Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ cử hành Phụng vụ thánh

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ cử hành Phụng vụ thánh

CỬ HÀNH PHỤNG VỤ
GẶP GỠ CHÚA KITÔ-LOAN BÁO TIN MỪNG

Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

Dẫn nhập

Sứ mệnh tiên quyết của Giáo hội là mời gọi nhân loại trở về với nguồn ơn cứu rỗi qua việc rao giảng Phúc Âm và chuẩn bị tâm hồn mọi người sẵn sàng tiến tới các mầu nhiệm thánh qua những việc đạo đức. Phụng Vụ là “chóp đỉnh” các sinh hoạt, tuy không phải là sinh hoạt độc nhất của Giáo Hội[1]. Hai Sắc lệnh: Phụng vụ thánh và các phương tiện truyền thông được Công đồng ký, ban hành đầu tiên và trong cùng một ngày. Cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đổi mới và cải tổ Giáo hội cần bắt đầu từ phụng vụ, cái “Bên trong” và truyền thông, cái “Bên ngoài”. Sau đây, tôi xin chia sẻ mục vụ: “Cử hành phụng vụ: Gặp gỡ Chúa Kitô – Loan báo Tin mửng”.

Nhận thức

Công Ðồng dành cả một Hiến Chế để bàn tới Phụng Vụ với một thời gian khá lâu để chuẩn bị, thảo luận và biểu quyết. “Ðây là lược đồ được cứu xét đầu tiên ở Công Ðồng và cũng có thể là lược đồ giá trị nhất theo tầm quan trọng của nó trong đời sống Giáo Hội”5. Ngày 14-11-1962, trong phiên họp khoáng đại, lược đồ đã được các Nghị Phụ bỏ phiếu chấp thuận trên nguyên tắc. Kết quả có 2,162 phiếu thuận và 46 phiếu chống. Sau đó các chuyên viên Công đồng bắt tay vào việc cứu xét những điểm đề nghị tu chỉnh. Công việc kéo dài từ 17-11 đến 6-12-1962 và đầu kỳ họp II năm 1963. Ngày 4-12-1963 Ðức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, long trọng công bố Hiến Chế này. Nhờ đó, người ta đã bắt đầu suy luận về Phụng Vụ một cách sâu xa và chín chắn, mang tính chất thần học và mục vụ. Sau đây, tôi xin nêu lên những điểm nhấn trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh. Nội dung giáo lý: hàm chứa nhiều nguyên tắc thần học và những tiêu chuẩn hướng dẫn việc canh tân và phát triển hữu hiệu nền Phụng Vụ. Trước hết phác họa nền tảng thần học của Phụng Vụ. Phụng Vụ là công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô. Công cuộc này còn được tiếp tục và tồn tại mãi trong Giáo Hội, nhất là qua lễ nghi hiến tế tạ ơn và các bí tích. Chính Chúa Kitô, Ðấng hiện diện trong Giáo Hội, dùng các dấu chỉ bí tích dâng lên Thiên Chúa lễ vật toàn thiện và thánh hóa nhân loại. Là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội, Người cầu nguyện với dân Người và ban phát nguồn ơn cứu chuộc. Do đó, những động tác Phụng Vụ chỉ là sự thực thi cụ thể chức vụ tư tế của Chúa Kitô trong Giáo Hội: chức tư tế luôn luôn hiện diện và hoạt động, nó tự biểu lộ qua các nghi thức khả giác và hữu hiệu. Phụng vụ là công cuộc cứu chuộc được Đức Kitô hoàn tất[2] được Giáo hội tiếp tục[3]. Đức Kitô hiện diện trong phụng vụ[4]. Các mầu nhiệm Phụng Vụ là “chóp đỉnh” sinh hoạt của Giáo Hội đồng thời cũng là nguồn mạch các nhân đức. Và vì vậy, Dân Chúa ngày một ý thức về vai trò quan trọng của Phụng Vụ trong đời sống Kitô hữu và Giáo Hội.

Ðồng thời, Phụng Vụ là sự chờ đợi, là sự nếm trước Phụng Vụ trên trời, nơi mà tất cả chúng ta đang tiến về như những lữ hành. Công Ðồng chỉ dẫn tổng quát cho việc cải tiến Phụng Vụ.

Ðể tín hữu xác tín đầy đủ và tham gia trọn vẹn các nghi lễ một cách ý thức và chủ động, trước hết phải huấn luyện các chủ chăn, rồi đến lượt các ngài sẽ huấn luyện lại cho tín hữu. Ngoài ra, còn phải tiếp tục cố gắng để cải tiến cách tốt đẹp toàn bộ Phụng Vụ theo những qui tắc tổng quát và đặc thù.

Đào luyện

Gặp gỡ Chúa là ưu tiên của phụng vụ. Giáo dân tham dự vào phụng vụ là nguồn mạch sự kết hợp với Đức kitô[5]. Nguồn mạch của việc tông đồ[6]. Việc huấn luyện cho các tín hữu về phụng vụ[7]. Nhất là cho các giảng viên giáo lý[8], cho các nhạc sĩ, ca sĩ và các nghệ sĩ. Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh rằng “sự tham dự hiệu quả của dân Chúa” phải là điều ưu tiên, để “dẫn tín hữu đến với Chúa Kitô và Chúa Kitô đến với họ.” Do đó ngài cảnh báo nguy cơ đặt nghi lễ lên hàng đầu, bởi vì nó dẫn đến việc có những “những nghi lễ đẹp đẽ, nhưng không có sức mạnh, không có hương vị, không có ý nghĩa, bởi vì chúng không chạm đến trái tim và cuộc sống của dân Chúa. Chính Đức Kitô làm cho trái tim rung động; chính cuộc gặp gỡ với Người thu hút tinh thần”. Đức Thánh Cha: “Cử hành phụng vụ là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Ngài cũng cảnh báo chống lại việc chú trọng nghi thức hơn là gặp gỡ Chúa, và đặc biệt, ngài chống lại việc cử hành phụng vụ cách luộm thuộm, cẩu thả, thiếu chuẩn bị”[9]. Về điểm thinh lặng phụng vụ, Đức Thánh Cha cũng lưu ý về sự cần thiết giữ thinh lặng trước và sau khi cử hành phụng vụ, bởi vì “chính sự thinh lặng chuẩn bị bạn tham dự mầu nhiệm, giúp bạn hoà vào mầu nhiệm, để cho tiếng vang của Lời vang vọng”. Công đồng Vat. II: Biến đổi Giáo hội Bắt đầu từ phụng vụ nghiêm túc. Theo qui luật tự nhiên: “Cái bên trong biến đổi cái bên ngoài”. Sau đây là một trong những ứng dụng trong cử hành phụng vụ. Trong huấn từ vào dịp tĩnh tâm của linh mục đoàn Tổng Giáo phận Sài Gòn, năm 2022, Đức Tổng Giuse đã lưu ý về việc giữ thinh lặng thánh như Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma hướng dẫn và được Đức Thánh cha Phanxicô nhắc lại trong Tông thư Desiderio Desideravi. Thinh lặng thánh là một thành phần của việc cử hành và là cao điểm của trình tự phụng vụ. Đây là động tác dành cho toàn thể cộng đoàn, qua đó, Chúa Thánh Thần hiện diện làm sinh động toàn bộ việc cử hành và uốn nắn người tham dự. “Các Giáo xứ và cộng đoàn thực hiện thinh lặng thánh, trong tất cả các thánh lễ từ đầu mùa Vọng này”[10], vào bốn thời điểm của thánh lễ:

1. Trong nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện đầu lễ để hồi tâm;

2. Sau bài giảng hoặc bài Tin mừng để Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn;

3. Sau khi rước lễ để tạ ơn và kết hợp với Chúa trong tâm tình cầu nguyện[11].

Kết luận

Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh rằng “sự tham dự hiệu quả của dân Chúa” phải là điều ưu tiên, để “dẫn tín hữu đến với Chúa Kitô và Chúa Kitô đến với họ.” Do đó ngài cảnh báo nguy cơ đặt nghi lễ lên hàng đầu”. Và “Một cử hành không loan báo Tin Mừng thì không phải là cử hành đích thực”[12].

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tôn nghiêm trong Thánh lễ. Ngài khuyên các nhà phụng vụ nên tổ chức nghi lễ phụng vụ thích hợp với cộng đoàn để họ được tăng trưởng trong đời sống phụng vụ. Ngài nói rằng nếu các nhà phụng vụ không lên tiếng khi nhìn thấy những cử hành phụng vụ cẩu thả, luộm thuộm, thiếu chuẩn bị, nghĩa là họ không giúp đỡ các cộng đoàn, không đồng hành với họ. Cần có những lớp huấn luyện và phát huy phụng vụ thánh.

Đặc biệt vai trò của vị chưởng nghi trong các cử hành phụng vụ cũng được Đức Thánh Cha lưu ý. Theo ngài, đây là việc phục vụ, vị chưởng nghi cộng tác với Giám mục để phục vụ cộng đoàn. Nhưng đôi khi vị này lại trở thành trung tâm của phụng vụ. Vị chủ tế mới là người chủ sự, do đó vị chưởng nghi càng ít tỏ hiện thì càng là vị chưởng nghi thực hiện đúng chức năng[13].

Truyền thông TGP/SG tháng Giêng 2023
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

 


 

 

 

[1]PV 9,10,11

[2]PV 5

[3] PV 6.

[4] PV 7, 33, 35; TG 16.

[5] TĐ 4

[6] TĐ10

[7] PV 19 LM 5

[8] TG 17; PV 15; PV 127

[9] ĐTC Phanxicô, việc cử hành phụng vụ cách cẩu thả, thiếu chuẩn bị, Ngày 20/1/2023

[10] Đức Tổng Giám mục Sài Gòn

[11] Lm. Phêrô Kiều Công Tùng, Chưởng ấn, Văn phòng Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, ngày 25 tháng 11 năm 2022
(đã ấn ký)

[12] Đức Thánh Cha, tông thư Desideravo Desideravi 

[13] ĐTC Phanxicô, việc cử hành phụng vụ cách cẩu thả, thiếu chuẩn bị, Ngày 20/1/2023

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top