Lý do Chúa Giêsu viết trên đất
TGPSG/ Aleteia.org --- Các thánh và học giả đã suy đoán về điều Chúa Giêsu viết trên đất. Một lời giải thích đặc biệt mang tính thời sự cho ngày nay.
Chúa Giêsu đã viết gì trên đất bụi khi người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình được dẫn đến trước mặt Ngài?
Có hai cách để nhìn nhận hành động đó. Một cách cho thấy Ngài thật sự là Thiên Chúa - và cách còn lại cho thấy Ngài thấu hiểu sâu sắc thân phận con người của chúng ta.
Câu chuyện về Người Phụ Nữ Bị Bắt Quả Tang Phạm Tội Ngoại Tình là một đoạn Tin Mừng được yêu thích, nổi tiếng với hai câu nói sâu sắc của Chúa Giêsu.
Câu đầu tiên là Ngài nói với những người Pharisêu - những người đã bắt quả tang một người phụ nữ phạm tội ngoại tình (nhưng lại không đưa được người đàn ông phạm tội đến) và yêu cầu ném đá cô để thi hành án. Chúa Giêsu đáp: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Lời dạy này mời gọi chúng ta biết sống nhân từ với những người cùng là tội nhân như mình.
Câu nói nổi tiếng thứ hai là với chính người phụ nữ. Sau khi những kẻ tố cáo bỏ đi, Chúa nói: “Tôi cũng không kết án chị đâu. Thôi, chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Một lời đầy cảm thông, trao ban hy vọng và mở ra con đường đổi mới cho những ai từng vấp ngã trong lãnh vực tình dục.
Tuy nhiên, trong các buổi học hỏi Kinh Thánh và các chú giải, một chi tiết tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại được chú ý nhiều: đó là việc Chúa Giêsu cúi xuống và viết trên đất bụi - không chỉ một lần mà hai lần.
Suốt hai ngàn năm qua, các thánh và học giả đã đưa ra nhiều suy đoán về điều Ngài viết.
Tôi đặc biệt yêu thích những giải thích cho thấy Chúa Giêsu đã tận dụng khoảnh khắc này để một lần nữa khẳng định rằng Ngài là Thiên Chúa thật.
Thánh Bêđa, một học giả Kinh Thánh sống vào thế kỷ VIII, cho rằng hành động viết trên đất bụi nhắc nhớ đến việc Thiên Chúa đã viết Mười Điều Răn trên bia đá: “Việc Ngài viết bằng ngón tay trên mặt đất có thể cho thấy rằng chính Ngài là Đấng đã viết lề luật trên đá.”
Thánh Giêrônimô, người dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh vào thế kỷ IV-V và bản dịch đó trở thành chuẩn mực của Giáo hội Công giáo, lại cho rằng Chúa Giêsu đang viết tên những người tố cáo, theo lời ngôn sứ Giêrêmia: “Tên họ sẽ bị ghi trên đất bụi vì họ đã lìa bỏ Đức Chúa, nguồn mạch nước hằng sống.”
Nếu điều đó là đúng, thì một lần nữa, Chúa Giêsu đang dùng hoàn cảnh xung quanh để truyền đạt một bài học thiêng liêng.
Biến cố này diễn ra trong dịp Lễ Lều - một lễ hội trong đó nước từ hồ Silôê được đổ trên bàn thờ.
Chỉ ít câu trước đó, thánh Gioan ghi lại rằng: “Vào ngày cuối cùng, ngày trọng đại của kỳ lễ, Chúa Giêsu đứng lên và lớn tiếng nói: ‘Ai khát, hãy đến với tôi mà uống! Ai tin vào tôi, thì - như Kinh Thánh đã nói - từ lòng người ấy sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.’”
Ngôn sứ Giêrêmia đã đối chiếu những người trung tín với những kẻ bất trung, và nói rằng tên những kẻ bỏ Chúa sẽ bị ghi trong bụi đất - như dấu chỉ của sự lìa xa Thiên Chúa, nguồn mạch nước sự sống.
Vì thế, thật hợp lý khi sau lời tuyên bố về nước vào ngày trước, Chúa Giêsu tiếp nối bằng một dấu chỉ trên đất bụi. Cả hai hành động cho thấy Ngài là một với Chúa Cha - như chính Ngài đã quả quyết trong Tin Mừng Gioan.
Nhưng tôi cũng thấy còn có hai cách giải thích khác rất nhân bản cũng rất thuyết phục.
Trước hết, đoạn Tin Mừng này cho thấy thánh Gioan thực sự chứng kiến tận mắt sự việc hôm đó.
Thánh Gioan không ngần ngại chia sẻ các suy tư của mình về hành động của Chúa Giêsu trong những dịp khác. Nhưng ở đây, ngài không đưa ra lời giải thích nào. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng ngài chỉ đơn thuần thuật lại điều mình đã thấy - như muốn nói: “Tôi đã ở đó.” Và điều này cũng cho thấy rằng hành động Chúa viết trên mặt đất có ý nghĩa sâu xa, bất chấp việc nội dung Ngài viết là gì.
Vậy tại sao hành động đó lại quan trọng?
Chúa Giêsu viết trên đất bụi hai lần - và cả thánh Giêrônimô lẫn thánh Bêđa đều cho rằng Ngài viết lần thứ hai là để cho những người tố cáo có cơ hội “rút lui trong danh dự” - một cuộc hoán cải âm thầm nhưng đích thực.
Thánh Bêđa viết: “Ngài thấy họ đã nao núng, và sẽ dễ dàng rút lui ngay hơn là tiếp tục chất vấn.” Ngài không làm bẽ mặt họ, mà mở ra cho họ một con đường để dừng lại và đổi mới.
Chi tiết này chứa đựng một bài học nhân bản và mục vụ quý giá cho mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu không chỉ tỏ lòng thương xót với người phụ nữ bị bắt quả tang, mà còn cả với những kẻ tố cáo cô.
Khi cần sửa sai ai đó, mục tiêu không phải là khiến họ xấu hổ hay mất thể diện. Mục tiêu là giúp họ thay đổi và trở lại với điều đúng đắn.
Sau khi nói: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi,” Chúa Giêsu cúi xuống viết trên mặt đất - để cho họ cơ hội rút lui một cách âm thầm, không phải chịu bẽ mặt công khai.
Chúa biết việc nhận lỗi là điều khó khăn với con người. Ngài biết rằng nếu ai đó bị đặt vào tình huống bị sỉ nhục giữa đám đông, thì rất có thể họ sẽ cố chấp hơn là khiêm tốn nhìn nhận sai lầm. Rất ít người có thể công khai nhận mình sai.
Nhưng nếu bạn quay đi, làm một việc khác, bạn đang trao cho họ cơ hội sửa sai trong thầm lặng - với phẩm giá và lòng tự trọng được gìn giữ.
Chúa Giêsu đã dành cho những người Pharisêu món quà cao quý giống như Ngài đã dành cho người phụ nữ phạm tội: một cơ hội để dừng điều sai, bắt đầu điều đúng, và đổi hướng mà vẫn giữ được danh dự. Đó là một điều mà trong thế giới hôm nay, chúng ta rất cần.
Tác giả: Tom Hoopes
Xuân Đại (TGPSG) lược dịch từ Aleteia.org
bài liên quan mới nhất

- Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh
-
Những người giữ bình an nơi cổng nhà thờ -
Bài giảng Chúa nhật Lễ Lá 2025 của Đức Thánh Cha -
Lý do Thánh Gioan Phaolô II chọn Lễ Lá làm Ngày Giới trẻ Thế giới -
Lễ Lá: Sự chiến thắng của khiêm tốn và hy vọng -
Mầu nhiệm Cứu độ: Lễ Lá và con đường Thương Khó -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa -
Đức Thánh Cha Phanxicô nói về Con đường dẫn đến Hạnh phúc -
Sống hết lòng với cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu -
Cho đi không tính toán
bài liên quan đọc nhiều

- An tử và Trợ tử trong Giáo lý Công Giáo
-
Phẩm giá của mỗi nhân vị và các quyền con người -
Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay -
Ba mầu nhiệm làm nên phẩm giá con người -
Chọn ngôn sứ Giêrêmia đồng hành với bạn trong mùa Chay -
Tại sao người Công giáo lại che các thánh giá và ảnh tượng trong Mùa Chay? -
Về Tuyên ngôn “Dignitas infinita” -
Ngày 05 tháng 03: Thứ Tư Lễ Tro -
Cảm ơn "các Thánh Giuse" trong đời tôi -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa