Giới Y tế Công giáo TGP TP.HCM: Tĩnh tâm mùa Chay

Giới Y tế Công giáo TGP TP.HCM: Tĩnh tâm mùa Chay

WGPSG -- "Em ngươi ở đâu?" (St 4,9). Đó là chủ đề mà Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, CSsR, mời gọi tất cả những ai phục vụ trong ngành Y tế, những người có trách nhiệm trực tiếp chăm lo cho sức khỏe bệnh nhân không chỉ thể lý mà còn về tinh thần, cùng quan tâm suy nghĩ.

 Vào lúc 07g30 ngày Chúa nhật 15.03.2015 tại Toà Tổng Giám mục, số 180 Nguyễn Đình Chiểu, Q 3, TP.HCM, Giới Y tế Công giáo TGP TP.HCM (GYTCG) đã họp nhau tĩnh tâm, nhân mùa Chay Thánh để chuẩn bị tâm hồn mừng Chúa Phục Sinh. Trong dịp này, GYTCG có dịp nhìn lại những lỗi lầm thiếu sót mà trong những tháng ngày công tác, đôi khi quá chủ quan, vì áp lực của công việc, nhọc mệt hay vấn đề mưu sinh đã dửng dưng, không sống Lời Chúa cách đúng nghĩa trọn vẹn.

Trước hết, nhìn về công tác của ngành Y, có thể nói Tin Mừng đã được tái tạo sống động nơi các y, bác sĩ. Như ngày xưa, nhiều bệnh nhân mong ước được chạm vào Chúa để được chữa lành, Chúa đã không ngại cúi xuống những kẻ bé nhỏ, chú ý từng người, ngay cả những người phung hủi, Ngài đã bất chấp luật lệ, không sợ bị ô uế khi chạm vào họ để chữa lành. Ngày nay cũng thế, bệnh nhân cũng đang mong muốn được thăm khám tận tình. Có bệnh nhân xúc động đến khóc vì đã lâu lắm rồi, mới được bác sĩ thăm khám quá năm phút. Đừng quên rằng nhiệm vụ chữa lành là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu. Chữa lành bệnh  nhân không chỉ thể lý mà còn là tâm lý và tinh thần, hơn nữa còn đem về cho Chúa một tâm hồn tan tác.

Cha giảng phòng mời mọi người cùng học hỏi sứ điệp Mùa Chay của Đức  Thánh Cha Phanxicô, với ba câu trích dẫn từ Kinh Thánh:

 1. “Nếu một chi thể đau, thì mọi chi thể cùng đau” (1 Cr 12,26). Quả thật, về thể lý, chắc chắn ai cũng cảm nhận được điều này: từ một vết thương nhỏ hoặc một cơn đau quặn thận chẳng hạn, sẽ khiến toàn thân bệnh nhân lăn lộn. Thế nhưng, trước những khổ đau của xã hội, ta có quan tâm khi hằng ngày đối mặt với biết bao sự kiện đau nhức của xã hội, các clip học sinh đánh nhau, những vụ thanh toán đổ máu. Ngày nay, một trong những thách đố lớn trong xã hội là hiện tượng toàn cầu hóa thói vô cảm. Vô cảm đối với tha nhân và với Thiên Chúa cũng là một cám dỗ thực sự đối với các Kitô hữu chúng ta. Hãy để Tình yêu của Thiên Chúa phá vỡ sự vô cảm đó. Hãy mở lòng ra cho Chúa bước vào. Như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, những ai chấp nhận lời đề nghị của Chúa "Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu, những người để cho mình được Chúa cứu độ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội tâm và cô lập" (Tông huấn Evangeli Gaudium).

2. “Em ngươi đâu?” (St 4,9) Vì ganh tị, Cain đã giết em mình. Vì ganh tị, ta nói xấu, ghen tức, buồn bực không chấp nhận nhau, muốn ôm trọn cả thế giới. Vô cảm, ta không nhận ra ta cũng là hình ảnh của người nhà giàu đối với Ladarô nghèo khổ. Thật sự, mỗi chúng ta đều có trách nhiệm với nhau, với môi trường, tài nguyên kinh tế chung. Về giáo dục, ngẫm lại ta cũng có lỗi, chúng ta đã được giáo dục trong môi trường khá trong sạch, sao ta không tạo môi trường trong sạch cho các thế hệ sau?

3. “Anh em hãy vững lòng!” (Gc 5,8). Cá nhân, chúng ta cũng bị cám dỗ sống vô cảm. Trước  những tin tức và hình ảnh kinh hoàng về đau khổ của con người, chúng ta thường cảm thấy mình hoàn toàn không có khả năng giúp đỡ. Phải làm gì để không bị vướng vào cái vòng xoáy khốn cùng và bất lực ấy? Cũng trong Tông huấn Evangeli Gaudium, Đức Thánh Cha nhắc nhở "Hội Thánh "đi ra" là một Hội Thánh với những cánh cửa mở rộng. Hội Thánh được mời gọi để luôn luôn là ngôi nhà mở cửa của Chúa Cha. Ði ra để đến với những người khác, ưu tiên cho người nghèo khổ và tật nguyền, những người thường bị khinh miệt và lãng quên, "những người không có gì để trả lại cho anh em" (Lc 14:14). Điều cần lưu ý người nghèo không chỉ là những người dễ thương cho mình thương, mà còn là những người gian manh, lừa đảo, ăn cắp. Muốn gặp họ, ta phải vào tận hang trộm cướp những ổ mãi dâm. Đức Thánh Cha còn tiếp tục "Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng, bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục". Lời Chúa nói "Nếu thế gian làm anh em khổ đó là điều dĩ nhiên vì anh em thuộc về thế gian".

Đức Thánh Cha đề nghị: Trước hết, chúng ta có thể hiệp thông cầu nguyện với Giáo hội ở trần thế và Giáo hội trên thiên quốc. Các thánh trên thiên quốc đã đi qua nỗi khổ đau đang cùng đồng hành với chúng ta. Thứ hai, chúng ta có thể giúp đỡ bằng những việc bác ái, thiết thực, tuy bé nhỏ nhưng cụ thể nói lên rằng chúng ta thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất. Thứ ba, đau khổ của người khác nhắc nhở tôi rằng cuộc đời tôi rất mong manh, và tôi lệ thuộc vào Thiên Chúa và anh chị em mình. Chúng ta cần khiêm tốn cầu xin ơn Chúa và chấp nhận những giới hạn của mình, tin tưởng vào những khả năng vô biên mà tình yêu của Thiên Chúa dành sẵn cho chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa sẽ thắng được thói "vô cảm và ảo tưởng tự lập" của chúng ta. Ngài sẽ ban cho ta con tim mạnh mẽ và biết xót thương, ân cần và quảng đại, một con tim không thu mình lại, không vô cảm hay rơi vào cám dỗ của nạn toàn cầu hóa thói vô cảm.

Sau những giây phút lắng đọng, sám hối và lãnh nhận bí tích Hòa Giải, GYTCG sốt mến quỳ bên Chúa Thánh Thể để suy niệm về tinh yêu bao la của Chúa, để được Chúa biến đổi và quyết tâm sống đức ái như lòng Chúa mong ước.

Sau cùng, đỉnh cao của ngày tĩnh tâm là Thánh lễ đồng tế do Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế, cùng quý Cha đồng hành với GYTCG.

Đầu Thánh lễ, Đức TGM, trong lễ phục màu hồng, ngỏ ý "Tuy đang là Mùa Chay, Chúa nhật hôm nay, phụng vụ mời gọi mọi người hãy vui lên, hớn hở reo mừng tận hưởng mùa an ủi chứa chan. Chia sẻ bài Tin Mừng, về cuộc nói chuyện của Chúa với ông Nicôđêmô, ngài nhắc đến nguồn an ủi chính là Thập giá Chúa Giêsu Kitô. Nơi chính Chúa được giương cao như con rắn đồng trong sa mạc, hình ảnh Chúa giương cao trở thành ơn cứu độ cho chúng ta. Chính lúc đó, Ngài được suy tôn vinh hiển, đó chính là vinh quang của Thập giá để ai tin vào Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời. Thập giá Chúa Giêsu là mầu nhiệm Tình yêu "Thiên Chúa đã yêu thương trần gian đền nỗi đã ban Con Một của ngài để ai tin Con Một Chúa thì được sống muôn đời". Thập giá biểu hiện tình yêu tha thứ, lòng nhân từ thương xót của Chúa của trái tim biết yêu thương. Thiên Chúa giàu lòng thương xót rất yêu mến chúng ta, mặc dù ta sa ngã và chết trong tội nhưng Ngài cho ta cùng sống lại với Chúa Kitô. Chúng ta được cứu độ nhờ ân sủng của Chúa. Lịch sử cứu độ chính là lịch sử của tội lỗi và ân sủng, của bất trung và lòng tin, của bóng tối và ánh sáng.

Ngài mời gọi mọi người cầu xin Chúa rộng ban ân sủng được lòng tin sống động, để phấn khởi đón mừng lễ Vượt Qua, thông phần với ơn cứu độ của Thiên Chúa cách trọn vẹn nhờ mầu nhiệm Vượt Qua và Sống lại của Chúa Kitô, mạnh dạn tham gia sứ mạng cứu độ của Thiên Chúa như  lời Chúa mời gọi "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em". Nhờ Chúa Thánh Thần, là sự sống mới để mọi người có thể hiện diện bất cứ đâu, phục vụ bất cứ ai cần đến. Hãy tiến lên mạnh dạn, hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn trên đường phục vụ. Thần khí sức mạnh nối kết chúng ta với Chúa Giêsu, nối kết chúng ta với nhau, trở nên một, sẵn sàng trở nên chứng nhân của Chúa Kitô. Thần khí sức mạnh ban cho anh em can đảm, sức mạnh tinh thần để dấn thân phục vụ ra đi đến tận vùng ven, gặp gỡ những ai đang nghiệt ngã về mặt tinh thần.

Sau Thánh lễ, bác sĩ Phan Văn Dũng, đại diện GYTCG, cám ơn Đức TGM, quý cha đồng hành đã tạo điều kiện cho GYTCG có dịp ngồi lại với nhau, nhìn lại chính mình, lãnh nhận ơn Hòa Giải và chuẩn bị tâm hồn đón mừng Lễ Vượt Qua.

Đáp từ, một lần nữa, Đức TGM nhắn nhủ GYTCG cần phải để Chúa Thánh Thần tác động nơi mình để mọi người mạnh dạn ra đi với tinh thần hân hoan vui vẻ ân cần trong khi phục vụ.       

Kết thúc, ĐTGM vui vẻ gặp gỡ anh chị em và chụp hình lưu niệm, sau đó mọi người chia tay trong bình an.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top