Giáo xứ Xóm Chiếu 2017

Giáo xứ Xóm Chiếu 2017

Giáo xứ Xóm Chiếu 2017

TGPSG -- Là một cộng đoàn có bề dày lịch sử lâu đời (160 năm) ở TGP Sài Gòn, giáo xứ Xóm Chiếu còn được biết đến với ngôi nhà thờ cổ gần 100 năm tuổi. Trải qua bao thăng trầm, hành trình Đức Tin của tiền nhân và giáo dân nơi đây đã ghi lại những trang sử vẻ vang mãi được lưu truyền và làm nên nét đẹp riêng cho cộng đoàn Dân Chúa Xóm Chiếu.

Dấu chứng thời gian

Vào những năm giữa thế kỉ XIX, tình hình bách đạo diễn ra nghiêm trọng. Một số vị thừa sai cùng bổn đạo từ nhiều nơi đã chọn Rạch Bàng là nơi để lánh nạn, trong đó có Đức cha Lefèbvre. Vì triều đình hiểu lầm rằng người Công Giáo tiếp tay cho quân xâm lược, nên bổn đạo nơi đây đã lãnh chịu biết bao gian khổ. Dù bị bắt bớ nhưng họ vẫn cố gắng cất một nhà thờ tạm tại Rạch Cây Bàng (Tân Thuận Đông ngày nay) để tổ chức cầu nguyện và làm nơi cho Đức cha Lefèbvre nghỉ ngơi, lo việc mục vụ. Ngôi nhà thờ đầu tiên của giáo xứ có tên là nhà thờ Rạch Bàng.

Năm 1856, họ đạo Xóm Chiếu được chính thức thành lập, Cha Phêrô Nguyễn Văn Thuyết được bổ nhiệm làm cha sở tiên khởi.

Đến năm 1862, do nhu cầu mục vụ, ngôi nhà thờ thứ hai được dựng lên ở Bến Nhà Rồng ngày nay. Nhà thờ có hai bên cánh như Thánh Giá nên được gọi là nhà thờ Thánh Giá.

Năm 1868, nhà thờ thứ ba được xây dựng là nhà thờ Thánh Phêrô, còn được gọi là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh gác chuông có đặt con gà (Cảng Sài Gòn ngày nay). Sau này, ngôi nhà thờ ấy được tháo dỡ phần tháp và mái để sử dụng làm Chi cục thuế Hải quan Cảng Sài Gòn.

Năm 1922, nhà cầm quyền bấy giờ điều đình với Tòa Giám Mục mua lại toàn bộ đất đai nhà chung ở cạnh bờ sông để xây dựng Cảng Sài Gòn. Với số tiền nhận được, Đức Cha Quinton đã mua lại 10 mẫu đất tại khu vực nhà thờ Xóm Chiếu bây giờ vừa để xây dựng nhà thờ, nhà xứ, trường học vừa để cho bà con giáo dân cất nhà, chia thành các xóm giáo, mỗi xóm nhận một vị Thánh Bổn Mạng.

Ngôi nhà thờ Xóm Chiếu hiện nay là nhà thờ thứ tư được xây dựng từ lúc này và tồn tại đến hôm nay theo trường phái kiến trúc Pháp - Nhật. Nhà thờ cao 30 mét, diện tích xây dựng 500m2, do hãng thầu Broissard et Mopin xây cất và kỹ sư thi công là ông Giobe, một người Công Giáo Đức.

Vào thời bấy giờ, thực hiện một kiến trúc to lớn như thế - trên một đám ruộng lầy rất dễ lún - sẽ rất khó khăn và đầy cam go. Nhưng nhờ ơn Chúa và với sự cộng tác của nhiều người, lễ khánh thành nhà thờ Xóm Chiếu đã được cử hành vào ngày Chúa nhật 29.11.1925, do cha Delignon chủ sự.

Năm 1954, trước tình hình di cư từ Bắc vào Nam, để đủ chỗ cho bà con giáo dân tham gia các nghi lễ, Cha sở Phaolô Nguyễn Văn Bộ đã cho lấp 2 ao bên hông nhà thờ, nới rộng mỗi bên thêm 4m. Từ đó đến nay, ngôi nhà thờ đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần, đáng kể là những lần sửa chữa vào năm 1976, 1998, và 2015 nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của giáo dân.

Nhìn chung, nhà thờ Xóm Chiếu ngày nay có nhiều thay đổi so với ban đầu nhưng vẫn bảo tồn những nét kiến trúc cổ xưa của một nhà thờ gần 100 năm tuổi. Trong nhà thờ vẫn giữ nguyên 14 chặng Đàng Thánh Giá và một số ảnh tượng đã có từ khi nhà thờ mới khánh thành. Đó là một dấu chứng hùng hồn về sự trường tồn của một họ đạo cổ trong lòng Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Theo cha Nguyễn Linh Dược, chánh xứ Xóm Chiếu năm 1885 - 1914, thì tên gọi Xóm Chiếu xuất phát từ nghề làm chiếu đã có từ lâu đời của người dân nơi đây.

Ngày ấy

Các vị thừa sai là những tông đồ truyền giáo đích thực, thấm nhuần một niềm sốt mến và can trường, hết lòng hết dạ để đem Tin Mừng đến cho mọi người. Ngoài sinh hoạt thiêng liêng, các ngài còn nhiệt tâm lo liệu cho bổn đạo có đất cư trú, tổ chức công việc sinh kế cho họ rất chu đáo.

Trong hai thế kỷ XIX và XX đã có 8 vị linh mục thuộc Hội Thừa Sai đến phục vụ cộng đoàn giáo xứ Xóm Chiếu. Các Linh mục ấy đều là những mục tử thánh thiện, vâng phục, sống khó nghèo, khiêm tốn, hết lòng thương yêu giáo dân, luôn tôn trọng lương dân Việt Nam và niềm tin của họ.

Bà con giáo hữu từ nhiều nơi đến đây như chim trời đậu tại đất lành. Họ sống đoàn kết yêu thương nhau, ngay cả những lúc bị bách hại; luôn kính trọng và vâng lời hàng Giáo Phẩm, siêng năng xưng tội rước lễ và làm việc lành phúc đức.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với những khó khăn trong các cuộc bách đạo và chiến tranh loạn lạc, giáo xứ Xóm Chiếu vẫn không ngừng phát triển. Nối tiếp công trình của các cha Thừa Sai, các linh mục Việt Nam đã tiếp tục củng cố và phát triển giáo xứ.

Và Bây giờ

Sau năm 1975, mặc dù có nhiều thay đổi và khó khăn nhưng giáo xứ Xóm Chiếu vẫn ngày càng thêm lớn mạnh về mọi mặt. Đó là hồng ân Thiên Chúa ban qua sự vun trồng, chăm sóc của biết bao tâm hồn thiện chí, nhất là tấm lòng yêu thương của các Đức Giám mục Giáo phận luôn dành cho cộng đoàn dân Chúa ở một vùng ngoại ô thành phố.

Năm 1996, Cha Inhaxiô Nguyễn Thới Hòa được Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi bổ nhiệm làm cha sở họ đạo Xóm Chiếu. Cha cố Inhaxiô là người có nhiều công lớn trong việc sửa chữa nhà thờ và quy hoạch lại khuôn viên nhà xứ. Ngài đã xây dựng Nhà sinh hoạt mục vụ, chuyển sửa nhà Cha sở thành Nhà Chờ Phục Sinh; xây dựng mới lại nhà nguyện giáo họ Thánh Tâm; sửa chữa nhà nguyện Tân hội và Rosa. Ngài đã đưa hài cốt Cha sở tiên khởi Phêrô Nguyễn Văn Thuyết và một số linh mục có công với họ đạo về chôn ở tiền đường nhà thờ, dưới tượng đài Lòng Chúa Thương Xót. Và chính khi ngài qua đời, hài cốt ngài cũng được chôn nơi đây. Bên cạnh việc xây dựng các cơ sở vật chất, Cha cố Inhaxiô cũng đã tận tâm trong việc củng cố, gầy dựng các đoàn thể trong giáo xứ.

Cha Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh - nghĩa tử của cha Cố Inhaxiô - được ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn bổ nhiệm làm cha sở thứ 26 của giáo xứ Xóm Chiếu, từ 01.12.2011 đến nay. Cha tiếp tục xây dựng và phát triển giáo xứ trên nền tảng truyền thống tốt đẹp.

Trong dịp mừng kỷ niệm 160 năm thành lập giáo xứ, về cơ sở vật chất, Cha sở Giuse Maria đã cho sửa chữa lại nhà thờ và đầu tư thêm các trang thiết bị nhằm giúp cộng đoàn dân Chúa tham dự các nghi lễ phụng vụ được sốt sắng hơn. Đặc biệt, Nhà Truyền Thống Giáo xứ được thiết kế mới hoàn toàn để lưu lại những kỷ niệm và hình ảnh toàn bộ quá trình hình thành và phát triển giáo xứ suốt 160 năm qua.

Về tinh thần, Cha sở đã tổ chức Đại lễ mừng 160 năm thành lập giáo xứ trong hai ngày 25 và 26-06-2016. Cuộc lễ đã để lại nơi tâm hồn người tham dự những ấn tượng sâu sắc và hoan hỉ, trong bầu không khí họp mặt của mọi thành viên trong đại gia đình giáo xứ.

Ngoài những sinh hoạt thường xuyên của các đoàn thể như các giáo xứ khác, điểm đáng chú ý nơi cộng đoàn giáo xứ Xóm Chiếu chính là những hoạt động mang tính truyền thống, đã có từ rất lâu và vẫn được duy trì. Trong phạm vi bài viết này, chỉ ghi lại 2 hoạt động được thực hiện hằng năm sau đây:

- Hành hương Đức Mẹ La Vang: được tổ chức từ năm 1999. Tuần hành hương diễn ra trong 6 ngày, từ thứ Hai đến thứ Bảy. Vào những dịp này, cha sở và các cha trong xứ đều hiện diện với bà con giáo dân để ngoài việc bày tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ, đây còn là cơ hội chủ chăn và các thành phần dân Chúa trong giáo xứ sống thân tình với nhau hơn.

Công tác bác ái, từ thiện: đã được duy trì liên tục trong hơn 20 năm qua, từ thời Cha cố Inhaxiô. Cùng với các linh mục, giáo dân trong xứ đã mở lòng đến với đồng bào nghèo, không phân biệt lương - giáo: đã có những cây cầu, những ngôi nhà tình thương được xây dựng nơi vùng sâu, vùng xa tận Mỹ Tho, Đồng Tháp. Hằng năm, giáo xứ phối hợp với Hội Chữ Thập Đỏ thực hiện chương trình Hiến máu nhân đạo và tổ chức khám, phát thuốc cho bệnh nhân nghèo; chia sẻ cho đồng bào khó khăn ở địa phương vào mùa Chay, dịp Tết… đã trở thành một trong những hoạt động chính yếu của giáo xứ.

Hướng về các thế hệ tương lai, Cha sở luôn thao thức, trăn trở làm thế nào để có thể bảo tồn di sản Đức tin của cha ông để lại. Và trong một lần trò chuyện, ngài đã chia sẻ cho chúng tôi biết một số việc làm rất cụ thể như sau:

- Tổ chức lại Thánh lễ Thiếu nhi vào chiều thứ năm

- Thực hiện những việc đạo đức bình dân như làm việc kính Đức Mẹ vào tháng Năm, tháng Mười và mỗi chiều thứ bảy; Làm việc kính Thánh Giuse trong suốt tháng Ba và mỗi chiều thứ tư.

- Đọc chung một số kinh nguyện truyền thống trước và sau Thánh lễ; có lời dẫn lễ trong các Thánh lễ Chúa nhật.

Theo Cha sở: những việc làm trên tưởng chừng chẳng có gì đặc biệt, nhưng đó chính là nguồn nuôi dưỡng đời sống Đức Tin cho bao thế hệ cha ông. Vì thế, ngoài những sinh hoạt mang tính thời đại, các việc đạo đức ấy cần được khơi gợi lại nhằm bảo tồn những di sản quý giá của cha ông và giúp thế hệ tương lai vững vàng trong đời sống làm con Chúa.

Lời kết

“Ngày ấy” các vị thừa sai và các bậc tiền nhân đã viết nên những trang sử vẻ vang, đầy tự hào cho giáo xứ Xóm Chiếu. Và “bây giờ”, các thành phần dân Chúa trong giáo xứ cũng được mời gọi noi gương các ngài tiếp tục sống những giá trị Tin Mừng và cùng loan báo Tin Mừng đó cho mọi người.

Xin được mượn lời của Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước - Chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội / HĐGMVN, trong Thánh lễ Kỷ niệm 160 năm Thành lập Giáo xứ Xóm Chiếu để làm lời kết: “Lòng biết ơn phải thúc đẩy mọi người cùng nhau làm cho giáo xứ tồn tại và phát triển tích cực, không chỉ về cơ sở xây dựng bên ngoài mà đặc biệt cả trong đời sống, trong từng con người và trong từng sinh hoạt của giáo xứ. Đó mới chính là thái độ biết ơn, là tâm tình tri ân đúng nghĩa mà mỗi người cần xác định để sống và thực hiện hằng ngày.”

Hồng Tuyến - TMCN 4.2017 (TGPSG)

Top