Hạt giống Lời Chúa ở xứ Chùa Tháp

Hạt giống Lời Chúa ở xứ Chùa Tháp

WGPSG -- Vào ngày 20-3-2010, Thánh lễ tấn phong Giám mục Olivier Schmitthaeusler (người Pháp), Giám mục phó Giáo phận Tông tòa Phnom Penh, sẽ được cử hành tại thủ đô nước Campuchia. Nhân dịp này, một phái đoàn của Tổng Giáo phận TPHCM đã lên đường đi Campuchia, vừa để tham dự Thánh lễ phong chức, vừa để tham quan, tìm hiểu, học hỏi và hiệp thông với công cuộc truyền giáo của một Giáo hội rất gần gũi với Việt Nam: Giáo hội Campuchia.

Truyền giáo trên Biển Hồ

Phái đoàn gồm Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn, 7 linh mục, 1 nữ tu và 6 giáo dân đã đến Siem Reap vào sáng thứ ba 17-3-2010. Lúc 3g chiều, đoàn đã đến thăm một ngôi Nhà thờ Công giáo nằm giữa biển hồ Campuchia, còn gọi là hồ Tonlé Sap.

Hồ Tonlé Sap là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông, có tầm quan trọng to lớn đối với Campuchia. Đây cũng là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997. Vào mùa khô, từ Tháng Mười Một đến Tháng Năm, hồ khá hẹp và nông, tầm sâu chỉ khoảng 1m với diện tích 10.000 km². Vào mùa mưa, bắt đầu từ tháng Sáu, thay vì sông Tonle Sap rút nước từ hồ ra sông Mê Kông thì sông chảy ngược dòng, tiếp nước vào hồ, khiến mực nước hồ dâng cao và tăng diện tích hồ thành 16.000 km².

Trên mặt hồ có khá đông dân cư sinh sống, quy tụ thành 7 ngôi làng nổi: 4 làng người Khmer, 2 làng người Việt và 1 làng người Chăm. Tại những ngôi làng nổi này, người ta cũng tạo nên những ngôi chợ, trường học, sân chơi… tất cả đều là những chiếc ghe nổi lềnh bềnh trên sóng nước. Đứng từ các ngôi nhà nổi này để nhìn chung quanh, người ta sẽ chỉ thấy mênh mông những nước và nước, không thấy bờ bến đâu cả!

Để đến được với ngôi nhà thờ nổi duy nhất nằm trên Biển Hồ này, đoàn đã đi xe, rồi cuốc bộ qua một đoạn đường đất đỏ, leo qua một chiếc cầu gỗ gập gềnh khá dài, rồi đi ghe máy ra biển hồ. Khi ghe chạy được khoảng nửa giờ, đoàn bắt đầu trông thấy những ngôi làng gồm nhiều chiếc nhà nổi, và sau đó nhận ra một căn nhà nổi bằng gỗ màu xanh, lợp tôn, với một cây thánh giá trên nóc. Bước khỏi thuyền để vào ngôi nhà nổi cũng là nhà thờ này, đoàn gặp một người Việt trông coi nhà thờ là chị Maria Lê Thị Thuỷ. Chị cho biết mỗi Chúa Nhật có một linh mục người Indonesia là cha Heri đến đây dâng lễ vào lúc 12 giờ trưa. Số tín hữu đi lễ khoảng 50 người. Tại đây cũng có lớp giáo lý tân tòng và giáo lý cho trẻ em. Cách đây mấy tháng cũng có khoảng 10 người lãnh bí tích Rửa tội. Đoàn cũng gặp một linh mục và một tu sĩ Việt Nam dòng Tên còn rất trẻ, đến đây sinh hoạt mục vụ với cha Heri.

Ngôi nhà thờ này còn được gọi là Nhà thờ Karaoke vì trước khi là nhà thờ, nó đã là nơi hát Karaoke của dân làng nổi. Dân làng nổi tại đây khá đông, nhưng mới có 7 gia đình Công giáo với 70 tín hữu. Bổn mạng Nhà thờ là Thánh Phêrô, cũng là dân chài lưới như mọi người ở đây. 

Một nền văn minh cổ đáng nghiêng mình kính phục

Ngày 18-3-2010, đoàn đến thăm một ngôi nhà thờ Công giáo nằm trong đất liền của tỉnh Siem Reap, đồng thời cũng đến thăm những nơi rất nổi tiếng tại Siem Reap như Ankor Vat, Ankor Thom, Ta Prohm…

Có một số người trong đoàn đã từng coi thường dân Khmer, vì nước họ nhỏ hơn nước Việt, dân họ xem ra yếu hơn dân Việt. Nhưng khi đã đến thăm những thành cổ nổi tiếng ở Siem Reap, và tiếp xúc với người dân ở đây, thì đã thay đổi hẳn cái nhìn. Không phải chỉ có người trong đoàn, mà cả thế giới đã phải cúi đầu khâm phục những kiến trúc cổ vô cùng tinh tế, vô cùng hoành tráng tại đây. Thánh địa Mỹ Sơn ở Việt Nam rất tuyệt, nhưng so với những kiến trúc cổ tại Siem Reap như Ankor Vat, Ankor Thom, Ta Prohm… thì cũng chỉ là mang một hòn gạch nhỏ ra để so sánh với cả một quần thể dinh thự vĩ đại. Người dân Campuchia ở đây cũng rất dễ thương hiền hoà, khác hẳn với ấn tượng về “cáp duồn” hay “Khmer đỏ” trong ký ức nhiều người. Với những tiến triển khá tốt và khá hài hoà đang diễn ra tại Campuchia, nhiều người đã muốn chúc mừng cho xứ sở của cây Thốt nốt, và mong cho nước nhà cũng có được những nét đẹp ấy…

Nhà Thánh Phêrô và Nhà Thánh Gioan

Nếu ngôi nhà thờ trên Biển Hồ của Siem Reap có tên thánh là Phêrô chài lưới, thì ngôi nhà thờ nhỏ nằm tại trung tâm Siem Reap lại có tên là Gioan Tông Đồ, vị Thánh đã định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu. Người ta thấy tình thương của cha sở, tức cha Heri, và lòng bác ái của các nữ tu con cái Mẹ Têrêsa Calcutta thể hiện rõ nét ở đây.

Nhà dòng và “Tổ ấm Hân Hoan” (Home of Joy) của các nữ tu nằm cách Nhà thờ một dãy phố. Đoàn đến thăm Nhà thờ, nằm gần khách sạn Grand Hotel d’Ankor. Đấy là một ngôi nhà thờ nhỏ bằng gỗ, xây năm 2004, là trung tâm cử hành phụng vụ, dạy giáo lý, cũng là trung tâm của yêu thương, phục vụ người nghèo với rất nhiều sinh hoạt bác ái xã hội. Có khoảng 300 người Công giáo sống tại khu vực này. Sẽ có khoảng 60 người sẽ được lãnh bí tích Thánh Tẩy tại đây trong dịp lễ Phục Sinh sắp tới, cha Heri cho biết như thế.

Từ nhà thờ, cha sở Heri dắt đoàn qua thăm các trẻ em của các nữ tu. Các em mồ côi, các em khuyết tật quấn quýt chung quanh các nữ tu, ca và múa rất tự nhiên để chào khách.

Đoàn chỉ gửi lại một món quà nhỏ tại đây cho các nữ tu và các em, nhưng lại mang về rất nhiều những niềm vui và những hình ảnh đẹp…

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top