Giáo xứ Tân Thành 2016

Giáo xứ Tân Thành 2016

Giáo xứ Tân Thành 2016

Một ngày đẹp trời cuối năm Dương lịch, chúng tôi đến thăm giáo xứ Tân Thành, thuộc hạt Tân Sơn Nhì. Ngay ở mặt tiền của đường Trường Chinh, quận Tân Bình, đã có bảng đề tên giáo xứ. Đi vào hẻm lớn khoảng 100 mét, chúng tôi đã thấy tháp chuông nhà thờ và ngôi thánh đường dần hiện ra với một dáng vẻ thật uy nghi.

CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ NĂNG ĐỘNG

Thật xúc động khi tiếp chúng tôi không chỉ có cha chánh xứ Đaminh Phạm Minh Thủy mà có bốn vị trong Hội đồng Mục vụ nữa! Chúng tôi tìm hiểu cộng đoàn giáo xứ qua câu chuyện bàn tròn thân tình.

Thưa cha, nhìn ngôi nhà thờ bề thế, con đoán cộng đoàn giáo xứ đã có một nếp sinh hoạt rất ổn định và vững mạnh ?

Cha chánh xứ: “Giáo xứ Tân Thành có địa bàn rộng, chiếm gần 100% diện tích phường 14 và khoảng 70% diện tích phường 13 quận Tân Bình. Giáo dân tại chỗ không nhiều, phần lớn là di dân đến từ những năm gần đây, sống xen kẽ với nhiều người chưa nhận biết Chúa. Tính đến nay có khoảng 600 gia đình, 4.200 nhân danh và 800 dân nhập cư. Về nề nếp sinh hoạt, xin nhường lời cho ông chủ tịch HĐMV Phêrô Vũ Văn Hiệu”.

Ông chủ tịch HĐMV: “Hội đồng Mục vụ giáo xứ chúng tôi gồm 20 người, cộng tác với cha chánh xứ điều hành các sinh hoạt của cộng đoàn. Các đoàn thể rất ổn định, như Huynh đoàn Đa Minh có 100 hội viên sinh hoạt đều đặn; Legio Mariae senior chỉ có 34 hội viên và 1 đội Junior nhưng có đến 100 hội viên tán trợ, nói lên sự hiệp thông mạnh mẽ trong lời cầu nguyện. Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm sinh hoạt theo hệ thống của giáo phận; các Bà Mẹ Công Giáo là thành phần tích cực trong giáo xứ; Thiếu Nhi Thánh Thể ở giáo xứ này không đặt nặng phần sinh hoạt mà chú tâm đào luyện về giáo lý; còn Caritas thì đầy sức sống.”

Xin cha vui lòng cho biết thêm về nhịp sống của giáo xứ ?

Cha chánh xứ: “Giáo xứ hoạt động đối ngoại rất hay như tham gia hội thi văn nghệ các tôn giáo do Mặt Trận Tổ Quốc quận tổ chức (mời tất cả các giáo xứ, chùa, nhà thờ Tin Lành trên địa bàn quận tham gia), các tiết mục của giáo xứ đoạt giải thưởng mấy năm liền. Còn hiến máu nhân đạo thì hai năm một lần. Tổ chức Cây Mùa Xuân không phân biệt tôn giáo (các ông trùm lập danh sách người nghèo; mời tập trung tại hoa viên, cùng nhau trà nước, mang đậm tính giao lưu, tạo ra được niềm vui chung trong khu vực). Ông bà hay bố mẹ tham dự thì con cháu chờ bên ngoài, rồi tíu tít đem quà về. Các cụ già được chúc thọ, vị nào không đi được tôi gửi quà tận nhà.”

Xin chị thư ký cho biết điểm đặc biệt trong công việc của giáo xứ ?

Chị Magarita Phạm Thị Ngọc Lan: “Đặc biệt, trong khu vực, khi có đám tang lương dân thì cha, Hội đồng mục vụ giáo xứ và quí ông trùm đến thăm, thắp hương rồi hát những bài ca phù hợp về cha mẹ. Nhà tang gọi cha là ông cố, còn cha thì tế nhị khi đến thăm làm sao tránh giờ cúng cơm của gia đình; có lần cha quên, làm dấu rồi xướng kinh ...(cười).

Giáo xứ còn có tình thân với chùa Kim Giác trên địa bàn giáo xứ. Nếu là lễ Giáng Sinh, “bên Chùa” đến thăm “bên Nhà thờ”, còn đến lễ Phật Đản thì giáo xứ cũng qua thăm, là chuyện bình thường. Giáo xứ còn thể hiện “tinh thần Công giáo” hơn thế nữa đối với người tôn giáo bạn, ví dụ như khi thân phụ sư trụ trì qua đời ở Long An, quí ông trùm cử một đoàn đến chia buồn cùng tang quyến...”

Anh Trưởng ban Truyền Thông giáo xứ: “Ban Truyền Thông chúng tôi làm việc khá đều đặn. Chúng tôi ghi nhận và đưa lên trang web của Tổng Giáo phận những sự kiện của giáo xứ. Đã năm năm qua, thánh lễ dành cho giới trẻ tổ chức vào tối Chúa nhật, được các anh chị em nhập cư hưởng ứng nồng nhiệt. Sau thánh lễ có sinh hoạt chung và cứ ba tháng lại có một chủ đề được đưa ra và cùng quyết tâm thực hiện.

Dịp lễ Giáng Sinh 2015, giáo xứ canh thức Giáng Sinh bằng việc lắng nghe Lời Chúa qua hoạt cảnh Giáng Sinh, có hoạt cảnh minh họa. Nhân dịp này, Ban Thánh Nhạc giáo xứ mời ca sĩ đến giao lưu với các ca đoàn; rồi Café Thánh ca được tổ chức với chủ đề Mầu Nhiệm Yêu Thương...”

Giáo xứ rất năng động như thế, hẳn công việc bác ái yêu thương không thể thiếu, phải không ạ ?

Chị thủ quỹ Têrêsa Bùi Thị Sáo: “Vâng, mỗi đoàn thể có công việc bác ái riêng. Ví dụ như hội Legio Mariae mỗi năm đều có những chuyến đi từ thiện vùng sâu vùng xa như Bình Phước, Kontum. Hội Các bà Mẹ Công Giáo và Gia Đình Phạt

Tạ Thánh Tâm làm việc bác ái theo khả năng và lĩnh vực hoạt động của từng hội đoàn.

Cứ hai tháng một lần, giáo xứ tiếp đón các đoàn đại diện từ nơi xa đến xin hỗ trợ xây nhà thờ. Danh sách giáo xứ, cộng đoàn đăng ký xin được giúp đỡ hiện nay đã sắp xếp tới thời điểm 2023.

Đặc biệt, có một đội gồm các chị chuyên hỗ trợ các cha ở nơi xa đến các nhà thờ trong GP Sài Gòn xin trợ giúp để xây nhà thờ... Việc làm của các chị đã mười mấy năm qua; có khi quí cha xin hai nhà thờ cùng lúc, các chị phải chia nhau đi xa, có khi là quận 7 hoặc Hóc Môn...”

Cha chánh xứ: “Trước đây tôi đang là cha chánh xứ Phú Quý thì tình nguyện về đây làm cha phó, sau đó làm cha sở. Sau 16 năm ở đây, tôi cảm thấy hạnh phúc tràn đầy khi tinh thần hiệp nhất giữa tôi với HĐMV và giáo dân rất hài hòa. Tôi cùng giáo dân đọc kinh Mân Côi và rước Đức Mẹ trong một liên gia; mỗi năm tôi tham gia cùng một giáo họ”.

Ông chủ tịch HĐMV: “Đời sống đức tin của giáo dân ngày càng tốt hơn, thế nên khi phát động phong trào mua Audio 700 bài giảng của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm (chúng tôi mua giá gốc tại Trung tâm Mục vụ GP về phân phối) thì anh chị em giáo dân hưởng ứng rất nhiệt tình.

Giáo xứ hiện có cơ sở vật chất tốt và rất muốn tham gia công tác tiếp sức mùa thi nhưng đang tìm nhân sự và song song đó chúng tôi phải học tập thêm kinh nghiệm từ các giáo xứ khác.

Chúng tôi ước mong có một đội ngũ kế thừa, nhiệt tình, có thời gian, có công ăn việc làm, tinh thần bác ái yêu thương... để tiếp nối chúng tôi chung tay cùng cha xứ điều hành công việc của cộng đoàn giáo xứ”.

Xin cảm ơn cha và quí vị đã giới thiệu giáo xứ Tân Thành cho quí độc giả của Tin Mừng Chúa Nhật.

MỘT LƯỢC SỬ NGẮN GỌN

Vào năm 1965, có 600 giáo dân từ Xóm Mắm (nay là phường 4 quận Tân Bình) di tản đến đây và xây lên một nhà nguyện nhỏ để kính thánh Vinh Sơn, lấy tên là Tân Thành. Đến năm 1969, Tân Thành vẫn còn là một giáo họ của giáo xứ Tân Việt.

Ngày 12 tháng 5 năm 1973, giáo xứ Tân Thành được chính thức thành lập, có cha chánh xứ đầu tiên là cố linh mục Giuse Nguyễn Thanh Khiết. Đến năm 1998, cha Đaminh Phạm Minh Thủy về làm chánh xứ cho đến ngày hôm nay.

Ngôi nhà thờ đầu tiên nhỏ bé nằm trong khu vực dân cư đông đúc sống hòa chung với bà con lương dân. Số giáo dân hiện có và di dân nhập cư gia tăng ngày càng đông, nhà thờ cũ trở nên chật chội, lại xuống cấp trầm trọng. Cha chánh xứ có những trăn trở, ưu tư của người mục tử trong hoàn cảnh cơ sở còn hạn hẹp và thiếu thốn. Làm sao thích nghi với thực tế, giúp giáo xứ phát triển ?

Cha đã bàn thảo với Hội đồng Mục vụ và các ban ngành, đoàn thể, cùng toàn thể giáo dân, quyết tâm đồng lòng phát động một chương trình tiết kiệm trong suốt mười năm. Sau đó, bắt đầu mua thêm đất, xây dựng tổng thể nhà thờ, nhà sinh hoạt mục vụ mới, khang trang, đáp ứng nhu cầu mục vụ cho giáo dân. Để hoàn thành các công trình này, ngoài sự đóng góp tích cực công sức và tiền bạc của giáo dân, cũng phải kể đến sự đóng góp rất lớn lao quý báu của quý ân nhân, quý nhà hảo tâm xa gần trong và ngoài giáo xứ, quý ân nhân hải ngoại, đã giúp sớm hoàn thành các công trình của giáo xứ.

Ngôi thánh đường mới được Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục TGP.TPHCM, đến dâng lễ Tạ ơn, khánh thành nhà thờ vào ngày 09 tháng 01 Năm Thánh 2010 trong niềm hân hoan của cộng đoàn giáo xứ. Ngày nay, đến thăm giáo xứ Tân Thành, khách vãng lai có thể thấy toàn cảnh công trình nhà thờ có kiến trúc châu Âu, hiện đại và đẹp.

LỜI KẾT

Cộng đoàn giáo xứ Tân Thành đã sống Tin Mừng rất năng động và có những đóng góp với xã hội rất hiệu quả. Chúng tôi ra về với món quà là chiếc máy Audio 700 bài Giảng do cha xứ tặng, một món quà mà giáo xứ thường mang tặng trong tâm tình truyền giáo.

(Bài Giảng Chúa Nhật 2016)

 

Top