộc sống thế giới: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Chuyển đổi “Hương-Trấn”: nông thôn- thành thị, như một số nước trong khu vực đã làm từ lâu. Vùng Cái Sắn, Kiên Giang cũng đã thực hiện bước đầu, nhưng còn nhiều triển vọng. Giải mã công nghiệp, đô thị, thành thị hóa nông thôn, công nghệ chuyển đổi số - số phận Việt nam. Thay đổi văn hóa “Ổn định” thành “Văn minh phát triển”; bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm, áp dụng khoa học sáng tạo, công nghiệp.

Cảnh giác tật xấu: ưa nịnh, thích danh, thích được khen: “Được tiếng khen, ho hen chẳng còn”; “Đem chuông đi đấu nước ngoài, không kêu cũng đấm ba hồi lấy danh”; “một quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. “Một miếng gữa làng bằng một sàng xó bếp”. Thủ lợi cá nhân, cục bộ: “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”; “Của mình lạt buộc”; “Ở đời muôn sự của chung, ai khéo vậy vùng nên riêng”. Hậu qủa rất bất lợi cho phát triển Việt Nam.

Kết luận

Trước hết, tự hào, khiêm hạ là văn hóa. Tực đắc, kiêu căng là tật xấu. Tật xấu này khiến Dân tộc Việt Nam, cũng như mọi dân tộc khác; trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội, rất khó lựa chọn nhà lãnh đạo thực tài, vì ai cũng cho mình là hay, địa phương nào cũng cho mình là tài giỏi, chê bai người khác và tìm đủ mọi hình thức để hạ bệ nhau. Nhất là trong môi trường tự do dân chủ, ứng cử nghị viện rất thảm! Người ta mất ý thức về ơn gọi và tục hóa người lãnh đạo: Không còn là người Thượng Đế chọn để làm người nô bộc, đầy tớ phục vụ Dân Người.

Thứ đến, yêu nước thời bình: Làm cho “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh”. Một Việt Nam nghĩa tình, thịnh vượng bền vững. Phát triển quốc thể với Quốc hiệu: “Uy- Đức Việt Nam” trên trường quốc tế. Cảnh giác: trong thế giới phẳng, không thể lừa mình, qua mắt Dân tộc và lừa dối thế giới được. Dân tộc Việt Nam, đạo cũng như đời, rất trân quí “Anh hùng, anh hào và anh thư, những người hy sinh, cứu Nhân Dân phong cách thời bình, bảo vệ, kiến tạo một Dân tộc: “Thể chất mạnh mẽ, tinh thần khôn ngoan và tâm linh tin vào Ông trời, Đấng Tạo hóa”. Phát huy triết lý: “Tâm linh-Khoa học”.

Dân tộc Việt Nam sẵn sàng phong thần thánh và lập đền thờ trong tâm hồn, trong lịch sử, trong danh miếu, dành cho những anh hùng không chỉ trong thời chiến mà ngay trong thời bình. Nhân dân, sẽ xây nhà tưởng niệm, dựng bia tưởng nhớ và ghi công: “Anh Hùng, Anh Thư thời Bình”./.

Truyền thông TGPSG, tháng Sáu 2022
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.M.n)

 

[1] Lc 18, 9-14

[2] MV 25.

[3] MV 83

[4] MV 37

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top