Giáo xứ An Lạc 2022

Giáo xứ An Lạc 2022

Giáo xứ An Lạc 2022

TGPSG -- Trải qua chặng đường 65 năm từ ngày hình thành đến nay, Giáo xứ An Lạc không ngừng phát triển, với những thế hệ nối tiếp luôn biết lưu giữ nét đẹp truyền thống và lòng đạo đức bình dân vốn có từ cha ông...

I. TỔNG QUAN

Nhà thờ của Giáo xứ An Lạc (hạt Chí Hòa) tọa lạc tại số 15/2 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình, Tp. HCM. Dù nằm trong hẻm nhưng lại có một khuôn viên rộng thoáng với diện tích 800 mét vuông, nhà thờ An Lạc hiện nay đã được xây dựng kiên cố với cột, đà, mái, trần bằng bê tông cốt thép, và tháp chuông cao 40 mét.

Nhịp sống sinh hoạt tôn giáo của cộng đoàn giáo xứ nơi đây rất sống động. Trải qua chặng đường 65 năm từ ngày hình thành đến nay, giáo xứ An Lạc không ngừng phát triển, với những thế hệ nối tiếp luôn biết lưu giữ nét đẹp truyền thống và lòng đạo đức bình dân vốn có từ cha ông, như lời cha chánh xứ Tôma Trần Văn Hội chia sẻ trong Thánh lễ Tạ ơn, kỷ niệm 60 năm thành lập giáo xứ An Lạc (1957-2017): Quy tụ với nhau trong nhà Chúa, chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa vì 60 năm giáo xứ được thành lập. Trong 60 năm qua, khi vui cũng như lúc buồn, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, đoàn chiên nơi đây luôn có Chúa yêu thương chăm sóc cách đặc biệt...”

Lược sử hình thành và phát triển của giáo xứ An Lạc có những nét rất đặc trưng. Đến nay, giáo xứ còn lưu giữ một số dữ liệu từ thưở mới thành lập, mà khi nhìn vào, giáo dân dễ xúc động với hình ảnh các vị mục tử đã từng phục vụ và chăm lo cho đàn chiên của mình.

Bổn mạng Giáo xứ là Chúa Kitô Vua. Hiện giáo xứ có khoảng 5.000 giáo dân và linh mục chánh xứ là cha Tôma Trần Văn Hội (2011-nay). Linh mục phụ tá là cha Saviô Nguyễn Cao Trí (2017-nay).

Thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ được cử hành vào ngày thường lúc 5g và 17g; vào ngày Chúa nhật lúc 4g30, 5g45, 7g15, 16g, 17g05 và 18g15.

Thánh lễ Hôn phối: vào thứ Bảy lúc 15g30; vào Chúa nhật lúc 10g.

Chầu Thánh Thể: sau Thánh lễ chiều thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy đầu tháng.

Giải tội: chiều thứ Bảy.

Rửa tội: 9g sáng mỗi Chúa nhật đầu tháng.

II. LƯỢC SỬ

A. Giai đoạn tạm cư

Năm 1954, cha Gioan Baotixita Trần Ngũ Nhạc dẫn dắt một số đồng bào Công giáo di cư từ miền Bắc vào Nam, tạm cư tại khu đất thuộc xã Phú Thọ, ngày đó gọi là trại Phú Thọ Lều, nay là bệnh viện Trưng Vương và trường Đại học Bách Khoa.

Cuối năm 1956, trại Phú Thọ Lều có lệnh phải giải tỏa để đồng bào đi lập nghiệp ở vùng nông thôn. Giáo dân đã đề nghị với cha Gioan Baotixita đi tìm khu đất gần thành phố để tự túc mưu sinh.

Cha Gioan Baotixita đã đến vùng ven đô thuộc xã Tân Sơn Hòa, tìm mua khu đất của ông bà Nguyễn Văn Thêm -  khi ấy còn là đất trống cỏ mọc hoang dại; nhiều gia đình Công giáo cũng đến mua đất cất nhà lập nghiệp, được gọi là trại Hà Nội.

B. Xây dựng nơi thánh

1. Ngôi nhà thờ gỗ đầu tiên (1956)

Cuối năm 1956, giáo dân cùng với cha Gioan Baotixita Trần Ngũ Nhạc và cha Phêrô Vũ Khiêm Cung đang hưu dưỡng, đã dựng nhà thờ và nhà xứ đầu tiên với cột gỗ, vách ván, mái tôn - là những vật liệu chuyển từ trại Phú Thọ Lều về.

Ngôi nhà thờ gỗ đầu tiên

Ngày 1.1.1957, giáo xứ chính thức được thành lập. Cha Gioan Baotixita Trần Ngũ Nhạc là linh mục chánh xứ tiên khởi. Giáo xứ mang danh tên An Lạc, lấy hai từ đầu của cụm từ "An Cư, Lạc Nghiệp”, với mong ước cuộc sống ổn định và an cư lạc nghiệp. Số giáo dân ban đầu trên 1.000 người.

Linh mục Gioan Baotixita Trần Ngũ Nhạc - Chánh xứ tiên khởi

Năm 1961, cha Pacal Vũ Hoàng Bát được bổ nhiệm về làm phụ tá.

Nhà thờ sau khi cơi nới bằng vật liệu nhẹ

2. Xây dựng Tu hội và Trường Tư thục (1962)

Năm 1962, cha chánh xứ Gioan Baotixita xây dựng cơ sở đồng thời sáng lập Tu hội Chiến sĩ Maria Nam và Nữ, ngày nay là: Tu hội Chiến sĩ Chúa Giêsu và Tu hội Nô Tỳ Thiên Chúa.  

Giáo xứ thời ấy được chia thành 3 giáo họ: Trị Sở, Giáo Lạc, An Hòa.

Dưới sự dẫn dắt của cha chánh xứ Gioan Baotixita, giáo xứ từng bước ổn định, đi vào nề nếp. Giáo dân ngày một đông, ngôi nhà thờ trở nên nhỏ hẹp.

Năm 1959, để đáp ứng nhu cầu mục vụ, cha chánh xứ Gioan Baotixita cùng với các Ban quyết định sửa chữa, cơi nới nhà thờ rộng hơn, cao hơn, bằng vật liệu nhẹ: dựng cột gỗ, xây tường gạch, lợp mái tôn; tháp chuông đặt cuối nhà thờ và tượng đài Chúa Giêsu cao gần 3 mét đặt giữa tiền đình. Lúc này số giáo dân đã trên 4.000 người. Giáo xứ tăng thêm 2 giáo họ: Xuân An và Tân An.

Tu Hội Nữ Tỳ Thiên Chúa

Trường Tư Thục An Lạc

Năm 1963, cha Giuse Nguyễn Văn Khấn về làm phụ tá (đến năm 1966), cùng với cha chánh xứ Gioan Baotixita xây dựng trường tư thục An Lạc, trên khuôn viên đất của giáo xứ, để giáo dục đào tạo từ mẫu giáo đến đệ nhị cấp, ngày nay là trường trung học cơ sở Âu Lạc.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Khấn

Năm 1968, cha Antôn Hoàng Minh Thư về làm phụ tá (đến năm 1972), phụ trách linh hướng xứ Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể. Số giáo dân tăng nhanh, nhu cầu sinh hoạt mục vụ lớn dần, việc tái thiết mở rộng thánh đường được đặt ra.

https://www.giaoxugiaohovietnam.com/SaiGon/AnLac/LuocSu-03.JPG

Năm 1970, nhân ngày lễ Chúa Kitô Vua bổn mạng giáo xứ, cha xứ Gioan Baotixita họp Hội đồng giáo xứ, để chuẩn bị kế hoạch xây dựng nhà thờ mới kiên cố theo bản đồ án tái thiết kế.

Năm 1972, được sự bổ nhiệm của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, cha Antôn Mai Đức Huy về làm linh mục phụ tá giáo xứ An Lạc.

Linh mục Antôn Mai Đức Huy

3. Ngôi nhà thờ thứ hai (1972)

Ngày 1.5.1972, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đặt viên đá đầu tiên chính thức khởi công xây dựng Thánh đường mới.

ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình làm phép khởi công

Sau gần một năm thi công bất kể nắng mưa, ngôi thánh đường mới - cũng là ngôi thánh đường hiện nay - đã hoàn tất với diện tích 800m2 vững chắc kiên cố: cột, đà, mái, trần bằng bê tông cốt thép, tháp chuông cao 40m. Ngày 8.4.1973, giáo xứ đã đón Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình về chủ tế Thánh lễ Tạ ơn và khánh thành ngôi nhà thờ này.

Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình

Năm 1975, cha chánh xứ Gioan Baotixita Trần Ngũ Nhạc vì tuổi cao sức yếu đã được về nghỉ dưỡng. Cha Gioan Baotixita Trần Mạnh Thực được bổ nhiệm là chánh xứ thứ hai, tiếp nối dẫn dắt đoàn chiên giáo xứ ngày một khởi sắc.

Linh mục Gioan Baotixita Trần Mạnh Thực

Năm 1982, vì bệnh nặng cha Gioan Baotixita Trần Mạnh Thực được đi chữa bệnh lâu dài ở nước ngoài. Cha Anphongsô Hoàng Ngọc Bao được bổ nhiệm là chánh xứ thứ ba.

Linh mục Anphongsô Hoàng Ngọc Bao

Năm 1987, Cha Phaolô Nguyễn Thực về làm phụ tá (đến năm 1992) cùng cha xứ chăm lo giáo dục đức tin cho cộng đoàn dân Chúa ở đây.

Linh mục Phaolô Nguyễn Thực

Năm 1992, Cha Giuse Nguyễn Văn Thanh về thay cha Phaolô làm linh mục phụ tá (đến năm 1999).

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thanh

Năm 1993, cha Anphongsô Hoàng Ngọc Bao chuyển về giáo xứ Bắc Hà. Cha Vinh Sơn Ngô Minh Tân về làm chánh xứ thứ tư, cùng với cha phụ tá Giuse Nguyễn Văn Thanh chăm lo và dẫn dắt cộng đoàn giáo xứ.

Linh mục Vinh Sơn Ngô Minh Tân

Năm 1995, vì lý do sức khỏe, cha Vinh Sơn Ngô Minh Tân chuyển về giáo xứ Bình Lợi. Cùng thời gian này, cha Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh được bổ nhiệm làm linh mục chánh xứ thứ năm của giáo xứ An Lạc.

Linh mục Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh

4. Xây dựng tượng đài Đức Mẹ, Thánh Giuse (1995)

Ngay khi về giáo xứ, cha đã bắt tay xây dựng và chỉnh trang khuôn viên giáo xứ, xây dựng tượng đài Đức Mẹ và tượng đài Thánh Giuse, lập Hội đồng mục vụ giáo xứ theo quy chế của giáo phận.

Ngày 15 và 6.11.1997, giáo xứ đã long trọng tổ chức Thánh lễ kỷ niệm 40 năm thành lập giáo xứ (1957- 1997) và 25 năm xây dựng thánh đường (1972-1997)

5. Xây dựng nhà sinh hoạt Giáo lý - Đức tin (1997-1998)

Ngày 1.3.1997, cha chánh xứ Giuse Maria đã cho khởi công xây dựng nhà sinh hoạt Giáo lý - Đức tin gồm một trệt bốn lầu, trong đó có các phòng học giáo lý, thư viện, phòng sinh hoạt nhóm và các hội đoàn. Công trình được hoàn tất vào ngày 19.3.1998 mừng kính Thánh Giuse.

https://www.giaoxugiaohovietnam.com/SaiGon/AnLac/LuocSu-09.JPG

Năm 1999, cha Đa Minh Nguyễn Văn Minh được bổ nhiệm về làm phụ tá (đến năm 2001), cùng hướng dẫn và dìu dắt giới trẻ phát triển và thành lập thêm ca đoàn Dũng Lạc.

Linh mục Đa Minh Nguyễn Văn Minh

Năm 2001, cha Giuse Phạm Quốc Tuấn được bổ nhiệm về làm phụ tá (đến năm 2005) thay cha Đa Minh Nguyễn Văn Minh.

Linh mục Giuse Phạm Quốc Tuấn

6. Đại tu thánh đường và xây nhà Chờ Phục sinh

Thời gian qua đi, ngôi thánh đường xây dựng từ năm 1957 đến nay đã xuống cấp; nhà Chầu Thánh Thể, gian cung Thánh cùng với những trang thiết bị đã cũ kỹ, nay không còn sử dụng được. Cha chánh xứ Giuse Maria cùng với Hội đồng mục vụ thống nhất đại tu ngôi thánh đường.

Năm 2002, cha chánh xứ Giuse Maria đã cho thiết kế lại gian cung thánh, đại tu, chỉnh trang trong và ngoài nhà thờ, lắp đặt trang thiết bị mới. Ngôi thánh đường khang trang và tiện nghi hơn; sinh hoạt phụng tự được tôn nghiêm hơn, và việc phục vụ các Thánh lễ được thuận tiện hơn.

Cha Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh cho thiết kế lại gian Cung Thánh

Năm 2005, cha Inhaxiô Nguyễn Quốc Bảo được bổ nhiệm làm phụ tá (đến năm 2010) thay cha Giuse Phạm Quốc Tuấn.

Linh mục Inhaxiô Nguyễn Quốc Bảo

Ngày 28.02.2005, ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn - Tổng Giám mục TGP. HCM - đã bổ nhiệm cha chánh xứ Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh làm Hạt trưởng Giáo hạt Chí Hòa.

Đầu năm 2006, cha Giuse Maria cho xây dựng Chặng đàng thánh giá, Tượng đài lòng Chúa thương xót, chạm khắc hình ảnh các phép bí tích, nâng cấp gian cung thánh, thay bàn thờ đá…

Sau đó, Giáo xứ cùng xây dựng công trình một trệt bốn lầu: tầng trệt làm Hội trường, tầng một làm Nhà chờ phục sinh, hai tầng còn lại dành cho sinh hoạt và nhà kho. Công trình được khánh thành vào ngày 27.11.2007, lễ Chúa Kitô Vua, bổn mạng giáo xứ, và kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ.

Vào năm 2010, cha Đa Minh Đinh Công Đức được bổ nhiệm làm phụ tá (đến năm 2011).

https://tgpsaigon.net/Images/PriestImages/da-minh-dinh-cong-duc_04102020_192929.jpg

Linh mục Đa Minh Đinh Công Đức

Vào ngày 3.12.2011, giáo xứ chào đón cha Tôma Trần Văn Hội về làm chánh xứ thay cha Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh.

                   

Linh mục Tôma Trần Văn Hội cùng ĐHY Phạm Minh Mẫn

Ngày 30.5.2015: Cha Hiêrônimô Trần Anh Nhật về phụ tá giáo xứ.

Linh mục Hiêrônimô Trần Anh Nhật

Và từ tháng 7.2017 đến nay, cha Saviô Nguyễn Cao Trí làm phụ tá giáo xứ.

Lm Saviô Nguyễn Cao Trí

Ngày 25.11.2017, cộng đoàn giáo xứ An Lạc hân hoan mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo xứ. Thánh lễ do cha chánh xứ Tôma Trần Văn Hội chủ sự. Đồng tế với ngài có cha Giuse Nguyễn Đức Quang - hạt Trưởng hạt Chí Hòa, cha Anphongsô Hoàng Ngọc Bao, cha Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh và nhiều linh mục khác.

https://tgpsaigon.net/sites/default/files/Images/201711/IMG_4418%20(Large).jpg

III. CÁC LINH MỤC CHÁNH XỨ

Các linh mục chánh xứ của An Lạc theo dòng thời gian:

1. 1957 - 1975 : Linh mục Gioan Baotixita Trần Ngũ Nhạc

2. 1975 - 1982 : Linh mục Gioan Baotixita Trần Mạnh Thực

3. 1982 - 1993 : Linh mục Anphongsô Hoàng Ngọc Bao

4. 1993 - 1995: Linh mục Vinh Sơn Ngô Minh Tân

5. 1995 - 2011 : Linh mục Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh

6. 2011 - nay: Linh mục Tôma Trần Văn Hội.

IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC & SINH HOẠT MỤC VỤ

BAN THƯỜNG VỤ

  1. Giuse Nguyễn Văn Tài - Chủ tịch HĐMV
  2. Giuse Phạm Đức Hùng - Phó Chủ tịch nội vụ
  3. Giuse Nguyễn Công Đạt - Phó Chủ tịch ngoại vụ
  4. Phaolô Trương Ngọc Trung - Thủ Quỹ

SINH HOẠT MỤC VỤ

          + Các lớp giáo lý gồm:

  • Hôn nhân và Dự tòng: Hằng năm học từ tháng 4 cho đến tháng 8 từ 19g30 - 21g00.
  • Khai tâm 1, Khai Tâm 2, Rước Lễ 1, Rước Lễ 2, Thêm Sức 1, Bao Đồng 3,4: học lúc 8.30 sáng Chúa nhật sau giờ lễ.
  • Bao Đồng 5: học lúc 10g Chúa nhật, sau khi các lớp thiếu nhi và thiếu niên ra về.
  • Thêm Sức 2, Bao Đồng 1: học lúc 18g thứ Bảy sau Thánh Lễ chiều.

          + Các ca đoàn gồm:

  • 4 Ca đoàn chính thức của Giáo xứ
  • 5 Ca đoàn của các Hội đoàn
  • Ca đoàn Thiếu nhi

          + Các đoàn thể gồm:

  • Hội Các Bà Mẹ Công Giáo
  • Legio Mariae
  • Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm
  • Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh
  • Cộng đoàn Gia đình Lòng Chúa Thương Xót
  • Thiếu nhi Thánh Thể
  • Cộng đoàn Mân Côi

+  Các hoạt động bác ái:

          - Trước thời gian dịch bệnh Covid, hằng năm vào các dịp Tết, đều có các hoạt động bác ái thăm viếng và trao khoảng hơn 100 phần quà cho các bệnh nhân và gia đình nghèo trong giáo xứ không phân biệt tôn giáo. Hội Legio Mariae đều đặn viếng thăm bệnh nhân hằng tuần.

          - Các Thừa tác viên Thánh Thể trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân theo yêu cầu. Đặc biệt trong các dịp đại lễ, Cha chánh xứ trực tiếp đến giải tội cho các bệnh nhân và trao Mình Thánh Chúa cho họ.

+ Các thánh lễ đặc biệt trong năm vào dịp lễ bổn mạng giáo xứ, bổn mạng các giáo khu, quan thầy các đoàn thể... đều được cử hành trọng thể.

Trong thời đại dịch Covid-19

Diễn biến phức tạp của đại dịch covid-19 đã làm ngưng trệ các cử hành phụng vụ của Giáo hội Việt Nam, trong đó có Giáo xứ An Lạc. Trong hai năm qua (2020 và 2021), Covid-19 đã thăm viếng nhiều gia đình của giáo xứ. Nhiều người bệnh nặng được nhân viên Y tế đưa tới nơi tập trung hay bệnh viện chữa trị Covid. Nhiều dây đỏ chăng ngang trước những căn nhà, với bảng đỏ ghi nhận gia đình này có người F0 hay F1, F2…

Giáo xứ An Lạc có khoảng 26 người mất vì covid. Có những bệnh nhân covid qua đời được đem đi thiêu và đưa về đặt tại Nhà chờ Phục sinh của giáo xứ. Cũng có những gia đình đưa tro cốt về dưới quê.

Trong đại dịch Covid-19, có bao nhiêu người mắc bệnh - trong điều kiện cho phép không bị ngăn cách vì giãn cách xã hội - các cha trong giáo xứ vừa rất cẩn trọng giữ 5K vừa sẵn lòng tới tận tư gia để xức dầu, giải tội, trao Mình Thánh, cầu cho bệnh nhân được ơn chữa lành hoặc được ơn chết lành theo thánh ý Chúa.

Bên cạnh đó, Giáo xứ giúp đỡ những gia đình khó khăn khi có người nhiễm covid, thông qua các ông trùm để đưa tiền trợ giúp khoảng 30 gia đình mỗi gia đình 100.000 ĐVN, cùng với rau củ quả… Những gia đình có 2 F0 trở lên thì có người hỗ trợ nấu cơm giúp.  

Và rồi giãn cách nghiêm ngặt của đợt bùng phát dịch bệnh lần 4 cũng đã được gỡ bỏ từ ngày 1-10-2021 ở Sài Gòn. Nhà thờ An Lạc - cùng với các nhà thờ khác của Tổng Giáo phận - đã bắt đầu mở cửa lại cho giáo dân vui mừng đến dâng lễ với số tham dự hạn chế để phòng ngừa dịch bệnh.

V. LỜI KẾT

Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, giáo xứ An Lạc đã được Thiên Chúa thương sai đến những vị mục tử tốt lành, hết lòng vì đàn chiên, để rồi “hồng ân nối tiếp hồng ân”, cộng đoàn giáo xứ An Lạc vững bước theo chân Chúa Kitô Vua, bổn mạng giáo xứ.

Cầu mong cho mỗi người trong giáo xứ luôn nhiệt thành, bao dung, tích cực xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương mà thực thi sứ vụ: Ngôn sứ-Tư tế-Vương đế.

https://www.giaoxugiaohovietnam.com/SaiGon/AnLac/AnLac-12032011-14.JPG

Nguyễn Xuân Đại & Phạm Quang Hoàng (TGPSG)

Tham khảo:

  • Sách: Kỷ yếu Giáo xứ An Lạc
  • Video: Kỷ yếu Giáo xứ An Lạc

Xem thêm: Giáo xứ An Lạc

Top