Giới Y tế Công giáo: Tĩnh tâm mùa Chay

Giới Y tế Công giáo: Tĩnh tâm mùa Chay

WGPSG -- “Chúng ta tiếp cận với nỗi đau của người khác thường xuyên nhất, hơn hết mọi người. Ngày nào bước vào bệnh viện, chúng ta cũng tiếp cận với bệnh nhân, với nỗi đau của người khác thường xuyên nhất. Nhiều quá, liệu có làm cho chúng ta vô cảm không?”

Trên đây là câu hỏi của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đặt ra với các tham dự viên trong Thánh lễ tĩnh tâm mùa Chay của Giới Y tế Công giáo TPHCM (GYT).

Buổi tĩnh tâm diễn ra vào lúc 8g00 ngày 03.03.2013, Chúa nhật III mùa Chay tại Nhà nguyện Tòa Giám mục TGP TPHCM. Hơn 150 người gồm: bác sĩ, điều dưỡng, nha sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế xã hội thuộc GYT Công giáo TP.HCM đã tham dự chương trình, do Cha Phêrô Giuse Maria Hà Thiên Trúc, linh mục phụ tá giáo xứ Thị Nghè, giảng thuyết với chủ đề “Tin trong Đức ái”.

Đây là dịp đặc biệt để các anh chị và các bạn trẻ trong Giới Y tế hội tụ, cùng nhau học hỏi, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, như lời Đức cha Phêrô chia sẻ cuối bài giảng lễ: “Thỉnh thoảng, chúng ta cần có những giây phút như thế này, ngồi lại với nhau để trong tác động của Chúa Thánh Thần, làm khơi dậy ý thức, khơi dậy ơn gọi, khơi dậy tác vụ chữa lành mà Chúa ban cho chúng ta được hồng phúc chia sẻ.”

Tin trong Đức ái

Nhằm mời gọi các tham dự viên cùng học hỏi và suy niệm về mối tương quan giữa đức Tin và đức Ái trong Năm Đức Tin, Cha Phêrô Giuse Maria đã giới thiệu với các tham dự viên về Sứ điệp mùa Chay 2013 của Đức Thánh Cha Bênêdictô 16: “Tin trong đức Ái khơi lên tình bác ái”.

Cha Phêrô Giuse Maria đã chia sẻ với các tham dự viên về những khó khăn trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Cha đã dựa vào bài viết “Những khoảng cách đáng sợ” của Đức Giám mục GB Bùi Tuần để giúp các anh chị và các bạn trong GYT sống đời sống đức tin của mình trong công việc hằng ngày, thường xuyên tiếp cận với những người đau khổ về thể xác cũng như tinh thần.

Cha Phêrô Giuse Maria đã giới thiệu những khoảng cách đáng sợ như:

“Khoảng cách giữa lý thuyết về bác ái và thực tế về bác ái”: Chúa Giêsu nói rất rõ về khoảng cách này qua dụ ngôn Người Samaria nhân lành (Lc 20, 29-37).

“Khoảng cách chủ quan giữa mình và người khác”: Dụ ngôn “Hai người lên đền thờ cầu nguyện” đã nói lên khoảng cách này. Người Pharisêu tự hào mình là người đạo đức tự hào nói: “Xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác”. Còn người thu thuế là người tội lỗi thì khiêm nhường van xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Kết quả là, người thu thuế thì được Chúa thương, còn người Pharisêu thì bị Chúa ruồng bỏ.

Khoảng cách giữa các việc đạo đức bề ngoài với việc thi hành thánh ý Chúa”: Chúng ta tưởng cứ làm các việc đạo đức bề ngoài là đủ, đang khi Chúa lại đánh giá mỗi người theo sự thi hành thánh ý Chúa, vì: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành thánh ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).

“Khoảng cách giữa phần thưởng trước mắt do thế gian cho và phần thưởng sau này do chính Chúa ban”: Với kẻ làm từ thiện, mà phô trương, Chúa nói: “Chúng đã được phần thưởng rồi”. Chúa nhấn mạnh phần thưởng mà “Cha Ta trên trời, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho” (Mt 6, 16).

“Khoảng cách giữa chức danh đạo đức và thực chất đạo đức”: Khoảng cách này được Chúa Giêsu cảnh báo nghiêm khắc trong một loạt “Khốn cho các ngươi” (Mt 23, 13-29). Chúa nhắm vào những người mang chức danh đạo đức, nhưng thực chất đạo đức thì lại không có.

Sau phần giảng thuyết của Cha Phêrô Giuse Maria, các tham dự viên đã chia thành 4 nhóm để giao lưu, thảo luận. Các tham dự viên thảo luận rất sôi nổi qua nhiều vấn đề liên quan đến mối tương quan giữa đức tin và đức ái trong công việc, những khoảng cách giữa đức Tin và đức Ái, những phương thế trợ giúp sống đạo tốt hơn...

Nhân đây, nhằm giúp các tham dự viên tham dự buổi tĩnh tâm được sốt sắng hơn, Ban Điều hành đã tổ chức cho các tham dự viên tham dự giờ cầu nguyện Taize ngắn với chủ đề: “Chúa nói: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.

Thánh lễ

Cao điểm của buổi tĩnh tâm là Thánh lễ đồng tế. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã chủ sự Thánh lễ. Đồng tế với ngài có 4 cha, là những linh mục đồng hành với GYT Công giáo trong nhiều năm qua, cùng với sự tham dự của hơn 150 người.

Trong bài giảng lễ, Đức cha đã chia sẻ cùng các tham dự viên về tác vụ cao cả những của người làm công tác y tế, những người được Chúa mời gọi để chia sẻ tác vụ chữa lành của Chúa. Trong công tác y tế, người thầy thuốc không chỉ đơn thuần là làm công tác chuyên môn, mà ở đó còn có chiều kích nhân văn. Hơn nữa, đó là chiều kích thiêng liêng. Ngài nói: “Các anh chị và các bạn là những người đang chia sẻ trực tiếp chức năng và tác vụ chữa lành của Chúa Giêsu. Đấng đến ở giữa loài người để chữa lành, để giải thoát con người”.

Chúng ta nên thánh là trong chính công việc của mình, chứ không phải nên thánh là lúc vào nhà thờ đi lễ. Nên thánh là được nên giống Chúa, thuộc về Chúa nhiều hơn, trọn vẹn hơn trong chính công việc, nghề nghiệp của mình. Bởi vì, chúng ta đang chia sẻ tác vụ chữa lành của Chúa Giêsu. Khi chúng ta nói đến sự chữa lành của Chúa, nó vừa chạm đến thân xác con người và vừa chạm đến đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của bệnh nhân. Ngài đặt câu hỏi: “Khi các anh chị chia sẻ tác vụ chữa lành của Chúa Giêsu trong công việc của một bác sỹ, y tá, mình có quan tâm cả hai mặt này không?

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, vị đại diện Giới Y tế Công giáo đã có lời cảm ơn Đức cha.

Thánh lễ kết thúc lúc 12g00, cũng là lúc các tham dự viên hân hoan được tiếp đón Đức Hồng y, vị cha chung của Giáo phận, đến thăm và ban huấn từ trước khi ngài lên đường đi Rôma tham dự Mật nghị Hồng y để bầu tân Giáo hoàng.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top