Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Bài học Mục vụ Công đồng Vat. II

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Bài học Mục vụ Công đồng Vat. II

BÀI HỌC MỤC VỤ
CÔNG ĐỒNG VAT. II
(Sáu mươi năm 11.10.1962 - 11.10.2022)

Lm. Nguyễn Văn Hinh (D, Min)

Dẫn nhập

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh Lễ mừng kỷ niệm 60 năm Công đồng Vaticanô II, tại đền thờ thánh Phêrô, 11/10/1962 - 11/10/2022. Sau đây, tôi xin chia sẻ bài học mục vụ về biến cố trọng đại này, theo quan điểm Phúc âm và văn hóa Đông phương, trong bối cảnh tiến tới Thượng hội đồng Giám mục thế giới 2023 - 60 + 1: “Hiệp hành, hiệp thông, tham gia, sứ vụ”.

Nội dung

Trước hết, theo quan điểm Phúc âm

Trong thánh lễ, Đức Giáo hoàng Phanxicô chia sẻ bài Phúc âm:Phêrô, con có yêu mến Thầy không[1]? Bài Phúc âm hôm nay, nói với tôi, điều gì? Sau khi sống lại, Người dùng bữa với các ông. Và sau đó, Người không hỏi chung các tông đồ, nhưng hỏi cá nhân Simon Phêrô ba lần: Con có yêu mến Thầy không[2]? Đây là một câu hỏi, như hỏi bạn hữu[3]. Chúa Giêsu là một nhà giáo dục và là nhà sư phạm đại tài. Một trong những đặc trưng của sư phạm: “Tiệm tiến, lặp đi lặp lại ba lần, một cách nhuần nhuyễn”. Ba câu hỏi và ba câu trả lời, đụng chạm tới ba cơ năng quan yếu của con người: “Tâm, trí và ý chí”. Mỗi lần trả lời, đều được trao nhiệm vụ mục tử: “Hãy chăn dắt”. Người giao cho ông một công việc mới, của một người mục tử làm nhiệm vụ mục vụ chăn dắt, công việc mà ông chưa bao giờ thực hành, bởi vì trong khi người đánh cá đánh bắt cho mình, kéo về phía mình, thì người chăn dắt chăm sóc người khác, chăm lo cho người khác. Hơn nữa, người mục tử sống với đàn chiên, nuôi dưỡng đàn chiên và trở nên gắn bó với chúng. Anh ta không ở trên, như người đánh cá, nhưng ở giữa. Người mục tử đi trước dân để chỉ đường, ở giữa dân như một người trong họ, và đi sau dân để gần gũi những người chậm ở sau. Người mục tử không ở trên, như người đánh cá, nhưng ở giữa. Công Đồng dạy chúng ta, cái nhìn từ ở chính giữa: ở trong thế giới với người khác và không bao giờ cảm thấy mình ở trên người khác, như tôi tớ của một Nước Thiên Chúa vĩ đại hơn; để đưa việc loan báo Tin Mừng vào đời sống và ngôn ngữ của con người, chia sẻ niềm vui và hy vọng của họ. Công đồng hết sức hợp thời: Công đồng giúp chúng ta từ chối cám dỗ khép mình trong hàng rào an ủi và xác tín của mình, để noi gương phong cách của Thiên Chúa, mà tiên tri Ê-zê-ki-en đã mô tả cho chúng ta hôm nay: “đi tìm con chiên bị mất và đem về nhà con chiên bị lạc, băng bó vết thương và chữa lành bệnh tật”. Chúng ta đừng quên: Dân Thiên Chúa được sinh ra để hướng ra ngoài và làm cho mình trở nên trẻ trung, vì Dân Thiên Chúa là bí tích của tình yêu, là “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”. Chúng ta hãy trở lại với Công đồng, nơi đã tái khám phá dòng sông sống động của Truyền thống mà không bị tắc nghẽn lại ở những truyền thống; Công đồng đã tái khám phá cội nguồn của tình yêu không phải để ở lại thượng nguồn, nhưng để cho Giáo hội có thể đi xuống hạ nguồn và là một kênh của lòng thương xót cho tất cả mọi người. Chúng ta trở lại với Công đồng để thoát ra khỏi chính mình và vượt qua cám dỗ của việc tự quy chiếu về mìnhHãy chăn dắt, Chúa lặp lại điều này với Giáo hội của Người; và khi chăn dắt, Giáo hội vượt qua nỗi hồi tưởng về quá khứ, sự nuối về tầm cao, sự ràng buộc với quyền lực, bởi vì Dân Thánh của Thiên Chúa là một dân mục vụ: Dân Thánh không tồn tại để chăn dắt chính mình, nhưng cho người khác, tất cả những người khác, với tình yêu. Và, nếu đúng cần có sự quan tâm đặc biệt, thì đó là dành cho những người được Thiên Chúa yêu mến: cho những người nghèo, những người bị từ chối; trở nên “Giáo hội của tất cả mọi người, và đặc biệt là Giáo hội của người nghèo”[4]. Tất cả cùng nhau, cùng thuộc về Chúa Giêsu. Hãy chăn dắt chiên của Thầy. Người không có ý nói đến một số ít, nhưng là tất cả, vì Người yêu tất cả mọi người, Người âu yếm gọi tất cả là “của Thầy”. Vị Mục Tử Nhân Lành nhìn thấy và muốn đàn chiên của mình được hiệp nhất, dưới sự hướng dẫn của các Mục Tử mà Người đã ban cho. Người muốn - cái nhìn thứ ba - cái nhìn cùng nhau: tất cả, tất cả cùng nhau. Công đồng nhắc nhở chúng ta rằng Giáo hội, theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, là sự hiệp thông[5]. Ngược lại, ma quỷ muốn gieo mầm chia rẽ. Chúng ta không được khuất phục trước sự phỉnh gạt của nó, chúng ta không khuất phục trước cám dỗ của sự phân cực. Đã bao nhiêu lần, sau Công Đồng, các Kitô hữu đã muốn chọn một phần trong Giáo Hội, mà không nhận ra rằng họ đang xé rách trái tim Mẹ của họ! Đã bao lần người ta thích trở thành “những người ủng hộ cho nhóm của mình” hơn là tôi tớ của tất cả mọi người, những người cấp tiến và bảo thủ hơn là anh chị em, thuộc về “cánh tả” hay “cánh hữu” hơn là thuộc về Chúa Giê-su; nổi lên như “người bảo vệ sự thật” hoặc “nhà độc tấu của sự mới lạ”, thay vì nhận mình là những người con khiêm nhường và biết ơn của Giáo hội Mẹ thánh thiện. Chúa không muốn chúng ta như thế: chúng ta là chiên của Người, là đoàn chiên của Người, và chúng ta với nhau, hiệp nhất cùng nhau. Chúng ta hãy vượt qua những phân cực và giữ lấy sự hiệp thông, chúng ta hãy ngày càng trở nên “một”, như Chúa Giêsu đã cầu xin trước khi hiến mạng sống cho chúng ta. “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết chúng con yêu mến Chúa”[6].

Ý nghĩa bài học. Chúa Giêsu đào luyện “Đức tin-cá vị”. Với phương thức “Yêu mến” và “hành động”. Lòng nhiệt thành của trái tim: “Chăn dắt chiên con, chiên con, chiên mẹ”. Cùng với đạc tính sư phạm: “Tiệm tiến, lặp đi lặp lại 3 lần, nhuần nhuyễn, mục tiêu”. Theo triết lý sống: Biết là trí; yêu là tâm. Và khi “Tâm-Trí” quyện lại, làm nảy sinh ý chí, quyết tâm theo. Chúa thấy rõ ý chí của Phêrô xuất hiện, nên Người mời gọi: “Hãy theo Thầy”. Đó là phương pháp và mục tiêu giáo dục: “Tâm + Trí và Ý chí”.

Thứ đến, theo văn hóa Đông phương

Phương đông, gốc nông nghiệp trồng cây, với cách tính âm lịch, thì cứ 60 năm lại bắt đầu một vòng đời. Ví dụ, 2011 năm Tân Mão, đến năm 2071 mới lại có Tân Mão. Một vòng đời, theo văn hóa kinh tế nông nghiệp, có ba ưu phẩm: “Kinh nghiệm, khôn ngoan và tròn trịa nhất”. Người lục tuần, được ngồi chiếu trên, miễn nộp thuế. Vì trở thành giáo sư phát triển toàn diện cho thế hệ trẻ. Có chức năng giảng dạy về vật chất kinh tế: “Có thực mới vực được đạo”; về kinh nghiệm, tinh thần: “Khôn ngoan”; và về đạo đức: “Tròn trịa”.

Bài học mục vụ

Công đồng Vat. II, kỷ niệm 60 năm. Có mang ba bài học mục vụ nhất?

Kinh nghiệm nhất

Thế giới có xu hướng đang đi về số “Một”: Một thế giới và một nhân loại. Không có số Một, không có hòa bình nếu không có hòa giải và không tìm ra triết lý sống. Trước hết, hóa giải hai cực, bằng hai công thức mục vụ bao trùm, nổi tiếng, chi phối cả nhân loại: “Cả…Cả… và “Ân sủng-thực tại”. Ví dụ, về con người: Cả hồn cả xác; về thế giới: Cả đông cả tây; và triết lý giáo dục: Cả tâm linh Cả khoa học. Tiếp theo, Công đồng đề ra chương trình “Phát triển con người toàn diện và toàn thể”. Toàn diện: “Cả thể chất, cả tinh thần cả tâm linh”, theo gương Chúa Giêsu: “Lớn lên mạnh mẽ, tinh thần khôn ngoan và đầy ân sủng”[7]. Và toàn thể nhân loại, với hai hai Thông điệp: Laudato Sí và Fratelli Tutti của Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Xây dựng Ngôi nhà chung và bốn bể đều là anh em.”

Đường lối mục vụ khôn ngoan nhất

Mục vụ khôn ngoan nhất là Đại kết. Như ý nguyện của Chúa Giêsu: “Xin cho chúng nên một, một đàn chiên và một chủ chiên”. Thực tế, “Giữ gìn sự hợp nhất như con ngươi trong mắt mình”. Nên Công đồng đề ra nguyên tắc mục vụ: “Thống nhất trong điều chính; tự do, tương nhượng trong điều phụ, điều còn nghi ngờ và bác ái trong hết mọi sự”[8]. Hiệp nhất: “Trong đa dạng, trong dị biệt, như vườn hoa muôn sắc mầu và hương thơm đa dạng[9]”.

Tròn trịa nhất

Tròn trịa nhất đó là là ý nghĩa lời cầu chúc: “Mẹ tròn con vuông”. Lời cầu mong, có ý nghĩa ước nguyện, khao khát sự hoàn thiện, sự hoàn hảo, sự thánh thiện. Sự thánh thiện hôm nay, gồm cả ba chiều kích: “Thiên - địa - nhân”, một thể thống nhất. Sự hoàn thiện, không dừng lại ở Tình yêu Thiên Chúa mà còn có tình yêu con người và thân thiện với môi trường. Nếu phá vỡ một chiều kích, sẽ gây đổ vỡ sự cân bằng bình an hạnnh phúc của nhân loại như chúng ta thấy hiện nay: “Môi trường bị suy, con người sụp” nhất là người lãnh đạo, vì sức ép quá lớn đè nặng trên đôi vai của người trách nhiệm. Giáo hội kêu gọi: “Hãy sám hối và cải thiện về sự phá hoại môi trường”.

Kết luận

Thầy là đường, là sự thật và là sự sống[10]. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng con đường hiệp hành, "một chiều kích cấu thành của Giáo hội" và "là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ Ba"[11]. Thiên Chúa là Tình Yêu, người có mặt trong lịch sử loài người qua Chúa Giêsu, Thánh Thần và Giáo hội của Người: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”. Xác tín: Chúa Thánh Thần có mặt trong văn hóa, với hoa trái của Người là sự: “Cân Bằng”. Thông qua con đường: “Hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ vụ”. Giáo hội là điểm tựa cho cả nhân loại, nhất là cho những nhà Lãnh đạo thiện chí, “không buông mái chèo”, đừng thấy sóng cả mà ngả tay chèo! Không hoảng sợ, nhưng thanh thản bình thường trong con thuyền đầy chao đảo, bão táp, sóng thần: Vì Chúa có mặt, nhưng đang thử thách đức tin-cá vị chúng ta. Cảnh giác: tính bảo thủ, tính trì trệ. Và tỉnh thức, vì: Satan bám sát và rất chặt chúng ta. Kinh nghiệm, âm mưu thâm độc: “Chúng cám dỗ con người đến chỗ “Tuyệt vọng”! Nhưng Chúa Giêsu đang sống và ở trong thuyền. Lời Người trách cứ các Tông đồ, những người trụ cột của Hội thánh, vang lên trong lịch sữ Giáo hội hôm nay: ‘Hỡi những kẻ kém tin, sao mà hoảng sợ! “Thầy đây, đừng sợ”! Hãy tuyệt đối cậy trông. Amen./.

Truyền thông TGP/SG tháng Mười 2022
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

 

[1] Ga 21, 15-19

[2] Ga 21, 15-19

[3] Dei Verbum, 2

[4] Sứ điệp phát thanh, gửi các tín hữu trên khắp thế giới một tháng trước Công đồng chung Vaticanô II, ngày 11/9/1962.

[5] Lumen gentium, 4, 13

[6] Phanxicô, thánh Lễ mừng kỷ niệm 60 năm Công đồng Vaticanô II, tại đền thờ thánh Phêrô, 11/10/1962 - 11/10/2022.

[7] Lc 2, 40

[8] Công đồng Vat. II, MV 92

[9] Ibid.,

[10] Ga 14, 6

[11] Phanxico, 17. 10. 2015.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top