Giáo xứ Vĩnh Hòa 2017

Giáo xứ Vĩnh Hòa 2017

Giáo xứ Vĩnh Hòa 2017

TGPSG -- Tổng Giáo phận Sài Gòn có hơn 200 ngôi nhà thờ lớn nhỏ, nhưng duy nhất chỉ có một ngôi nhà thờ với tường vách hoàn toàn được xây bằng những tảng đá thiên nhiên vững mạnh, đó là nhà thờ Vĩnh Hòa thuộc Giáo hạt Phú Thọ. Đây quả là điều hết sức độc đáo.

Nhưng không chỉ có thế. Khi đến đây, người ta còn nhận ra rằng: Thiên Chúa không chỉ ngự trị trong ngôi nhà thờ làm bằng đá thiên nhiên xem ra rất vững bền ấy, mà còn ngự trong một ngôi thánh đường tuyệt vời là cộng đoàn dân Chúa Vĩnh Hòa, được xây bằng những viên đá sống động là những giáo dân hiền hòa mà nhiệt thành, tích cực cộng tác với nhau để xây dựng và phát triển Giáo xứ Vĩnh Hòa trong suốt 25 năm qua.

Hình thành

Năm 1954, sau khi di cư vào Nam và tạm cư tại một số vùng lân cận Sài Gòn nhưng gặp nhiều khó khăn, bà con giáo dân làng Vĩnh Phúc đã tìm đến vùng đất Phú Thọ Hòa để sinh sống. Một số nhỏ bà con thuộc các làng khác như: Hòa Khánh, Lương Hội, Sài Quất, Thanh Sầm, Kim Bàng cũng đã quy tụ về đây. Cùng là những người xa quê hương, và cùng có chung một đức Tin nên bà con rất đoàn kết, đùm bọc, yêu thương nhau. Lúc bấy giờ, vùng đất bà con sinh sống thuộc Giáo xứ Phú Bình nên mọi người cùng tham gia sinh hoạt phụng vụ và hội đoàn nơi đây.

Năm 1958, để thuận tiện cho việc tham dự các nghi thức phụng vụ, bà con giáo dân đã họp bàn với nhau để sau đó cùng chung tay góp công, góp của mua đất mà xây dựng lên một ngôi nhà nguyện nhỏ bằng cây, với vách đất và mái lá.

Năm 1962, do nhu cầu mục vụ, và vì nhà nguyện cũ đã bị hư hỏng nhiều nên nhà nguyện đã được làm lại: rộng hơn, mái được lợp tôn, thay cho mái lá.

Năm 1964, bà con giáo dân đã cùng với Cha sở giáo xứ Phú Bình là Cha cố Thomas Phạm Ngọc Biểu xây dựng một ngôi nhà thờ mới bằng bê tông cốt thép trên phần đất ngôi nhà nguyện trước đó, với diện tích rộng khoảng 400m2.

Nhà nguyện mang tên Vĩnh Hòa, được đặt ghép bởi hai địa danh: Vĩnh Phúc và Phú Thọ Hòa. Vĩnh Hòa còn mang một ý nghĩa nhân văn là hòa hợp vĩnh cửu.

Cuối năm 1990, Đức Tổng Giám mục (TGM) Phaolô Nguyễn Văn Bình cử Cha Giuse Mai Văn Rự đặc trách nhà nguyện Vĩnh Hòa.

Ngày 24/06/1991, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình về thăm mục vụ và tuyên bố nâng Giáo họ Vĩnh Hòa lên thành Giáo xứ Vĩnh Hòa. Cha Giuse Trần Văn Nghị được bổ nhiệm làm cha chánh xứ tiên khởi. Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ chánh xứ, Cha Giuse không chỉ chú tâm đến việc xây dựng các cơ sở vật chất mà còn quan tâm đến việc thành lập các giáo họ, xây dựng các đoàn thể. Cha cố Giuse đã lèo lái con thuyền giáo xứ non trẻ vượt qua bao gian nan khốn khó, để đoàn chiên mỗi ngày được vững mạnh hơn.

Ngôi nhà thờ đá

Ngày 15/07/2002, Cha Gioan Baotixita Vũ Mạnh Hùng nhận bài sai của Đức TGM Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn về chăm sóc Giáo xứ Vĩnh Hòa trong cương vị chánh xứ thay Cha Giuse Trần Văn Nghị đi nghỉ hưu.

Trăn trở trước ngôi thánh đường xây dựng lâu năm, nay đã xuống cấp trầm trọng, nền nhà thờ luôn bị ngập nước, gây khó khăn cho việc cử hành các nghi thức phụng vụ nên Cha chánh xứ Gioan Baotixita cùng bà con giáo dân đã xin phép Tòa TGM xây dựng lại ngôi nhà thờ và đã được chấp thuận.

Ngày 24/06/2004, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Thánh đường mới.

Sau lần hành hương nhà thờ đá Phát Diệm, khởi đi từ cảm hứng bởi Lời Chúa: “Con người mà thinh lặng thì đá cũng lên tiếng” (Lc 19,40), Cha chánh xứ Gioan Baotixita đã chia sẻ ý tưởng xây dựng ngôi Thánh đường bằng đá với bà con giáo dân và được sự đồng thuận. Giáo xứ nhờ Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Dòng Chúa Cứu Thế, thiết kế nhà thờ theo lối kiến trúc Á Đông mang nặng hồn Việt, với diện tích 12,5m x 33m trong khuôn viên chưa đầy 900m2.

Nhà thờ cao 27m, gồm 3 tầng mang hình bóng ngôi đình làng Việt Nam xưa với những nét đẹp của văn hóa truyền thống. Công trình cũng nhằm diễn đạt niềm tin Kitô giáo theo truyền thống dân tộc Việt Nam. Mặt chính diện trên tầng tháp cao là bức tranh đá khắc hình Trống đồng Đông Sơn, lồng trong một khung vuông, gợi nhớ huyền thoại dựng nước thời Vua Hùng Vương, với sự tích bánh dày (tròn) bánh chưng (vuông), phản ánh triết lý của người Việt Nam là mong đạt đến sự viên mãn, hòa hợp trời và đất. Đó cũng là niềm tin và đích điểm của người Kitô hữu: được hưởng một nền hòa bình vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Phía trên cửa vòm là bức tranh Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Thánh Gioan Baotixita - Đấng Bảo trợ giáo xứ. Bên phải, bên trái và bên hông được trang trí nhiều bức tranh tạc trên đá, diễn tả cuộc đời Chúa Giêsu theo Tân Ước.

Bên trong nhà thờ, tầng trệt là chính điện với 300 chỗ ngồi, cùng với tầng lửng 100 chỗ ngồi. Toàn bộ kết cấu phần móng, khung, mái đều được đổ bê tông cốt thép. Tường nhà thờ sử dụng đá thiên nhiên từ Thanh Hóa và được các nghệ nhân, thợ đá lành nghề từ làng Đá Hoa Lư - Ninh Bình, quê hương của Nhà thờ đá Phát Diệm chế tác. Điểm độc đáo là các viên đá đều được mài bóng theo qui cách 1m x 0,40m x 0,20m, nặng 150kg. Các tảng đá làm chân đế, bệ cột, nặng cả tấn và được chạm trổ công phu. Tất cả các tảng đá đó đã được chuyển vào Nam với gần cả trăm chuyến xe vận tải nặng.

Mặt tiền cung thánh được trang trí bằng bức phông gỗ quý, với những nét chạm tinh xảo, khắc hình tứ quý thực vật là Mai-Lan-Cúc-Trúc cùng Lân-Sư chầu tòa, như để bày tỏ tấm lòng tôn kính của các loài thụ tạo đối với Đấng tác thành muôn loài, muôn vật. Mười bốn chặng Đàng Thánh Giá được thay đổi với chặng thứ nhất diễn tả Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, qua Bữa Tiệc ly và chặng thứ mười bốn là Chúa Giêsu Phục Sinh, được thể hiện dưới dạng gò đồng nổi rất thẩm mỹ và công phu.

Ngày 25/06/2007, ĐHY G.B Phạm Minh Mẫn, ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc - lúc đó còn là ĐGM Giáo phận Mỹ Tho - cùng đông đảo linh mục và các thành phần dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ Cung hiến Thánh đường. Trong dịp này, ĐHY Gioan Baotixita đã chính thức xác định tên cho ngôi thánh đường mới là Nhà thờ đá Vĩnh Hòa. Ngài nhấn mạnh là đã nhìn thấy trong “những viên đá sống động” có biết bao giọt mồ hôi, nước mắt, biết bao công lao khó nhọc của cha chánh xứ, giáo dân giáo xứ Vĩnh Hòa và mọi người gần xa.

Những viên đá sống động

Ngày 30/06/2015, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã sai Cha G.B Vũ Mạnh Hùng nhận nhiệm sở mới, và bổ nhiệm Cha Gioakim Lê Hậu Hán làm chánh xứ Vĩnh Hòa vào ngày 03/07/2015.

Giáo xứ hiện gồm có 4 giáo họ: Mông Triệu, Vinh Sơn, Phaolô và Đaminh, cùng nhiều hội đoàn với tổng số giáo dân khoảng 3.820. Có thể thấy thế mạnh của giáo xứ Vĩnh Hòa chính là hoạt động của các đoàn thể. Ban Hành giáo, các hội đoàn đã cùng cộng tác với Cha chánh xứ Gioakim Lê Hậu Hán trong các hoạt động mục vụ. Trong Năm Thánh của giáo xứ, có nhiều Hội đoàn đã cùng mừng kỷ niệm 25 năm thành lập như Hội Bác Ái Martinô, Ca đoàn Cecilia, Ca đoàn Thánh Mẫu, Ban Lễ Sinh.

Hành trình 25 năm đức Tin của giáo xứ Vĩnh Hòa đã trổ sinh nhiều hoa trái trong ơn gọi linh mục và tu sĩ, trong đó nhiều ơn gọi phát xuất từ Ban Lễ Sinh như: Cha giáo Giuse Đỗ Xuân Vinh, Cha Vinh Sơn Trương Đức Vinh (thụ phong linh mục ngày 30/05/2016), Cha G.B Nguyễn Xuân Bình (thụ phong linh mục ngày 30/05/2016), Thầy Martino Nguyễn Đức Trọng (Khóa 13, Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn)… Linh mục gốc Vĩnh Hòa có Cha Giuse Nguyễn Đức Trí (chánh xứ Bình Minh), linh mục bác sĩ Augustinô Nguyễn Viết Chung (thuộc Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn, mới qua đời). Ngoài ra còn có một số chủng sinh và nữ tu khác thuộc Giáo xứ Vĩnh Hòa đang tu tập ở nhiều nơi…

Củng cố và phát triển

Tiếp nối những công việc truyền thống của các vị tiền nhiệm, Cha chánh xứ Gioakim Lê Hậu Hán đã đẩy mạnh đường hướng mục vụ nhằm tạo nên những viên đá sống động xây nên ngôi Đền thờ thiêng liêng (1Pr 2,5).

Về Phụng vụ: Chú trọng đến “cử chỉ nhỏ, ơn ích lớn”. Đặc biệt, trong Thánh lễ chăm lo truyền dạy Đức tin và nhân bản cho thiếu nhi.

Về Mục vụ: Chăm lo xây dựng tình hiệp nhất yêu thương, chăm sóc cách riêng những người đau ốm, bệnh tật…

Trong Năm Thánh mừng kỷ niệm 25 năm thành lập giáo xứ, cha chánh xứ cùng Ban Hành giáo và các hội đoàn đã tổ chức Ngày Khai mạc và nhiều hoạt động ý nghĩa, mang lại lợi ích thiêng liêng cho các thành phần dân Chúa trong giáo xứ. Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn của cha chánh xứ, Ban Truyền Thông giáo xứ đã hoàn thành Kỷ yếu Giáo xứ Vĩnh Hòa, với tựa đề “Khát vọng yêu thương”. Hiện nay, giáo xứ Vĩnh Hòa đang nỗ lực chuẩn bị cho ngày Bế mạc Năm Thánh mừng 25 năm thành lập giáo xứ, đồng thời cũng là ngày kỷ niệm 10 năm Cung hiến Nhà thờ đá Vĩnh Hòa (25/06/2007- 25/06/2017).

Lời kết

Trong Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo xứ Vĩnh Hòa, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc nhắn nhủ: “Mừng ngân khánh thành lập giáo xứ, mỗi người hãy nhìn lại đức Tin của mình để cố gắng trở nên giống Chúa hơn nhờ suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, cầu nguyện không ngừng, siêng năng đón nhận bí tích Tình Yêu. Bên cạnh đó hãy có những việc làm cụ thể như sống bác ái yêu thương người nghèo khổ, bất hạnh trong cuộc sống. Đặc biệt là cần quan tâm đến những người chưa biết Chúa ngay trong khu xóm và môi trường xung quanh nơi làm việc của mình…”

Năm Thánh 2017 của giáo xứ Vĩnh Hòa đã được cử hành để tương lai giáo xứ luôn được mở ra với muôn ngàn hoa trái của niềm tin yêu hy vọng, khi “những viên đá sống động” luôn biết hòa hợp với nhau, cùng nhau thực hiện lời mời gọi trên của vị cha chung TGP.

Hồng Tuyến - Nhịp Sống Tin Mừng 7.2017 (TGPSG)

Top