Mừng đại lễ Maulid với tín đồ Islam

Mừng đại lễ Maulid với tín đồ Islam

Sáng ngày 24.01.2013, đáp lại lời mời của Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Tp.HCM (Ban ĐDCĐHG), Tòa Tổng Giám mục (TTGM) đã cử Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn (ĐTLT) đến dự đại lễ Maulid năm 1434 Hồi lịch / 2013 Dương lịch. Đây là lễ kỷ niệm ngày sinh Nabi Muhammad (SAW) – Thiên sứ của Allah. Toàn Ban thường trực và một số thành viên đã tề tựu tại mosque Masjid Al Rahim, số 45 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận I. Cùng đến hiệp mừng với bạn đạo Muslim còn có đại diện chính quyền các cấp và đại diện các tôn giáo khác: Baha`i, Cao Đài, Minh Lý đạo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo.

Được gặp lại những khuôn mặt bạn đạo thân quen của các tôn giáo và Ban Đại diện, nên cảm giác bỡ ngỡ của chúng tôi nhanh chóng biến mất. Đồng thời, thái cử tiếp đón ân cần và chu đáo của những tín đồ Islam đã giúp chúng tôi hòa nhịp với không khí trang trọng và hân hoan của ngày đại lễ.

Diễn tiến buổi lễ

Qua phần giới thiệu thành phần tham dự, chúng tôi còn được biết thêm: có ngài Tổng Lãnh sự Inđônêxia và đại diện của Malayxia, Pakistan cũng đến dự. Về phía Islam, có chức sắc và tín đồ của 16 khu vực có đền thánh tại Tp.HCM cũng tựu về.

Imam – Haji Utas Hajisalim lên lễ đài diễn xướng bài kinh khai lễ, được biết, ông cũng là người đại diện cho CĐHG Việt Nam đi dự thi diễn xướng Thiên Kinh quốc tế.

Ông Math Dress-Samuel, Trưởng Ban tổ chức, đã lên đọc diễn văn khai mạc, vị trí quan trọng trong Thiên Kinh Qur`an và lịch sử đạo Islam của Nabi Muhammad…Ngài là vị Rasul (sứ giả) cuối cùng, có công lớn trong việc khai sáng tôn giáo Islam (khai sáng chứ không phải sáng lập đạo)… Đại lễ này ngoài các ý nghĩa quan trọng đối với đạo Islam trên thế giới, còn là dịp CĐHG Tp.HCM tổ chức Đại hội bầu Ban ĐDCĐHG thành phố lần thứ V nhiệm kỳ 2012-2017.

Vị xướng ngôn viên đọc tên các đơn vị tặng hoa cùng mời đại diện hai bên lên trao và nhận trong những tràng pháo tay hân hoan.

Bạn đạo Nguyễn Văn Hoàng – Phó Ban trị sự thánh đường lên thuyết trình đề tài “Cuộc đời và sự nghiệp Nabi Muhammad (SAW) Người khai sáng Islam”.

Tiếp đến, là phần phát biểu của ông Trần Minh Tâm – Ban Tôn giáo Tp.HCM -, chúc mừng các tín đồ Muslim và toàn thể quan khách.

Để kết thúc, Imam – Giáo cả của Thánh đường Rahim lên cầu nguyện, cảm ơn khách quý đến dự và chúc mừng năm mới tất cả mọi người.

Tìm hiểu


Vì đây là lần đầu tiên chúng tôi tham dự một đại lễ của Bạn đạo Islam, nên muốn hiểu biết thêm về bạn là một nhu cầu tất yếu. Xin chia sẻ cùng độc giả những hoa quả:

Số tín đồ Islam tại Tp.HCM là bao nhiêu? Chúng tôi có khoảng 6.000 tín đồ.

16 khu vực là gì? Là 16 nơi có đền thánh HG tại Tp.HCM.

Giáo cả là gì? Mỗi đền thờ có Ban Cai quản và người đứng đầu thì gọi là Giáo cả.

Đại lễ mừng kỷ niệm ngày sinh SAW, được tổ chức ở đây thôi ư? - Sáng nay thì tổ chức chung tại đây, buổi chiều thì tổ chức tại từng khu vực.

Trong các tín đồ Islam hiện diện nơi đây, có người đội mũ đen, có người đội mũ trắng, có người đội khăn hoặc chụp đầu, có gì khác biệt không? - Người đội mũ, chụp hay khăn đều được gọi chung là Muslim, người đội mũ là giới lãnh đạo. Khi ở đây thì đội mũ đen để phân biệt người có trách nhiệm trực tiếp, khi về khu vực của mình thì chúng tôi lại đội mũ trắng.

Con của ông đi học ở bên Ả Rập mười mấy năm rồi, đã về chưa? - Chưa, nó nói sắp về. Vậy anh ta học ngành gì? - Nó học luật của Đạo Islam. Anh ấy học đến học vị nào? - Học ở các nước Hồi giáo khác thì có học vị cử nhân, cao học hay tiến sĩ… còn học ở bên đó thì không tính học vị, mà tính theo thời gian học…

Bên đạo Phật thì có thiền, phía Công giáo thì có đời sống chiêm niệm, trong đạo Islam có hoạt động nào tương tự? - Bên chúng tôi mỗi ngày có năm giờ cầu kinh, cứ theo Thiên Kinh Qur’an mà đọc, đời sống thì cứ rập theo khuôn mẫu sống của SAW là đủ, nhưng có những nhóm người đi đến thánh đường nơi này nơi kia để ngắm nghía và suy nghĩ. Họ cứ đi hoài vậy thôi. Lý do của họ là gì? Họ cảm thấy ngày giờ của họ đã gần kề nên phải ra công học và sống đạo kẻo trễ !

Ghi nhận

Khách đến dự lễ được Ban Tổ Chức mời dùng cơm trưa, tại bàn tiệc liên tôn này chúng tôi có những trao đổi rất thú vị, xin bộc bạch để quý độc giả hiểu Bạn đạo Muslim thêm.

- Chúng tôi gồm khách mời thuộc nhiều thành phần: đại diện chính phủ, các đạo hữu của tôn giáo Baha’i, Cao Đài Tiên Thiên, Công giáo, Islam… vậy sẽ được mời món gì? Ồ, ngạc nhiên và thán phục quá ! Bạn Islam mời quý huynh tỉ Cao Đài dùng món chay, những người khác được mời dùng cơm với thịt bò và thịt gà. Chúng tôi nói với nhau “ăn gì thì ăn, chắc chắn là không có thịt heo rồi.”

- Ông Trưởng Ban ĐDCĐHG.TpHCM nói: “sự hiện diện của quý vị ngày hôm nay mới đúng là Đối thoại liên tôn. Chúng tôi biết những ngày cuối năm mọi người đều rất bận rộn, nhưng quý vị đã cố gắng đến hiệp mừng, xin cảm ơn linh mục và quý anh chị…

- Bài cầu nguyện hồi nãy là từ chương mấy của Thiên Kinh Qur'an? - Dạ ở surah 33,37-43. Có đọc chương nào khác không? - Không đọc chương khác, vì đó là truyền thống do ngài SAW lập.

- Thánh đường này rất mới và đẹp, xin hỏi được xây dựng từ bao giờ? Thánh đường này xây dựng lại và khánh thành năm 2012. Vậy mỗi lần tổ chức đại hội thì đều ở đây? Chúng tôi xoay tua theo 16 khu vực để tổ chức.

- Ở thành phố mình có thống kê về đạo Bàlamôn không? Không có thống kê về tín đồ Bàlamôn, nhưng ở thành phố có hai chùa đó là chùa Bà và chùa Ông ở quận I, một viên chức MTTQ cho biết như thế.

Buổi lễ mừng sinh nhật của Nabi Muhammad hoàn tất, niềm vui của anh em Islam đã mỹ mãn. Niềm vui ấy lan tỏa sang cả những người khách mời trong đó có những người Kitô hữu. Hôm nay, chúng tôi nhận thêm một kinh nghiệm quý báu trong đời sống đức tin: lần đầu tiên được cùng dự đại lễ trong một đền thánh Hồi giáo và đồng bàn cơm với anh em Muslim, như những con cháu của Tổ Phụ Abraham – Cha của những người tin vào Thiên Chúa (Allah theo niềm tin của tín đồ Islam).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top