Giáo xứ An Nhơn 2020

Giáo xứ An Nhơn 2020

Giáo xứ An Nhơn 2020

TGPSG -- “Trước năm 1975, khi nghe nói đến An Nhơn, Xóm Mới, mọi người đều liên tưởng đến một vùng đất nổi tiếng với tệ nạn xã hội, mãi dâm... Nhưng chính tại vùng đất này, đã có một vị thánh - Thánh Phaolô Lê Văn Lộc. Ngoài ra, từ năm 1965 đến nay, giáo xứ An Nhơn - là một họ đạo cựu trào - đã được tái tạo và phát triển tốt đẹp. Đó là nhờ ơn Chúa và công sức của các vị mục tử, của bà con giáo dân, các ân nhân và mọi người.”

 Cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ - linh mục chính xứ An Nhơn - đã chia sẻ như thế. Ngài nói tiếp:

“Nối tiếp truyền thống đạo đức hào hùng của Thánh Phaolô Lê Văn Lộc, giáo dân An Nhơn luôn tích cực cộng tác với cha xứ, để xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn của lòng Chúa thương xót”.

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ

1. Giai đoạn 1965-1969

 Ngày 3.7.1965, một ngôi nhà nguyện năm gian với diện tích 500m2 được khởi công xây dựng (nay là trường tiểu học Trần Quang Khải)

Ngày 8.12.1965, ngôi nhà nguyện được khánh thành và làm phép.

Ngày 13.10.1966, Tòa TGM Sài Gòn gửi cha Phêrô Trần Văn Thông về phụ trách giáo họ An Nhơn.

 2- Giai đoạn 1969-1976

Ngày 11.12.1971, Tòa TGM Sài Gòn quyết định nâng giáo họ An Nhơn lên thành giáo xứ và bổ nhiệm cha Grêgôriô Trần Phương Phi làm cha sở tiên khởi.

Trong thời kỳ này, nhà nguyện bị chiến tranh tàn phá, nhà xứ không còn. Họ đạo đã mua dãy nhà của Caritas, xây một trường học (một trệt, một lầu), cũng là nơi tạm cử hành Thánh lễ.

Ngày 21.11.1970, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã về chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường giáo xứ An Nhơn dài 40m, rộng 13m, với tháp chuông cao 30m. Sau một năm, ngày 11.12.1971, ngài về chủ sự Thánh lễ khánh thành ngôi thánh đường mới.

Sinh hoạt của giáo xứ dần dần đi vào nề nếp, thành lập Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX), Ban điều hành các giáo khu, các đoàn thể... Ngoài ra, giáo xứ mở trường trung học tư thục Lê Hữu Từ do thầy Phanxicô Xaviê Phan Thiện Hảo làm hiệu trưởng.

3- Giai đoạn 1976-1983

Đây là giai đoạn khó khăn nhất của giáo xứ do có nhiều giáo dân rời giáo xứ đi xa, đi kinh tế mới… Nghiêm trọng hơn là thiếu vắng vị chủ chăn của giáo xứ, nên mọi sinh hoạt phụng vụ và mục vụ đều trông nhờ các cha ở nhà hưu dưỡng Phát Diệm.

4- Giai đoạn 1983-1999

 Ngày 12.6.1983, cha Giuse Đinh Châu Trân thuộc Dòng Đaminh được bổ nhiệm làm chánh xứ, lúc này mọi sinh hoạt của giáo xứ mới đi vào ổn định.

 Năm 1990, cha Giuse Đinh Châu Trân được tỉnh dòng bầu làm Bề trên Giám tỉnh Dòng Đaminh, nhưng ngài vẫn hết sức chăm lo cho giáo xứ. Ngài đã cử các tu sĩ trong Dòng đến dâng Thánh lễ, ban các Bí tích, dạy giáo lý, dạy đàn, tập hát cho các ca đoàn… nên sinh hoạt của giáo xứ ngày càng thêm sinh động và phong phú.

 Vì không thể thường xuyên có mặt tại giáo xứ, nên ngài  đã lần lượt cử cha Giuse Đỗ Quốc Bảo và cha Đaminh Nguyễn Đức Bình làm linh mục phụ tá, thay mặt ngài giải quyết mọi công việc trong giáo xứ.

 Thời gian này, nhiều công trình được thực hiện, như: xây đài Thánh Phaolô Lê Văn Lộc, đài Thánh Martinô de Porres, lợp tôn chống thấm và trùng tu nhà thờ…

5- Từ năm 2000 đến nay

Ngày 26.3.2000, Đức Hồng Y TGM Gioan Bt. Phạm Minh Mẫn (ĐHY) bổ nhiệm cha Giuse Mai Văn Rự làm chánh xứ sau khi dòng Đaminh trao giáo xứ lại cho Tòa Giám mục.

 Linh mục chánh xứ cùng với HĐMVGX và cộng đoàn dân Chúa từng bước củng cố đời sống đức tin song song với việc sửa chữa, xây dựng thêm phòng thánh, nhà chờ Phục sinh, nhà tạm, nới rộng hội trường giáo xứ, sửa chữa đài Đức Mẹ, đài Thánh Phaolô Lộc, đài Thánh Martinô, trồng cây xanh sân nhà thờ… Ngoài ra còn trang bị thêm ghế ngồi cho giáo dân và âm thanh trong nhà thờ, mua đàn organ cho ca đoàn....

 Cha chánh xứ cùng với cha phụ tá Đaminh Nguyễn Văn Hiệp đặc biệt chú trọng chăm lo đời sống đức tin, sinh hoạt đoàn thể Công giáo Tiến hành, và đã thành lập hội Các Bà mẹ Công giáo, hội Legio Mariae, nhóm Thừa tác viên Thánh Thể, Thừa tác viên Lời Chúa…

Ngày 6.8.2009, Chúa đã gọi cha Giuse Mai Văn Rự về với Chúa sau gần 10 năm phục vụ tại giáo xứ. Cha phụ tá Gioan Bt. Nguyễn Ngọc Tân được ĐHY tạm thời trao quyền quản xứ để tiếp tục điều hành giáo xứ.

  Ngày 28.7.2010, ĐHY bổ nhiệm cha Phaolô Nguyễn Quốc Hưng làm chánh xứ và cha Giuse Trần Cao Thăng làm phụ tá. Hai cha nhận thấy tình hình sinh hoạt của các đoàn thể bị hạn chế vì thiếu phòng ốc, thiếu nhi phải sinh hoạt,  học giáo lý theo từng nhóm trong thánh đường… nên sau khi đề xuất ý kiến và được sự đồng thuận của toàn thể giáo dân, ngày 18.12.2010, ĐGM phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã về chủ sự Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà sinh hoạt Giáo lý và đại tu thánh đường.

Ngày 6.8.2011, giáo xứ đón cha phụ tá Giuse Cao Minh Triết để ngài cộng tác với cha chánh xứ tiếp tục công trình đang xây dựng.

Ngày 20.8.2016, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc bổ nhiệm  cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ làm chánh xứ và cha Giuse Maria Nguyễn Hùng, CRM. làm phụ tá.

CÁC LINH MỤC ĐÃ PHỤC VỤ TẠI GIÁO XỨ

1/ Linh mục chánh xứ

- Cha Phêrô Trần Văn Thông, quản xứ (1965 – 1969)

- Cha Grêgôriô Trần Phương Phi, chánh xứ tiên khởi (1969-1976)

- Cha Tôma Nguyễn Văn Thuyết, quản nhiệm (1982-1983)

- Cha Giuse Đinh Châu Trân, OP, chánh xứ (1983-1999)

- Cha Giuse Phạm Trung Thu, quản nhiệm (1999-2000)

- Cha Giuse Mai Văn Rự, chánh xứ (03.2000 đến 08.2009)

- Cha Gioan Bt. Nguyễn Ngọc Tân, quyền chánh xứ (08.2009 đến 07.2010)

- Cha Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, chánh xứ (07.2010 đến 08.2016)

- Cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, chánh xứ (08.2016 đến nay)

2/ Linh mục phó xứ

- Cha Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP. (1990-1996)

- Cha Đaminh Nguyễn Đức Bình, OP. (1996-1999)

- Cha Đaminh Nguyễn Văn Hiệp (08.2001-2004)

- Cha Gion Bt. Nguyễn Ngọc Tân (2005-2009)

- Cha Giuse Trần Cao Thăng (08.2010-07.2011)

- Cha Giuse Cao Minh Triết (08.2011-2013)

- Cha Giuse Ngô Viết Thanh (2013-2014)

- Cha Giuse Nguyễn Cảnh Thịnh (2014-2016)

- Cha Giuse Maria Nguyễn Hùng, CRM (2016-2017)

3/ Linh mục và tu sĩ xuất thân từ giáo xứ

Từ ngày lập xứ đến nay, đã có 1 giám mục và 5 linh mục xuất thân từ giáo xứ, gồm:

- Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, hiện là Giám mục giáo phận Mỹ Tho

- Cha Giuse Trịnh Văn Can, hiện là chánh xứ Gx. Thánh Mẫu, Tây Ninh

- Cha Vinh Sơn Nguyễn Đức Dũng, hiện là chánh xứ Gx. Gioan Phaolô II, giáo hạt Tân Định.

- Cha Giuse Trần Văn Diệu, Pháp

- Cha Gioakim Nguyễn Quốc Định, Nhật Bản

- Cha Gioan Phêny Ngân Giang, Pháp

Ngoài ra, còn có trên 10 nữ tu thuộc nhiều hội dòng; 1 thầy thuộc dòng Tên và 2 thầy thuộc dòng Đaminh.

TỔ CHỨC GIÁO XỨ

Nằm trong khu vực có nhiều cơ quan quân sự, nhà nước, xí nghiệp… Giáo xứ An Nhơn có thánh đường ngụ tại 153 Lê Hoàng Phái, P17, quận Gò Vấp, với gần 5.000 giáo dân, được chia thành 4 giáo khu lần lượt mang tên: Giuse, Mân Côi, Phêrô và Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Ngày thường có 2 Thánh lễ lúc 4g15 và 18g.

Chúa nhật có 4 Thánh lễ lúc 5g, 7g, 16g và 18g.

Hội đồng Mục vụ giáo xứ đã qua 13 nhiệm kỳ kể từ năm 1971 đến nay. Hiện nay, chủ tịch HĐMVGX là ông Phêrô Nguyễn Việt Hùng.

Về sinh hoạt đoàn thể, hiện giáo xứ có:

- 5 ca đoàn, lần lượt mang tên: Gia Trưởng, Cecilia, Hiển Linh, Emmanuel, Ấu.

- Các hội đoàn gồm: Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm, Huynh đoàn giáo dân Đaminh, Các Bà mẹ Công Giáo và Legio Mariae, Thiếu nhi Thánh Thể và giáo lý viên.

- Các nhóm: Thừa tác viên Thánh Thể, Thừa tác viên Lời Chúa, Giúp lễ, Phục vụ, Thiện chí…

Tất cả đều hiệp thông, cộng tác với nhau trong tinh thần đoàn kết yêu thương và hăng say phục vụ giáo xứ cùng cộng đoàn. 

DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN   

Cha chánh xứ Vinh Sơn luôn quan tâm đến việc giáo dục đức tin, khuyến khích con em học giỏi văn hóa, chăm lo đời sống cho giáo dân, đặc biệt những gia đình gặp khó khăn, không phân biệt tôn giáo. Cụ thể:

Học tập, nuôi dưỡng đời sống đức tin

Cha chánh xứ Vinh Sơn cho biết: “Khi về nhậm chức chánh xứ An Nhơn ngày 20.8.2016, trong điều kiện nhà sinh hoạt Giáo lý và nhà thờ đã hoàn thiện, nên tôi chú tâm về đời sống đức tin, quan tâm đến thiếu nhi, giáo lý viên với nhiều cấp lớp, mở các lớp học về mục vụ, tạo điều kiện cho các đoàn thể Công giáo Tiến hành sinh hoạt, thực thi bác ái…”

 

Ngoài ra, ngài còn tổ chức các buổi hội thảo, trình diễn Thánh ca vào các dịp lễ lớn, như  thánh ca mừng Chúa Phục sinh với chủ đề “Mục tử Nhân lành” diễn ra lúc 19g thứ Bảy 11.5.2019 tại thánh đường giáo xứ An Nhơn nhằm giúp cộng đoàn có tâm tình ca tụng Chúa Giêsu là vị “Mục Tử Nhân Lành” và cầu nguyện cho có nhiều người trẻ bước theo Chúa Giêsu trong ơn gọi linh mục và tu sĩ.

 Cũng vậy, nhân chào mừng ngày Quốc tế Phụ Nữ 8-3 và để  tôn vinh nét đẹp truyền thống người phụ nữ trong gia đình, giáo xứ An Nhơn đã tổ chức ngày hội Mẹ và Con - Bà và Cháu vào lúc 18g45 ngày 8.3.2019 tại khuôn viên nhà xứ. Đêm hội đã thu hút hầu hết các gia đình trẻ có con trong lứa tuổi Mẫu giáo, một số gia đình các giáo xứ chung quanh cũng đăng ký  tham gia.Đặc biệt, hằng năm có những lễ hội ẩm thực và phát quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong những dịp Trung Thu, Giáng Sinh và Tết cổ truyền.

Chính những sinh hoạt này đã tạo được tình thân, tình liên đới cùng sự cảm thông lẫn nhau giữa mọi thành phần, mọi giới và mọi lứa tuổi hầu giúp nhau thăng tiến về đời sống đức tin, văn hóa và đời sống vật chất.

Cha chánh xứ Vinh Sơn cũng nâng cấp, tôn tạo nhà thờ, nhà mục vụ, sắp xếp lại hệ thống vườn treo cây xanh để xác định ranh giới khuôn viên nhà thờ vì trường tiểu học Trần Quang Khải (vốn trước 1975 là trường trung học tư thục Lê Hữu Từ) nằm ở hai bên trong khuôn viên sân nhà thờ.

Thực thi bác ái

Nhận thấy đời sống bà con trong giáo xứ nói riêng và giáo hạt Xóm Mới nói chung còn nhiều khó khăn, nên sáng Chúa nhật 2.10.2016, giáo xứ An Nhơn đã khai trương “Bếp ăn phục vụ người nghèo”, phục vụ bữa trưa Chúa nhật hằng tuần dành cho trên 40 người.

Để thuận tiện cho bà con đến nhận phần ăn, căn nhà bếp rộng khoảng 25m2 nằm ở khoảng sân giáp với con đường Lê Hoàng Phái phía trước nhà thờ. Thức ăn được các chị rửa kỹ lưỡng và nấu cẩn thận, gồm: cơm, một món mặn, một món xào và canh.

Cha chánh xứ tâm sự: “Nhờ anh chị em giáo dân và các ân nhân, giáo xứ mới có điều kiện mở rộng vòng tay nhân ái để sẻ chia tình thương của Chúa đến với mọi người. Rất mong anh chị em hãy cùng với giáo xứ nỗ lực xây dựng lại tình người…”

LỜI KẾT

Xin cầu chúc giáo xứ An Nhơn luôn duy trì những truyền thống tốt đẹp này, để nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng giáo xứ, và noi gương Thánh Phaolô Lê Văn Lộc, giáo xứ sẽ luôn “Hiệp nhất - Yêu thương - Phục vụ” để đón nhận muôn vàn “Ân Sủng” của Chúa, hầu trở thành một cộng đoàn: Tình thương - Phụng tự - Thừa sai.

PHỤ LỤC
THÁNH PHAOLÔ LÊ VĂN LỘC 

Thánh Phaolô Lê Văn Lộc sinh năm 1830 tại làng An Nhơn  tỉnh Gia Định, con ông Lê Kim Ngân và bà Võ Thị Tây. Cha mẹ ngài rất đạo đức, sốt sắng, đã chuyên cần dạy dỗ cậu sống đạo ngay từ nhỏ.

Năm 10 tuổi, ngài mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha sở Lợi thấy cậu Lộc tuy nhỏ mà đã có lòng đạo, tính tình khiêm tốn nên nhận về nuôi. Sau đó, cậu Lộc được cha Phước ở họ Chợ Quán dạy học rồi gởi đi học ở tiểu chủng viện Cái Nhum một năm.

Năm 1843, Đức cha Lefèbre gởi sang Pénang (Mã Lai) học thần học.

Năm 1850, thầy Phaolô Lộc trở về Sài Gòn tập sự mục vụ. Vì sức khỏe yếu phải về nhà anh ruột ở An Nhơn nghỉ mất một năm.

Ngày 7.2.1857, thầy Phaolô Lộc lãnh nhận chức linh mục và được bổ nhiệm làm giám đốc Tiểu chủng viện Thị nghè.

Cha Phaolô Lộc nỗ lực hoạt động, cầu nguyện, chuyên cần huấn luyện chủng sinh về trí dục, đức dục, tập sự cho họ làm việc tông đồ, đem được nhiều người trở lại đạo.

Tháng 7 năm 1858, mười bốn chiến thuyền Pháp tiến vào Đà Nẵng, đổ bộ vào Cửa Hàn. Đô đốc Rigault de Genouilly ngây ngô chờ người Công giáo trợ lực. Ông không biết rằng người Công Giáo Việt Nam lúc đó không ưa gì ngoại xâm, như chúng ta thấy trong chuyện thánh Phanxicô Trung, họ không bỏ Chúa, nhưng cũng không phò Tây. Họ tích cực xin đăng ký vào quân đội triều đình để chống Pháp. Tuy nhiên, các quan chức Việt Nam vẫn tức giận cho rằng các tín hữu Kitô cấu kết với người Pháp, nên quyết định bắt giết các đạo trưởng trước khi quân xâm lược đến. Thế là chủng viện Thị Nghè phải giải tán, cha Phaolô Lộc phải ngậm ngùi chia tay các chủng sinh. Tuy nhiên cha Lộc vẫn cố nán lại Sài Gòn, nay đây mai đó để gần gũi hướng dẫn các chủng sinh của mình. 

Cuối năm 1858, cha Lộc đến tạm trú ở nhà một cựu chủng sinh (thầy giáo Ngôn). Dầu khó khăn nguy hiểm, cha vẫn tìm cách tiếp tế cho các chủng sinh bị lưu lạc. Việc đó đưa cha vào vòng lao lý: một phụ nữ ngoại giáo thấy cha liền báo cáo với quan quân bao vây lục xét và bắt được cha ngày 13.12 năm đó. Khi bị bắt, cha Lộc khéo léo trả lời, nên quan quân đối xử với cha một cách tử tế, còn có ý định tha nếu cha chối đạo.

Đầu năm 1859, thấy không thể chiếm được Huế, thêm vào đó 200 lính viễn chinh Pháp chết vì bệnh dịch tả, tướng Pháp quyết định chuyển hướng đưa quân vào chiếm tỉnh Gia Định theo lối cửa Cần Giờ. Khi quân Pháp bắn phá Sài Gòn, các quan liền cấp tốc tâu vua cho trảm quyết cha Phaolô Lê Văn Lộc. Ngày 13.2.1859, cha Phaolô Lộc bị trảm quyết ở Trường Thi, bây giờ là góc đường Hai Bà Trưng – Nguyễn thị Minh Khai, hưởng dương 29 tuổi với 2 năm linh mục.

Thi hài ngài được mai táng tại họ đạo Chợ Quán. Hài cốt ngài còn được lưu giữ tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn.

Ngày 2.5.1909, Đức Giáo hoàng Piô XII phong chân phước cho ngài.

Ngày 19.6.1988, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong ngài lên bậc Hiển thánh.

Hội đồng Mục vụ giáo xứ An Nhơn đã nhận Thánh Phaolô Lê Văn Lộc là bổn mạng và hằng năm mừng kính trọng thể vào ngày 13.2.

Văn Chiến - NSTM 10.2020 (TGPSG)

Top