Lễ Thánh Têrêsa: Có ai về Cát Minh?

Lễ Thánh Têrêsa: Có ai về Cát Minh?

Hành hương Cát Minh

WGPSG -- Hàng năm, cứ đến dịp lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Đan viện Cát Minh Sài Gòn lại trở thành điểm hành hương rất thánh thiện của những người, sùng kính vị Nữ Thánh Tiến Sĩ rất dễ thương này, đến đây để cầu nguyện và tham dự Thánh lễ.

Năm nay, ngày 1.10.2009, tại Đan viện đã có 5 Thánh lễ được cử hành:
- lúc 05:00 do lm. Phaolô Nguyễn Phong Phú
- lúc 06:30 do ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm (nghe Audio Bài Giảng)
- lúc 08:00 do lm. Felix Nguyễn Văn Thiện
- lúc 14:30 do lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
- lúc 17:00 do lm. Tổng Đại diện GB. Huỳnh Công Minh

Ngày lễ Mẹ Thánh Têrêsa Chúa Giêsu (thành Avila) hàng năm cũng đón nhận một số lượng lớn các khách hành hương đến dự lễ tại Đan viện Cát Minh Sài Gòn. Năm nay chương trình các Thánh lễ được cử hành vào ngày 15.10.2009 kính Mẹ Thánh Tiến Sĩ Avila như sau:
- lúc 05:00 do lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng
- lúc 06:30 do lm. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ
- lúc 09:00 do lm. Felix Nguyễn Văn Thiện
- lúc 17:00 do ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Hình thành Đan viện Cát Minh Sài Gòn

Cách đây 148 năm, bốn nữ tu sĩ Cát Minh đã rời Lisieux để đi Việt Nam. Các nữ tu này thuộc Nhà Kín Lisieux, nơi được chính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-1897) sau này (27 năm sau) sẽ đến gửi thân tu luyện (1888-1897). Khởi hành từ ngày 1.7.1861, và sau hành trình ba tháng trên biển, vào ngày 9.10.1861, họ đã cập bến Sài Gòn. Họ đến thiết lập tu viện Cát Minh đầu tiên ở vùng Viễn Đông, hay đúng hơn, lập tu viện Cát Minh đầu tiên của các xứ Truyền giáo.

Vào năm đó, cuộc bách hại đạo Công giáo của vua Tự Đức, tuy đã giảm bớt nhiệt độ, nhưng cũng đặc biệt ghi dấu cuộc tử đạo của Thánh Théophane Vénard bị chém đầu vào tháng 2 năm 1861.

Trong một bối cảnh như thế, vào những ngày đầu tiên đến Sài Gòn, bốn vị nữ tu này đến ở một khu nhà, một nửa thuộc về Dòng Saint Paul, và một nửa thuộc về các nữ tu Cát Minh.

Vào ngày 25.6.1862, họ di chuyển qua khu đất mới để xây dựng Đan viện Cát Minh Sài Gòn, một kiến trúc tồn tại cho đến ngày nay. Vào cuối năm ấy, cha Wibeaux cũng xây Chủng viện Sài-Gòn, đối diện với Đan viện Cát Minh. Việc xây dựng đan viện được tiến hành dần dần. Vào năm 1868, một khu nhà được làm phép thánh hiến. Ngày 9.12.1876: thánh hiến Nhà nguyện, khi việc xây dựng Đan viện tương đối hoàn tất. Đó cũng là lúc Thánh Têrêsa Hài Đồng được 3 tuổi. Mười hai năm sau, Thánh nhân vào nhà Dòng ở Lisieux, và Ngài thường xuyên ước ao đến sống tại Đan viện Cát Minh Sài Gòn để thoả mãn khát vọng đi truyền giáo của mình.

Năm 1895, hai năm trước khi Thánh Têrêsa Hài Đồng qua đời, các nữ tu Cát Minh Sài Gòn đã đi Hà Nội để xây dựng một Đan viện mới tại thành phố miền Bắc này. Khi ấy chị em ở Lisieux đã khuyên Têrêsa nên sang Bắc Việt, nhờ khí hậu tốt ở đây hy vọng sức khoẻ sẽ khả quan hơn. Dầu sao, Têrêsa vẫn quyến luyến với Sài Gòn, và chị em ở đây cũng ước ao được tiếp đón Têrêsa. Gần một tháng trước ngày Têrêsa lìa trần, chị Céline của Têrêsa nói: “Họ còn chờ em ở Sài Gòn!” Têrêsa trả lời: “Em sẽ đi, ít lâu nữa em sẽ đi!” Vâng, chỉ một ít lâu sau, Têrêsa đã đi bằng con đường của Thiên đàng đến Sài Gòn để làm rơi những trận "mưa hoa hồng" xuống nơi đây…

Có ai về Cát Minh

Ngày 1.10, đến Đan viện Cát Minh để chiêm ngưỡng tình yêu mà Thánh Nữ Tiến sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã dành trọn cho Chúa, chợt nhớ đến bốn câu thơ của linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự:

Đứng lên về Cát Minh
Bước chung đoạn đường tình.
Trăng cả một thuyền đầy
Chợt trút hết, theo Thầy.

Nhiều thiếu nữ đã tìm đến Cát Minh Sài Gòn, trút áo lụa trần ai, khoác lấy tu phục mầu nâu sồng, chôn thân cả đời chốn này. Họ làm gì bên trong những bức tường cao ngất và kín mít? Hãy tóm tắt bản văn của ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình viết về họ trong cuốn “Carmel de Saigon 1861-1961”:

 -   Đây, một cuộc sống khổ hạnh, hệ tại nội cấm nghiêm ngặt bên ngoài và những hy sinh bên trong, tự ý vâng phục ý Chúa trong hết mọi sự: giữ luật và vâng lời tuyệt đối.  
-    Mục đích chính là chiếm hữu Chúa nhờ đời chiêm niệm.  
-    Một đặc điểm bất ngờ của Dòng Kín là niềm vui. Thánh Têrêsa căn dặn: “Hãy trả về thế gian những tập sinh nào không thoát khỏi tâm trạng u buồn sầu thảm!” Những ngày lễ nghỉ, Dòng Kín luôn tổ chức cho chị em những cuộc vui giải trí hát ca.  
-    Nhưng quan trọng nhất vẫn là niềm vui thường hằng vì được thưởng thức tình yêu Thiên Chúa chiếm hữu mình trong đời cầu nguyện:
 
o   Thánh lễ, Giờ Kinh Phụng Vụ, nguyện ngắm, kết hiệp với Chúa trong bình an sâu lắng giữa mọi công việc thường ngày, làm cho cuộc sống được sung mãn tình yêu và ắp đầy sự hiện diện của Thiên Chúa.
 
o   Trong tình yêu Chúa, các nữ tu Cát Minh sống ở đây là vì tha nhân, ủ ấp mọi tha nhân trong con tim rộng mở đến vô tận của mình, bằng những lời cầu nguyện rất mãnh liệt và hữu hiệu cho: các linh mục, các người đau khổ bệnh tật về thể xác và tâm linh, những người sống trong bóng tối không đức tin, những người sống hư hỏng, và mọi người. Chính trong thinh lặng nguyện cầu, các nữ tu Cát Minh đang đảm nhận những đau khổ của trần gian. Sống biệt lập với thế gian về thân xác, nhưng các chị em lại theo dõi hết mọi vấn đề thời sự trong mọi lãnh vực tư tưởng, nghệ thuật, tông đồ, xã hội…  
 
Một cuộc sống tuyệt đẹp dưới con mắt đức tin, nhưng chỉ có những người có ơn gọi đặc biệt mới theo đuổi được. Dù sao, có dịp hành hương Đan viện Cát Minh để chiêm ngưỡng cuộc sống thánh thiện tươi vui dễ thương của Thánh Nữ Têrêsa và các chị em Cát Minh cũng là một niềm vui lớn. Do đó, xin kết thúc bằng bốn câu thơ khác của linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự:

Có ai về Cát Minh?
Cho trăng về theo với!
Có ai về Cát Minh?
Thuyền trăng neo bến đợi…

Tham khảo

- Fondation du Carmel Saigon, par le Carmel de Lisieux, Imprimatur: Saigon 1 Septembre 1951 par J. Cassaigne.
- Carmel de Saigon 1861-1961, Clermont-Ferrand, Décembre 1961.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top