Giáo xứ Phanxicô Xaviê (Chợ Lớn) 2022
TGPSG -- Trong mùa dịch Covid vừa qua, từ ngày 1.5.2021 đến 15.7.2021, cứ mỗi tháng 2 lần, Giáo xứ Phanxicô Xaviê tổ chức gửi quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn quận 5, mỗi lần 110 phần quà; tổng cộng 530 phần quà trị giá 159 triệu đồng. Ngoài ra Gíao xứ còn tổ chức bếp ăn nghĩa tình mỗi ngày 700 suất cơm phục vụ trưa và chiều; từ ngày 19.7.2021 đến nay đã phục vụ khoảng 53.000 suất cơm…
Giáo xứ Phanxicô Xaviê - được hình thành từ năm 1865 - là một cộng đoàn người Hoa và người Việt, hiện có ngôi thánh đường tọa lạc ở số 25 đường Học Lạc, phường 14, quận 5, TP.HCM. Thánh đường này còn được gọi là ‘Nhà thờ Cha Tam’ - một trong những nhà thờ cổ của Sài Gòn, có tuổi đời 120 năm, với lối kiến trúc hòa trộn độc đáo giữa Âu và Á, tạo nên nét đặc biệt của nhà thờ người Hoa, đáp ứng nhu cầu tâm linh của những người Công giáo Hoa và Việt.
I. THUỞ BAN ĐẦU
- NHÀ THỜ ĐẦU TIÊN
Ngay từ đầu, Giáo phận Đàng Trong đã quan tâm đến việc giảng đạo cho người Hoa tại Nam Kỳ. Vào năm 1865, đời Đức cha Miche (ĐGM Mịch 1865-1872), linh mục Philippe - thuộc Hội Thừa Sai Paris giáo phận Quảng Đông - đã đến thành lập một nhà thờ đầu tiên cho người Hoa tại Chợ Lớn. Lúc đó có khoảng hơn chục người Hoa Công giáo đã định cư ở đây buôn bán, cùng với vài bệnh nhân người Hoa đang nằm diều trị tại bệnh viện Chợ Quán ‘trở lại đạo’. Chính từ cộng đoàn bé nhỏ này, cha Philippe đã quy tụ thành cộng đoàn giáo xứ gốc người Hoa Chợ Lớn.
Ngôi thánh đường đầu tiên là ngôi nhà cũ kỹ kiểu Việt Nam gần ga xe lửa ở đường Thủy Quân (Rue de Marins), nay là ngã tư Châu Văn Liêm - Trần Hưng Đạo B, được dùng làm nhà thờ và nhà xứ.
- NHÀ THỜ THỨ HAI
Năm 1866 Đô Đốc Lagrandière - lúc đó là Thống đốc Nam Kỳ - một hôm đi qua Chợ Lớn đã dừng lại nơi này. Xúc động vì sự nghèo nàn thiếu thốn của ngôi thánh đường, khi trở về, ông đã ra lệnh cho Sở Công Trình Công Cộng lúc bấy giờ dùng ngân quỹ nhà nước để xây một nhà thờ lớn hơn và xứng đáng hơn trên một thửa đất rộng rãi trên đường Cây Mai (nay là Hội Sở Ngân Hàng Việt Hoa, ở ngã tư Hùng Vương - Phùng Hưng). Đó là nhà thờ thứ hai ở Chợ Lớn, cũng là ngôi nhà thờ duy nhất dành cho ngườì Hoa ở xứ Nam Kỳ lúc bấy giờ.
- NHÀ THỜ HIỆN NAY
Vào năm 1898, Đức cha Dépierre (ĐGM Đễ 1895-1899) thấy họ đạo người Hoa (họ đạo Thanh Nhân) mỗi ngày mỗi suy giảm, từ khoảng 100 người còn trên dưới 40, nên đã quyết định cử cha FX. Tam Assou (Pierre D'Assou, Đàm Á Tô, Tam An Su) là linh mục người Hoa biết đủ loại tiếng Trung Quốc, đang làm cha phó Nhà thờ Chánh Tòa Sài Gòn, cũng là giáo sư trường Tabert, về để chấn hưng lại giáo xứ.
Cha đã tìm mua đất xây nhà thờ ở ngay trung tâm Chợ Lớn. Được sự hỗ trợ của chính quyền, cha mua được một khu đất rộng 3 hecta ở xóm Lò Rèn và khởi sự xây dựng nhà thờ mới, tức là ‘Nhà thờ Cha Tam’ hiện nay (theo cụ Vương Hồng Sển, chỗ nhà thờ Cha Tam hiện nay, xưa là chợ Lò Rèn - mặt tiền nhà thờ quay về hướng đối diện đường Thủy Binh - Rue des Marins, nay là đường Trần Hưng Đạo).
Đức cha Lucien Massard (ĐGM Mão 1899-1920) đã cử hành Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên vào ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê 3-12-1900 và Lễ Cung Hiến Thánh Đường trọng thể vào ngày 10-1-1902, cũng vì thế mà ngôi thánh đường này cũng mang tên của vị thánh này
Linh mục Pierre d’ Assou - thường được gọi là Cha Tam - là người đứng ra xây dựng nhà thờ và cũng là cha sở đầu tiên của Giáo xứ Phanxicô Xaviê, nên ngôi nhà thờ đó cũng thường được gọi là Nhà thờ Cha Tam.
Sau khi nhà thờ được xây dựng, Cha Tam cho xây dựng thêm ở khu vực gần nhà thờ một trường học, một nhà nuôi trẻ, một nhà nội trú và một số nhà dành để cho thuê. Đến năm 1990, tháp chuông phía trên nhà thờ được tu sửa lại và thánh đường cũng được tân trang lại đẹp hơn. Số giáo dân người Hoa bấy giờ đã tăng lên khoảng 400 người.
II. PHÁT TRIỂN
- Năm 1934, Cha Tam qua đời. Từ đó giáo xứ xuống dốc rất nhiều, giáo dân bỏ đạo cũng đông. Mãi đến năm 1952, các cha Thừa sai Paris từ Quảng Tây Trung Quốc sang gầy dựng lại, giáo xứ mới khởi sắc.
- Năm 1952, cha sở Robert Lebat thuê thêm một căn nhà lớn ở Quận 1 làm nhà nguyện Đức Bà Hòa Bình, nay đã trở thành nhà thờ Giáo Xứ Đức Bà Hòa Bình thuộc Hạt Sài Gòn Chợ Quán.
- Năm 1953, cha Joseph Guimet kế nhiệm cha Lebas, mở thêm Giáo điểm Bình Tây, xây dựng Nhà Thờ Bình Phước, nay là nhà thờ Giáo xứ Bình Phước thuộc Hạt Sài Gòn Chợ Quán.
- Năm 1960, một Tiểu Chủng viện dành cho ngườì Hoa được cha Carolo Chang thành lập tại nhà thờ Đức Bà Hòa Bình Quận 1.
- Năm 1962, cha Joseph Guimet mở thêm Giáo điểm Phú Lâm, xây dựng nhà thờ Phú Lâm cho giáo dân Hoa và Việt, nay là nhà thờ Giáo xứ Chúa Hiển Linh thuộc Hạt Sài Gòn Chợ Quán.
- Năm 1963, cha Carolo Chang - được sự giúp đỡ của Đức cha Carlo Van Melekebeke - khánh thành Tiểu Chủng viện Thánh Carolo dành cho người gốc Hoa bên cạnh nhà thờ Phú Lâm.
- Năm 1968, cha Joseph Guimet xây dựng nhà thờ Thánh Giuse tại đường An Bình, nay là nhà thờ Giáo xứ Thánh Giuse An Bình thuộc Hạt Sài Gòn Chợ Quán. Cùng năm ấy, cha Gabriel Lajeune đã mua thêm hai nhà nguyện tại đường Lạc Long Quân - Âu Cơ nay là nhà thờ Bình Thới (Hạt Phú Thọ).
- Năm 1972, thành lập Hội đồng Giáo xứ gồm Ban Thường vụ và 6 Ủy ban (Ủy ban Các Hội Đoàn, Ủy ban Bất Động Sản, Ủy ban Trường Học, Ủy ban Truyền Thông, Ủy ban Phụng Vụ, Ủy ban Bác Ái Xã Hội). Ngày 30-12-1972, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã phê chuẩn bản qui chế Hội đồng Giáo xứ Phanxicô Xaviê gồm 9 chương.
- Năm 1974, Tòa TGM Sài Gòn tái xác nhận: "Các linh mục thuộc giáo xứ Phanxicô Xaviê có nhiệm vụ đặc biệt thăm viếng các giáo hữu Việt gốc Hoa trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời giúp các giáo phận về những vấn đề liên quan đến truyền giáo của người Việt gốc Hoa, như đã đươc Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam thông qua năm 1965."
- Đến năm 1975, riêng số giáo dân người Hoa trong giáo xứ đã lên đến 8.000, trong đó có 17 đại chủng sinh, 32 tiểu chủng sinh, 1 trung tâm Công giáo người Hoa, 3 nhà nguyện, 3 trường trung học, 4 trường tiểu học, 118 căn nhà cho thuê, 1 trường giáo lý hàm thụ, 1 tờ nguyệt san thông tin, 1 nhóm phát thanh viên giáo lý và 1 đội ngũ giáo lý viên nhiệt thành sẵn sàng đi truyền giáo khắp các tỉnh.
- Tháng 3 năm 1975, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã ký lệnh giao trách nhiệm cho các cha tại nhà thờ Phanxicô Xaviê trực tiếp quản lý và điều hành tất cả các nhà thờ và cơ sở tôn giáo người Hoa tại miền Nam VN.
III. CÁC LINH MỤC ĐÃ PHỤC VỤ TẠI GIÁO XỨ
- CÁC LINH MỤC CHÁNH XỨ
1. 1865-1869 : Pierre Marie Philippe, MEP (+1871)
2. 1870-1873 : Jean Joseph Remi Delpech (Định), MEP (+1912)
3. 1873-1873 : Edouard Francoir Marie Le Vincent (Sơn), MEP (+1877)
4. 1876-1879 : Charles Jean Baptiste Jacquemin, MEP (+1895)
5. 1879-1884 : Martin Henry Brillet, MEP (+1886)
6. 1884-1885 : Jacques Alexis Hirbec ( Phương ), MEP (+1885)
7. 1885-1890 : Louis Marie Joseph Martin (Nghi), MEP (+1916)
8. 1890-1891 : Lucien Emile Mossard (Mão), MEP (+1920)
9. 1891-1895 : Charles Boutier (Thiết), MEP (+1927)
10. 1895-1898 : Emile Francoir Marie Moreau (Đức), MEP (+1912)
11. 1898-1934 : Francoir Xavier Tam Assou (Tam), MEP (+1934)
12. 1934-1949 : Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng (+1952)
13. 1949-1952 : Maurice Bạch Văn Lễ (+1953)
14. 1952-1953 : Robert Etienne Joseph Lebas, MEP (+1995)
15. 1953-1968 : Eléazard Joseph Guimet (Đạt), MEP (+1990)
16. 1968-1976 : Gabriel Marie Joseph Lajeune (Lạc), MEP (+2018)
17. 1976-2019 : Stephano Huỳnh Trụ
18. 2019-2021 : Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ
19. 20.11.2021 - đương nhiệm : Tôma Huỳnh Bửu Dư.
- CÁC LINH MỤC PHÓ XỨ
1. 1890-1891 : Phong
2. 1895-1898 : Phêro Nguyễn Phước Khánh
3. 1937-1940 : Giuse Bùi Văn Nho (+1989)
4. 1947-1956 : Anton Phùng Quang Mạnh (+2004)
5. 1953-1969 : Clemente Nguyễn Kim Thạch (+2001)
6. 1954-1961 : Aben Charles Stéphen Garraud, MEP (+1990)
7. 1954-1964 : Aimé Jean Baptiste Pinsel, MEP (+1990)
8. 1968-1969 : Joachim Lâm Như Hào (+2014)
9. 1969-1972 : Emile Louis Tisserand, MEP (+1990)
10. 1969-1975 : Paul Vallat, MEP
11. 1990-1998 : Đaminh Nguyễn Xuân Hy +2006)
12. 1979-1985 : Giuse Đoàn Văn Thịnh
13. 1988-1991 : Louis Tô Minh Quang
14. 1992-1998 : Gioankim Nguyễn Văn Hiếu
15. 1998-2001 : Phêro Nguyễn Văn Tâm
16. 2001-2009 : Giuse Đinh Đức Thịnh
17. 2009-2019 : Phanxico Assisi Trần Đức Huấn
18. 2013-2016 : Phaolo Huỳnh Quốc Vinh
19. 2016-2021 : Martino Porres Vũ Anh Khoa
20. 2021 - nay : Giuse Nguyễn Mạnh Hùng.
- CÁC LINH MỤC GIÚP MỤC VỤ GIÁO XỨ
- 1875-1876 : François Constant Derval, MEP (+ 1894)
- 1875-1876 : Fernand Billaud, MEP (+2004)
- 1963-1976 : Stephano Trần Đạt Minh (+1994)
- 1975-1978 : Phêrô Bùi Duy Nghiệp
- 1979-1990 : Mactinô Đỗ Văn Diệp (+2012)
- 2016 - nay : Vinh Sơn Nguyễn Văn Định, CS
- 2018-2019 : Giuse Phạm Văn Tân, CSJB
- 2019 - nay : Phanxico Xavie Nguyễn Hồng Phúc, CSJB
IV. HIỆN TRẠNG
Sau khi linh mục thừa sai cuối cùng rời khỏi Việt Nam ngày 19-7-1976, Cha Stephano Huỳnh Trụ đã được bổ nhiệm làm cha sở họ đạo Phanxicô Xaviê cho đến khi về hưu vào năm 2019.
Cha Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ đã làm cha sở thay cha Stephanô từ năm 2019.
Và cha sở đương nhiệm là linh mục Tôma Huỳnh Bửu Dư (thay cha Giuse Têrêsa từ ngày 20.11.2021).
Phục vụ cộng đồng giáo dân Phanxicô Xaviê, có sự hiện diện và đóng góp tích cực của các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres.
Số giáo dân hiện nay khoảng 3.000 người. Cùng với 2 Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Hoa và Việt, còn có 22 đoàn thể, chia nhau đảm nhận các sinh hoạt của giáo xứ, từ việc phụng vụ, giảng dạy giáo lý, truyền giáo và tái truyền giáo, bác ái xã hội và từ thiện...
Phụng vụ
Thánh lễ ngày thường: 5g30 (Việt), 17g30 (Hoa)
Thánh lễ Chúa nhật:
- Thứ Bảy: 18g30 (Việt), 19g30 (Hoa)
- Chúa Nhật: 5g30 (Việt), 7g (Hoa), 8g30 (Việt), 16g (Việt), 17g30 (Hoa)
Chầu Mình Thánh Chúa: 14g30 mỗi Chúa Nhật (Việt + Hoa)
Giáo lý
Giáo xứ có 15 lớp giáo lý cho thanh thiếu niên, 4 lớp giáo lý dự tòng, 1 lớp giáo lý dự bị hôn nhân (dành cho các học viên đến từ nhiều giáo xứ, với ban giảng huấn gồm các linh mục và chuyên viên các ngành đến giúp).
Các lớp Khai tâm, Rước lễ vỡ lòng, Thêm sức, Bao đồng, Vào đời, Kinh Thánh... học vào ngày Chúa nhật: tiếng Hoa 8g30-11g; tiếng Việt 14g-16g.
Giáo lý Dự tòng:
Tiếng Hoa : 09g00-10g00 thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần
Tiếng Việt : 18g00-19g00 thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần
Tiếng Việt : 19g30-20g30 thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần.
Giáo lý Hôn nhân:
Tiếng Hoa : 19g00-20g00 thứ Ba, Năm hằng tuần
Tiếng Việt : 19g30-20g30 thứ Ba, Năm hằng tuần.
Bác ái từ thiện
Từ năm 1994, giáo xứ thành lập nhóm từ thiện Vinh Sang, chuyên lo việc xã hội, đặc biệt cứu trợ hằng tháng cho những gia đình neo đơn
Từ năm 1995, với sự giúp đỡ của Sr Elisabeth Trần Thị Quỳnh Giao - dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, giáo xứ thành lập phòng khám bệnh phát thuốc từ thiện: Phòng Khám Nhân Đạo cơ sở 3, thuộc Hội Chữ Thập Đỏ Quận 5.
Năm 1999, thành lập thêm Tổ Chẩn Trị Y Học dân tộc.
Hằng năm, Giáo xứ tham gia nhiều công tác xã hội như: Hỗ trợ Hội Chử Thập Đỏ P14 - Q5 giúp người ngèo vui Xuân, chăm lo đời sống..., ủng hộ các phong trào và quỹ hoạt động của MTTQ- P14-Q5, hưởng ứng các tuần lễ từ thiện, cứu trợ đồng bào các tỉnh bị thiên tai, lũ lụt...
Trong thời dịch bệnh Covid
Trong mùa dịch Covid vừa qua, từ ngày 1.5.2021 đến 15.7.2021, cứ mỗi tháng 2 lần, Giáo xứ Phanxicô Xaviê đã cùng các nữ tu Dòng Thánh Phaolô tổ chức gửi quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn quận 5, mỗi lần 110 phần quà (gồm 5kg gạo, 1 chai nước tương, 1 chai nước mắm, 1 chai dầu ăn, bột nêm và kèm theo 100.000đ/người). Tổng cộng 530 phần quà trị giá 159 triệu đồng.
Ngoài ra Giáo xứ còn tổ chức bếp ăn nghĩa tình mỗi ngày 700 suất cơm phục vụ trưa và chiều cho các đối tượng là các hộ khó khăn trên địa bàn 14 phường, và cho lực lượng tuyến đầu tại bệnh viện quận 5, cho đội ngũ trực chốt tại các điểm phong tỏa, cho đội tình nguyện viên quận 5...; thời gian từ ngày 19/07/2021 đến nay đã phục vụ khoảng 53.000 suất cơm.
LỜI KẾT
Nhìn chung, mọi sinh hoạt của Giáo xứ đều có sự tham dự hài hòa của cả giáo dân người Hoa và người Việt. Giáo xứ thực sự là một cộng đồng sống và yêu thương nhau, chuyên cân cầu nguyện, sốt sắng trong phụng vụ, tích cực hòa mình vào nhịp sống của xã hội qua những việc từ thiện bác ái, phục vụ đồng bào, đồng đạo cả về tinh thần lẫn vật chất. Giáo xứ rất tự hào vê tinh thần đoàn kết của hai dân tộc Việt Hoa tại đây.
Giuse Phạm Văn Hân K1 (TGPSG)
Tham khảo:
- Peter Nguyễn Tam Thành: Lược sử Giáo xứ Phanxicô Xaviê;
- Lời kể của Lm. Tôma Huỳnh Bửu Dư và một số giáo dân Gx. Phanxicô Xaviê.
Xem thêm: Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê.