Giáo xứ Thái Bình 2016

Giáo xứ Thái Bình 2016

Giáo xứ Thái Bình 2016

TGPSG -- Ở giáo hạt Xóm Mới, nơi có khá nhiều nhà thờ gần nhau, chỉ riêng đoạn cuối con đường Thống Nhất có đến bốn nhà thờ ở mặt tiền đường (Hà Đông, Hà Nội, Thái Bình, Tử Đình). Nhà thờ của cộng đoàn Giáo xứ Thái Bình có khuôn viên phía trước thoáng, đẹp, như ẩn chứa nét thanh bình mà ai thích sự tĩnh lặng cũng muốn ghé qua.

Một cộng đoàn tròn đầy yêu thương

Mời quí độc giả xem phần hội thoại của chúng tôi với cha chánh xứ Giuse Đỗ Mạnh Cường dưới đây, để có thể hiểu được nhịp sinh hoạt của một giáo xứ có cái tên như “vận vào thân phận” của mình.

Con kính chào cha! Thỉnh thoảng đi ngang qua con đường này, bây giờ con mới chú ý bảng tên nhà thờ. Hôm nay nhìn cha xứ sao con thấy quen quen ?

À vâng, mời chị ngồi. Chắc chị đã quên, có lần chị gặp tôi khi đến lấy tin ở quận 8.

Ồ... thưa đúng rồi! Ngày đó cha là cha phó, mang hộp bánh ra mời chúng con. Bây giờ là cha xứ “oai phong” thật! Con vừa được một giáo dân vui vẻ dắt xe từ khuôn viên nhà thờ ngang qua đường nhỏ để vào nhà xứ này. Thì ra nhà thờ và nhà xứ là một khối thẳng từ bên ngoài mặt đường vào sâu bên trong.

Vâng, đúng vậy. Khuôn viên giáo xứ là một khối hình chữ nhật đứng, “quỹ đất” đã ổn định từ lâu. Còn giáo dân ở đây vui vẻ, cởi mở lắm! Có 2.500 người, là giáo dân toàn tòng vì cùng ở giáo phận Thái Bình ngoài miền Bắc vào đây, rất yêu thương quí mến nhau; dù sinh sống bằng nhiều ngành nghề nhưng giáo dân có mức sống ổn định tuy không giàu.

Nhà thờ có nét đẹp hiện đại, lại sạch từng xăng-ti-mét thế này, hẳn là giáo dân rất siêng năng dự lễ, thưa cha ?

Nhà thờ được khởi công từ năm 1994 đến đầu năm 1997 mới khánh thành với tước hiệu Nhà Thờ Đức Mẹ Mân Côi xứ Thái Bình.

Cộng đoàn giáo xứ có nề nếp giữ đạo tốt, từ thời những linh mục tiền nhiệm nên chúng tôi cố gắng duy trì và phát triển hơn về các mặt khác nữa, thí dụ như các phong trào của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể được sinh động hơn, làm cho các cháu có “nhiều vốn liếng tinh thần” để vào đời...

Thưa cha, cùng là đồng hương trong một giáo xứ, hẳn là sinh hoạt đoàn thể cũng nhịp nhàng, tốt lành ?

Các đoàn thể quen thuộc như Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Huynh Đoàn Giáo dân Đa Minh, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Légio Maria sinh hoạt nhịp nhàng. Riêng hội Trinh Vương Thánh Mẫu thì học hỏi Lời Chúa và làm các việc đạo đức như thăm hỏi bệnh nhân, quét tước trong ngoài nhà thờ. Mới đây, một Ban Phục vụ được thành lập gồm thanh niên và quí ông hăng say các công việc theo thời điểm như chỉnh sửa công trình trong khuôn viên nhà thờ, chuẩn bị ngày lễ lớn, các công việc theo thời điểm, giữ trật tự đặc biệt, các anh cảm thấy rất vui khi tình nguyện trong công việc nặng nhọc và còn đoàn kết thân thiện nữa.

Cộng đoàn ở đây sống tinh thần bác ái ra sao ạ ?

Các việc bác ái thực hiện theo đúng đường hướng của giáo phận, chứ không chỉ mang ý nghĩa ban phát. Vào các dịp như Tết hoặc lễ bệnh nhân, giáo xứ có thăm hỏi và tặng quà cho người nghèo, hầu hết là giáo dân, thi thoảng cũng có những hoàn cảnh khó khăn bên ngoài. Các ca đoàn mỗi năm đi thăm vùng sâu vùng xa trong dịp mùa Chay, mùa Vọng. từ những hoạt động trên, giáo xứ đang chuẩn bị ra mắt ban Caritas theo hệ thống Caritas toàn quốc.

Trong bối cảnh giáo xứ hiện tại, hẳn là giới trẻ cũng hoạt động tích cực, có đúng không ạ ?

Giới trẻ của giáo xứ tích cực tham gia vào các đoàn thể. Đây chính là những thành phần “nòng cốt” cho tương lai của giáo xứ . Vì thế, khi học giáo lý, các bạn được chuẩn bị kỹ năng sống; khi học hết phổ thông thì được khuyên hướng đến các hội đoàn. Ngoài ra, những buổi học tập, tiếp xúc ngoại khóa có những lợi ích nhất định, để sau này khi gặp những vấn đề trong cuộc sống các bạn trẻ có đủ bản lĩnh đương đầu với những khó khăn riêng. Việc giúp các em trong những vấn đề trên do các chuyên viên tâm lý, quí thầy, quí sơ thuộc các dòng tu.

Giáo xứ vừa mừng 60 năm thành lập. Suốt hành trình như thế, chỉ có một “bầu khí thanh bình” trải dài trên chặng đường lược sử, phải không thưa cha ?

Thưa không, có một biến cố đáng ghi nhớ trong đời sống đức tin của bà con giáo dân. Đó là sau năm 1975, giáo dân đi kinh tế mới vì đời sống quá khó khăn, đức tin có phần sa sút; hội đoàn ngưng sinh hoạt; việc phụng tự, lễ hội bị trì trệ. Một bầu khí u buồn kéo dài cho đến năm 1980, nhờ ơn Chúa, giáo dân lần hồi trở về giáo xứ và có một số gia đình Công giáo từ nơi khác đến làm cho đời sống đạo đức được phục hồi và sau đó, có thêm sự khôn ngoan của các vị chủ chăn thì cộng đoàn mới phát triển tích cực đấy!

Con xin cảm ơn cha. Kính chúc cha và cộng đoàn luôn thái bình, hạnh phúc.

Từ phòng khách giáo xứ, chúng tôi đi loanh quanh sân nhà thờ thì gặp ông chánh trương Gioan Nguyễn Đức Trí. Ông còn trẻ, đang cầm búa, đục cùng với một vài anh trong ban phục vụ sửa chữa gì đó, chúng tôi tranh thủ hỏi ngay:

Chào ông chánh trương! Quí anh em làm việc vui vẻ nhỉ! Đài Đức Mẹ xây lâu chưa mà sao đẹp thế ạ ?

Đấy là công trình mừng 60 năm thành lập giáo xứ ạ! Đài Đức Mẹ gắn liền với “nhà hài cốt ngoài trời”; tháng 11, giáo dân vừa đọc kinh kính Đức Mẹ vừa cầu cho các linh hồn người thân luôn, ấm áp lắm cô ơi!

Còn công việc gì làm cho giáo xứ “ấm áp” nữa không ạ ?

À, tháng 10, các xóm có đọc kinh. Trong một giáo khu có 4, 5 xóm. Cả xóm rước Đức Mẹ đến từng gia đình đọc. Vui nhất là Mùa Chay đi Đàng Thánh Giá qua các con đường trên địa bàn giáo xứ, còn tháng hoa thì kiệu Đức Mẹ cũng đi y như vậy

Ồ, thật là đậm “chất đạo” của giáo xứ gốc Bắc. Cảm ơn ông trùm xứ đạo. Xin chào ông và quí anh em ở đây nhé!

Lược sử hình thành và phát triển

Hình thành: Sau khi hiệp định Genève được ký kết, đất nước Việt nam chia đôi hai miền Nam Bắc và chọn vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Lúc đó một số đồng bào miền Bắc bị chiến tranh tàn phá nặng nề, muốn đi tìm cơ may xây dựng lại đời sống. Vì vậy, miền Nam vốn có tiếng là đất đai màu mỡ trù phú, đất rộng người thưa, đã lôi cuốn nhiều người dân xứ Bắc đến trú ngụ để làm ăn sinh sống. Trong hoàn cảnh “đất lạ quê người” này, đồng bào thường tập trung vào một số khu vực để cùng sớm tối có nhau.

Ngày 23-8-1954, Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Hà Nội đã đề cử Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục (GM) địa phận Bùi Chu, vào miền Nam xem xét tình hình để có thể thành lập các xứ đạo cho giáo dân miền Bắc di cư. Với quyết định này, nhiều người có một phần hy vọng khi phải rời quê cha đất tổ.

Ngày 27-8-1954, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được Đức Cha Cassaigne, GM Địa Phận Sài Gòn, uỷ nhiệm phụ trách giáo dân miền Bắc di cư đang cư ngụ tại Sài Gòn. Với sự ủy nhiệm này, Đức Cha đã cho triệu tập cuộc họp có các linh mục đại diện các địa phận di cư, để cùng bàn bạc chương trình cứu trợ và định cư cho những đồng bào miền Bắc di cư. Ngày 26-9-1954, Đức Cha gởi thư chung cho phép các linh mục di cư đến Sài Gòn được cử hành và ban các phép bí tích.

Vào thời điểm đó, huyện Gò Vấp thuộc tỉnh Gia Định ở ven đô, dân cư thưa thớt, đất bỏ trống, cây cối um tùm và đây đó rải rác những ngôi mộ. Cha Batôlômêô Nguyễn Quang Ân thấy khu đất này có thể làm trại định cư được, nên Cha qui tụ một số gia đình Công giáo gốc giáo xứ Thân Thượng, địa phận Thái Bình (Bắc Việt) đến đây lập nghiệp, dựng tạm những túp lều, những căn nhà tranh vách lá để che mưa che nắng. Lúc đó có khoảng 16 gia đình Công giáo được ổn định chỗ ở.

Vào khoảng tháng 8/1954, Cha kêu gọi giáo dân dựng một ngôi Nhà Nguyện bằng tôn để tối sớm có nơi đọc kinh cầu nguyện thờ phượng Chúa.

Phát triển: “Đất lành chim đậu”, các gia đình Công giáo di cư nhập trại nơi đây mỗi ngày một đông, những người này thuộc các họ giáo: Bình Hải, Công Bồi, Bắc Trạch, Trung Đông, Cao Mại, Thanh Châu, Đông Quan, Thạch Bích, Hà Xá, Thanh Minh, Trương Nam, Lương Đông, Lai Tê, Đồng Lệ, Từ Châu.

Đầu năm 1955, Cha Batôlômêô Nguyễn Quang Ân đang dưỡng bệnh, cha Giuse Phan Quang Tú được sai về coi sóc họ đạo. Cha cùng với các ông trùm họ phân chia đất thành lô để các gia đình dựng nhà theo từng dãy, có ranh giới từng khu xóm với những con đường hẻm.

Ngày 07/10/1955, ĐC Phêrô M. Phạm Ngọc Chi chính thức bổ nhiệm Cha Giuse Phan Quang Tú làm cha sở và giáo xứ chính thức được thành lập lấy tên là giáo xứ Thái Bình, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng. Nhưng vì số gia đình còn ít nên những dịp Thêm sức thường cử hành chung với giáo xứ Hà Nội.

Ngày 20.09.1956, Toà Thánh ban quyết định bình thường hoá các giáo xứ di cư miền Bắc trực thuộc quyền các Giám Mục địa phương. Một năm sau, ngày 04/11/1957, ĐGM Si-mon Hòa Nguyễn Văn Hiền GM Sài Gòn ban thư chung công nhận các giáo xứ di cư. Giáo xứ Thái Bình trở thành một giáo xứ thuộc GP Sài Gòn, thuộc Hạt Xóm Mới, nằm trên địa bàn xã An Nhơn, tỉnh Gia Định, nay là phường 13, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.

Tháng 5/1955, số giáo dân ngày càng tăng, nhà nguyện thì quá nhỏ, cha xứ cho nới rộng nhà nguyện và quân đội Pháp cho một số nguyên liệu.

Đến năm 1957, giáo xứ đồng lòng chuyển ngôi thánh đường sang khu đất mới rộng rãi, hơn, chính là khu đất hiện nay.

Vào năm 1960, cha cố Đaminh Đinh An Khang về làm chánh xứ. Mùa Chay năm 1960, Cha Đaminh cho nâng cấp ngôi Thánh Đường với vật liệu kiên cố hơn (trùng tu lần 1 và sau đó được trùng tu lần 2 và lần 3).

Năm 1976, Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình bổ nhiệm cha Giuse Vũ Minh Nghiệp về làm chánh xứ. Sau đó, cha Giuse Vũ Minh Nghiệp cho xây mới toàn bộ nhà thờ. Ngôi nhà thờ mới có kiến trúc hiện đại với tước hiệu Nhà Thờ Đức Mẹ Mân Côi giáo xứ Thái Bình.

Từ năm 2013, cha Giuse Đỗ Mạnh Cường đã nhận bài sai về làm chánh xứ Thái Bình cho đến nay.

Lời kết

Đầu năm Phụng vụ, thăm cộng đoàn mang tên “Thái Bình”, (đồng nghĩa với “hòa bình”) quả là một niềm vui lớn.

Một đoạn trong bài hát “Thái Bình hành khúc” dưới đây có thể được coi như gói ghém tất cả tâm tình đoàn kết yêu thương của giáo xứ rất đẹp này: “Thái Bình 60 năm dựng xây giáo xứ. Tiếp bước cha ông, trung thành kiên vững niềm tin. Thiên Chúa ân ban, nhờ Mẹ hằng luôn phù giúp, Cha xứ, giáo dân trung trinh hiệp nhất một lòng...”

Bài Giảng Chúa Nhật 2016 (TGPSG)

 

Top