Một ngày lễ lớn tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo

Một ngày lễ lớn tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo

Hiện diện bên nhau

Ngày 19 tháng 3 hằng năm, là lễ kính Thánh Giuse, “Thành Hoàng” của Hội Thánh Công giáo Việt Nam và của rất nhiều người. Nói thế, xin quý vị quảng đại chấp nhận cho, vì sứ vụ và sự cống hiến của vị Thánh Cả này cho đạo thật vĩ đại trong tâm thức của người Kitô hữu. Ngày này năm 2011 còn là dịp họp mặt phụ huynh chủng sinh của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, ngày Đan Viện Cát Minh (Dòng Kín) khai mạc Năm Thánh nhân dịp kỷ niệm 150 năm hiện diện trên đất Việt… Đối với người Kitô hữu Việt Nam là thế, còn bên Đạo bạn thì sao? Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (CQPTGLĐĐ) tại số 171B Cống Quỳnh, quận I, đã tổ chức “Lễ Khánh Đản của Đức Thái Thượng Đạo Tổ (Đức Lão Tử) và tổng kết Đạo sự năm 2010.”

Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn (MVĐTLT) TGP Tp. HCM đã thông hiệp với các đạo hữu Cao Đài  tại CQPTGLĐĐ qua sự hiện diện của Anh Phó Ban và hai thành viên nữ. Lẳng hoa của Ban mừng CQPTGL đã được an trí tại bàn hoa quả.

Đại lễ được khai mạc vào đúng 9g00.

Suy nghĩ về nhau

Chúng tôi, hai thành viên được mời vào ghế ngồi cạnh thành viên thứ ba của Ban đã đến trước, vừa may kịp nghe Đạo Tỷ dẫn chương trình giới thiệu bài thuyết minh giáo lý “Vai trò của tôn giáo trong sứ mạng phục hồi nhân bản” [1] do Đạo huynh Thiện Chí – Tổng Thư Ký Cơ Quan PTGLĐĐ trình bày. Đây là một đề tài mang tính thời sự và rất rộng về nội dung (có đối chiếu quan điểm Phật, Lão, Khổng, Kitô giáo về nhân bản) được diễn tả rất cô đọng … Tôi cố hết sức ghi chép và xin thuật lại một số ý mong hầu quý độc giả:

1. Hiện tình thế giới ngày nay, đồng bào (nhân loại) đang bị khốn khổ do chiến hoạ, thiên tai … Các vị nguyên thủ các quốc gia cũng như những nhà lãnh đạo các tôn giáo kêu gọi mọi người cầu nguyện cho hoà bình thế giới và nạn nhân bị thiên tai. Vì lý do này, xin kính mời mọi người cùng đứng lên cử hành “phút mặc niệm và cầu nguyện chung cho đồng bào Nhật Bản”. Tôi chợt được đánh động bởi cụm từ “cầu nguyện chung”. Hoạt động niềm tin này mang ý nghĩa hiệp thông và đem lại hiệu quả cho cả người thực hiện lẫn người được cầu nguyện cho. Khung cảnh đa tôn giáo của hội trường này khiến tôi nhớ đến buổi cầu nguyện liên tôn (nhưng tín đồ mỗi tôn giáo cầu nguyện theo niềm tin riêng) tại Assisi năm 1986, rồi kinh nghiệm “cầu nguyện chung” của nước Singapore giữa giới lãnh đạo các tôn giáo theo một chủ đề (có sách hướng dẫn cầu nguyện) [2]. Nghĩ thế nên tâm tình của mình cũng thật sốt sắng khi hòa tâm với mọi người kính dâng anh chị em Nhật vào trong biển Yêu Thương của ĐẤNG TẠO THÀNH.

2. Hôm nay là kỷ niệm Khánh Đản Đức Thái Thượng Đạo Tổ, mà Đức Lão Tử là hoá thân. Qua lời dạy của ngài, nhân loại được biết: Trời-Đất-Người-Đạo vốn giống và bằng nhau. Đạo vào đời là để con người được văn minh tiến bộ, nhằm vào mục tiêu tiến hoá của nhân loại. Tuy nhiên, vì các môn sinh của Đạo tha hoá nên gây ra những hệ luỵ:

a. Loài người dùng chính văn minh, lẽ ra là để phục vụ con người, để giết người!

b. Kỳ thị và mâu thuẫn giữa các Đạo, kết quả là: nhẹ thì tách biệt, khu lập … nặng thì cực đoan, cuồng tín, loại trừ …

c. Sứ mạng của các tôn giáo là:

- Tìm lối về Nhất nguyên Bản Thể (trở lại tìm Chúa trong chính mình/ Chính tâm trong lòng nhân loại/ truy tìm Chân Lý …)
- Phục hồi nhân bản trong từng tôn giáo, riêng bên Đại Đạo thì dùng cụm từ “Phục hồi nhân bản trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” làm cho Đại Đạo hoằng dương.
- Đời sống tâm linh của con người ngày nay cần phải dựa vào nhân bản, nhân bản có sáng chói; con người mới thực sự cảm thấy “mình là con người!”

Tiếp theo chương trình, Giáo sĩ Huệ Ý lên tường thuật kết quả hoạt động Đạo sự của CQPTGLĐĐ trong năm 2010. Đối với tôi, các hoạt động này như minh hoạ cho những nội dung mà Đạo huynh Thiện Chí vừa trình bày về vai trò của các tôn giáo ở phần trên.

Trong lời mở đầu, ông nói: Đạo vô tình - Đạo vô hình - Đạo vô danh, khi Đạo xuất hiện thì nhiệm vụ của chúng ta phải làm cho Đạo có tình - Đạo có hình - Đạo có danh. Điều thứ hai là: tu phải chánh tín chứ không phải mê tín, phải hoà đời và đẹp Đạo. Kế đến là báo cáo kết quả hoạt động trong năm. Kể ra, thì cũng là một thành quả đồ sộ về: tu học Đạo pháp, phổ truyền giáo lý, nghiên cứu biên soạn, đào tạo thế hệ tiếp nối, quan hệ Đạo - đời - các tôn giáo, hoạt động nữ phái, kinh tế và từ thiện xã hội …

Theo sau tràng pháo tay chúc mừng thành quả, mọi người cùng hoà nhịp với Ban hát CQPTGLĐĐ gồm 9 đạo tỷ và 6 đạo huynh với câu hát chủ đề ý nghĩa: “Bạn tôi ơi! Ta là nhân loại - Nào chung tay xây dựng nhân hoà …”. Xin chúc các đạo hữu ca viên luôn tấn tâm đẹp giọng như hôm nay nhé!

Sau lời phát biểu cảm tưởng của một vị Giáo sĩ Giáo Sư thuộc Hội Đồng Chưởng Quản của Thánh Thất Cầu Kho Tam Quan, đến lời phát biểu của Ban MV ĐTLT TGP Tp. HCM [3]. Tôi chỉ ghi nhận rằng bầu khí cả Hội trường dường như “cô đọng đặc” khi văn bản của Ban được đọc lên …

Lời cảm ơn của Đạo tỷ, Trưởng Nữ Chung Hoà đối với tất cả các cơ quan chính phủ, tôn giáo bạn và các Thánh Thất ở xa đã kết thúc phần Lễ. Sau đây kính mời các vị khách quý lên lầu một để cùng hàn huyên và dùng tiệc trà thanh đạm.

Trên đường rời hội trường lên lầu, chúng tôi gặp lại Đạo huynh Đạt Truyền, thân phụ của linh mục Hà Thiên Trúc. Ngài niềm nở hướng dẫn chúng tôi đến lối lên với “nụ cười trời cho” và gọi: “khoan, khoan đã…!”. Tôi dừng lại, thì Cụ nhoài người tới nhìn tôi và định cài cho một cái nơ đỏ. Khi thấy áo tôi đã có rồi, ngài nói: “ờ đã gắn rồi, vậy mời lên lầu!”. Mình nghĩ: Cụ quả là chu đáo, lo các vị Ban tiếp tân không biết chúng mình đây mà. Nghĩa cử tuy đơn sơ, nhưng khiến mình cảm thấy “ấm lòng”.

Đàm thoại với nhau

Trên sảnh đã bày 4 bàn tròn phủ khăn trắng với chén đĩa đầy đủ, quý ông thì tập trung ở bàn trong cùng, riêng tôi vì muốn được ngồi chung với ba thành viên “người nhà” (hai nữ tu dòng Mến Thánh Giá và chị Ái Thiên), nhưng mình lại là nam nhân mà bàn này dành cho nữ phái, nên sau khi xin phép các Đạo tỷ, tôi được trả lời: “đồng ý và sẵn lòng: mời ngồi”.

Giáo sĩ Hồng Mai đứng ngay đó và chị đang sắp xếp chu đáo cho bữa ăn. Món súp nấm được dọn lên, nhóm chúng tôi “làm dấu thánh giá-tạ ơn Chúa” và mọi người cùng dùng bữa trưa…

Loáng thoáng nghe Giáo sĩ hỏi soeur Minh về tôi, nhưng có vẻ như chị chưa hiểu lắm dù soeur đã trả lời, nên tôi bèn nhanh miệng góp lời: Em là giáo dân Công giáo, có nghĩa tương tự như đạo hữu mà bên các chị gọi.

- Vậy xưng hô thế nào? Dạ thưa, theo em biết, khi chúng em ở bên Thánh Thất Bàu Sen, bên ấy đề nghị cứ gọi nhau là Đạo huynh, Đạo tỷ, đạo muội hoặc đạo hữu là được. “À, vậy cứ gọi nhau thế cũng tiện”, các Đạo tỷ đáp.

Món gỏi được đưa lên, nhưng dường như đối với tôi vào thời điểm này, ăn nhường chỗ cho nói! Có lẽ vì “mình” là giáo dân mà lại có vẻ “phổng phao” nên sự thắc mắc của các đạo tỷ với các soeur đưa đến chủ đề về quyền giáo huấn. Các chị nói: "ở CQPTGLĐĐ thì có Tập đoàn Giáo sĩ chuyên lo về việc dạy giáo lý Đạo cho tín hữu, còn việc quản trị thì do các nhóm đạo hữu không phải là Giáo sĩ phụ trách. Vậy bên Đạo Công giáo thì thế nào?" Chà ! chuyện khá sâu đây.

Chúng tôi đáp: "trong đạo Công giáo, quyền giảng huấn cũng thuộc về các giáo sĩ, tuy nhiên việc dạy đạo có thể được mở rộng. Chẳng hạn tại những trường Công giáo ở nước ngoài dạy về Đạo, các học viên gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân và sau khi tốt nghiệp, họ có quyền giảng dạy.

Ở Việt Nam, ngay tại Trung Tâm Mục Vụ, Học Viện Mục Vụ có mở các khóa học thuộc chương trình đào tạo giáo sĩ, để dạy cho giáo dân Công giáo các môn khoa học thánh, nhưng mức độ phổ quát hơn. Khi đã tốt nghiệp, sih viên cũng có thể tham gia việc dạy giáo lý cho người khác".

- “Vậy cứ khi học xong thì là được đi dạy?” Dạ không đương nhiên, vì anh chị em học là để đào sâu hiểu biết về Đạo, còn việc truyền đạt cho người khác thì còn tùy giáo sĩ ở địa phương có muốn nhờ mình hay không. Ví dụ, em học ở Học Viện rồi, khi về Giáo xứ thì tùy Cha Chánh Xứ có cho mình dạy hay không. Hiện nay, em đang dạy giáo lý cho lớp các em thiếu niên ở giáo xứ.

- “À thì ra thế! Bên chúng tôi thì chỉ có giáo sĩ mới có quyền dạy giáo lý.” Giáo sĩ Hồng Mai có vẻ chưa thoả, nên chị hỏi tiếp: “Vậy những ai được học ở Học Viện ?” Thì dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ là người Công giáo, em thấy có nhiều người không phài là Công giáo đi học lắm!

- “Vậy tôi đi học có được không?” Được, mời chị cứ đến đăng ký. Chưa xong, chị hỏi: Vậy có người không phải Công giáo đến dạy không?” Có chứ, có mời những người có chuyên môn trong xã hội để dạy về chuyên môn, còn dạy về Đạo thì còn tuỳ … vì chị biết rồi đấy, nó là chuyện dạy đức tin mà, nên phải xem họ có cùng “hệ” hay không! Mặt khác, nếu học về các tôn giáo thì có mời người của các tôn giáo đó đến dạy. Ví dụ như Giáo sĩ Hoàng Mai cũng đã từng được Cha Trưởng Ban về vấn đề này …

Bữa tiệc thanh đạm sang đến món cơm ăn với nấm kho tộ, một Đạo tỷ có gương mặt phúc hậu tên Trần Thị Liên muốn bới cho tôi chén cơm. Tôi không dám! Nhưng ngay lúc từ chối, thì đột nhiên cảm xúc nhớ mẹ trỗi dậy dạt dào (mẹ thường chăm chút cho bữa ăn - giờ tính đến nay mẹ con xa nhau đã 10 năm rồi!). Bừng cay sóng mắt, tôi xin chị bới cho chén cơm vì nhìn chị em nhớ mẹ em quá – em cảm ơn chị nhiều!

- “Không có chi, đây em ăn cơm đi, nói không hà, có ăn đâu!” (chị không biết là các chị đã cho em “ăn” rất nhiều!)

Trao đổi khá nhiều, nhưng xem ra các Đạo tỷ vẫn thắc mắc về người “em trai” này. Tôi nghĩ nếu các Chị lãnh hội được nội dung chính yếu của Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công đồng Vatican II, thì mới thấu hiểu được vai trò của “người Kitô hữu-giáo dân” chúng em. Chúng ta còn có cả một tương lai chung tay cùng nhau xây dựng nhân bản cho con người, phải không các Chị?

Chúng tôi chợt nhớ lại Thánh lễ Tạ Ơn Chúa, mừng Tân Linh mục Phêrô và Kính Thánh Giuse của Ban vừa qua, trong đó cha phụ trách đã nêu ra định hướng hoạt động: cần đối thoại và canh tân, mà trước tiên là đối thoại giữa các thành viên của Ban, với anh chị em trong Giáo hội, rồi mở lòng ra đối thoại với mọi người. Lời mới nghe đó mà Chúa đã cho chúng tội cơ hội thực tập “đối thoại” liền. Tạ ơn Chúa …!

*  *  *

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sĩ Hồng Mai và quý Đạo hữu CQPTGLĐĐ, đã chăm chút cho anh chị em chúng tôi một tiệc trà thanh đạm, nhưng thấm hương CÔNG-DUNG-NGÔN-HẠNH.

Đạo tỷ Trần Thị Liên còn ân cần tiễn chúng tôi đến tận bãi gởi xe với tâm tình lưu luyến: Chào mãi mà không chia

----------------------------------------------

[1] Xem nguyên văn bài phát biểu: Vai trò của tôn giáo trong sứ mạng phục hồi nhân bản

[2] Xem thêm: "Đối thoại và Canh tân: Ấn tượng ngày họp định kỳ Ban MVĐTLT quý I/2011".

[3] Niềm vui Hiệp thông giữa các Đạo Hữu: Bài Phát biểu của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top