Học thuyết xã hội Công giáo là dành cho toàn thể nhân loại
TGPSG/OSV -- Truyền thống hiện đại của Học thuyết Xã hội Công giáo (CST) - là bộ nguyên lý được Giáo hội kêu gọi vận dụng nhằm xây dựng một trật tự xã hội công bằng - đã từng được Đức Giáo hoàng Lêô XIII (1878 -1903) thôi thúc phổ biến.
Hiện nay, Đức Tân Giáo hoàng Lêô XIV cũng đang nhắc nhở chúng ta về kho tàng giáo huấn này như một nguồn lực quý giá trong bối cảnh thế giới bị xé nát bởi chiến tranh và đang đối mặt với thách thức của cuộc tân cách mạng công nghiệp kỹ thuật số.
Tuy nhiên, truyền thống học thuyết xã hội Công giáo này không chỉ dành riêng cho người Công giáo. Nó có thể được mọi người thiện chí nghiên cứu và áp dụng vì đây là một triết lý xã hội đích thực, đặt nền tảng trên các nguyên tắc như công ích, phẩm giá con người, nguyên tắc bổ trợ và liên đới. Học thuyết xã hội Công giáo vượt lên trên các đối cực chính trị thông thường.
Truyền thống vĩ đại này có hiệu quả trong việc quy tụ những người thuộc mọi thành phần để cùng giải quyết các vấn đề xã hội khó khăn, và cách mà nó thực hiện điều đó là chủ đề của một tập podcast gần đây “Catholic in America” (ngày 19-05) với nhà kinh tế học danh tiếng toàn cầu Jeffrey Sachs.
Sachs, người theo Do Thái giáo, là một nhà kinh tế được đào tạo tại Harvard và là thành viên của Hàn lâm viện Khoa học Xã hội Giáo hoàng, người đã tư vấn cho hai vị giáo hoàng (Gioan Phaolô II và Phanxicô) trong việc phát triển các thông điệp xã hội.
Ông coi học thuyết xã hội Công giáo là món quà lớn của Giáo hội dành cho thế giới, và ông cho rằng người Công giáo không nên ngần ngại đề xuất các nguyên lý CST để định hình đời sống công cộng - không phải vì chúng là giáo huấn của một cộng đồng tôn giáo, mà vì chúng là sự thật.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tìm đến Sachs vì công trình của ông về phát triển bền vững khi ngài soạn thảo thông điệp Laudato Si’ (Chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta), được công bố cách đây mười năm. Tòa Thánh đã quy tụ các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực để suy tư về ý nghĩa của việc quản trị công trình tạo dựng mà vẫn tôn trọng con người.
Chăm sóc công trình tạo dựng một cách đúng đắn
Trong một thế giới thường đặt con người đối lập với môi trường, Giáo hội có thể chỉ ra con đường phía trước như thế nào? Món quà lớn lao của Laudato Si’ chính là việc áp dụng các nguyên lý của học thuyết xã hội Công giáo vào vấn đề chăm sóc công trình tạo dựng. Kết quả chính là khái niệm “sinh thái toàn diện”, thực thi công lý cho cả con người lẫn môi trường, vì mọi sự đều liên kết với nhau.
Sachs và tôi đã thảo luận về cả hai từ “economics” (kinh tế) và “ecology” (sinh thái) - đều có cùng nguồn gốc Hy Lạp là “oikos”, nghĩa là “gia đình” hay “nhà”. Vì thế, bản tiếng Anh của thông điệp dùng cụm từ “our common home” để mời gọi chúng ta quản trị ngôi nhà chung.
Kinh tế phải đặt phúc lợi của gia đình và mái ấm lên hàng đầu. Cộng đồng chính trị là một “gia đình của các gia đình”, và đời sống kinh tế cần thúc đẩy sự phân phối công bằng, công lý xã hội và công ích. Nhưng song song với việc đáp ứng nhu cầu con người và quản lý tài nguyên khan hiếm, chúng ta cũng cần hợp tác để thúc đẩy việc quản trị môi trường và chăm sóc ngôi nhà chung. Đó là một trách nhiệm vượt lên trên mọi gia đình, cộng đồng và quốc gia.
Laudato Si’ không chỉ được gửi tới người Công giáo, mà tới mọi người thiện chí, và mười năm sau, nó vẫn tiếp tục định hình tư duy của con người thuộc mọi tầng lớp về cách chăm sóc công trình tạo dựng một cách đúng đắn.
Chia sẻ món quà với thế giới
Mặc dù cuộc trò chuyện giữa tôi và Sachs được ghi hình trước khi Đức Lêô XIV được bầu chọn, nhưng ngài đang một lần nữa khơi dậy mối quan tâm đối với học thuyết xã hội Công giáo. Trong bài phát biểu ngày 16-05 trước ngoại giao đoàn Tòa Thánh, Đức Giáo hoàng Lêô XIV nhấn mạnh rằng chúng ta được mời gọi để theo đuổi hòa bình, đặc biệt là loại bỏ bạo lực và sự hủy diệt do xung đột và chiến tranh gây ra.
Nhưng để đạt được hòa bình, ngài nói, chúng ta phải hành động một cách công bằng, và điều đó đòi hỏi phải nhận biết sự thật. Ngài tuyên bố: “Các nhà lãnh đạo chính quyền có trách nhiệm xây dựng các xã hội dân sự hòa hợp và an bình. Điều này có thể đạt được trước hết bằng việc đầu tư vào gia đình, được thiết lập trên sự kết hợp vững chắc giữa một người nam và một người nữ, một xã hội nhỏ nhưng chân thực, và là nền tảng tiên khởi của mọi xã hội dân sự. Thêm vào đó, không ai được miễn trừ khỏi nỗ lực bảo đảm tôn trọng phẩm giá của mọi người, đặc biệt là những ai yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất, từ thai nhi đến người già, từ người bệnh đến người thất nghiệp, cả công dân và người di cư.”
Giống như Đức Phanxicô, Đức Lêô XIV đang diễn giải triết lý phong phú của học thuyết xã hội Công giáo về một trật tự xã hội công bằng, được xây dựng trên nền tảng “oikos” của đời sống gia đình và phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi con người. Trong một thế giới đang khao khát thoát ra khỏi các nhị nguyên giả tạo của chính trị, các nguyên lý của học thuyết xã hội Công giáo mang lại một niềm hy vọng thực sự.
Chúng ta không nên giấu món quà này dưới đáy thùng, nhưng thay vào đó, khi những người ngoài Công giáo như Sachs khuyến khích chúng ta, chúng ta cần mạnh dạn mang nó đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.
(Nghe toàn bộ cuộc trò chuyện với Jeffrey Sachs tại đây. Để đào sâu việc định hướng chính trị và văn hóa dưới ánh sáng Tin Mừng và đức tin Công giáo, hãy theo dõi podcast của OSV “Người Công giáo tại Hoa Kỳ” tại đây.)
Tác giả: Jason Adkins
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ OSV
bài liên quan mới nhất

- Nhân đức kiên trì - gỡ từng nút thắt một
-
Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn - người mục tử giản dị giữa lòng Dân Chúa -
Đức Lêô XIV và những Dấu chỉ ân sủng -
Sức mạnh của sự dịu dàng -
Cuộc Hành Hương Thánh Thể Quốc Gia Khởi Động Cùng Ngày Đức Giáo Hoàng Leo XIV Nhậm Chức -
Con người được dựng nên để sống trong Thiên Đàng -
Thiên Chúa lắng nghe: Hành trình qua những trang nhật ký thiêng liêng -
Người sống thọ nhất thế giới qua đời, để lại di sản đức tin -
Vẻ đẹp đặc biệt khi được bầu làm Giáo hoàng trong tháng Năm -
Đức Lêô XIV và Di sản của Đức Lêô XIII: Một cái tên mang theo một tầm nhìn
bài liên quan đọc nhiều

- An tử và Trợ tử trong Giáo lý Công Giáo
-
Ý nghĩa chữ “PP” sau chữ ký của Đức Giáo hoàng -
Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn - người mục tử giản dị giữa lòng Dân Chúa -
Ảnh chính thức của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV -
Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh -
Tại sao người Công giáo lại che các thánh giá và ảnh tượng trong Mùa Chay? -
Những người giữ bình an nơi cổng nhà thờ -
Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay -
Phẩm giá của mỗi nhân vị và các quyền con người -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa