Giáo xứ Thị Nghè 2022

Giáo xứ Thị Nghè 2022

Giáo xứ Thị Nghè 2022

TGPSG – Khi cơn đại dịch hoành hành dữ dội, ngoài thực phẩm giúp cho những người khó khăn, cha sở còn lo thuốc men cho người mắc vi-rút và cả quan tài cho những ai qua đời...

Trên mặt tiền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh gần cầu Thị Nghè, có một ngôi thánh đường rất thuận tiện cho tín hữu khắp nơi đến tham dự Thánh lễ. Đó là Nhà thờ Thị Nghè, đã được thành lập trên 200 năm, từ năm 1790.

Giáo xứ Thị Nghè thuộc hạt Gia Định. Nhà thờ tọa lạc tại số 22B Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 19, quận Bình Thạnh. Số điện thoại: (028) 35.144.770

Phương châm của Giáo xứ Thị Nghè là Hiệp nhất - Yêu thương - Đồng trách nhiệm.

Bổn mạng Giáo xứ là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (lễ kính ngày 8-12). Tổng số tín hữu khoảng 5000 người (không kể di dân Công giáo). Vì TN ở trên ‘Con đường thiên lý’ nền Chúa nhật có 8 Thánh lễ mà người tới tham dự khá đông, có lúc tràn ra ngoài.

  1. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Trước 1970, truyền giáo ở Sài Gòn đã tiến triển, các cơ sở tôn giáo do các thừa sai Dòng Phanxicô phụ trách. Giáo xứ đầu tiên là Gx Chợ Quán. Thị Nghè là họ nhỏ của Gx Chợ Quán do các linh mục tới chăm sóc. Sau thời kỳ các linh mục làm việc truyền giáo, Thị Nghè là vùng đất rộng lớn, là giáo xứ mẹ của các giáo xứ: Gia Định, Hàng Sanh, Thanh Đa, Mông Triệu, Hiển Linh, Thánh Nguyễn Duy Khang…

Lịch sử còn ghi lại trong tập tư liệu SG-GĐ năm 1799 Thị Nghè đã có nhà thờ: “Ngôi nhà thờ đầu tiên được xây cất bằng cây ván thô sơ nằm trên cuộc đất rộng lớn trên 3000 thước vuông. Hai bên cạnh nhà thờ có hai dãy trường học Phước An.”

Lịch sử giáo hội Việt Nam cũng ghi nhận: “Nơi đây đã ghi dấu chân Đức Cha Bá Đa Lộc, các thừa sai truyền giáo. Dưới triều cấm cách nghiệt ngã của Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, giáo dân Thị Nghè hết lòng che dấu cho hàng giáo phẩm, giáo sĩ tránh khỏi sự bắt bớ của vua quan và đây cũng là nơi lưu lại dấu chân của những nhân vật lịch sử: Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, Thánh Phêrô Đoàn Công Quý, Thánh Phaolô Lê Văn Lộc”.

Liên quan tới các vị tử đạo: Thánh Phaolô Lê Văn Lộc: chịu chức Lm năm 1857 bởi Đức cha Lefèbvre Giám đốc Chủng viện Thị Nghè. Trong thời bị bách hại, ngài phải di chuyển khắp nơi. Năm 1859 ngài bị bắt và tử đạo ở góc đường Hai Bà Trưng-Nguyễn Thị Minh Khai (Trường Thi). Thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quý. Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, trùm họ ở Quy Nhơn bị bắt đày vào miền Nam gặp Đức cha Lefèbvre tại Thị Nghè.

  1. CÁC VỊ MỤC TỬ PHỤC VỤ GIÁO XỨ

Ngoài những vị thừa sai đã thành Giám mục, những linh mục chính thức từ 1854 tới nay là đã 13 đời cha sở.

Đầu tiên là Lm Antôn Triêm. Rồi tới Lm Delpech (hai lần): ngài có công trạng lớn trong việc phát triển Họ Thị Nghè, xây dựng nhà thờ kiên cố cho họ đạo. Trong Thế chiến thứ II, năm 1945, nhà thờ bị bỏ bom sập, phải làm lễ trên đống đổ nát và trường học trong 7 năm.

Công trình nhà thờ mới do Lm Phaolô Tịnh xây dựng khánh thành năm 1953, chỉ có nhà thờ chưa có tháp chuông.

Cha sở Phanxicô Xaviê Khương từ 1956, qua đời năm 1966.

Năm 1968, Lm Phanxicô Xaviê Thăm tiếp tục xây tháp chuông.

Nhà thờ được củng cố cho tới thời cha Đôminicô Võ Văn Tân.


Lm. Đôminicô Võ Văn Tân

Cha Phêrô Nguyễn Công Danh tiếp tục sơn sửa. Trong 22 năm phục vụ họ đạo, cha Phêrô Danh đã trùng tu nhà thờ hai lần.


Lm. Phêrô Nguyễn Công Danh

Từ tháng 8 năm 2013, Lm Phêrô Nguyễn Thanh Tùng về làm cha sở Thị Nghè. Ngài rất năng động và nhiệt thành trong công việc mục vụ. Về nhận nhiệm sở không bao lâu, trước tình hình nhà thờ nhiều nơi bị xuống cấp, ngài đã họp với Hội đồng Mục vụ Giáo xứ để lên chương trình tổng đại tu nhà thờ. Sau hai tháng trùng tu Nhà Chờ Phục Sinh, năm 2014 bắt đầu công trình trùng tu nhà thờ. Cộng đoàn dân Chúa đã cùng chung tay với quý cha nhà xứ từng bước hoàn thành việc chỉnh trang các công trình: Hội trường, Nhà Chầu Thánh Thể, dời núi Đức Mẹ, xây đài Thánh Tâm, đài Thánh Giuse, các phòng học giáo lý, Nhà chờ phục sinh, sân nhà thờ, và ngôi Thánh đường khang trang. Thánh đường đã được Thánh hiến và dâng Thánh lễ tạ ơn vào ngày 01.01.2016.

Hiện nay, Thư quán đã được sửa sang lại và dời ra gần đài Thánh Giuse. Nhà chờ phục sinh cũng đã được sửa tầng trên để đảm bảo đủ chỗ đặt tro cốt các tín hữu qua đời trong khoảng 30 - 40 năm tới.

  1. CƠ CẤU GIÁO XỨ

Họ đạo chia thành 5 Giáo khu. Mỗi Giáo khu có Ban Điều hành gồm 5 người.

Có nhiều Ban Ngành Đoàn thể cộng tác trong công việc chung. Ngoài 7 vị trong Ban Thường vụ, giáo xứ có 10 Ban Chuyên trách, 7 ca đoàn, các Nhóm đoàn thể trẻ, Nhóm cầu nguyện, Nhóm Legio và Giáo chức

Họ Thị Nghè đã hơn 230 năm nên có nhiều truyền thống đạo đức: Đọc kinh trước và sau Thánh lễ, đọc kinh tại gia đình. Vào các tháng Ba, tháng Năm, tháng Sáu, tháng Mười, các giáo khu tổ chức rước các tượng Thánh Giuse, tượng Đức Mẹ và tượng Thánh Tâm về các gia đình để các đoàn thể tới đọc.

Các Hội Dòng cộng tác với giáo xứ gồm các thầy Dòng Don Bosco, và các nữ tu thuộc các Dòng: Phaolô, Tiểu Muội, Mến Thánh Giá Thủ Đức, Đức Bà Truyền Giáo.

  1. LỊCH SINH HOẠT

1. Giờ lễ

Chúa nhật:

Sáng: 5g00, 6g30, 8g00; 9g30

Chiều: 15g00, 16g30, 18g00 và 19g30

Ngày thường: 5g00, 15g00, 18g00

Giờ Chầu Thánh Thể: 18:00 Thứ Sáu đầu tháng

2. Giờ học Giáo lý thiếu nhi: Sau lễ 8g00 sáng Chúa nhật và sau lễ 18g00 chiều thứ Năm

Hàng năm, cứ 6 tháng một lần, giáo xứ mở hai khóa Giáo lý Dự tòng và Giáo lý Hôn nhân.

Rửa tội cho trẻ em vào 9 giờ sáng các Chúa nhật đầu tháng.

  1. HOA TRÁI ƠN GỌI

Theo truyền thống đạo đức từ xưa tới nay, có nhiều linh mục tu sĩ của họ đạo phục vụ cho Giáo Hội. Trên danh sách linh mục hiện nay có trên 30 vị, trong đó có Đức cha Anrê Nguyễn Văn Nam, Đức cha Giuse Võ Đức Minh. Các tu sĩ hiện tại có khoảng 40 vị phục vụ trong các hội dòng.

Cha sở Phêrô rất quan tâm đến việc tìm kiếm và ươm mầm ơn gọi nên đã thành lập Nhóm ơn gọi từ năm 2014. Nhóm ơn gọi liên kết với Ban Lễ sinh. Hiện nay có một chủng sinh đang tu học Đại chủng viện Thánh Giuse Saigon. Còn một số em quan tâm: hai đã làm hồ sơ đăng ký vào Nhóm ơn gọi. Những em ghi tên tìm hiểu ơn gọi được vào sống trong nhà xứ để tiếp cận với môi trường mục vụ, để nuôi dưỡng ơn gọi.

  1. BÁC ÁI

Về công việc bác ái, trước đây Gx không có Ban Caritas. Cha sở Phêrô thành lập Ban Caritas năm 2014, hoạt động càng ngày càng tốt. Lúc đầu phát nhu yếu phẩm, tới nay lo phát triển đời sống, không phát con cá mà cho họ cần câu, những hoàn cảnh đặc biệt vẫn được trợ giúp. Định hướng đào tạo con người, xã hội qua những cơ sở xây dựng phát triển tôn giáo.

Cha sở lựa chọn những vùng cao nguyên, miền Tây, vùng dân tộc, những nơi thiếu thốn. Hằng năm, giáo xứ liên hệ một, hai nơi để chung tay xây dựng một nhà nguyện bán kiên cố, nhất là cho các anh chị em Dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Những công tác này nhờ qua các cha và các nữ tu phục vụ tại địa phương. Các nhu cầu hoạt động bác ái theo từng chu kỳ với kinh phí được chuẩn bị trước cho việc xây dựng phòng học giáo lý, nhà nguyện, được báo cáo trước để Ban Caritas chuẩn bị: 4 năm được một nhà nguyện qua trung gian các Dòng. Ngoài sự đóng góp của những người hảo tâm, Ban Caritas phụ trách Thư quán và gom ve chai hằng tuần (trước đó lo xây nhà thờ), với ý thức trân trọng tất cả đóng góp ít nhiều của mọi người, không kể giàu nghèo. Giáo khu và các đoàn thể cộng tác gom lại, Gx có quỹ để làm bác ái.

Trong bốn tháng giãn cách vì đại dịch COVID-19, các cha nhà xứ, các nữ tu cùng các thiện nguyện viên đã cộng tác với Ban Caritas giúp cứu trợ về lương thực, nhu yếu phẩm và rau củ quả tới các giáo khu, các Phường và Mặt trận cùng các người dân trong vùng cách ly. Cha sở Phêrô đi dạy học nhiều trường và trợ giúp khắp nơi, nên khi Sài Gòn ‘đau nặng’, hằng ngày đều có nhu yếu phẩm và rau củ quả từ khắp nơi luân phiên chở về hỗ trợ. Có những nơi không chuyên chở được, cha sở và tài xế phải tới tận nơi nhận về, nên phải chịu xét nghiệm liên miên ở các chốt chặn và ở từng vùng phải đến. Ngoài thực phẩm, cha sở còn lo thuốc men cho người mắc vi-rút và cả quan tài cho những ai qua đời.

  1. HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI

Về vấn đề đào tạo Giáo lý: Cha sở Phêrô rất quan tâm đến việc dạy giáo lý và nhân bản cho các thiếu nhi vì, giới trẻ là tương lai của Giáo Hội và xã hội. Giáo xứ không có các đoàn thể khác thì không sao, nhưng không thể không có GLV. Những lớp giáo lý thiếu nhi và dự dòng được củng cố để xây dựng nền tảng đức tin cho Giáo Hội ngay tại môi trường giáo xứ.

Cha sở Phêrô cho rằng GLV cần được cập nhật và đổi mới cả tinh thần và phương pháp hướng dẫn và thiếu nhi cần có môi trường tốt để sinh hoạt. Phòng ốc, phương tiện... Ngài đã trang bị bàn ghế, TV, đủ các phương tiện. Giáo lý thiếu nhi cần củng cố đội ngũ, kiến thức, đời sống đạo đức, gương sáng, không chỉ dạy lý thuyết. Các GLV được đào tạo và học hỏi từ môi trường giáo xứ, các lớp, và tổ chức các chuyên đề. Năm qua, một Frère Lasan đã tới Gx hai tuần mỗi tháng, có chủ đề cập nhật. Ngoài giáo xứ, những GLV chưa qua trường lớp đào tạo, buổi sáng tham gia sinh hoạt, buổi chiều theo học chương trình đào tạo GLV từ Cấp 1 tới Cấp 3 tại Trung tâm Mục vụ Sài Gòn.

Một Hội trường mới đã được làm cho lớp Dự tòng và Hôn nhân (chứa được 150 người). Tới nhà thờ học giáo lý phần lớn là anh chị em di dân, trên 100 người chỉ có 10 người thuộc giáo xứ. Lớp Dự tòng được nhiều anh chị em kỳ cựu, các nữ tu, các chuyên viên, bác sĩ, các nhà tâm lý, giúp hướng dẫn, trình bày, chia sẻ phong phú về nhiều lãnh vực.

Trong quá trình đào tạo nhắm đến việc các anh chị không chỉ học để kết hôn mà còn để ý thức sống ơn gọi Kitô hữu, nên thánh và làm chứng tá. Sau khi kết thúc, các anh chị vẫn giữ liên lạc để chia sẻ kinh nghiệm sống và tạo mối liên hệ hiệp hành. Giáo xứ cũng mời gọi các anh chị giáo lý dự tòng tham gia các hoạt động tông đồ: Hoạt cảnh Giáng Sinh, các ca đoàn, theo Caritas tổ chức một quỹ đi bác ái, từ thiện. Sau khi lãnh Bí tích gia nhập Kitô giáo, các anh chị tiếp tục tham gia các đoàn thể, ca đoàn. Có anh chị võ sư mở lớp dạy Vovinam mỗi tuần 3 buổi. Lớp Dự tòng Hôn nhân rất cần thiết và hữu ích, nên giáo xứ nhắm định hướng lâu dài để phát triển Giáo Hội, trong vai trò Kitô hữu, và có khi, chính anh chị em tân tòng lôi kéo người có đạo.

Sau khi củng cố cơ sở vật chất, giáo xứ nhắm đến việc xây dựng ngôi đền thờ thiêng liêng với việc phát triển đời sống đạo đức, các sinh hoạt mục vụ, lo đào tạo lớp nhân sự trẻ kế thừa, củng cố và thành lập các Ban chuyên trách để phục vụ cách tích cực. Vì mang tên gọi Gx Thị Nghè, người làm việc phần nhiều là phụ nữ, nên để quân bình cần có sự cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa. Trong nhiệm kỳ 2018-2022 và 2022-2025, cha sở đã tìm kiếm người trẻ tham gia cộng tác với tinh thần đồng trách nhiệm, để mọi người ý thức duy trì đời sống lâu dài của giáo xứ.

  1. LỜI KẾT

Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm, bổn mạng của Giáo xứ, thương gìn giữ, phù hộ, che chở cho cộng đoàn Dân Chúa Họ Thị Nghè luôn giữ vững phương châm Hiệp nhất - Yêu thương - Đồng trách nhiệm, để làm chứng cho mầu nhiệm hiệp nhất, yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi và góp phần rao giảng, làm chứng cho Tin Mừng và họ đạo mỗi ngày một thăng tiến và phát triển trong tình yêu Chúa.

Tóc Ngắn (TGPSG)

Xem thêm: Giáo xứ Thị Nghè

Top