Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Cây cao bóng cả đừng rút lui

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Cây cao bóng cả đừng rút lui

CÂY CAO BÓNG CẢ
ĐỪNG RÚT LUI

Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

Dẫn nhập

Đức Thánh Cha đã gửi thông điệp đến các linh mục cao tuổi và đau bệnh của miền Lombardia của Ý, quy tụ tại Đền thánh Caravaggio, trong cuộc gặp gỡ, do Unitalsi khu vực tổ chức. Ngài viết:

“Đừng rút lui, hãy chống lại sự cám dỗ rút lui, vì cảm thấy mình vô dụng, nhưng kêu gọi họ liên minh với những người trẻ - đặc biệt là với các linh mục trẻ. Vì tuổi tác của anh em là một chúc lành cho Giáo hội[1].

Tôi nhớ tới điều mà tôi xác tín và chia sẻ với một số vị trong hàng giáo phẩm về hưu:

“Dù không làm được gì nữa, theo văn hóa Việt Nam, cũng vẫn là: “Cây cao bóng cả”; “Một mẹ già bằng ba hàng dậu”. Uy- đức vẫn bao trùm cả giáo phận. Đây không phải là một lời yên ủi, động viên, nhưng là một sự thật. Sự thật này có nền tảng trong Kinh thánh, Công đồng, và Văn hóa.

Sau đây, tôi xin chia sẻ ít điều mục vụ về: “Cây cao bóng cả”, “Đừng rút lui”.

Nhận thức

Đối với người trẻ, do ảnh hưởng của Cựu ước, mỗi khi nhìn thấy một người đầu bạc, tôi nghĩ ngay tới người đó đang đội “Mũ khôn ngoan”, vì người đầu bạc thì khôn ngoan. Và tôi cũng nhớ tới lời khuyên: “Nơi nào có người đầu bạc, con hãy tìm đến ôm chân họ mà học”.

Bản thân là người già, tôi nhớ hình ảnh hai cụ Simeon và Anna trong đền thờ, liên lỉ cầu nguyện, trông chờ và sau đó đã nhận ra Hài nhi Giêsu và vinh phúc giới thiệu Đấng Cứu Thế cho mọi người. Rồi, bản thân toại nguyện, thanh thản sẵn sàng ra đi bình an. Tuy nhiên, nhiều khi có thực tế không tốt đẹp như thế.

Hình ảnh Chúa Giê-su, bị bỏ rơi, nơi vườn cây Dầu. Ở đó, Chúa đã đối diện với sự cô đơn cùng cực. Chúng ta chạnh đau: “Chúa đã toát cả mồ hôi máu”. Trên thập giá, Chúa Giê-su nhìn lên, than thở: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con”[2]? Rồi, Người nhìn xuống, thấy những kẻ thân tín chạy trốn hết! Chúa bỏ, con người cũng bỏ! Chúa bỏ tất cả để ôm lấy tất cả nhân loại.

Đức giáo hoàng Phanxico chống lại não trạng “vứt bỏ” khi xem người già và người bệnh là những người vô ích. Ngài nói:

“Những người già không bị ruồng bỏ vì mọi người xa tránh họ, nhưng là dấu hiệu sống động của lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng ban sự sống dồi dào”[3].

Đức Thánh Cha nói với các linh mục cao niên và đau bệnh nhận thức về một vai trò âm thầm:

“Hỡi các linh mục lớn tuổi thân mến, tôi nói: đây không phải là lúc để ‘rút mái chèo bỏ vào thuyền’, rút lui. Tuy nhiên, anh em có thể sinh nhiều hoa trái nhờ sự khôn ngoan của mình: anh em có nhiều thời gian để có thể cầu nguyện cho Giáo hội và cho những người trẻ trung thành với Lời của Chúa Giêsu; anh em có thể lắng nghe những lời xưng tội với lòng kiên nhẫn và cao thượng; anh em có thể làm chứng rằng việc nhìn và đọc lịch sử bắt đầu từ nhiều dấu hiệu của sự dịu dàng và tình yêu thương mà Thiên Chúa là Cha đã gieo trong cuộc sống của chúng ta thì quan trọng dường nào đối với chúng ta”.

Ông Kirland, nhà khoa học người Đức, 1930, chụp được hào quang, là năng lượng tần số rung động, chuyển động, phát ra từ những người trí thức, đạo đức, ngay cả cây cối cũng có. Khi những người trí thức, đạo đức tụ lại, thì năng lượng tần số rung động, rung xoáy lên hình chôn ốc và tụ lại thành khối trên bầu trời. Chúng có sức đẩy lùi bóng đen tội lỗi, bệnh tật, sự dữ, ngay cả bão tố, sóng thần.

Có những cơn bão dữ dội, tưởng như ập vào đất liền của xứ sở Việt Nam. Ví dụ, gần nhất là bão Noru. Có nhiền nguyên nhân. Nhưng sự thật, cả nước hướng về Miền Trung, tạo nên tần số rung động. Góp phần đẩy lùi cơn bão, khiến thành áp thấp nhiệt đới. Thật ứng với nền văn hóa của chúng ta: “Cây cao bóng cả”. “Một mẹ già bằng ba hàng dậu”; và “càng cao tuổi càng cao nhân đức”; ký ức, hiện tại, nở hoa tương lai. Gốc mai cổ thụ, hoa mai rạng rỡ - báo hiệu mùa xuân mới!

Từ những nhận thức trên, bản thân người cao tuổi, được Ban Mục vụ người cao niên, trân quí, thỉnh mời và tạo mọi điều kiện, như tài chánh, phương tiện đưa đón Quí vị dự khoá mục vụ: “Trăm tuổi”.

Con cháu, thế hệ trẻ trong gia đình và xã hội, cùng sống theo nếp văn hóa nể trọng: “Trọng thầy mới được làm thầy, trọng cha mới được nên cha”. Kính trọng, lắng nghe kinh nghiệm tuổi già: “Kính lão đắc thọ; kính già, già để tuổi”.

Cha mẹ dạy con cái cháu chắt, biết hiếu kính Ông Bà nội ngoại. Phân công hàng tháng đến thăm và trò chuyện với người già: “Lắng nghe ký ức và nghe kể chuyện”. Trao phần thưởng đạo đức, mang tính Quốc gia, cho những người con, cháu, người trẻ có phong cách trân quí người cao niên trong cộng đồng. Rất đẹp và cuộc sống có hậu.

Tôi có kinh nghiệm xây dựng tương quan Giáo xứ và Giáo họ. Giáo họ thường hay tỏ ra chống đối việc xây dựng chung. Họ thường nghĩ: “Một cổ hai chòng”. Tôi đã thuyết phục Giáo họ: Có gốc mới có ngọn, nên “Vun gốc cho cành mạnh”. Quả thực, từ đó bớt đấu tranh, giáo xứ và giáo họ đoàn kết. Sau khi xây dựng giáo xứ, mọi người tập trung xây dựng Giáo họ. Và toàn thể giáo xứ cùng với Dân Họ tổ chức khánh thành Nhà Chúa một các hết sức vui vẻ và hoàn mãn. Từ đó, Dân Họ tin vào luật Hiếu thảo. Hiện nay, Giáo họ đã trở thành một Giáo xứ ngang tầm với giáo xứ Mẹ.

Sau đây, tôi xin chia sẻ một câu chuyện có thật. Có một người cha, gọt vỏ quả dừa làm chén cơm cho ông nội. Vì tay run, nên hay làm vỡ bát. Thằng con trai nhỏ xin: “Con cũng muốn học làm bát dừa cho cha sau này”. Luật cân bằng nhân quả: “Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó”, đó là qui luật tự nhiên, không có gì lạ. Hơn nữa, dân tộc chúng ta rất trọng đức: “Có đức mặc sức mà ăn”. “Đức trọng qủi thần kinh”. Ứng xử với bậc cao niên còn là cơ hội giúp người trẻ tập nhân đức.

Nhân đức có ba bậc. Bậc một: chịu vậy. Bậc hai: vui chịu, cám ơn; bậc ba: tìm đến để được tập nhân đức. Thánh Têrêsa hài đồng: “Xin đến phục vụ những Nữ tu già, bệnh tật, khó tính để họ giúp tập nhân đức cho mình”. Nhẫn nhịn, kiềm chế là dấu chỉ một người có nhân đức: “Một sự nhịn bằng chín sự lành”. “Chữ nhẫn là chữ tượng vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”. Nhân đức Kitô giáo: Là một thói quen hành thiện, theo Lời dạy, gương sống của Chúa Giêsu và làm vì lòng mến Chúa, yêu người, với ơn Chúa, lâu dần sẽ trở thành nhân đức.

Kinh nghiệm tập nhân đức, ở bậc hai: “Vui vẻ, cám ơn”. Nếu không mỉm cười, vui vẻ cám ơn, thì phải lấy tiền trả cho người gây ra khó chịu, bực bội, thậm chí nói hành, vu oan cho mình. Mất một số tiền lớn, ắt nhân đức sớm hoàn mãn. Vì đồng tiền liền khúc ruột. Mất tiền sẽ xót đau mà mau nên người thực đức.

Kết luận

Mỗi khi có dịp đến thăm các vị nghỉ hưu, trước khi từ giã ra về, Quí vị thường nói: “Đừng bỏ tôi, cô đơn và đau đớn lắm”! Ai cũng sợ cô đơn. Kinh nghiệm tuổi già lại càng rất cô đơn. Lúc nào cũng cảm thấy như mình bị bỏ rơi. Cảnh sống “Cô đơn” còn phát xuất từ nỗi đau đớn của thể xác, liên quan tới cả tinh thần và tâm linh. Quá khứ khuyết điểm ào về, hồi tưởng trồi lên. Tinh thần suy yếu, mặc cảm, có giây phút như bỉ cám dỗ mất linh hồn, mất hy vọng cậy trông. Ma qui thường lợi dụng giai đoạn con người suy yếu, sẽ tác động tới tâm trí, dẫn người già rơi vào tình trạng mất lòng cậy trông, thất vọng.

Thánh Têrêsa hai đồng củng cố chúng ta bằng chính kinh nghiệm của mình: “Thất vọng mà vẫn cậy trông”. Bài học lớn nhất Chúa Giêsu đã từng trải nghiệm và để lại cho chúng ta: “Thiên Chúa bỏ rơi”. Có nhũng lúc tuyệt vọng. Tuyệt vọng mà vẫn cậy trông! “Lạy Thiên Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? Dù con thảm thiết kêu gào. Nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời”[4]!

Làm “mục vụ người cao tuổi” có nhiều người và nhiều chứng nghiệm phong phú, tôi chỉ nghĩ cho bản thân tôi: “Không thể bỏ qua và luôn biết ơn” những người thân yêu trong gia đình, trong Hội thánh và trong cộng đoàn xã hội, vì Chúa quan phòng, dùng người cao niên chuyển giao kinh nghiệm và đào luyện khôn ngoan, nhân đức cho tôi./.

Truyền thông TGP/SG. Tháng Mười 2022
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)


[1] ĐTC, khuyên các linh mục cao niên đừng rút lui, nhưng hãy cộng tác với các linh mục trẻhttp://gplongxuyen.org/public/desktop/images/vline.png, 17/09/2022

[2] Mt 27:46; Mc 15, 34

[3] REI 3831_2022; [4] Tv 21, 24

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top