Giới Y tế Công giáo TGP: Tĩnh tâm mừng bổn mạng

Giới Y tế Công giáo TGP: Tĩnh tâm mừng bổn mạng

WGPSG -- Để chuẩn bị mừng Lễ Thánh Camillo de Lellis, bổn mạng Giới Y tế Công giáo TGP, Ban Đại diện đã tổ chức ngày Tĩnh tâm vào Chúa nhật 06/07/2014, tại Học viện Phanxicô, số 42 Đình Phong Phú, Tăng Nhơn Phú B, quận 9 với chủ đề: “THÊM YÊU THƯƠNG VÀO ĐÔI TAY”.

Khai mạc

Sau giây phút đón tiếp, gặp gỡ, làm quen, chụp hình lưu niệm, khám phá khuôn viên rộng thoáng của Học viện, chương trình bắt đầu vào lúc 8g45. Bác sĩ Phan Văn Dũng, Đại diện GYT, hân hoan chào mừng các thành viên về tham dự tĩnh tâm. Đặc biệt lần này, mọi người vui mừng gặp lại Lm. Gioan Baotixita Phương Đình Toại, Linh hướng của GYT, đang du học và về nghỉ Hè, linh mục bác sĩ Chung từ Kontum xuống. Còn niềm vui nào bằng được gặp lại những khuôn mặt thân thương, cùng chung chí hướng, hằng ngày âm thầm giúp đỡ các bệnh nhân tại các Bệnh viện, Trung tâm, Mái ấm; hạnh phúc hơn nữa là cùng nhau quây quần bên Chúa,  Đấng chữa lành, hâm nóng lại mối tương quan với Chúa, dâng lên Ngài những lo toan, phiền muộn, những lời than phiền ngay cả những lời chửi mắng của các bệnh nhân do khó tính hoặc do cơn bệnh hành hạ.

Chương trình được khởi động bằng màn múa kèm cử điệu "Tự Hỏi" của nhóm Xã Hội Học Y Tế đã xóa tan mọi khác biệt về tuổi tác, chức vị, để hòa chung trong niềm vui của những người cùng mang sứ mạng phục vụ các bệnh nhân trong tinh thần khiêm tốn và yêu thương.

Gương thánh bổn mạng

Trong tâm tình đó, Lm. Linh hướng đã giúp anh chị em nhìn lại gương của thánh Camillo de Lellis, Đấng mà Giáo hội chọn làm “Đấng Bảo Trợ” của các bệnh nhân, của những ai làm việc trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe, cũng như của các bệnh viện. Thánh nhân đã cống hiến cả đời cho đối tượng duy nhất là người bệnh. Tuy thân xác ngài đã chết vào năm 64 tuổi nhưng gương lành và sự thánh thiện của ngài vẫn còn sống mạnh mẽ nơi nhưng người kế tục sự nghiệp của ngài.

Để hiểu rõ hơn, ta hãy đối chiếu hoàn cảnh thực tại của ngành Y vào thời của thánh nhân và ngày hôm nay. Có những điểm khác nhau và giống nhau: chắc chắn khác nhau về phương tiện chẩn đoán nhưng điểm chung vẫn là: Thiếu tình người. Những ngày qua, chúng ta đã nghe không ít những phê phán về GYT trong cả nước. Thực tế, có những sai trái nhưng cũng có biết bao việc tốt đẹp khác, những trường hợp cứu sống do bệnh tật, do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và mỗi ngày GYT đối diện với sự sống còn của biết bao bệnh nhân. Vào thời thánh nhân còn tệ hơn, những người giàu được điều trị tại nhà thương có tiền, người nghèo thì đến nhà thương không tiền, đôi khi do các tù nhân phục vụ, nếu ai hấp hối thì đem chôn.

Vậy, thánh nhân đã làm gì cho những người nghèo này? Và ngài bắt đầu như thế nào? Lược qua tiểu sử của ngài, ta sẽ cùng ngài cảm tạ tình thương bao la, lòng nhân hậu thương xót của Chúa dành cho mỗi người trong từng giây phút sống và những giai đoạn khác nhau trong đời mỗi người. Năm 7 tuổi mồ côi, 17 tuổi, làm lính đánh thuê, cũng ăn chơi trác táng, nghiện cờ bạc, bị một vết thương ở chân và không lành, ngay cả tới lúc chết. Sau đó, làm thợ hồ ở Dòng Phanxicô. Khi hoán cải, năm 20 tuổi, ngài đi tu. Do chiếc áo dòng bằng vải sô cọ sát vào vết thương ở chân, ngài vào bệnh viện người nghèo để chữa trị. Đây là một chuyện ngẫu nhiên làm thay đổi cuộc đời của ngài. Tại đây, ngài cảm nghiệm tình thương của Chúa đã dành cho bệnh nhân. và cái nhìn của ngài đối với bệnh nhân khác đi. Sau đó, ngài ở lại phục vụ nhằm cứu giúp các bệnh nhân khác. Qua những thăng trầm của cuộc đời, ý Chúa thật nhiệm mầu, ngài được lãnh sứ mạng linh mục vào năm 1584 tại Roma. Với lòng nhiệt thành, yêu thương những người đau khổ, những bệnh nhân, thánh nhân đã lập Hội Linh Mục để giúp đỡ các bệnh nhân.

Điều gì thôi thúc chúng ta nơi thánh nhân, nơi linh đạo của ngài?

Thánh nhân biết cách đọc hiện tại dưới ánh sáng của ngày hôm qua, ánh sáng của Lời Chúa, của mối tương quan với Chúa, của kinh nghiệm của ta với Chúa. Môsê đã từng nói với Dân Israel: “Đừng quay lại làm kiếp nô lệ”. Thiên Chúa đã yêu thương, tha thứ để chúng ta được sống đến ngày hôm nay. Cũng như khi khám bệnh, bác sĩ cần biết tiền sử bệnh để chẩn đoán bệnh hôm nay cách chính xác, bác sĩ cần giúp cho bệnh nhân chấp nhận quá khứ là nguyên nhân của đau khổ hôm nay để họ chấp nhận giây phút hiện tại dưới ánh sáng lòng thương xót Chúa, của Mầu  nhiệm Ơn cứu độ và Thập giá. Ngược lại, ta phải biết đọc quá khứ bằng ánh sáng ngày hôm nay. Giây phút hạnh phúc hiện tại tôi đã gặp gỡ Chúa, tôi theo Chúa, tôi thuộc về Chúa, tôi cảm nghiệm lòng thương xót Chúa đến với người tội lỗi. Thánh nhân không ngại nói về quá khứ nghiện cờ bạc của ngài, ngài nói về yếu đuối của ngài để mọi người cảm nghiệm lòng thương xót Chúa. Chính các bệnh nhân, các đồng nghiệp cũng cần được cảm thông, được Chúa yêu thương. Và điều quan trọng khác là ta cần hiểu được một Thiên Chúa Tình Thương đầy nghịch lý qua lòng nhân hậu và tha thứ. Ta có lý riêng của ta, nhưng Chúa có nghịch lý của Chúa. Một  Vị Vua đến thế gian  dưới thân phận nghèo nàn, yếu đuối, nhờ đó ta mới có thể dễ dàng đến với Chúa. Chính Chúa đã tự đồng hóa với con người: “Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm” (Mt 25,34). Lời này luôn vang vọng trong ngài, giúp ngài chỉnh lại tầm nhìn và giá trị nhân phẩm của người bệnh và cũng khởi đi từ Lời Chúa, ngài tin rằng ngài đang đang phục vụ chính Đức Kitô bằng xương bằng thịt hiện diện nơi bệnh nhân, ngài cung kính đến với họ, bình thản chấp nhận những cái tát, những cái khạc nhổ và những điều tệ hại khác. Vì vậy, ngài xem bệnh viện là vườn hoa trái ngon ngọt, là lối đi xinh đẹp, là vườn nho của ngài. Thật khó cho chúng ta để hiểu được nghịch lý của Chúa! Nhưng hành trình của mỗi chúng ta là thách thức tìm ra sự hiện diện của Chúa nơi người bệnh và đem người bệnh đến với Chúa. Khi phục vụ bệnh nhân, ta hãy luôn hướng về Chúa mà cầu nguyện cho họ. Hãy kiên trì phó thác vào Chúa và nhận biết giới hạn của mình, đừng lấn quyền của Thiên Chúa, nhất là trên mạng sống của bệnh nhân.

Tóm lại, ta cần lưu ý đến: Yếu tố thời gian và tính tất yếu của thời gian. Yếu tố thay thế và không độc nhất. Yếu tố bậc thang và thực tế của từng giai đoạn. Đừng đốt giai đoạn.

Trong phần chia sẻ nhóm, mọi người đã mạnh dạn nói lên những thiếu sót, những hèn yếu của mình khi đến với bệnh nhân, và quyết tâm theo gương Chúa và gương của thánh nhân để phục vụ tốt hơn bằng tình yêu thương và lòng khiêm nhu.

Thảo luận

Sau giờ nghỉ trưa là phần Thảo luận chủ đề: “Giáo huấn Hội Thánh về chăm sóc người bệnh giai đoạn cuối đời” do Nữ tu Bác sĩ Trần Như Ý Lan trình bày về ba nội dung: Điều trị thông thường và ngoại thường, An tử, hay nói đúng hơn, Gây chết êm dịu, và Nuôi dưỡng bệnh nhân trạng thái thực vật kéo dài. Dựa trên những kiến thức y khoa và Giáo huấn của Giáo hội, bác sĩ nêu lên những chỉ định mà GYT và người nhà bệnh nhân phải tuân theo. Sự sống là quà tặng của Thiên Chúa ban, Chúa muốn con người sống dồi dào. Nên nhớ mục đích tốt, phương tiện cũng phải tốt. Cần phải có lương tâm được huấn luyện ngay thẳng, mọi người sẽ phải trả lời trước mặt Thiên Chúa về cách mình lựa chọn. Và chúng ta đừng quên "Muốn được sống" là một bản năng của con người.

Thánh lễ

Đỉnh cao của ngày tĩnh tâm được diễn ra với giờ phút linh thiêng: Chầu Thánh Thể, sám hối và Thánh lễ.

Bài Tin Mừng hôm nay có sự trùng hợp kỳ diệu với ý của thánh Camillo. Chúa nói: “Ta là Đấng hiền hậu và khiêm nhường”, và Ngài mời gọi: “Hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi sức”. Thiên Chúa hạ mình sống ẩn dật, thầm lặng, không lớn tiếng ngay khi con người sai lỗi mà yên lặng chờ đợi để con người có cơ hội được sống. Theo gương Chúa, thánh Camillo cũng sống khiêm nhường, ngài xem “Khiêm nhường là một trong những đức tính vỡ lòng; nơi đâu không có khiêm nhường, không có đức tính  nào khác”. Mỗi chúng ta phải biết khiêm hạ để Chúa nâng ta lên và bổ sức cho ta. Sự khiêm nhường là cơ hội để chúng ta đến với Chúa và tha nhân. Đức tính cần thiết: Tình yêu là tên của Chúa là công cụ sắc bén để cảm hóa ngay cả người vô đạo. Xin Chúa cho chúng ta lòng khiêm nhường và tình yêu của Chúa để chúng ta đến gần anh chị em, chia sẻ với anh chị em, hạ mình xuống làm những việc bé nhỏ không tên vì lòng yêu mến Chúa, để kết hợp với Chúa Đấng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và để việc chăm sóc các bệnh nhân hiệu quả hơn.

Sau Thánh lễ, bác sĩ Phan Văn Dũng nói lên niềm hạnh phúc của GYT được học hỏi cũng như được nghe giảng về thánh Camillo, được tĩnh tâm để nhìn lại đời sống mình trong suốt thời gian qua. Bác sĩ cám ơn quý cha Camillo đã đồng hành với GYT, cám ơn quý cha giáo, quý thầy của học viện Phanxicô đã tạo bầu khí và điều kiện tốt nhất để GYT có được một ngày tĩnh tâm có mưa, có gió, có nắng, và sự hiện diện của Thiên Chúa. Cuối cùng, hứa sẽ phục vụ hết mình để khỏi phụ lòng các ngài.

Đáp từ, cha chủ tế chúc mừng GYT đã có ngày Tĩnh tâm xứng hợp để mừng lễ quan thầy. Ngài nhắc lại câu nói của thánh Camillo: “Các con đừng bao giờ nghĩ rằng mình xứng đáng để phục vụ bệnh nhân bởi vì không ai trong chúng ta xứng đáng để làm tốt cho Chúa, vì Chúa không cần gì cả. Nhưng việc phục vụ của chúng ta sẽ mang lại phần thưởng thiêng liêng cho chúng ta mà không ai có thể ban cho”. Ước mong câu nói này sẽ thêm lòng khiêm tốn và kiên nhẫn phục vụ bệnh nhân của anh chị em.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top