Hội Thảo hè 2017 dành cho các nữ tu chuyên về thần học (1)
WGPSG -- “Tiếng họ đã vang dội khắp hoàn cầu” ( Tv 19, 5) là câu Thánh vịnh được ban tổ chức dùng làm chủ đề khóa hội thảo hè 2017 dành cho nữ tu chuyên về Thần học. Khóa hội thảo đã khai mạc lúc 8g00 ngày 11.08.2017 tại trụ sở Dòng Tên: số 19 Đường số 5, Khu phố 2, P. Linh Trung, Q. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh với 40 tham dự viên đến từ 18 đơn vị gồm 15 Dòng nữ, 1 Dòng nam, 1 Tu đoàn nữ và 1 Tu hội nữ trong cả nước.
Khóa Hội thảo do Chương trình “Thăng tiến Phụ nữ về trí thức” (Women Wisdom and Action Initiatives) của Trường Thần Học Dòng Tên tại Berkeley thuộc Đại Học Santa Clara, California, Hoa kỳ tổ chức được điều hành do Nữ tu Julia D.E. Prinz, V.D.M.F., Ph.D - Giáo sư Thần học Hệ thống và Linh đạo Kitô giáo, Đặc trách Chương trình “Thăng tiến Phụ nữ về tri thức” phối hợp với Văn Phòng Ủy ban Tu sĩ trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam do Cha Tôma Vũ Quang Trung, S.J, Thư ký của Ủy Ban kiêm Đặc trách Tu sĩ TGP Sài Gòn cộng tác tổ chức. Các thuyết trình viên gồm có Nữ tu Julia D.E. Prinz, V.D.M.F., Ph.D, Cha Antôn Hưng Phạm, S.J., S.T.D - Giáo sư Linh đạo I-nhã và Cả hai vị đều đang giảng dạy tại Trường Thần Học Dòng Tên tại Berkeley, thuộc Đại Học Santa Clara, California, Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có sự tham dự của nữ tu Sophia, Hàn Quốc, Giáo sư Thần Học Tôn Giáo tại Hoa Kỳ. Khóa hội thảo này được Quỹ Conrad Hilton tài trợ nhằm thăng tiến vai trò của các nữ tu trên toàn thế giới.
Các tham dự viên gồm các nữ tu đã từng đi du học nước ngoài có học vị Thạc sĩ, Cao học và Tiến sĩ về thần học, kinh thánh và các môn học liên quan đến đời sống thánh hiến cùng tham dự. Phục vụ cho khóa hội thảo là các bạn trẻ nhóm Đức Mẹ Guadalupe thuộc Văn Phòng Ủy ban Tu sĩ HĐGMVN cùng với sự cộng tác của một số các bạn trẻ của Hội dòng Truyền giáo Thánh Carôlô Scalabrini.
Khóa hội thảo được bắt đầu bởi lời mời gọi các nữ tu và mọi người cùng chuẩn bị tâm hồn để xin ơn Chúa Thánh Thần cho ngày sinh hoạt đầu tiên của Cha Tôma Vũ Quang Trung, S.J. Sau bài hát xin ơn Chúa Thánh Thần, ngài đã dùng bản văn Kinh Thánh: Bài giảng trên núi – Tám mối phúc (Mt 5,1-12) để đưa các nữ tu và mọi người đang hiện diện đi vào bầu khí linh thánh, trầm lắng của giây phút thánh hóa: “Lạy Chúa, xin cho chúng con được trung thành và can đảm bước theo con đường Chúa đã đi qua trên trần thế. Hôm nay, với hồng ân Chúa ban, chúng con quy tụ nhau nơi đây, để chia sẻ sự khôn ngoan của Chúa qua việc lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần, để chúng con học được sự khôn ngoan Nước Trời khi chúng con đang bước đi trên những nẻo đường trần thế. Thật vậy, chính lúc khám phá ra kho tàng khôn ngoan của tri thức nhân loại qua muôn thế hệ, chúng con khám phá ra sự khôn ngoan của trời cao. Xin ban Thánh Thần hướng dẫn chúng con trong sứ mạng phục vụ mà chúng con được tham dự cùng với Hội Thánh, để sự khôn ngoan của Chúa được tỏa sáng nơi trần gian này ngang qua sự cộng tác của mỗi người chúng con nơi những tài năng, nơi những nén vàng mà Chúa đã kín đáo trao cho mỗi người chúng con, để chúng con có thể sinh lợi cho nước Chúa và sinh hoa kết quả dồi dào, để Chúa mỗi ngày được vinh danh hơn.”
Sau phút cầu nguyện đầu giờ, Cha Tôma Vũ Quang Trung, S.J cám ơn các sơ đã nhận lời mời của Văn phòng Ủy ban Tu sĩ trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam để đến tham dự hau ngày hội thảo. Khóa hội thảo gồm tất cả các nữ tu của các Dòng, các tu đoàn, tu hội, những người được Chúa gọi cách đặc biệt để đi tìm kiếm sự khôn ngoan Nước Trời ngang qua những hiểu biết về sự khôn ngoan của tri thức nhân loại: “Hãy tạ ơn Chúa bởi vì nhờ những dịp gặp gỡ nhau thế này là cơ hội chúng ta được hiểu biết về nhau, được liên kết với nhau chặt chẽ hơn và nhất là chúng ta cùng được Chúa Thánh Thần nối kết nên một trong sứ mạng thăng tiến vai trò người nữ trong Giáo Hội và trong thế giới.”
Tiếp đến, các nữ tu lần lượt giới thiệu về thân thế, tiến trình học tập, học vị và công việc mình đang đảm nhiệm cùng với những mơ ước hướng về tương lai. Nhiệt huyết, tinh thần hăng say dấn thân phục vụ, ước muốn góp phần thăng tiến người nữ và cống hiến cho tương lao của Hội dòng, của Giáo Hội đã làm cho căn phòng nóng bừng lên với niềm vui rộn rã và tràn ngập tiếng cười. Giờ đây, mọi người hiện diện đều cảm nghiệm một luồng sinh khí mới đang thổi vào tâm hồn từng người làm cho ai nấy đều cảm nhận được niềm vui và sự thân thiện chứa chan tình huynh đệ.
Niềm hân hoan đó đã mời gọi các nữ tu tiếp tục tâm sự, gặp gỡ, trao đổi với nhau qua giờ giải lao giữa giờ.
Chương trình được tiếp nối với chủ đề: “Vai trò và tầm quan trọng trong việc đào tạo và suy tư Thần học trong và cho Giáo hội tại Việt Nam, qua sự trình bày rất sâu sắc của nữ tu Sophia. Khởi đầu đề tài, sơ Sophia đã đưa ra một số câu hỏi để mọi người có thêm cái nhìn về đề tài sơ sắp trình bày:
- Làm thế nào để trở thành thần học gia?
- Tại sao phải đào sâu thần học ?
- Thần học là gì ?
- Phương pháp học thần hoc
- Thần học đối với tôi là gì?
- Thần học như bài hát, cung đàn điệu nhạc. Cung đàn điệu nhạc đó với tôi là gì? Tôi học chuyên môn mà nhà dòng đã xác định, và tôi đã học như thế nào?
Sơ chia sẻ về trải nghiệm mình đang sống, cùng với những khó khăn thách đố gặp phải trong bước đầu đi vào tiến trình học Thần học. Sơ đã phải đối diện với những câu hỏi: Nữ tu học Thần học để làm gì? Tại sao lại phải học Thần học mà không học một nghành nghề khác phù hợp hơn vì Thần học là lãnh vực chuyên môn của nam giới ? Sơ nói tiếp, Thần học bắt đầu bằng chính kinh nghiệm sống. Thần học là lắng nghe nghe tiếng Chúa trong tha nhân, trong chính tôi.
Sơ còn chia sẻ cho các nữ tu phương pháp: phá đổ và xây dựng lại.
“Chúng ta cần đập đi những điều thiếu chân thật, làm nguy hại đến đời sống Thánh hiến. Giáo hội cần linh đạo thật thà, không cho phép mình nghi ngờ, phê phán. Mặt khác, xây dựng lại là tìm kiếm một lối đi, là khám phá ra môt điều gì mới hơn, tốt hơn và có chiều sâu hơn.”
Kết luận đề tài với nhiều ý tưởng mới lạ, sơ đã nhấn mạnh đến sự thành thật, nghĩa là mỗi người phải sống sự thật với chính mình trước tiên. Nếu có ai đó giả vờ biết một điều gì đó thì thực ra họ hoàn toàn không biết gì cả. Vì vậy, tại sao lại phải giả vờ? Ngoài ra, chúng ta cần phải đối thoại trong sự thật, vì chỉ có sự thật mới làm cho cuộc sống chúng ta được bình an. Sơ ước mong các nữ tu có điều kiện và thời gian để đào sâu hơn về chuyên môn của mình, để những nén bạc Chúa trao không bị lãng phí và từ đó các sơ có thể có thêm chất liệu để giúp đỡ cho người khác trong Dòng, Giáo hội và xã hội.
Bầu khí trải qua những giây phút lắng đọng để các sơ cảm nghiệm được dòng chảy của Thiên Chúa trong tâm hồn mình qua đề tài mới được nghe. Sau đó, các nữ tu cùng nhau thảo luận nhóm với những câu hỏi rất thiết thực, giúp các nữ tu có thời gian suy nghĩ để tìm ra cách mỗi người có thể phát huy hết mức những nén bạc, nén vàng Chúa trao.
Câu hỏi thảo luận
- Điều gì thúc đẩy tôi dám dấn thân ?
- Đề tài nào đang nóng bỏng nơi tôi ?
- Làm sao diễn tả ra qua nẻo đường của thần học ?
Bầu không khí thảo luận thật sôi nổi, sức sống căng đầy năng lượng làm cho ai nấy đều rạng rỡ nụ cười thật tươi. Sau đó, các nữ tu chia sẻ với nhau bữa cơm trưa huynh đệ trong bầu khí gần gũi, cởi mở và liên kết.
Bài hát “Cầu xin ơn Thánh Thần” đã đưa các nữ tu vào giờ sinh hoạt buổi chiều trong sự trầm lắng với đề tài: “Được biến đổi vì đã yêu mến nhiều” (Lc 7, 36-50) của nữ tu Phạm Phúc, FMA. Sơ mượn bản văn kinh thánh trên để chia sẻ vấn đề mình thao thức: Đâu là người nữ đặc biệt, là người nữ sống đời thánh hiến trong xã hội Việt Nam ?
Sơ mời gọi mọi người hãy nhìn ra nét đẹp của người nữ qua những câu hỏi:
- Tác giả hay người thuật chuyện đã nói gì về người nữ?
- Đâu là ý nghĩa và hành động của người nữ trong bài Tin Mừng?
- Chị tiến vào và đứng đằng sau: đứng đàng sau là vị trí của người đầy tớ, người môn đệ. Chị biểu lộ lòng thao thức theo Chúa, muốn bước theo Chúa Kitô và làm môn đệ của Ngài
- Đừng đàng sau và khóc: có thể chị đã quá đau khổ, bị xã hội ruồng bỏ. Nhưng cũng có khi vì chị quá hạnh phúc vì cảm nghiệm được lòng Chúa thương xót tha thứ tội lỗi cho chị.
- Sau khi khóc, chị lấy nước mắt của mình mà lau chân Chúa Giêsu: Chị là người khách vô duyên, không được mời mà đến nhưng chị đã làm những cử chỉ của lòng hiếu khách thay cho ông Pharisiêu. Chị đã diễn tả thái độ phục vụ và lòng yêu mến từ một tình yêu vĩ đại như Chúa đã làm.
- Dùng tóc mà lau chân Chúa: Theo tập tục Do Thái, xõa tóc là một hành động rất tiêu cực, tội lỗi, như cách thức các cô gái điếm thường làm để khêu gợi, nhưng sách Diễm ca lại ca ngợi mái tóc là nét đẹp của người nữ. Chị đã lấy cái đẹp nhất của người nữ mà phục vụ khi dùng mái tóc đẹp của mình mà lau chân Chúa.
- Hôn chân Chúa không ngừng: Cử chỉ của lòng yêu mến và trân trọng dành cho Chúa, thân mật và gần gũi.
- Xức dầu : Hành vi biểu lộ tình yêu bằng cách trao cho Chúa điều gì quý nhất. Bình dầu thơm lúc đó là quý nhất đối với chị.
Tất cả các cử chỉ này đều diễn ra ở bàn chân. Chân là phần dơ bẩn nhất trong thân thể con người vì nó tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Vậy mà chị đã khiêm tốn phục vụ bằng cách rửa sạch bàn chân Chúa bằng nước mắt, lau bằng mái tóc và trao tặng nụ hôn để xoa dịu nỗi mệt nhọc của Chúa.
- Ông Simon Pharisiêu đã nói thế nào về chị ?
- Chúa Giêsu nói gì với chị ?
Kết thúc đề tài, sơ nhấn mạnh: Chị đã đươc biển đổi bởi cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chị đã chạm tới lòng thương xót bao dung của Chúa. Từ một người tội lỗi nay chị được biến đổi thành một người môn đệ chân chình, cúi mình xuống để phục vụ, lau chân Chúa. Nước mắt của sự đau khổ, của sự mặc cảm vì tội lỗi nay đã biến thành nước mắt của niềm vui và lòng tri ân vì chị cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Chị đã ra đi trong sự bình an và với một tâm hồn hoàn toàn tự do của một người con được Thiên Chúa thứ tha và chúc lành bởi vì « chị đã yêu mến nhiều » (c. 47)
Sau đó, các nữ tu được mời gọi thinh lặng trong 15 phút để cảm nhận những chuyển động của Thiên Chúa trong tâm hồn mình qua hai câu hỏi gợi ý:
- Chiêm ngắm người nữ trên đây, tôi đã học được gì?
- Đâu là chỗ đứng của ngươi nữ, nhất là người nữ sống đời thánh hiến trong Giáo hội và xã hội VN hôm nay ?
Mỗi người mang theo suy tư cá nhân của mình để cùng gặp gỡ chia sẻ cho nhau qua giờ giải lao thân thiện và vui tươi.
Bầu khí hội trường bỗng trở nên vui nhộn, phấn khởi với bài múa tập thể của sơ Sophia, bài múa dí dỏm đã tăng thêm năng lượng cho mỗi người để tiếp tục đi vào cuộc thảo luận nhóm với nội dung : « Tôi mơ ước điều gì ?»
Ban giảng huấn đã nhanh nhẹn chia nhóm thảo luận theo từng lãnh vực chuyên môn cho các nữ tu. Mọi người đều hăng say thảo luận và cùng lắng nghe nhau về những ước mơ của mỗi người.
Sau đó thư ký của mỗi nhóm tóm kết lại những điều mơ ước của nhóm mình :
- Nhóm Kinh Thánh
- Vai trò của phụ nữ trong văn hóa truyền thống thời Chúa Giêsu như thế nào?
- Cần khám phá lại qua các tài liệu để tìm hiểu vai trò của người nữ trong xã hội Việt Nam đã được phát triển thế nào?
- Làm sao để tìm hiểu được tình yêu của Thiên Chúa trong Cựu ước và Tân ước?
- Làm sao để cho mọi người cảm nhận được Thiên Chúa như một người mẹ luôn nâng đỡ và chăm sóc từng người?
- Nhóm Thần học hệ thống
- Làm thế nào để người tu sĩ trẻ có thể tự do sử dụng mạng internet để tìm tòi học hỏi giáo huấn của Giáo hội.
- Mong ước Thần học giải phóng, thần học nữ quyền lên tiếng nói để bảo vệ cho người nữ sống đời thánh hiến ở Việt Nam
- Đối thoại liên tôn
- Làm sao cho Thần học Truyền giáo được đón nhận?
- Làm sao cho mọi người Việt Nam đón nhận được mầu nhiệm của Thiên Chúa?
- Hình ảnh Đức Mẹ giúp liên tưởng đến hình ảnh người nữ như thế nào trong xã hội Việt Nam hôm nay?
- Thần học Luân lý
- Làm thế nào để Giáo huấn của Giáo Hội đi vào tâm trí người trẻ hôm nay ?
- Làm sao để giúp người trẻ thoát khỏi sự vô cảm ?
- Làm sao để đưa luân lý vào trong trường học ngày từ tiểu học ?
- Thách đố của đời sống hôn nhân Kitô giáo trong xã hội hôm nay.
- Nhóm Thần học Linh đạo
- Đâu là cái nhìn cùa Thiên Chúa về Mẹ Maria cho người nữ ?
- Đâu là vai trò của người nữ trong đời sống hôn nhân ?
- Đâu là người nữ cho đời sống thánh hiến ?
- Đâu là hướng huấn luyện cho các nữ tu trẻ trong nhiều nền văn hóa ?
- Thách đố trong việc huấn luyện sống thật của tu sĩ ngày nay?
- Nhóm Đời sống thánh hiến
- Giáo hội Việt Nam quan tâm đến vai trò của người nữ tu thế nào?
- Làm sao giúp các linh mục có cái nhìn quân bình hơn về các nữ tu ?
- Làm sao để bề trên và chị em biết trân trọng những gì chị em được đào tạo, học hỏi?
- Làm sao để làm mới lại chuyên môn của mình ?
- Làm thế nào để các bề trên biết sử dụng chuyên môn của mình cách tốt nhất?
Sau khi các thư ký tổ tóm kết những mơ ước của tổ mình, sơ Sophia đã cùng mọi người nhìn lại những điểm quan trọng trong các đề tài của một ngày sinh hoạt đầy năng lượng và tràn đầy Thần Khí.
Cha Antôn Hưng Phạm, S.J đã kết thúc ngày hội thảo đầu tiên bằng bài hát “Biết lấy gì cảm mến.”
Sau đó, cha Tôma Vũ Quang Trung, S.J. đã thông báo cho mọi người biết hình ảnh sinh hoạt của khóa Hội thảo ngày đầu tiên đã được ban truyền thông của TGP Sài Gòn đăng lên trang web của TGP. Ngài mời các nữ tu sáng ngày hôm sau mặc tu phục để chụp hình lưu niệm. Mọi người phấn khởi và hân hoan ra về với tâm hồn tràn ngập niềm vui vì đã trải qua một ngày hồng phúc và được đón nhận chan hòa tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Giáo chức hạt Sàigòn - Chợ Quán hành hương và họp mặt mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam
-
Tĩnh tâm Mùa Vọng & Giáng Sinh của giới Nghệ sĩ Công giáo -
Tháng 11 là tháng báo hiếu -
Ban bác ái Doanh nhân Công giáo thăm quý nữ tu Dòng Kín và Mái ấm -
Gia đình Chăm Sóc Bệnh Nhân liên xứ Sài Gòn cầu nguyện cho các linh hồn -
Ca đoàn Hương Chiều, 49 năm một chặng đường đầy ơn Chúa -
Chuyến đi tĩnh tâm của ca đoàn Cécilia giáo xứ Thánh Linh, Thủ Đức - Kỷ niệm 50 năm thành lập (1974 – 2024) -
Thánh lễ cầu nguyện cho các Linh hồn và an táng các thai nhi -
Giáo Chức Công Giáo sinh hoạt chuyên đề và mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam -
Hội Các Bà Mẹ Công Giáo cầu nguyện cho Các Đẳng Linh hồn
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
MV “Tình Ngài Thôi Thúc Ta” - một món quà từ người trẻ Việt Nam dành cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Giáo hạt Xóm Mới: Thánh lễ luân phiên Hội Lòng Chúa Thương Xót 2023 -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm Hội nghị Toàn quốc Tuyên úy - Huynh Trưởng -
Sa mạc Huấn luyện Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể - cấp I (Vươn Lên 53) -
Doanh nhân Công giáo trẻ: Bữa ăn Yêu thương ngày 13.11.2023 -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Mái ấm Thiên Ân -
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc