Kinh nghiệm sống đời hôn nhân liên tôn giáo

Kinh nghiệm sống đời hôn nhân liên tôn giáo

Tối 13.3.2013, anh chị em học viên khóa Thực hành Đối thoại liên tôn ở Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Tp. HCM, có vẻ bận rộn hơn các buổi học trước… Họ ráo riết chuẩn bị cho buổi gặp gỡ với hai đôi vợ chồng Phật giáo – Công giáo: ông bà Đ.T và anh chị V.P.

Ngay từ giây phút hội kiến đầu tiên, thấy những cử chỉ không lời của họ chăm sóc cho nhau, tôi đoán đời sống hôn nhân của họ hài hòa tốt đẹp. Và quả “đúng như vậy!”: những tâm tư họ chia sẻ qua buổi chuyện trò đã xác nhận suy nghĩ của tôi.

Chia sẻ

* Anh Chị V.P tâm sự: “Cuộc hôn nhân của chúng tôi bắt đầu từ tình yêu. Khi yêu anh ấy, tôi biết anh theo đạo Công giáo, còn tôi theo đạo Phật. Anh ấy có niềm tin vào Thiên Chúa, còn tôi sống theo niềm tin của người Phật tử, điều đó không sao cả. Tôn giáo không là rào cản đối với tình yêu của chúng tôi. Khi tham khảo ý kiến của một chư tăng, tôi đã được khích lệ bước vào đời sống gia đình với người yêu khác niềm tin với mình. Và thật may mắn cho chúng tôi, là cả gia đình hai bên cũng không xem cuộc hôn nhân “khác đạo” là một trở ngại.

Chúng tôi đã sống với nhau 23 năm, tôi giữ đạo của mình, vợ tôi giữ đạo của cô ấy. Ban đầu, “do” yêu nên có 100 chỗ lệch cũng kê cho bằng. Giai đoạn giữa, để đối phó với tình trạng “gần chùa gọi bụt bằng anh” chúng tôi cố gắng sống hòa thuận. Đâu là phương thế thực hiện? - Tôi thì qua sách Tin Mừng, các bài giảng tại nhà thờ, những bài học tại các lớp học. Còn vợ tôi thì qua kinh sách, qua các giờ tụng niệm, hành thiền…

Rồi đến khi có con, thì vấn đề giáo dục con được đặt ra. Quan điểm của tôi về giáo dục chủ yếu là bằng tình thương và làm gương. Vì thế, trước hết cần tránh việc nói một đàng mà làm một nẻo. Nguyên tắc dạy con là “LÀM GƯƠNG”. Kế đến, cả hai vợ chồng cùng cố gắng hoàn thiện chính mình để giáo dục con cái. Năm nay con chúng tôi 17 tuổi, cháu rất ngoan. Giai đoạn hiện tại, mỗi người chúng tôi cũng đang cố gắng hoàn thiện niềm tin của mình.

Cuộc sống vợ chồng chúng tôi được như ngày hôm nay, là do cả hai đều Hiền và Tôn trọng nhau. Chúng tôi không bao giờ tranh luận vấn đề đạo trong gia đình; không xem thường hay chỉ trích đạo người kia. Có lẽ nhờ đó nên không có xung đột trong gia đình. Chúng tôi quan niệm rằng tôn giáo là phương tiện giúp bản thân, gia đình và xã hội rèn luyện con người nên tốt hơn. Luân lý tôn giáo hướng tín đồ đến điều tốt lành và thiện hảo. Đó là cơ bản thì có nhiều điều trùng hợp”.

* Còn ông bà Đ.T thì đã sống đời hôn nhân trên 30 năm. Ông cho rằng đạo là phương tiện và biểu hiện ở bên ngoài. Tuy chúng tôi khác đạo nhưng chung một niềm tin. Và niềm tin thì bao la và tác động đến từng tâm hồn con người. Mỗi người, mỗi ngày hãy làm sao sống và khuếch trương niềm tin, qua việc nghĩ đến người khác.

Trong suốt bao nhiêu năm, chúng tôi luôn gắn bó với nhau: đi đâu làm gì, cũng có nhau. Khi tôi đi chùa, bà cũng đi theo. Lúc bà đi lễ nhà thờ hay đi sinh hoạt ca đoàn, hội nhóm, tôi cũng chở đi và tham gia luôn. Tôi là con trai trưởng, nên có bổn phận lo giỗ kỵ cúng quảy, và bà đều cùng tôi tổ chức và làm tròn trách nhiệm đối với gia đình chồng.

Khi nghe giảng trong Thánh lễ, điều quan trọng là cần phải THỰC HÀNH. Có khi chỉ một điều, chẳng hạn như chữ NHẪN trong đức mến, mà thực hành trong nhiều năm cũng chưa đạt; đang khi một số người Công giáo dự lễ thường xuyên, nhưng còn “chấp” lời nói, hành động… Trong đời sống có nhiều điều để học, kể cả từ những thất bại, của mình hay của người khác.

* * *

Và tôi đã thật cảm kích khi nghe ông nói: “Hôm nay vợ chồng tôi được như vậy là nhờ ơn trên, ÂN TÌNH NÀY KHÔNG THỂ BÙ ĐẮP”. Không biết các bạn khác thì sao, phần tôi, khi nghe hai gia đình liên tôn này nói chuyện đến đây, tôi thấy vui lắm… Thật ra, trong thành phố này có rất nhiều gia đình, người vợ người chồng khác tôn giáo… họ sống có hài hòa được như vậy không? Có sống điều cốt lõi của Đạo? Đối với tín đồ, khi yêu, đâu có ai hoàn toàn lựa chọn người mình yêu! “Duyên” đưa đến, “lỡ” yêu rồi, thì cố gắng thu xếp cách nào cho ổn thỏa để hợp đạo đẹp đời? Phải chăng là NHỜ TÌNH YÊU ĐÍCH THẬT của hai bên, mà họ có thể vượt qua các "chướng ngại".

Giải đáp thắc mắc

Đến phần trao đổi với các tham dự viên, bầu không khí trở nên sôi động hơn.

* Một câu hỏi được đặt ra: “Hai anh chị là thế hệ thứ nhất, sống đời hôn nhân liên tôn hài hòa, vậy ở thế hệ hai, liệu sự hài hòa đó có thể được chuyển tiếp? Và việc “đối thoại liên tôn" nội tại của thế hệ thứ hai như thế nào?

- Anh chị V.P nói: khi yêu nhau, chúng con đã thỏa thuận, con của chúng con sẽ được chịu bí tích Thánh tẩy. Bây giờ mẹ đi chùa, cháu cũng đến chùa. Ba đi lễ cháu cũng theo đến nhà thờ. Đợi đến khi cháu 18 tuổi, cháu có quyền quyết định đi theo đạo nào cháu ưng...

* “Nhưng nếu cháu không muốn theo đạo ba, hay đạo mẹ, mà chọn lối sống “vô thần” thì sao?” Câu hỏi của một học viên trẻ gây ngạc nhiên cho không ít người trong buổi gặp gỡ liên tôn.

Tôi thầm nghĩ: Vâng! Có thể lắm chứ! Vì môi trường sống trong xã hội hôm nay chịu ảnh hưởng không nhỏ của chủ trương vô thần, chủ nghĩa hưởng thụ, và những yếu tố thế tục không mang tính chất tôn giáo…

Ông T - “vị già làng” giàu kinh nghiệm cả đời lẫn đạo - đã nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, trả lời:

- “Nếu có kết quả như vậy là do cha mẹ không làm gương!”

Câu trả lời thật hay, đơn giản và xác đáng! Người nhạc sỹ và thầy giáo dạy đàn này nói như một vị bác sỹ lâu năm: bắt mạch, chẩn đoán và kê toa thuốc thật chính xác! Tuyệt vời thiệt!

Cách giáo dục bằng gương sống này đã được thực hành từ lâu đời trong dân gian và bàng bạc trong các trang Kinh thánh hay kinh sách của các truyền thống tôn giáo. LÀM GƯƠNG! LÀM GƯƠNG! Thật vậy, muốn con cháu thế hệ sau sống tốt và để người người trong xã hội được hạnh phúc, mọi người hãy sống VÌ NGƯỜI KHÁC.

… Đến lượt người Phật tử thắc mắc: “chị xin hỏi các em trẻ, nếu lỡ các em yêu một người khác đạo, các em tính sao?” Vài nữ học viên đã đưa ra những giải đáp cá nhân thực chân thành…

* * *

Cảm nhận

Thật thú vị và ý nghĩa khi được tham dự buổi mạn đàm về đời sống hôn nhân khác đạo hôm nay. Xin cảm ơn quý đạo hữu đã chân thành chia sẻ những trải nghiệm quý báu như những chứng từ của tình yêu. Cảm nghiệm và cung cách sống đời gia đình của ông bà và anh chị đã củng cố trong tôi niềm xác tín, đồng thời nhóm lên những tia hy vọng.

Tôi như chạm được chất “đạo” nơi cả hai gia đình Phật tử-Kitô hữu này: đạo làm người, đạo Hiếu, đạo vợ chồng được gắn kết với niềm tin vào Thiên Chúa hay vào Đức Phật.

Lý tưởng sống theo Đức Giêsu Kitô hay giáo huấn của Đức Phật (Phật pháp), khi được thực hành cách thường xuyên và triệt để, đều có thể đưa vợ chồng xích lại gần nhau trong tình yêu và lòng tôn trọng, đồng thời xây dựng nền tảng cho việc giáo dục con cái nên người.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top