Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Cân bằng: Giảng-Dạy & Nghe-Hành
CÂN BẰNG
GIẢNG-DẠY & NGHE-HÀNH
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
Dẫn nhập
Do ảnh hưởng văn minh Tây phương, với óc khoa học phân tích, người giảng, mất nhiều thời gian soạn bài, giảng thuyết, không có thời giờ dạy. Người nghe thích dành thời giờ để nghe phân tích mà không chú ý tới định hình và định hành. Vì thế, nghe xong, người nghe, khen hay nhưng không đào luyện. Hơn nữa, thời giờ là vàng, trong nền kinh tế tiền rừng bạc biển của Việt Nam hôm nay và tương lai. Với những tiêu chuẩn lối sống hạnh phúc hiện đại của người dân: khoa học, tiện nghi, tiện lợi, thoải mái, vững bền. Chúng ta không còn nhiều thời gian giảng giải phân tích mà thiếu dậy và nhất là giới trẻ, nghe giảng mà không xác định mô hình và không có phương thức định hành. Tôi xin chia sẻ ít điều mục vụ: “Cân bằng, giảng-dạy và nghe-hành”. (Video: Nghệ thuật cân bằng).
Nội dung
“Cân bằng” là một trong sáu qui luật tự nhiên. Hiện nay, người ta chú ý tới sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử qua dấu chỉ Thánh Thần là sự cân bằng. Cân bằng là hoa trái của Thánh Thần. Cân bằng Đông-Tây; cân bằng tâm linh - khoa học; cân bằng tĩnh-tình; cân bằng động-lý. Và xu hướng “Tích hợp Đông-Tây” đi về số “Một”. Một thế giới. Một nhân loại, nhưng vẫn giữ hai gốc: Văn hóa Đông và văn minh Tây. Và như thế, trái đất sẽ trở thành một ngôi nhà chung, trong đó mọi người sống tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội. Đúng như lời Thánh vịnh: “Anh em sum họp một nhà, bao là tốt đẹp bao là sướng vui”[1]. Sống cân bằng, sẽ tạo ra phong cách thanh thản, bình thường, điềm nhiên, tĩnh tại, đĩnh đạc của người Á đông, bổ sung sự năng động, náo động, di động cho con người Tây phương, trong nền văn minh khoa học. Người sáng tạo cần nhanh trí, năng động; người minh triết, khôn ngoan cần trầm tĩnh, điềm đạm. Đó là triết lý sống:“Cân bằng, ” thanh thản bình thường và là thể hiện lối sống:“Sáng tạo và minh triết”.
Đào luyện
Luật cân bằng là luật quan trọng nhất trong các quy luật của cuộc sống. Nó là nền tảng của tất cả các quy luật khác. Luật này chi phối mọi sự vật, hiện tượng trên trái đất và vũ trụ kể cả con người và các hiện tượng liên quan đến đời sống con người. Nhờ luật cân bằng mà vạn vật, trái đất, vũ trụ được giữ ở trạng thái cân bằng và không bị xảy ra tình trạng hỗn loạn. Mọi người ai cũng cảm nhận được luật cân bằng nhưng không diễn giải được nó ra một cách rõ ràng. Ví dụ khi ta nghe một người nói: Ông trời công bằng lắm, được cái này, mất cái kia… đó chính là lúc mọi người đang nói đến luật cân bằng.
Phúc âm đề cập tới cân bằng giữa Maria và Matta. Maria ngồi dưới chân và lắng nghe Lời Chúa; Matta bận rộn phục vụ cơm nước. Thánh nữ Têrêsa Avila nhận định: “Đó là một sự hòa quyện tuyệt diệu giữa Maria và Matta; giữa chiêm niệm và hoạt động”. Đó là điều kiện ắt có và đủ trong đời sống của tín hữu Kitô: “Cầu nguyện và Lao động”; “Phụng tự và Phục vụ”; “Đức tin và Đức ái”; “Thần học-Mục vụ” không thể tách rời nhau như hai chân và như hồn-xác của con người.
Công đồng đề ra con đường mục vụ cân bằng: “Đối thoại và hòa giải”; nguyên tắc mục vụ cân bằng: “Cả…Cả…”. Công thức mục vụ cân bằng thánh thiện: “Ân sủng và thực tại”. Nên thánh là do nỗ lực cộng tác của con người: Thực tại; nhưng cũng do ân sủng, tình yêu và quyền năng Thiên Chúa: Ân sủng. Như chân phước Acutis: “Hướng về mặt trời, ánh nắng mặt trời làm da ta sạm nắng, hướng về Thánh Thể, Thánh Thể làm nên những vị thánh”.
Người Trung Hoa đã khám phá ra quy luật này từ rất lâu, nó được gọi là luật Âm Dương. Hiểu một cách căn bản nhất về luật cân bằng: Bất cứ một sự vật, hiện tượng nào đều có hai phần. Một phần dương và một phần là âm. Ví dụ ngày là dương và đêm là âm. Trong suốt vòng đời của bất cứ sự vật hiện tượng nào, hai phần âm dương này thay phiên nhau tồn tại. Ví dụ hết ngày rồi đến đêm rồi lại đến ngày.
Dân tộc Việt Nam sống triết lý Âm-Dương. Trong Âm có Dương. Trong Dương có Âm. Chuyển hóa Âm Dương. Bĩ cực thới lai. Trong may có rủi, trong họa có phúc: “Đừng than phận khó ai ơi, còn da lông mọc, còn trồi nảy cây”. Với quan niệm đạo đức thánh thiện: “Mẹ tròn con vuông”.
Chúng ta còn được biết, nhân đức đứng mực trung. Thái quá bất cập. Cuộc sống luôn được điều tiết trở về trạng thái cân bằng. Vì thế, cân bằng còn là Đạo đức. Đạo đức đứng mực trung. Mực trung có nghĩa là dung hòa, duy trì mọi việc, mọi vật ở mức độ vừa phải, cân bằng. Bất cứ cái gì trở nên thái quá hoặc thiếu hụt đều làm mất đi trạng thái cân bằng, tức là mất đi sự trung dung đều có ảnh hưởng không tốt.
Trong xã hội hiện đại, con người ngày càng trở nên quá tải, kiệt quệ vì nhiều thứ: áp lực công việc, “bội thực” thông tin, mỗi ngày trôi qua đều mệt mỏi rã rời. Người ta bắt đầu đề cập đến những khái niệm như: cân bằng giữa cuộc sống và công việc, hay hướng đến một cuộc sống “cân bằng sức khỏe”. Bệnh tật là do mất cân bằng. Đây không phải là điều gì mới mẻ, bởi cách đây hàng nghìn năm, cổ nhân đã đã đưa ra những triết lý, thậm chí vạch ra cả con đường thoát khổ cho nhân loại: “Bằng - an”; “Dĩ hòa vi quí”. Thế nhưng, con người vẫn vướng mắc trong mê lầm tham ái. Tác giả Lý Mật Am từng có bài thơ ca ngợi sự diệu kỳ của lối sống trung dung: “Ta sống quá nửa đời phù phiếm, mới nhận ra huyền nhiệm trung dung. Trung dung hương vị khôn cùng. Làm cho lòng dạ tưng bừng niềm vui”.
Trung dung là một đạo lý, một lối sống mà người ta phải rèn luyện để đạt được. Trên thực tế, nhiều người đi hết cuộc đời vẫn luôn bất ổn và chưa tìm thấy điểm cân bằng. Ngược lại, ở bất kỳ lứa tuổi nào, người ta cũng có thể bắt đầu rèn luyện lối sống trung dung từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ví dụ, trong ăn uống, nếu ăn quá độ sẽ gây thừa cân, béo phì, sinh ra nhiều loại bệnh tật. Ngược lại, nếu ăn quá ít, ăn kiêng khắt khe, nhịn ăn giảm cân sẽ dẫn đến thiếu chất và không đủ năng lượng làm việc cả ngày dài. Vì vậy, ăn uống đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng mới là tốt. Trong vận động, tập thể dục thể thao tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần, ngăn ngừa bệnh tật nhưng nếu tập quá độ cũng có thể dẫn đến chấn thương, kiệt sức. Trong công việc của lối sống cân bằng, thật sự là một thách thức, nhất là trong bối cảnh, mọi thứ đều trở nên bất ổn. Công việc nhà, làm xóa ranh giới giữa công ty và nhà, khiến tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng. Trước cám dỗ của tiền bạc vật chất, tự mỗi người, mỗi gia đình phải tự biết cách điều hòa sao cho làm việc - nghỉ ngơi. Có lên kế hoạch chương trình du lịch, tham quan hàng năm. Như đã nói, trung dung hướng đến trạng thái cân bằng, không thứ gì thái quá.
Việc lấy “Cân bằng” làm lý do cho sự lười biếng, trì trệ của mình là điều không nên. Trung dung nghe to tát xa vời nhưng ai cũng có thể thực hành lối sống này từ những điều đơn giản, nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày. Để rồi vươn tới cuộc sống nhân sinh quan cao rộng hơn, đó là cân bằng “Thiên - Địa - Nhân”. Trời, đất, con người vạn vật đều kết nối cân bằng. Giống như chiếc kiềng ba chân. Gẫy một chân, cuộc sống sẽ mất cân bằng: gây đổ vỡ và bất hạnh.
Kết luận
Cân bằng là một nghệ thuật. Cân bằng giữa “giảng và dậy”; cân bằng giữa “nghe và đào luyện thực hành”. Trong nghệ thuật giảng thuyết và nghe giảng, điều cần cho cả hai bên chuẩn bị: “Cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần đào luyện chúng con”.
Phương thức đào luyện hôm nay: Ngồi thinh lặng đối diện trước Thánh Thể, thực sự hay cách thiêng liêng, tùy theo hoàn cảnh. Kiên nhẫn, Chúa sẽ cho chúng ta hiểu Chúa là ai, và Người yêu thương chúng ta dường nào. Khiêm tốn, đón nhận sự biến đổi qua tác động của Chúa Thánh Thần. Theo khuynh hướng cũ còn lại hiện nay, số lượng người thích nghe phân tích vẫn còn nhiều, nhưng ít để ý tới việc thinh lặng cộng tác với ân sủng, quyền năng Chúa Thánh Thần đào luyện. Phân tích theo khoa học tâm lý để nhận thức, hiểu, định hướng. Hiểu, định hướng tiến tới định hình và định hành. Nhưng cuộc sống tồn tại, hạnh phúc, bình an, phải qua đào luyện.
Thời giờ là vàng. Giảng dạy theo Á Đông với lối tư duy: “Tổng hợp, dung hợp, tích hợp và giải pháp”. Hy vọng sẽ thích ứng với thời đại 4.0. Dân tộc Việt Nam, nhất là giới trẻ, sẽ không đủ thời giờ kiên nhẫn để nghe phân tích, định hướng. Tất cả đã được tổng kết và định hướng trong Phúc âm, Công đồng Vat. II và thượng hội đồng giáo hội thế giới 2023-2024. Và cả trong văn hóa thế giới và nơi bản sắc văn hóa Việt Nam.
Những người có trách nhiệm đào luyện, có nên chăng trao ban, và tự bản thân mỗi người cần nắm bắt và tự quán triệt qui luật, nguyên lý, nguyên tắc, chìa khoá hóa giải. Rồi dựa vào đó, mà giải thích các hiện tượng tâm lý, văn hóa.
Sau cùng, quyết tâm đào luyện. Đón nhận sự đào luyện của Chúa Thánh Thần, của Giáo hội, của mọi người thân, thiện chí, của hoàn cảnh, môi trường tự nhiên, xã hội và sáng tạo.
Nhất định quyết tâm ngồi thinh lặng trước Thánh Thể, kiên nhẫn đón nhận Thánh Thần và sự thánh hóa biến đổi, một cách nhẹ nhàng mà mãnh liệt, bất ngờ và lạ lùng.
Cùng nhau kiến tạo cuộc sống hạnh phúc, hạnh phúc lâu bền./.
Truyền thông TGP/SG, tháng mười một 2022
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
[1] Tv 131, 1
bài liên quan mới nhất
- Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp Hành hoàn vũ - Nền văn minh biển & phụ nữ
-
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp Hành toàn châu lục: Văn hóa - Khoa học -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Đào luyện tín hữu giáo dân trong thời hoàn vũ -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Tín hữu Giáo dân thời hoàn vũ -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Người lãnh đạo tài khủng hoảng -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ Đức tin tròn đầy và trong sáng -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ cử hành Phụng vụ thánh -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ nên Thánh -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Giáo dân Chầu Thánh Thể -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Thời ngôn sứ - Tiên tri Giáo dân xuất hiện
bài liên quan đọc nhiều
- Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Gia đình Hiệp Hành
-
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Thời ngôn sứ - Tiên tri Giáo dân xuất hiện -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Lắng nghe người nghèo, bệnh tật, đau khổ -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Giáo dân Hiệp Hành -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Giáo hội hiệp thông và tăng trưởng -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Một thoáng bên thềm Thượng Hội đồng 2023 -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp Hành 2023 - Như không có hồi kết -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Hiệp Hành - Văn hóa 'nói dối đạo đức' -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ con người Việt Nam -
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Tiến trình tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới, 2023