Giới Y tế Công giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng 2015

Giới Y tế Công giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng 2015

WGPSG -- “Mang lòng thương xót Chúa đến từng người bệnh”. Đó là chủ đề buổi tĩnh tâm của Giới Y tế Công giáo thuộc Tổng Giáo phận TP.HCM được tổ chức trọng thể và ấm cúng tại Học viện Phanxicô (42 Đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) vào Chúa nhật 6-12 vừa qua.

Khoảng 150 tham dự viên gồm các nam nữ tu sĩ, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, các nhân viên xã hội đã cùng nhau chia sẻ tâm tư, kinh nghiệm trong sứ vụ dấn thân làm chứng cho Tin Mừng. Và với sự hướng dẫn, đồng hành của vị cha chung - Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp - họ đã cùng nhau quyết tâm dấn thân hơn nữa hầu làm lan tỏa lòng thương xót Chúa nơi những người bệnh tật, người khổ đau trong môi trường làm việc cũng như trong cuộc sống thường nhật, mọi lúc, mọi nơi.

Lời Cha chung

Trong lời giảng tĩnh tâm, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã đề cập đến chân dung “Thiên Chúa đầy lòng thương xót” qua các mục: “Dung mạo lòng thương xót”, “Đức Giêsu chạnh lòng thương”, “Ưu tiên cho thành phần thua thiệt” và “Thể hiện lòng thương xót trong cuộc sống”. Qua đó, Ngài mời gọi các tham dự viên hướng tâm hồn lên để chiêm ngưỡng cung bậc của Lòng thương xót Chúa: “Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn những anh chị em mà mình gặp gỡ trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi”. Đức cha lưu ý “mối ưu tiên dành cho thành phần nghèo đói, khốn khổ, bệnh tật, mồ côi, khuyết tật, những người bị bỏ rơi hay bị gạt ra lề xã hội là đề tài quen thuộc của truyền thống Công giáo”, đồng thời nhấn mạnh “ưu tiên chọn lựa này xây dựng một cách triệt để nơi Thiên Chúa của niềm tin và biểu lộ rõ rệt lòng thương xót của Ngài. Các mối phúc thật của Tin Mừng mạc khải một cách hết sức giản dị rằng việc ưu tiên chọn lựa người nghèo, đói khát, bệnh tật, khổ đau và hành động dấn thân xây dựng một xã hội nhân ái công bằng, dân chủ hơn… Tất cả đều bắt nguồn nơi Thiên Chúa đầy lòng từ bi nhân hậu và hay thương xót”.

Nỗ lực dấn thân mỗi ngày

Thực tế cho thấy trong nhiều năm qua, Giới Y tế Công giáo đã nỗ lực sống dấn thân và canh tân đời sống qua nhiều hoạt động chuyên môn một cách thường nhật. Bác sĩ Phạm Thế Hiển, thành viên Giới Y tế Công giáo, trình bày trong phần đầu tiên tại buổi tĩnh tâm cho biết, với sự đồng hành của Linh mục GB Phương Đình Toại, anh và các bác sĩ Bùi Quang Vinh, Bs. Phan Văn Dũng, Bs. Phạm Thế Hiển, Bs. Phạm Ngọc Thanh, Bs. Huỳnh Bích Thảo, Điều dưỡng Nguyễn Mạnh Cường… đã nhiệt tâm cộng tác cho các hoạt động thường xuyên, định kỳ hằng tháng gồm: Thánh lễ đầu tháng tại nhà nguyện cổ của Tòa Giám mục; các đề tài chuyên đề sức khỏe mỗi tháng một lần nhằm phổ biến những kiến thức cần thiết về chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng (Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng, Tư vấn về đau khớp gối, Dinh dưỡng và lối sống phòng ngừa bệnh ung thư, Diễn biến tâm lý của trẻ sinh mổ, Đột quỵ và những điều cần ghi nhớ và Phục hồi chức năng sau tổn thương não, Chăm sóc giảm nhẹ…); chuyên đề về đời sống hôn nhân gia đình (Những thách thức trong đời sống gia đình Công giáo ngày nay và quan điểm của Giáo hội); chuyên đề về những thao thức của thành viên trẻ Giới Y tế Công giáo trong đời sống học tập và phục vụ người bệnh…

Bên cạnh các chủ đề mang tính chuyên môn, nhóm cũng tổ chức Tĩnh tâm mùa Chay và Thánh lễ mừng Thánh Camille de Leilis bổn mạng vào ngày 18-7-2015; phối hợp với Caritas và Doanh nhân Công giáo tổ chức khám chữa bệnh với chương trình “Quản lý sức khỏe cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt” phục vụ 500 người kém may mắn; Kết hợp với Bệnh viện Mount Alvernia (Singapore) và VP Caritas tổ chức giáo dục y tế cộng đồng, khám chữa bệnh, tầm soát bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và đái tháo đường cho gần 1.400 người bất kể lương giáo tại địa bàn các giáo xứ: Ninh Phát, Vĩnh Hiệp, Bình Minh, ThiênThần, Phanxicô. Ngoài ra, nhóm còn phối hợp với VP Caritas khám chữa bệnh cho hơn 1.000 người có hoàn cảnh khó khăn tại một số giáo xứ trong Tổng Giáo phận và tổ chức các chương trình y tế cộng đồng như chương trình bàn chân giả, chăm sóc trẻ bị bại não, giáo dục bệnh lý răng miệng...

Dự kiến trong 2016, nhóm vẫn duy trì các hoạt động truyền thống, đồng thời lên kế hoạch tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề sức khỏe tại các giáo xứ, tổ chức khám sức khỏe cho các cơ sở bác ái ở các tỉnh, hỗ trợ chuyên môn cho các sinh viên (y khoa, điều dưỡng, kỹ thuật viên)…

Mang lòng thương xót Chúa đến từng người bệnh

Đó là quyết tâm, là ước mong, là nỗ lực và lòng nhiệt thành tiếp tục dấn thân trong bước đường phía trước của từng thành viên trong Giới Y tế Công giáo theo như lời mời gọi của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã nhắn nhủ. Với 5 câu gợi ý của Đức Giám mục (Hãy mặc lấy một tâm tình, cảm nghĩ của Đức Kitô; Lương y như từ mẫu; Duy trì và cải tiến các chuyến đi thực tế: tái khám phá sự phong phú, ý nghĩa nhân bản và Kitô giáo của những hành động liên đới, thương xót về vật chất, thể lý lẫn tinh thần; Trở nên chứng nhân của “Lòng thương xót”; Lời trăn trối của Steve Jobs: cư xử tốt đẹp với người và với mình), chính Đức cha đã khơi dậy những tâm tư được thốt ra thành lời, như những lời minh chứng sống cho sứ vụ dấn thân vì người nghèo khổ, bệnh tật của các anh chị em Giới Y tế Công giáo trong những ngày tháng qua.

Với tâm tình và thôi thúc đó, sau buổi thảo luận, đại diện các nhóm đã đúc kết và khẳng định rằng cách hiện diện của bác sĩ, y tá, điều dưỡng quan trọng là sự chân thành, là nụ cười thân thiện, là biết lắng nghe, cảm thông và chia sẻ nỗi đau tâm hồn và thể xác với bệnh nhân. Tuy nhiên, để lòng thương xót được thể hiện một cách cụ thể như châm ngôn “Lương y như từ mẫu”, bác sĩ Chi Lan, đại diện nhóm 2 lưu ý, chính bản thân những bác sĩ và nhân viên y tế cần có sự liên kết với nhau và với các mạnh thường quân nhằm có thể hỗ trợ bệnh nhân khi cần thiết, về vật chất, viện phí, đặc biệt cần chủ động mời linh mục xức dầu cho bệnh nhân khi cần kíp. Đại diện nhóm 3 cho rằng nên lồng ghép chương trình khám chữa bệnh với giáo dục sức khỏe cộng đồng và cần có những chế độ theo dõi dài lâu đối với những trường hợp đặc biệt. Đại diện cho nhóm 4, bác sĩ Bùi Quang Vinh chia sẻ: “Để trở thành nhân chứng lòng thương xót trong thế giới hôm nay, các bác sĩ và nhân viên y tế hãy thử đặt mình vào vị trí của người bệnh để cảm thông, đồng hành, lắng nghe, an ủi và chăm sóc họ như chính người thân trong gia đình mình. Đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, là những người đặc biệt cần sự động viên, do đó các bác sĩ và nhân viên y tế nên chủ động mời các nữ tu hoặc nhà tâm lý giúp bệnh nhân vượt qua sự khủng hoảng tinh thần và luôn được bình an.

Chủ tế Thánh lễ đồng tế trọng thể cùng với các Linh mục Học viện Phanxicô và các Linh mục Dòng Camelo, thay cho lời kết, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã mời gọi Giới Y tế Công giáo hãy liên đới với nhau và với mọi người để cùng nhau tiếp tục dấn thân trong tin yêu và phó thác: “Anh chị em hãy để cho Ngài dùng bàn tay của chúng ta, để tiếp tục yêu thương và tiếp tục chữa lành cho những người khổ đau, bệnh tật”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top