Giáo xứ Trung Chánh 2018
TGPSG -- “Chọn bổn mạng là Thánh Thể, giáo xứ Trung Chánh đã mở ra một hướng đi Thánh Thể - Truyền Giáo. Chủ đề Thánh Thể - Truyền Giáo nhắc nhở mọi người đến với Thánh Thể để trở nên một cộng đoàn biết yêu thương, trở nên Tấm Bánh được bẻ ra và chia sẻ cho mọi người.” (ĐGM Giuse Vũ Duy Thống, 2004).
1. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH
Theo sử liệu và tư liệu còn lưu trữ, địa danh Trung Chánh đã có từ những năm đầu của thế kỷ 19. Trung Chánh nguyên là một thôn của tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An xưa. Thôn này có từ năm Gia Long thứ 10 (1811).
- Tháng 8.1954: Vùng đất Trung Chánh đón nhận khoảng 40 gia đình công giáo di cư thuộc nhiều giáo phận miền Bắc như Hà Nội, Bùi Chu, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh… đến đây lập nghiệp và tạo nên một cộng đồng công giáo đầu tiên tại thôn Trung Chánh, xã Trung Mỹ Tây, quận Hóc Môn. Linh mục chánh xứ tiên khởi - cha Tôma Trần Quốc Phú - cho dựng ngôi nhà bạt đầu tiên làm nơi thờ phượng, cách ngôi nhà thờ hiện nay khoảng 200 mét.
- 1956-1957: Do nhiều người công giáo vùng khác về nhập cư (khoảng 3000 người), cha xứ và giáo dân đã thuê đất của người địa phương thành lập giáo xứ. Cả một vùng đất rộng, không người ở của ông hội đồng Bảng đã được thuê với giá cả gần như cho không, rồi phân lô cho từng gia đình, lấy tên gốc của địa phương là Trung Chánh làm tên giáo xứ, chọn bổn mạng giáo xứ là Mình Máu Thánh Chúa. Sau đó, Linh mục Tôma Trần Quốc Phú cho xây dựng ngôi nhà thờ bằng khung sắt tiền chế. Việc chọn tên Trung Chánh cho giáo xứ là để bày tỏ tấm lòng của người giáo dân đối với vùng đất đã cưu mang mình. Linh mục Tôma Trần Quốc Phú lúc ấy cho biết: “Lúc đó, đa số giáo dân thuộc Giáo phận Bùi Chu. Cùng với lòng hoài niệm về cố hương, giáo dân Trung Chánh đã đặt tên con đường chính dẫn đến nhà thờ là đường Bùi Chu, và đường gần nhà thờ mang tên Hồ Ngọc Cẩn - vị Giám mục tiên khởi của Giáo phận Bùi Chu. Ngoài ra, những con đường còn lại mang tên các Giáo phận khác như: Hà Nội, Thái Bình… hay các anh hùng dân tộc như Quang Trung, Lê Lợi, Trưng Vương… không chỉ gợi nhớ những kỷ niệm và truyền thống đáng quý, mà còn cho thấy Giáo xứ Trung Chánh đã quy tụ nhiều giáo dân đến từ nhiều Giáo phận khác nhau về sinh sống”. Do những đặc thù đó, Trung Chánh đã thành lập 11 giáo khu của mỗi con đường, mỗi giáo khu chọn Thánh Quan Thầy, tên Thánh Quan Thầy cũng là tên của giáo khu: Micae, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Phanxicô, Gioan Baotixita, Antôn, Thánh Gia, Phaolô, Phêrô, Mẫu Tâm, Giuse Thợ, Vinh Sơn. Năm 2000 có thêm giáo khu Mẹ Thiên Chúa.
2. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
Ngôi nhà thờ đầu tiên của Giáo xứ Trung Chánh được dựng lên vào năm 1954 bằng vải bạt. Năm 1956, nhà thờ được dựng bằng sắt tiền chế và xây tường gạch do linh mục Tôma Trần Quốc Phú.
Sau khi đã ổn định về mặt đức tin, nhận thấy cần phải mở mang về mặt giáo dục cho con em trong xứ, linh mục Tôma Trần Quốc Phú đã mở một ngôi trường tiểu học ngay cạnh nhà thờ mang tên Hoàng Gia Huệ. Năm 1959, linh mục Giuse Nguyễn Thanh Khiết đã cho mở thêm hệ trung học cấp II; và năm 1965, linh mục Antôn Phạm Gia Thuấn mở thêm khối cấp III. Trường Hoàng Gia Huệ hoạt động đến năm 1975, sau đó được nhà nước quản lý và đến nay vẫn hoạt động với tên Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Nói về việc mở mang trường học này, đối với người dân trong xứ đạo, đó là việc ưu tiên và quan trọng nhất lúc bấy giờ. Việc ưu tiên mở trường học là một lựa chọn khẩn thiết, khi mà vùng đất mới này lúc ấy chưa có một ngôi trường nào. Vì thế, trường học được xây dựng không chỉ để phục vụ cho con em trong giáo xứ, mà còn hướng tới đồng bào tại địa phương.
Ngoài ra, năm 1963, Giáo xứ đã mua một khu đất ở vùng Mỹ Hòa ngày nay để làm giáo điểm truyền giáo, đồng thời làm nơi thực hiện công tác từ thiện - bác ái, và mở mang dân trí. Giáo xứ đã mở thêm một trường học gọi là trường Hoàng Gia Huệ nghĩa thục tại khu Mỹ Hòa này, trường miễn phí cho con em địa phương, được gọi là “khu xã hội Mỹ Hòa”. Từ đó, nơi thực hiện công tác bác ái và giáo dục này trở thành điểm truyền giáo của Giáo xứ. Chính nhờ việc ươm mầm và ưu tiên mở mang giáo dục của các bậc tiền nhân, mà ngày nay nhiều con em trong Giáo xứ đã và luôn đạt những thành tích cao về học vấn trong vùng Hóc Môn.
Năm 1971, linh mục Giuse Maria Phạm Châu Diên đã cho xây dựng ngôi thánh đường Giáo xứ Trung Chánh theo kiểu đông tây hòa hợp, thánh đường được Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình khánh thành và làm phép ngày 01.01.1972.
Năm 1974, linh mục Giuse Maria Phạm Châu Diên cho xây thêm một ngôi đền kính Thánh Giuse bên cạnh trường học tại “khu xã hội Mỹ Hòa”.
Năm 1975, linh mục Vinh Sơn Vũ Thế Hưng về làm chánh xứ. Đây là giai đoạn khó khăn với các xứ đạo, nhưng vì tinh thần phục vụ, cha Vinh Sơn luôn vững tay chèo để dẫn dắt Giáo xứ. Bằng cách này hay cách khác, các hội đoàn trong Giáo xứ vẫn hoạt động vững mạnh. Năm 1990, cha Vinh Sơn đã chỉnh trang lại khuôn viên nhà thờ, và trùng tu, trang trí lại cung thánh.
Năm 1992, linh mục Antôn Phạm Gia Thuấn về làm chánh xứ. Trải qua thời gian, số giáo dân tại khu Mỹ Hòa gia tăng nhanh chóng, nên năm 1999, cha Antôn cho xây một nhà nguyện tại đây. Từ đó, khu Mỹ Hòa được thiết lập thành một giáo khu đặc biệt gọi là “Họ giáo Mỹ Hòa”, được tổ chức như các giáo khu khác của Giáo xứ. Họ giáo Mỹ Hòa ngày một phát triển, số giáo dân tăng nhanh. Để phục vụ cộng đoàn tại đây, mỗi buổi chiều Chúa Nhật đều có linh mục cử hành thánh lễ, mỗi thứ tư đầu tháng có thánh lễ kính thánh Giuse - Quan thầy Giáo họ. Sau này, Họ giáo Mỹ Hòa được nâng tách thành một giáo xứ mới (năm 2017).
Năm 2003, vào dịp kết thúc năm phụng vụ, cha Antôn đã xin Tòa Ân giải Tối cao của Tòa Thánh cho mở Năm Thánh nhân dịp kỷ niệm 50 thành lập Giáo xứ. Dịp này, cha Antôn đã cho chỉnh trang lại Đài Đức Mẹ và xây dựng nhà chầu Thánh Thể. Thánh lễ khai mạc Năm Thánh được Đức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống chủ sự, sau đó cắt băng khánh thành và làm phép nhà chầu “Thánh Thể - Truyền Giáo”.
Năm 2007, linh mục Antôn Phạm Gia Thuấn cùng cộng đoàn đại tu lại Thánh đường và mở thêm hai hàng hiên nhà thờ. Ngày 22.08.2007, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã thánh hiến nhà thờ và bàn thờ. Từ đây, Giáo xứ đã lấy ngày này làm ngày truyền thống của Giáo xứ.
Năm 2013, linh mục Đa Minh Maria Nguyễn Văn Minh về làm chánh xứ. Cha Đa Minh đã trang trí lại cung thánh, đại tu lại nhà chầu Thánh Thể, mở rộng cánh gà cho ca đoàn phục vụ ca hát trong thánh lễ, xây dựng tòa kính Chúa Thương Xót và tòa kính Thánh Gia.
Riêng Họ giáo Mỹ Hòa phát triển mạnh mẽ, số giáo dân tăng nhanh, cùng với việc số anh chị em di dân tham dự thánh lễ ngày càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu mục vụ lớn lao ở đây, ngày 30.6.2016, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc quyết định nâng tách Họ giáo Mỹ Hòa thành giáo xứ mới: Giáo xứ Mỹ Hòa. Thánh lễ công bố quyết định thành lập xứ mới và bổ nhiệm cha sở mới cho Giáo xứ Mỹ Hòa được cử hành ngày 9-9-2017 do Đức Giám mục Phụ tá Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ sự. Giáo xứ Mỹ Hòa trở thành giáo xứ thứ 203 của Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Các linh mục chính xứ và phó xứ Trung Chánh
1954-1957: Lm chính xứ Tôma Trần Quốc Phú
1957-1958: Lm chính xứ Đa Minh Đinh Cao Đàm
1958-1960: Lm chính xứ Giuse Nguyễn Thanh Khiết
1960-1966: Lm chính xứ Tôma Trần Quốc Phú (lần II)
Lm phó xứ Antôn Phạm Gia Thuấn
1966-1975: Lm chính xứ Giuse Maria Phạm Châu Diên
Lm phó xứ: - Antôn Phạm Gia Thuấn
- Gioan Vũ Hân
- Vinh Sơn Vũ Thế Hưng
1975-1992: Lm chính xứ Vinh Sơn Vũ Thế Hưng
Lm phó xứ Vinh Sơn Bùi Quang Điện
1992-2013: Lm chính xứ Antôn Phạm Gia Thuấn
Lm phó xứ: - Gioan B. Vũ Mạnh Hùng
- Phanxicô Nguyễn Xuân Quang
- Phêrô Nguyễn Văn Cường
- Đa Minh Đinh Công Đức
- Antôn Nguyễn Thanh Danh
- Batôlômêô Nguyễn Hoàng Tú
2013 - nay: Lm chính xứ Đa Minh Maria Nguyễn Văn Minh
Lm phó xứ Giuse Đào Hoàng Vũ
3. CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC CỦA GIÁO XỨ
Địa chỉ Nhà thờ giáo xứ: 103/5 Quang Trung, ấp Trung Chánh 1, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn.
Số giáo dân: gần 7000 người, trong đó có 1400 Thiếu nhi Thánh Thể.
Số giáo khu: 12 Giáo khu (7 khu có nhà nguyện riêng).
Các đoàn thể công giáo tiến hành: Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, Giới trẻ, Huynh đoàn Đa Minh, Gia đình phạt tạ Thánh Tâm, Legio Mariae, Hiệp hội Thánh Mẫu, Ban Bác ái xã hội Caritas, Gia đình Cầu Nguyện, Hội bác ái Têrêsa Calcutta, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót, Ban Chăm sóc bệnh nhân, Ban Thiện Chí, 5 Ca đoàn…
Ngoài các lớp giáo lý phổ thông cho thiếu nhi, giáo xứ còn mở các khóa giáo lý dự tòng và hôn nhân, bên cạnh đó còn có các khóa học như: Thăng tiến hôn nhân gia đình, các khóa bồi dưỡng và đào tạo đặc biệt cho thanh thiếu niên.
Tính từ khi thành lập đến nay, giáo xứ đã có 15 linh mục, 30 nữ tu phục vụ trong cánh đồng truyền giáo. Hiện nay giáo xứ còn có 1 Đại chủng sinh, 1 tu sĩ dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc và 3 dự tu.
Giáo xứ có các ngày lễ truyền thống như:
- Ngày Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa: là ngày Bổn Mạng Giáo xứ, cũng là ngày Chầu lượt thay cho giáo phận.
- Lễ Kỷ niệm Cung hiến Thánh đường: 22.8 hằng năm.
Giáo xứ rước kiệu Thánh Thể chung quanh Giáo xứ cuối năm phụng vụ: Thứ Bảy áp lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Cộng đoàn cùng rước kiệu Thánh Thể chung quanh Giáo xứ. Tại những con đường mà Thánh Thể được cung nghinh, nhiều gia đình dâng những vật phẩm như: gạo mì gói, quần áo… và tiền để giúp cho những người nghèo và thực hiện bác ái.
4. CHĂM LO ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
Từ khi về nhận nhiệm sở, cha Đa Minh Nguyễn Văn Minh, với sự cộng tác của cha phó Giuse Đào Hoàng Vũ, luôn kế thừa và phát huy các truyền thống của giáo xứ. Với nhiệt huyết và lòng thao thức tông đồ, cha đã cho thành lập Ban Mục vụ Giới trẻ của giáo xứ và ca đoàn giới trẻ, không chỉ để phục vụ Thánh lễ dành riêng cho các bạn trẻ, mà còn đồng hành cùng người trẻ trong các sinh hoạt mục vụ và đời sống đức tin của họ. Ngoài ra, cha tổ chức lại Hội đồng Mục vụ Giáo xứ theo quy chế của Tổng Giáo phận, lập thêm các đoàn thể tông đồ giáo dân cùng với việc tổ chức các sinh hoạt đạo đức - tông đồ: Ban Bác ái Xã hội Caritas, Ban Phục vụ Bệnh nhân, Ban Thiện chí, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót…
Với vai trò là người đồng hành cùng Giới trẻ trong Giáo hạt Hóc Môn, cha Đa Minh dành thời gian quy tụ và tạo những sân chơi lành mạnh và bổ ích cho giới trẻ. Cha chia sẻ: “Tuổi trẻ là tương lai của Giáo Hội, vì thế, mục vụ thiếu nhi và giới trẻ chính là việc ưu tiên và phải dành nhiều thời gian, công sức để đầu tư. Chính vì các em là những mầm non và tầng lớp kế thừa phát triển giáo xứ trong tương lai, nên mọi sinh hoạt mục vụ của Giáo xứ sẽ định hướng ưu tiên cho các em”.
Về mặt đạo đức, cha tổ chức những ngày tĩnh tâm chuẩn bị tâm hồn những dịp lễ lớn: ngoài những ngày tĩnh tâm Mùa Vọng và Mùa Chay, còn có những ngày tĩnh tâm nhân ngày Bổn mạng Giáo xứ, ngày Truyền thống của Giáo xứ.
Cha tổ chức những dịp cả giáo xứ xưng tội, cha phát động và cùng đồng hành cùng các gia đình họp thành các nhóm đọc kinh Mân Côi trong Tháng Mân Côi, Tháng Các Linh Hồn, để cầu nguyện và tạo một mối dây liên kết yêu thương trong cộng đoàn Giáo xứ, Giáo khu, khu xóm, và các gia đình.
5. THỰC THI BÁC ÁI
Về công tác bác ái, cộng đoàn Giáo xứ không chỉ rộng tay giúp đỡ các họ đạo nghèo, giúp các dòng tu xây dựng cơ sở tu trì, các điểm truyền giáo. Từ nhiều năm qua, Giáo xứ còn nhiệt tâm đến với người nghèo: bằng việc chia sẻ, thăm viếng và tặng quà… cả những người nghèo ở địa phương lẫn những người nghèo ở vùng sâu vùng xa.
Tại địa phương, các đoàn thể Legio Mariae, Caritas, Ban Phục vụ Bệnh nhân thay nhau chăm sóc những người già yếu, bệnh tật, neo đơn không thể tự chăm sóc mình. Cộng đoàn Giáo xứ nhiệt tâm chia sẻ bằng cách đóng góp vào quỹ bác ái chung của Giáo xứ mang tên gọi: Quỹ Bác ái Têrêsa Calcutta, theo gương vị tha quên mình của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta.
Hằng tháng, Giáo xứ giúp đỡ lương thực cho khoảng 85 người nghèo tại địa phương, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, trao tặng học bổng cho các em học sinh nghèo học giỏi, cũng như giúp sửa chữa nhà cho các hộ nghèo trong Giáo xứ.
Ngoài ra, những chuyến thăm viếng những người nghèo tại các mái ấm, giáo điểm, hay đồng bào miền thượng, miền Tây… hay những chiếc cầu được xây dựng do sự đóng góp bác ái… trở thành hình ảnh rõ nét của sự kết nối từ trái tim đến trái tim. Đó là sự nối kết của những tâm hồn biết yêu thương, cho đi, tận hiến và phục vụ do bởi lời mời gọi của Bí tích Thánh Thể, hướng đến sứ vụ Truyền Giáo. Sự nối kết này làm cho Giáo xứ Trung Chánh trở nên Tấm Bánh bẻ ra và trao ban cho mọi người.
LỜI KẾT
Với định hướng: “Thánh Thể và Truyền Giáo”, cộng đoàn Giáo xứ Trung Chánh luôn nỗ lực duy trì những truyền thống tốt đẹp, phát huy tinh thần hiệp nhất - yêu thương - phục vụ, để mỗi thành viên trong Giáo xứ luôn biết bẻ đời mình ra, trao ban cho mọi người, hầu diễn tả sự hiện diện của Chúa ở khắp nơi, và tất cả sẽ nên một trong Tấm Bánh Tình Yêu Giêsu.
Vũ Vinh Quang - NSTM 7.2018 (TGPSG)